Đạo Sư Liên Hoa sau đó nghĩ rằng, “Để nhà vua và thần dân Tạng thực sự tin tưởng vào giáo lý của Ta, chúng cần được mang từ Ấn Độ đến Tây Tạng”.
Ngài nói với vua Trisong Deutsen rằng, “Hỡi Đức Vua Tôn Quý, để nhà vua và thần dân Tạng thực sự tin tưởng vào giáo lý của Ta và để ngài đoạn tuyệt các chướng ngại trong tư tưởng, ngài phải cử người đi thỉnh cầu giáo lý Kim Cương Thừa, các chỉ dẫn để thành tựu Đại Ấn tối thắng chỉ trong một đời, từ chư vị đạo sư Ấn Độ uyên bác, thành tựu. Nếu không thành tựu giả nào xuất hiện ở Tây Tạng, các thế hệ tương lai sẽ không có niềm tín tâm”.
Vua Trisong Deutsen chấp thuận. Đại Sư Bồ Tát truyền giới cho năm người Tây Tạng là: Nub Namkhai Nyingpo, Drugu Epagsha, Lang Palgyi Yeshe, Ruley Singharaja, và Drey Gyalwey Lodro. Đức Vua lấy đá cuội từ dưới chân họ và đặt chúng lên đầu ngài. Ngài ban chỉ dụ rằng năm vị này cần được kính trọng như những đối tượng tôn kính tối thượng. Đức Vua yêu cầu họ trau dồi việc dịch thuật từ Ấn ngữ sang Tạng ngữ. Ngài ban cho mỗi vị một drey bụi vàng và cử họ tới Ấn Độ để tìm kiếm giáo lý Mật thừa.
Trên đường sang Ấn Độ, các dịch giả trải qua nhiều khó khăn. Ở vùng phía Đông Kamarupa, họ gặp một phụ nữ Ấn Độ và hỏi, “Xin hãy cho chúng tôi biết danh hiệu của các đạo sư đã thành tựu giáo lý Mật thừa hiện nay?”.
Bà đáp, “Ở Rừng Kim Sí Điểu Đá Vàng có một đạo sư tên là Hungkara”.
Năm dịch giả đến nơi ở của Đại Sư Hungkara. Họ trao một ít vàng cho thị giả Saukhya Deva và thưa rằng, “Chúng tôi được vua Tạng cử tới để thỉnh cầu giáo lý từ đạo sư. Xin hãy giúp chúng tôi được đỉnh lễ ngài”.
Vị thị giả đáp rằng, “Đại Sư đang nhập định bên trong ngôi nhà được bao quanh bởi 9 lớp tường. Tôi không thể gặp ngài, nhưng tôi có thể đưa các ông vào trong. Hãy đến trước Đại Sư, dâng cúng ngài và thỉnh cầu giáo lý. Sau đó, ngài sẽ chấp thuận”.
Ông ta mở cánh cổng dẫn đến ngôi nhà với 9 bức tường liên tiếp, và năm vị tỳ kheo người Tạng tiến đến trước Đại Sư(1) (Biên Niên Sử Tràng Hoa Hoàng Kim nói thêm rằng ban đầu Đức Hungkara không chấp thuận, nói rằng, “Một số tinh linh xấu xa Tây Tạng đã đến. HUM HUM!” Đồng thời, Ngài phóng ánh sáng từ miệng và năm dịch giả người Tạng ngất đi vì sợ hãi.). Họ lễ lạy, cúng dường vàng và thưa rằng, “Đại Sư, chúng con được Pháp Vương của Tây Tạng cử tới để tìm kiếm một giáo lý mà nhờ đó người ta có thể thành tựu Đại Ấn tối thắng chỉ trong một đời. Xin hãy ban nó cho chúng con, Đại Sư. Nếu không nhận được giáo lý, chúng con sẽ bị trừng phạt. Hãy chấp nhận chúng con với lòng bi mẫn của ngài, hỡi Đại Sư!”.
Đạo Sư Hungkara đáp, “Lành thay! Đức Vua Tây Tạng có bản tánh của một Bồ Tát lại biết phát tâm với Phật Pháp. Cũng lành thay khi các con, những tỳ kheo đã vượt qua bao khó khăn và không tiếc mạng sống để tới gặp Ta. Vì thế, chúng ta đã có nối kết nghiệp. Đầu tiên, các con phải thọ nhận quán đảnh.
Quán đảnh là gốc rễ của Mật thừa. Không nhận quán đảnh, người ta chẳng thể được nghe giải thích về Mật thừa và không thể thực hành”.
Nói vậy, Đức Hungkara khai mở mạn-đà-la 68 Trăng Lưỡi Liềm, ban quán đảnh và nhờ đó, cho họ thấy linh kiến về 68 Heruka. Sau đó, ngài từng bước mở ra các mạn-đà-la 58 Trăng Lưỡi Liềm, 9 Trăng Lưỡi Liềm và Một Trăng Lưỡi Liềm, và Ba Tầng Ba Trăng Lưỡi Liềm và cho họ thấy linh kiến về các Bổn Tôn.
Đức Hungkara sau đấy ban quán đảnh Thuốc Cam Lồ và khai mở linh kiến về các Bổn Tôn dựa trên ba mạn-đà-la của nghi quỹ y dược: Nghi Quỹ Đoạn Hoa Sen Tám Cánh, Nghi Quỹ Bột Bánh Xe Tám Nan Hoa, và Nghi Quỹ Hỗn Hợp Ướt Chất Thể Samaya Của Chín Vầng Trăng Khuyết.
Kế đó, Đức Hungkara gia trì trường thọ cho họ trong ba mạn-đà-la và ban quán đảnh sự sống bất tử: Nghi Quỹ Trường Thọ Chư Diệu Cát Tường, Nghi Quỹ Trường Thọ Hư Không Bí Mật Minh Phi và Nghi Quỹ Trường Thọ Hư Không Viên Mãn Bí Mật.
Ngài cũng ban quán đảnh về hành năng Mật thừa trong ba mạn-đà-la: Nghi Quỹ Bản Tánh Thanh Tịnh Nguyên Sơ Của Tâm Giác Ngộ, Nghi Quỹ Bồ Đề Tâm Hợp Nhất Của Hư Không Thanh Tịnh và Nghi Quỹ Bồ Đề Tâm Giải Thoát Từ Bi Thanh Tịnh.
Sau khi giải thích cách thức hành trì các nghi quỹ này, ngài biên soạn bản thực hành hằng ngày Vishuddha và nói rằng, “Bây giờ, hãy thực hành miên mật trong một năm, có vài dấu hiệu và sau đó, các con có thể trở về Tây Tạng”(1)
(Biên Niên Sử Tràng Hoa Hoàng Kim nói thêm rằng năm dịch giả người Tạng đều sở hữu một vài thành tựu nhỏ: Namkhai Nyingpo, vô cùng thông minh, tinh tấn và sở hữu công đức lớn lao, có thể đi bằng chân cách mặt đất một bàn tay, 28 vị nữ thần Ishvari tuân theo lệnh Ngài, và thực sự Ngài có thể hợp nhất với 7 dạng nữ thần trí tuệ. Ru-yong Virya có thể hiển bày nhiều thần thông khác nhau, Drugu Epagsha sáng ngời với ánh sáng trí tuệ, và Gyalwey Lodro có thể hồi sinh người chết, thậm chí sau 7 ngày. Một lý do khác khiến họ muốn trở về Tây Tạng là bởi đã nhận được lá thư từ vua Trisong Deutsen nói rằng các thượng thư đã tung tin đồn xấu rằng các dịch giả chẳng nghiên cứu gì ngoài tà thuật và họ có ý định chiếm vương quốc khi trở về. Lo sợ rằng tất cả sẽ vô nghĩa nếu họ không trở về nhanh, họ xin phép được trở về. Mặt khác, Đức Hungkara răn họ như sau: “Cuộc đời các con sẽ bị đe dọa nếu các con mang Mật thừa thâm sâu về xứ Tạng mà chưa thực hành xong được hơn một mạn-đà-la. Hãy ở lại thêm một năm và tiếp tục thực hành nghi quỹ! Hãy tạo ra một số dấu hiệu thành tựu thực sự, sau đó các con có thể trở về Tây Tạng”).
Năm tỳ kheo Tây Tạng trao đổi với nhau về những cảm nhận khác nhau của họ về những gì mà Đại Sư Hungkara đã dạy. Lang Palgyi Yeshe nói rằng, “Như tôi thấy, Đại Sư sợ rằng Pháp sẽ được truyền bá tới Tây Tạng. Bởi người Ấn thường khư khư giữ lấy Phật Pháp, tính mạng chúng ta đang gặp nguy hiểm”.
Nub Namkhai Nyingpo vặn lại, “Mẹ không bao giờ giết con. Đại Sư không ban lời khuyên lừa dối nào. Kẻ không nương theo lời dạy của Thầy mình và xem thường lời khuyên của ngài sẽ đọa địa ngục. Tôi sẽ không đi; các vị có thể đi nếu muốn”.
Khi bốn người họ chuẩn bị trở về Tây Tạng, Đại Sư đã gia trì lên một dao găm bằng gỗ tếch và trao nó cho Palgyi Yeshe. “Hãy cầm nó trên tay khi con đi và cắm nó ở gối khi con ngủ. Con sẽ gặp nhiều chướng ngại”.
Bốn vị tỳ kheo khởi hành về Tây Tạng. Khi họ ngủ bên bờ một cái hồ ở Nêpan, Palgyi Yeshe đã cắm dao găm xuống đất chỗ gối đầu của ông. Drugu Epagsha rút dao găm ra khỏi chiếc gối. Bởi vì trước đây họ không tin tưởng những lời của Đại Sư, nên có một con rồng ác, nó sống trong hồ đó, với tên gọi là Chúa Tể Đầm Lầy Đen, nó đã biến thành một con rắn đen và giết chết Palgyi Yeshe bằng một vết cắn vào ngón chân út.
Ba vị tỳ kheo sau đó trở về gặp vua Trisong Deutsen, dâng giáo lý và tường thuật lại câu chuyện về hai người còn lại. Nhà vua không tin họ. Các thượng thư xấu ác ghen tỵ với Phật Pháp, nói rằng, “Trong năm người được cử tới Ấn Độ, hai người không trở về, bởi thế, ba người còn lại sẽ bị lưu đày”. Drey Gyalwey Lodro bị lưu đày ở To-yor Nagpo thuộc phương Bắc; Drugu Epagsha tới thung lũng Shangshung; và Ruley Singharaja bị lưu đày ở Dokham Hạ.
Ở Ấn Độ, Đại Sư biên soạn một luận giảng mở rộng tựa ngọn đèn cho Mật Điển gốc của Nghi Quỹ Vishddha, và giải thích cho Namkhai Nyingpo. Ngài ban Độc Hỏa Tịnh và Độc Thiên Linh, tiêu biểu cho kinh văn của Vishuddha, như tim trong ngực(1) (Chi tiết về đoạn này có thể được tìm thấy trong Biên Niên Sử Tràng Hoa Hoàng Kim.). Bằng cách thực hành một năm ở Rừng Kim Sí Điểu Đá Vàng, Namkhai Nyingpo đã có một linh kiến về Đấng Vinh Quang cùng vị phối ngẫu. Ông đạt được những thành tựu thông thường và siêu việt.
Đại Sư sau đó bảo với Namkhai Nyingpo rằng, “Bây giờ đã đến lúc con trở về Tây Tạng”.
Trở về Tây Tạng một cách kỳ diệu, Namkhai Nyingpo đến gặp vua Trisong Deutsen và thưa rằng, “Hỡi Đức Vua, thần đã có một giáo lý để ngài thực hành giúp thành tựu Phật quả. Nó được gọi là Nghi quỹ Vishuddha Vinh Quang”.
Sau đó, Namkhai Nyingpo nói rằng:
Nghi quỹ Vishuddha duy nhất này
Là hiện thân đại hỷ lạc của Chư Phật,
Pháp du già thâm sâu hoàn thiện ba thân,
Thần thông của chư Dakini, hỷ lạc tối thắng.
Nói vậy, Namkhai Nyingpo mổ phanh ngực bằng lưỡi dao cong làm từ bạc trắng. Ngài chỉ cho vua Trisong Deutsen thấy linh kiến về 42 vị Bổn Tôn an bình ở phần ngực trên và 58 vị Bổn Tôn Heruka ở phần dưới. Vua Trisong Deutsen cảm thấy tin tưởng những lời dạy và ý nghĩa trọng yếu. Vua cũng cảm thấy tin tưởng vào các vị Bổn Tôn và bậc Đạo Sư. Đức Vua lễ lạy, cúi đầu với lòng sùng mộ lớn lao.
Từ đó trở đi, vua Trisong Deutsen xem Namkhai Nyingpo như đối tượng tối thượng của lòng kính trọng. Từ ngài, Đức Vua thọ nhận Nghi Quỹ Vishuddha Vinh Quang. Nhưng các thượng thư ghen ghét nói rằng, “Đức Vua không nên biến một thần dân trở thành đạo sư. Điều đó gây tổn hại lớn tới luật hoàng gia và không đúng theo truyền thống”. Sau đó, Đức Namkhai Nyingpo bị lưu đày tới Kharchu ở Lhodrak.
Đức Namkhai Nyingpo đã thực hành nghi quỹ tại Núi Đá Dao Găm Sắt ở phía Tây. Các dấu hiệu thành tựu trong thực hành của ngài là đèn bơ tự nhiên được thắp lên, ngài để lại dấu thân, dao găm đâm xuyên đá rắn và ngài có thể du hành bằng cách cưỡi trên các tia sáng mặt trời.
Một thời gian sau, vua Trisong Deutsen ngã bệnh, và không nghi lễ chữa lành nào giúp ích được. Dù bao nhiêu lễ cúng dường cứu chuộc và quẻ chiêm tinh được thực hiện, nhưng chúng cũng không đem lại kết quả. Một quẻ chiêm tinh chỉ ra rằng mọi phương pháp đều vô ích, ngoại trừ việc thỉnh mời Đức Namkhai Nyingpo trở lại. Hai sứ giả được cử tới Lhodrak, nơi đó họ thỉnh cầu Đại Sư. Đức Namkhai Nyingpo đáp, “Hai người hãy đi trước, Ta sẽ theo sau”.
Đại Sư bảo hai người đi trước, những ngài đã đến trước họ bằng thần thông.
Đạo Sư Namkhai Nyingpo được hỏi rằng, “Cần phải làm gì để chữa lành cho Đức Vua?”.
Ngài đáp rằng, “Ta không cần điều gì khác ngoài thứ mà Đức Vua đã ăn và uống. Hãy đem đến cho Ta!”.
Đức Namkhai Nyingpo sau đó dùng thức ăn của nhà vua để thực hiện một lễ tiệc cúng dường và tự mình dùng nó. Khi ngài dùng khoảng một phần ba, người hầu cận hỏi vua Trisong Deutsen về sức khỏe, Đức Vua đáp rằng, “Một người phụ nữ thân trắng đến và đánh Ta một roi. Ta cảm thấy tốt hơn một chút”. Điều này giúp phục hồi các mật nguyện bị hư hỏng về thân, điều mà Đức Vua phạm phải khi trục xuất Kim Cương Thượng Sư của ngài.
Khi Đức Namkhai Nyingpo dùng hai phần, một người hầu cận lại hỏi vua Trisong Deutsen về sức khỏe của ngài, Đức Vua nói rằng, “Một người phụ nữ thân nâu đã đến và đánh ta một roi. Bây giờ Ta cảm thấy khỏe hơn nhiều”. Điều đó phục hồi sự phá hỏng mật nguyện về ngữ.
Khi Đạo Sư Namkhai Nyingpo ăn xong, một người hầu lại hỏi vua Trisong Deutsen về sức khỏe, và lần này, Đức Vua nói rằng, “Một phụ nữ thân đen đến và đánh Ta một roi. Giờ đây, Ta chẳng cảm thấy chút bệnh tật nào”. Điều đó phục hồi sự phá hỏng mật nguyện về tâm của Đức Vua.
Sau đó, các thượng thư nói rằng, “Đây là bằng chứng cho thấy rằng hai người họ, Đức Vua và Namkhai Nyingpo đơn giản muốn gặp lại nhau”. Họ muốn trừng phạt Đức Namkhai Nyingpo và bảo rằng, “Này nhà sư, khi mặt trời sắp lặn, ngài có thể gội đầu cho Đức Vua, nhưng ngài sẽ bị trừng phạt nếu không rời đi khi mặt trời lặn”, Đức Namkhai Nyingpo cắm dao găm bằng gỗ tếch ở ranh giới giữa mặt trời và bóng của nó. Sau đó, Ngài gội đầu cho Đức Vua. Khi đã dừng mặt trời trong khoảng nửa ngày, Đức Namkhai Nyingpo nói rằng, “Bây giờ, hãy lùa gia súc về nhà”. Lúc Ngài rút dao găm ra khỏi ranh giới, mặt trời đỏ rực và biến mất.
Các thượng thư kinh hãi, “Vị tăng phù thủy đã tiến hành tà thuật với chúng ta.
Hắn phải bị giết. Vua Trisong Deutsen và Đạo Sư đang trên đường đến đây; hãy cùng chờ họ”. Nhất trí như vậy, họ phục kích Đức Vua và Namkhai Nyingpo.
Đức Namkhai Nyingpo biết điều này và thốt lên một cách phẫn nộ, “HUM HUM!”. Một tia sét xé toạc bầu trời và quay quanh đầu ngón tay của ấn đe dọa, khiến vài thượng thư xấu xa bị ngất tại chỗ, trong khi số khác choáng váng vì sợ hãi. Thậm chí vua Trisong Deutsen cũng kinh sợ.
Đạo Sư hỏi, “Đức Vua, ngài có bị giật mình chút nào không?”.
Đức Vua đáp, “Ta hoàn toàn hoảng sợ. Hỡi Đạo Sư, âm thanh chữ HUM của ngài thậm chí còn kinh sợ hơn tiếng sấm sét. Điều này sẽ nhiếp phục những thượng thư đầu óc đen tối trong một lúc”.
Đức Namkhai Nyingpo bay lên trời và trở về Kharchu ở Lhodrak.
Đây là chương mười ba trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách thức năm vị Tăng người Tây Tạng đến Ấn Độ tìm kiếm giáo lý và việc Đức Namkhai Nyingpo thành tựu.
Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Liên Hoa Trí
Trích: Đấng Sinh Trong Hoa Sen – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh