Vua Trisong Deutsen sau đó ngẫm nghĩ sâu xa và hình thành ý định này, “Ở Tây Tạng, ta sẽ khiến Pháp thiêng chiếu tỏa như mặt trời mọc. Vì thế, Ta phải thỉnh mời Đại Sư Vimalamitra, người nổi tiếng uyên bác nhất trong năm trăm học giả ở Ấn Độ[1]”.
Đạo Sư Vimalamitra là một hóa thân của Đức Đại Bi. Vua Phật tử Ấn Độ Ashoka có một người con gái tên là Dharmabodhi, với vẻ đẹp quyến rũ giống như một thiên nữ. Lần nọ, khi ngủ trong vườn hoa, cô nằm mộng rằng một người đàn ông đẹp trai trắng trẻo đến và ban phước cho cô bằng bình chứa đầy cam lồ. Khi chất lỏng chảy qua đỉnh đầu, toàn thân cô tràn đầy hỷ lạc.
Sau hai mươi mốt ngày, không một chút đau đớn nào, cô sinh ra một bé trai. Nghĩ rằng thật xấu hổ khi sinh ra đứa bé mà không có chồng, cô bế đứa bé đi và bỏ cậu lại hoang mạc.
Sau đó khi cô đi tìm đứa trẻ, cậu đang ngồi với đôi mắt mở to và tỉnh táo. Thương con, cô đưa về nhà và nuôi dạy.
Năm tháng trôi qua, cậu bé lớn nhanh hơn nhiều những đứa trẻ khác. Năm năm sau, cậu tới tu viện Nalanda. Từ các học giả ở đây, cậu nghiên cứu năm ngành khoa học và Tam Tạng. Đặc biệt cậu trở nên uyên bác về mọi Mật Điển.
Sau đó cậu thọ giới xuất gia từ Đạo Sư Shri Singha và được ban danh hiệu Vimalamitra –Vô Cấu Hữu. Sau đó, cậu trở thành vị lỗi lạc nhất trong các bậc uyên bác, Vimalamitra trở thành thầy tế cho vua Dharmachakra và ngụ tại tu viện Vikramashila với năm trăm học giả.
Vua Trisong Deutsen trao mỗi người một drey bụi vàng cho Kawa Paltsk, Chokro Lui Gyaltsen và Ma Rinchen Chok. Ngài phái họ lên đường với mệnh lệnh rằng, “Hãy cúng dường vàng cho vua Phật tử Dharmachakra tại chùa Vikramashila xứ Ấn Độ. Thỉnh cầu Đức Vua cử một học giả giỏi về cả giáo lý ngoại và nội. Các ông, những dịch giả sẽ thỉnh mời học giả và quay về!”
Ba dịch giả dâng vàng lên vua của Vikramashila và thưa rằng, “Bởi ngài là quốc vương, hộ trì giáo pháp, Vua Trisong Deutsen, vị vua Phật tử của Tây Tạng, thỉnh cầu ngài cử một học giả tinh thông về cả giáo lý ngoại và nội”.
Vua Dharmachakra đáp, “Được, chúng ta phải thỉnh của hội đồng năm trăm học giả, những vị sẽ đến vào trưa mai”.
Trưa hôm sau Đức Vua triệu tập năm trăm học giả, dâng lên họ một mạn đà la vàng và nói rằng, Vua Tây Tạng dâng tặng vàng cho Ta và yêu cầu cử một học giả giỏi về cả giáo lý ngoại và nội. Ngài đã cử ba dịch giả này đi hộ tống, bởi thế Ta khẩn cầu vị uyên bác nhất trong các ngài hãy chấp nhận”.
Đạo Sư Vimalamitra, uyên bác nhất trong năm trăm học giả, ngồi ở hàng giữa. Tất thảy năm trăm học giả – hai trăm năm mươi vị bên phải và hai trăm năm mươi vị bên trái – nhìn về phía Đại Sư và nhà vua nói rằng, “Điều này nghĩa là ngài phải đi”.
Đức Vimalamitra suy nghĩ rằng, “Vua Tạng có thể có niềm tin lớn lao với Pháp, nhưng các thượng thư lại thù ghét giáo lý Phật Đà. Họ đã lưu đày dịch giả Vairochana. Ta không chắc có thể điều phục được họ. Tuy nhiên, Ta không thể quay lưng lại với niềm tin của Vua Tạng. Để không trái mệnh lệnh của Vua Ấn Độ, Ta phải đi!”. Nghĩ như vậy, ngài đứng dậy và thốt lên “Bodhisattva dathim!” ba lần.
Ba dịch giả hiểu điều này theo các cách khác nhau. Kawa Paltsek hiểu rằng ngài đồng ý đi, nói:
Khi mũi tên giương lên bởi cây cung
Nó được bắn đi bởi sức mạnh từ tay cung thủ,
Mũi tên có thể chạm đích.
Rinchen Chok hiểu rằng ngài đồng ý đi, nói:
Khi con thuyền được nâng đỡ bởi đại dương
Được chèo bởi sức mạnh của con người với mái chèo,
Nó có thể vượt qua biển cả.
Theo sự hiểu của Chokro Lui Gyaltsen, nó nghĩa là:
Ở một nơi không phải quê hương mình,
Người với những phẩm tính
Sẽ rót vào dòng sông tâm thức
Từ chiếc bình đầy của thân ngài.
Khi nhận được sự cho phép của nhà Vua và mọi học giả, các dịch giả thỉnh mời Đại Sư Vimalamitra. Ngài tới Samye, cầm kapali to bằng bốn ngón tay, trên đó có tám chữ Ấn Độ. Vua Trisong Deutsen và dân chúng mở tiệc chào đón ngài. Khi Đức Vimalamitra đến Samye, họ đưa ngài tới Khorsa Chenmo. Đại Sư không lễ lạy Đức Vua cũng không tỏ lòng tôn kính các linh tượng. Bởi vậy, các thượng thư nói rằng, “Trong quá khứ, chúng ta đã mời nhiều học giả đến chùa. Trong tương lai, chúng ta cũng sẽ mời họ. Tại sao, ngài, một học giả, không lạy Đức Vua cũng không cung kính trong chính điện?”
Vimalamitra đáp, “Ta không biết ý nghĩa của việc kính lễ”.
Vimalamitra đáp, “Ta kính lễ bằng việc bất khả phân với bổn tôn. Bởi điều này, các bổn tôn biểu tượng không thể chịu nổi việc hành lễ của Ta. Vì thế, Ta không lễ lạy trước tượng của một Bổn tôn. Ta cũng không lễ lạy trước một vị vua”.
Vua Trisong Deutsen nghĩ, “Ta tự hỏi liệu ngài là một vị thầy Phật giáo hay ngoại đạo”.
Vimalamitra đọc được ý nghĩ này và nói, “Đức Vua, ngài không hài lòng sao?”.
Sau đó, Đức Vimalamitra mặc Pháp y và kính lễ bức tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, bức tượng dành cho thực hành riêng của Đức Vua, nói rằng:
Vimalamitra, Bổn tôn trí tuệ kính lễ
Vairochana, sắc thân của Bổn tôn tối thắng,
Trong trạng thái hư huyễn tương đối.
Với động tác kính lễ này, bức tượng nứt từ trên đỉnh xuống tới bệ. Vua Trisong Deutsen nghĩ rằng, “Ngài thực sự là vị thầy tà giáo”, và vô cùng thất vọng.
Vimalamitra lại hỏi, “Đức Vua, ngài không hài lòng sao?”.
Đức Vua đáp, “Ta không hài lòng”.
Làm cử chỉ kính lễ khác, Đức Vimalamitra thốt lên rằng:
Sắc uẩn của Vimalamitra
Trao quán đỉnh chân chính với ngũ trí
Cho Vairochana, Bổn tôn trí tuệ tối thắng.
Đặt tay ngài lên đỉnh đầu bức tượng Tỳ Lô Giá Na, bức tượng trở nên oai nghiêm hơn trước. Vô số hào quang phát ra, tràn ngập Chùa Trung Tâm Ba Tầng. Tiếp đến, Đại Sư Vimalamitra tiến hành lễ thánh hóa bằng cách phóng vô số hào quang vào mọi linh tượng ở chùa Samye.
Vua Trisong Deutsen sau đó thốt lên rằng, “Kính lễ Đạo Sư!” Đức Vua lễ lạy và nói rằng, “Bên ngoài, ngài đắp y tỳ kheo, nhưng bên trong, ngài là một vị Yogi thành tựu Mật thừa. Vì thế Ta không yêu cầu ngài phải kính lễ Ta!”.
Đức Vimalamitra đáp rằng, “Bởi ngài là một vị vua xiển dương giáo pháp ở Tây Tạng, Ta chắc chắn phải kính trọng ngài”. Ngài chắp tay và vô số ánh sáng từ tay ngài chiếu ra làm cháy sém quần áo của Đức Vua. Sau đó, Đức Vua lại tự mình lễ lạy.
Vua Trisong Deutsen thỉnh cầu Đại Sư Vimalamitra ngự trên ngai sư tử với chín lớp nệm và dâng lên ngài áo choàng gấm lớn, nhiều thức ăn và một bình bạc chứa đầy ba drey bụi vàng. Đại Sư dường như không hài lòng và chẳng nói lời nào, bởi thế Đức Vua nghĩ rằng, “Người đàn ông tham lam từ miền Nam Nê-pan này vẫn chưa thoả mãn!”.
Đại Sư biết vậy và nói, “Đức Vua, hãy nâng tay áo của ngài lên!”. Nhà vua làm vậy và Đức Vimalamitra đổ ba drey cát vào tay áo và nói, “Hãy giữ vậy một lúc!”. Vua Trisong Deutsen không thể giữ lâu và thả nó xuống. Cát sau đó biến thành vàng và Đại Sư bảo, “Đại Vương, với Ta, mọi hình tướng đều là vàng. Nhưng để hoàn thành những ước nguyện của ngài, chỉ lúc này, Ta sẽ chấp nhận món quà!”.
Trên bãi cỏ phía trước chùa trung tâm, người ta dựng lên một Pháp toà, và Đức Vimalamitra được thỉnh cầu thuyết pháp. Đại Sư quán chiếu, “Trước đây, Vairochana giảng dạy Quả thừa, nhưng nó không điều phục người Tạng và ngài bị lưu đày. Vì thế, Ta phải dạy dần dần, bắt đầu với Nhân thừa”.
Khi ngài đang thuyết giảng về nhân thừa triết học[2] cho Vua Trisong Deutsen và các thượng thư, Đức Vua yêu cầu trà từ vùng Shangpo. Trên đường đi, những thương lái đến Gyalmo Rongkhar, nơi Đức Vairochana hỏi họ, “Các ông từ đâu đến?”.
Họ trả lời rằng, “Chúng tôi tới từ miền Trung. Chúng tôi được Đức Vua cử đi mua trà”.
Ngài Vairochana nói, “Ồ, Đức Vua vẫn khỏe chứ? Cái ách của Luật hoàng gia còn chắc chắn chứ? Chiếc nơ bạc của Luật Phật Pháp vẫn buộc chặt? Ai là quốc sư? Và tựa đề giáo lý đang được dịch là gì?”.
Đáp lại, họ nói, “Đức Vua vẫn khỏe. Luật hoàng gia rất nghiêm. Luật Phật Pháp cũng vậy. Quốc Sư là Đức Vimalamitra, ngài được thỉnh mời từ Ấn Độ. Họ đang dịch các giáo lý gọi là Nhân thừa”.
Đạo Sư Vairochana nói, “Ta bị lưu đày khi dịch Quả thừa, như là Đại toàn thiện linh thiêng, nhưng nay, họ đang lắng nghe Nhân thừa. Yudra Nyingpo hãy đến đấy là làm điều gì đó để thuyết phục các thượng thư Tây Tạng này, những kẻ thù ghét Phật Pháp”.
Yudra Nyingpo mặc áo choàng bằng vải dệt, đội mão pháp sư và cầm thanh kiếm gỗ trên tay. Các bộ giáo lý Đại Toàn Thiện cũ và mới được ngài xếp thành hai cuộn trên đó ngài viết Sáu Dòng Kim Cương. Ngài đặt chúng phía sau tay trái và phải rồi đi tới Tây Tạng.
Yudra Nyingpo đến Samye, nơi Đại Sư Vimalamitra đang thuyết giảng Nhân thừa cho Vua Trisong Deutsen và các thượng thư. Lột trần, ngài cưỡi trên thanh kiếm gỗ như thể nó là một con ngựa và quất roi đằng sau hét, “Kakapari, kakapari!”.
Bởi sự thù ghét giáo pháp của các thượng thư, Vimalamitra, e sợ rằng sẽ bị trừng phạt theo luật lệ, chưa từng mỉm cười từ khi tới Tây Tạng. Nhưng khi thấy vị Yogi này, ngài mỉm cười và nói “Dathim, dathim!”.
Đức Vimalamitra sau đó được mời vào cung điện. Dâng lên thức ăn, Vua Trisong Deutsen hỏi, “Kể từ khi tới Tây Tạng, hỡi Đại Sư, ngài chưa từng cười dù chỉ một lần, nhưng hôm nay, ngài đã cười. Tại sao vậy?”.
Ngài Vimalamitra đáp, “Việc Ta không cười trước đây là bởi Ta buồn vì các thượng thư người Tạng phỉ báng Pháp. Hôm nay, Ta mỉm cười bởi Ta thấy hài lòng khi một vị Yogi như vậy sống ở Tây Tạng”.
Đức Vua nói, “Ồ, vị Yogi nói ‘Kakapari, kakapari’ nghĩa là gì vậy?”.
Đức Vimalamitra đáp, “Ông ấy nói về những giáo lý:
Phật quả không đạt được nhờ giáo lý của các bậc Thanh Văn.
Một khoảng cách diệu vợi không thể vượt qua bởi sức bay của một con quạ.
Không có giáo lý Kim cương Quả thừa,
Mục đích của việc giảng dạy Nhân thừa là gì?”.
Vua Trisong Deutsen hỏi, “Vậy tại sao ngài nói ‘Dathim, dathim’?”.
Đại Sư trả lời rằng, “Nó nghĩa là mọi giáo lý đều là sự chứng ngộ của các Đấng Chiến Thắng và đều bất nhị. Giống như bản tính của mật hay muối, tất thảy giáo pháp đều thoát khỏi nhị nguyên[3]”.
Đức Vua ra lệnh, “Hãy tìm ra vị Yogi đó!”. Vị Yogi được tìm thấy, đang ngồi và uống trong khi tán tỉnh một cô gái chang. Khi được hỏi, “Tên ngài là gì? Thầy ngài là ai? Giáo lý của ngài là gì?” ngài đáp, “Ta là Yudra Nyingpo. Thầy Ta là Đại Sư Vairochana. Giáo lý của Ta là Đại Toàn Thiện linh thiêng”.
Khi được thuật lại cho Vua Trisong Deutsen, ngài tuyên bố rằng, “Hãy mời ngài đến đây! Ta phải thỉnh ngài giảng pháp!”. Yudra Nyingpo được mời lên ngự trên ngai làm từ nhiều chất liệu quý và được cúng dường mạn-đà-la vàng. Đức Vua và các đệ tử thân thiết thọ nhận giáo lý từ Đại Sư Vimalamitra vào buổi sáng và từ Đức Yudra Nyingpo vào buổi chiều. Như thế, họ thọ nhận Năm bộ cũ và Mười Ba Bộ Mới của Giáo lý Đại toàn thiện. Bởi giáo lý của hai đạo sư hoá ra là giống nhau, các thượng thư cảm thấy hối hận khi trục xuất Đức Vairochana. Ba sứ giả được cử đi với patra vàng để thỉnh cầu Đại Sư Vairochana trở về từ Tsawarong. Vua Trisong Deutsen cùng các thượng thư chạm đầu vào gót sen ngài và kính trọng ngài hết mực.
Đây là chương mười sáu trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách thức Đức Vimalamitra được thỉnh mời và sự trục xuất Đức Vairochana được nhận ra là sai lầm.
[1] Đức Jamgon Kongtrul đề cập trong Bách Khoa Tri Thức rằng Ngài Vimalamitra được mời đến Tây Tạng để hoàn thành tiên tri được ban cho Đức Vua bởi Nyang Tingdzin Sangpo, thầy tu hoàng gia của Ngài, vị có thể nhập định “thiền định nhất tâm” trong bảy năm và sở hữu sự sáng suốt lớn lao.
[2] Xem bảng thuật ngữ, “Mật thừa và Triết học” và Nhân thừa và Quả thừa.
[3] Bản tính tuyệt đối của tất thảy Phật Pháp là như nhau: chứng ngộ rằng trạng thái nội tại là tính không và chói ngời bất nhị, giống như đường luôn ngọt và muối thì mặn.
Đức Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Liên Hoa Trí
Nguồn: Đấng Sinh Trong Hoa Sen – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh