Vua Trisong Deutsen lúc này thỉnh mời Đại Sư Danashila uyên bác từ xứ Singala và Đức Kamalashila từ Trung Hoa. Trước đây, ngài mời Đại Sư Bồ Tát xứ Sahor, Đức Vimalamitra từ Kashmir, và Đạo Sư Padmakara xứ Uddiyana. Như vậy, ngài mời năm đạo sư uyên bác và thành tựu vĩ đại.
Các dịch giả lúc này gồm Kawa Paltsek, Chokro Lui Gyaltsen, Nanam Yeshe Dey, Ma Rinchen Chok, và Nyag Jnana Kumara. Các dịch giả phụ là Denman Tsemang, Namkhai Nyingpo, Ba Atsara Yeshe Yang, Gobum Yujin, Loki Chung và nhiều vị khác. Theo cách này, mở rộng lời thỉnh mời tới vô số dịch giả và học giả, Vua Trisong Deutsen thỉnh cầu Pháp được giảng dạy.
Đạo Sư Padmakara không sinh ra từ bào thai, mà từ một bông sen. Nói chung, bởi ngài là Đấng Điều ngự chúng sinh tam giới và sở hữu sức mạnh soi sáng ba cấp độ sinh tồn, tất thảy các vị trời và ma quỷ ở Ấn Độ và Uddiyana dâng ngài mạng sống. Đặc biệt, ngài trói buộc tất cả trời, ma quỷ, và dạ xoa ở Tây Tạng. Bởi đã điều phục vùng đất Samye, ngài ngự trên tòa sư tử ba tầng.
Đạo Sư Vimalamitra là vị lỗi lạc nhất trong năm trăm học giả. Ngài trở thành cầu nối để tất cả Phật Pháp được dịch sang tiếng Tạng và nắm vững đại dương chỉ dẫn; mọi giáo lý Kim Cương Thừa ngoại và nội, cũng như Luật, Kinh, Luận Tạng. Bởi ngài đã thành tựu trí nhớ hoàn hảo và thấu suốt mọi giáo pháp không một chút mê mờ, ngài ngự trên ngai sư tử hai tầng.
Đại Sư Bồ Tát được trang hoàng bởi ba sự tu tập quý giá và hiểu mọi Pháp không chút sai lầm. Nhưng, bởi ngài là đạo sư đầu tiên của triều đình, ngài ngự trên ngai sư tử với ba tấm nệm.
Nhị vị đạo sư Danashila và Kamalashila sở hữu vô số phẩm tính của sự nghiên cứu, vì thế mỗi vị ngự trên một ngai sư tử.
Dịch giả Vairochana được cử đến Ấn Độ để thỉnh cầu giáo lý và gặp nhiều đạo sư uyên bác và thành tựu. Ngài hiểu mọi giáo pháp và đạt tới thành tựu tối thắng. Người đồng hành đầy tham vọng của ngài, Lekdrub, trở về sớm hơn và bị sát hại bởi lính gác biên giới. Đức Vairochana, sau khi thành tựu thuật phi hành, đã trở về sau đó. Ngài bị truy đuổi bởi khinh bộ binh từ Ấn Độ, nhưng không để bị bắt, và đánh lừa lính bộ binh hay lính gác nào đuổi theo nữa. Ngài có thể dịch từ hai mươi mốt ngôn ngữ và vì thế siêu việt hơn các dịch giả khác. Ngài bị lưu đày tới Gyalmo Tsawarong nhưng không chết, mặc dù bị ném vào hồ rận và ếch. Bởi ngài là một Bồ Tát trụ trong các địa, ngài ngồi trên ngai sư tử. Các dịch giả khác ngồi trên nệm lụa.
Vua Trisong Deutsen dâng mạn-đà-la vàng lên mỗi dịch giả và học giả. Ngài cúng dường họ trà Trung Hoa, gola Nê-pan, rượu Tây Tạng, rượu gạo Ấn Độ và nhiều thứ khác tuỳ theo sự mến mộ của Đức Vua. Ngài còn dâng tặng họ vô số tặng phẩm thông thường khác. Đức Vua lễ lạy, đi nhiễu và cuối cùng nói rằng:
EMAHO, Đạo Sư Padmakara xứ Uddiyana,
Đại Sư Bồ Tát xứ Sahor,
Đạo Sư Vimalamitra xứ Kashmir,
Đạo Sư Danashila xứ Singala,
Đạo Sư Kamalashila xứ Trung Hoa,
Đại Dịch Sư Vairochana,
Cùng các dịch giả và học giả khác,
Những đối tượng kính trọng của Ta,
Bởi Ta đã phát nguyện trở thành vị vua nắm giữ Giáo Pháp,
Ta thỉnh cầu các ngài dịch sang tiếng Tạng, tất thảy
Những lời dạy và luận giải của Đức Phật, cùng mật điển, kinh văn và chỉ dẫn.
Hãy chuyển bánh xe Pháp thiêng!
Hãy nhóm lên ngọn đuốc Pháp thiêng!
Hãy ban mưa Pháp cam lồ!
Hãy thổi ốc Pháp thiêng!
Hãy gióng trống Pháp thiêng!
Vua Trisong Deutsen sau đó thỉnh mời tất cả các dịch giả và học giả đến Chùa Palo Cao Quý. Ở Chùa Bồ Đề, họ phát những đại nguyện; trong Chùa Tịnh Hóa, họ tắm; trong Chùa Di Lặc, họ tiên đoán; trong Chùa Thiền Định, họ thiết lập một trung tâm thiền định; trong Chùa Dịch Thuật, họ chuyển dịch kinh sách; và trong chùa Vishva, họ giảng giải các thừa. Như thế, chư vị thiết lập Pháp hội trong khoảng thời gian mười ba năm. Các ngài thuyết giảng Phật Pháp, chuyển dịch từ tiếng Ấn Độ, Uddiyana, Sahor, Kashmir, Singala và Trung Hoa.
Đạo Sư Jnanamitra, Danashila và Kamalashila và dịch giả Kawa Paltsek, Chokro Lui Gyaltsen và Nanam Yeshe Dey chuyển dịch tất cả Kinh điển. Các ngài dịch Gò Ngọc Báu, Phật Hoa Nghiêm, và ba bản mở rộng và trung bình của kinh văn Bát Nhã Ba-la-mật.
Đại Sư Bồ Tát, các dịch giả khác và Denma Tsemang dịch mọi bản văn gốc của Luật Tạng, Kinh Tạng và Luận Tạng. Đạo Sư Kamalashila và Rinchen Chok dịch nhiều Kinh điển từ tiếng Trung, bao gồm Bản văn Bách Kính Lễ Phục Hồi Giới Nguyện. Đạo Sư Vimalamitra và dịch giả Jnana Kumara dịch nhiều giáo lý ngoại và nội của Mật thừa. Đạo Sư Liên Hoa cùng các dịch giả Namkhai Nyingpo và Vairochana dịch nhiều Mật điển thuộc về Tám Giáo Lý Nghi Quỹ. Đặc biệt, Đức Vairochana hỏi Đại Sư Liên Hoa nhiều vấn đề về Mật thừa và biên soạn vô số giáo lý dưới hình thức vấn đáp từ những trao đổi này.
Đây là chương mười bảy trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách thức giáo pháp được chuyển dịch và thiết lập ở Samye.
Đức Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Liên Hoa Trí
Nguồn: Đấng Sinh Trong Hoa Sen – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh