Vua Trisong Deutsen nghĩ rằng: “Trong 500 năm suy đồi, một vị bảo hộ phải trông giữ ngôi chùa của Ta”. Ngài dâng tiệc cúng dường lên Đức Padmasambhava, thưa rằng:
EMAHO! Đạo Sư Tôn Quý,
Từ nay cho tới 500 năm cuối cùng
Sẽ không có vị vua nào có công đức như ta.
Các thượng thư xấu ác và Tây Tạng sẽ bị chia cắt.
Ai sẽ bảo vệ tất cả chùa chiền ở miền Trung Tây Tạng.
Ở bốn vùng và các ngôi chùa vùng biên?
Hỡi Đại Sư, để bảo vệ Phật Pháp,
Xin hãy từ bi trao truyền các Mật chú điều phục sinh lực,
mưa đá và lời nguyền.
Đạo Sư Liên Hoa đáp rằng: “Trong giai đoạn 500 năm cuối cùng của thời ác trược, chúng ta rất cần một vị bảo hộ giáo pháp trông nom chùa chiền của ngài và cũng cần các Mật chú điều phục để bảo vệ Phật Pháp. Vì thế, Ta sẽ trói buộc bất cứ vị trời hay quỷ ma nào mà ngài muốn và buộc họ trở thành vị hộ pháp cho các chùa”.
Vua Trisong Deutsen thỉnh cầu: “Nói chung, các vị rồng cai quản bốn vùng của Tây Tạng. Đặc biệt, họ là bạn ta và họ có nhiều khả năng, sức mạnh lớn lao. Hơn thế nữa, họ là những kẻ canh giữ kho tàng. Bởi vậy, xin Đại Sư hãy đưa loài rồng trở thành hộ pháp các chùa”.
Đạo Sư Liên Hoa, nhà vua và các đệ tử thân thiết đến bờ hồ Maldro, nơi họ đặt bát làm từ đá zi với nước cúng dường. Đại Sư nhập định, nhằm điều phục và câu triệu loài rồng. Ngài cho ngón chân cái của chân trái vào hồ, bắt ấn câu triệu và nói: “NAGA RAJA ANGKUSHA JAH”. Lập tức hồ nước trở nên cuộn sóng. Vua loài rồng cùng với đoàn tùy tùng xuất hiện từ trong hồ, đầu hướng xuống dưới và ngự trên mặt nước. Đạo Sư Liên Hoa nói: “Tại sao các ông lại đến theo cách bất kính như vậy với đầu hướng xuống dưới?”.
Vua Rồng nói: “Chúng tôi không hề bất kính. Nếu chúng tôi đến theo cách thức thông thường, mặc dù chúng tôi không thể gây hại cho Đại Sư, nhưng vì sự xuất hiện, tiếp xúc và hơi thở của chúng tôi là độc nên đoàn tùy tùng đáng kính của Ngài sẽ bị tổn thương. Chúng tôi sợ rằng sẽ khiến Đại Sư tức giận và phá hủy tất cả thành trì của chúng tôi”.
Đại Sư đáp: “Lành thay! Bây giờ các ông phải trở thành hộ pháp cho chùa Samye!”.
Vua Rồng đáp: “Xin đừng nói điều đó. Khi 500 năm cuối cùng đến, dân chúng sẽ nghèo túng. Họ đào đất linh, xẻ đá thiêng và chặt cây thần. Chúng tôi, loài rồng không thể bất tuân mệnh lệnh của Đại Sư, nhưng dân chúng của chúng tôi sẽ trút giận bằng cách tàn phá”.
Lúc này, Vua Trisong Deutsen nói: “Đại Sư, nếu họ cảm thấy không thể trở thành hộ pháp, bởi loài rồng là kẻ canh giữ của cải, xin hãy yêu cầu họ ban tặng sự giàu có của họ bởi ngân khố của ta đã cạn kiệt”.
Đại Sư bảo Vua Rồng: “Vậy, nếu các ông không thể trở thành hộ pháp cho chùa, hãy làm đầy ngân khố của Vua Trisong Deutsen bằng ngọc quý”.
Vua Rồng đáp: “Ta sẽ ban của cải cho Đại Sư và nhà vua. Sau 7 ngày bắt đầu từ hôm nay, hãy để cửa ngân khố mở rộng. Vua và dân chúng, hãy quay lưng lại và đừng nhìn, dù bất cứ âm thanh nào mà các ông nghe thấy”. Nói vậy, tất cả loài rồng trong hồ biến mất.
Đạo Sư Liên Hoa và Vua Trisong Deutsen cùng các đệ tử thân thiết trở về. Buổi sáng ngày thứ bảy, họ để cửa ngân khố mở. Ban đầu, Samye ngập trong sương mù, các âm thanh, tiếng khóc và tiếng ồn được nghe thấy. Cung điện và chùa chiền rung động, bởi thế Đức Vua lo sợ và cử một thượng thư đi xem tình hình. Vị này nói rằng: “Đồng bằng xung quanh Samye tràn ngập rắn”. Sau đó, bỗng nhiên ông ta phun máu và chết.
Khi âm thanh biến mất và sương mù tan dần, Đại Sư bảo Vua Trisong Deutsen xem ngân khố. Vua có 108 kho tàng với nhiều đồ quý giá, nhưng chúng đều bị cạn kiệt bởi các thiện hạnh của ngài. Bây giờ, chúng lại đầy như trước. Nhà vua vô cùng hoan hỷ và cất lên tiếng ca:
EMAHO
Viên ngọc như ý, suối nguồn hoàn mãn mọi ước muốn và nhu cầu,
Ngài giải thoát mọi chúng sinh cần được điều phục
Thoát khỏi khổ đau của nghèo đói và tham muốn.
Xin kính lễ Ngài với lời tán thán dâng lên Hóa thân cao quý!
Vua Trisong Deutsen sau đó hỏi Đạo Sư Liên Hoa:
Hóa thân Toàn tri và Tôn quý,
Bậc Thầy thấu suốt, xin hãy cho con biết
Ai sẽ là Hộ Pháp bảo vệ chùa chiền
Samye quang vinh, ước nguyện cao quý của con?
Đại Sư đáp:
Chao ôi, Đức Vua vĩ đại,
Thời thế sẽ ngày càng tệ hơn.
Thậm chí Samye, ước nguyện cao quý của ngài,
Sẽ bất ngờ bị phá hủy bởi cát.
Trái tim của kẻ cai trị sẽ bị sở hữu bởi tinh linh ma quỷ.
Hoàng gia sẽ buồn đau vì bất hòa bên ngoài.
Chùa chiền trở thành trường đấu cho xung đột
Và bị phá hủy bởi chất nổ, lửa và sao băng.
Chùa chiền ở các vùng trung tâm và ngoại vi
Sẽ bị chiếm giữ bởi kẻ tội phạm.
Những trung tâm nghiên cứu sẽ trở thành kho vũ khí
Và hành giả sẽ phá hoại Phật Pháp.
Hành giả Mật thừa sẽ chết vì lưỡi kiếm,
Và những cố vấn của vua sẽ không thành công trong việc duy trì vương quốc.
Dân chúng giữ dao dưới y áo,
Và kẻ cai trị sẽ bị ám sát bởi độc dược.
Dân thường sẽ chìm trong mâu thuẫn gia đình và chết bởi vũ khí.
Hành giả Mật thừa sẽ mâu thuẫn gia đình và dấn thân vào tà thuật.
Mọi người mang áo giáp suốt đời,
Và binh lính sẽ canh giữ những cửa bên ngoài.
Con cái sẽ chống lại cha mẹ,
Và thời đại của vũ khí sẽ đến sớm.
Hành giả Phật Pháp không phụng sự,
Mà sẽ tin tưởng vào những kẻ gian trá, bịp bợm.
Mọi người sẽ mặc áo khoác xấu xa làm từ da chó và mũ hộ giáp nhọn.
Họ mang theo vũ khí xấu xa như gậy gộc giáo mác
Và thuyết giảng tà pháp, tánh không của hư vô.
Pháp thoại được nghe trong quán bia.
Đây là những dấu hiệu cho thấy Phật Pháp sắp suy tàn.
Lúc đó, tinh linh chiến binh Vua Pekar
Là cần thiết như một vị bảo hộ chùa chiền.
Vị đó hiện ở vùng Mông Cổ.
Hỡi Đức Vua, hãy ra chiếu tuyên chiến
Và đánh chiếm vùng Gomdra, xứ Mông Cổ.
Ông ta sẽ đến đây, theo đuổi những thứ giá trị.
Sau đó, Ta sẽ bổ nhiệm ông ấy trở thành vị bảo hộ chùa chiền.
Như vậy Vua Trisong Deutsen liền chuẩn bị cho chiến tranh và đánh bại vùng Bhata Mông Cổ. Sau đấy, vua Shingja Chen, gọi là Dupo Yabje Nagpo và cũng là vua Pekar của các tinh linh chiến binh đến, theo đuổi các giá trị. Đội quân bên phải là 100 chiến binh mặc áo da hổ. Đội quân bên trái là 100 vị tỳ kheo A La Hán. Theo sau là 100 vị hành khất mang đồ đen. Đội quân tiên phong là 100 phụ nữ mặc đồ đen. Các thượng thư bên ngoài gồm 100 vị cưỡi ngựa. Các thượng thư nội gồm 100 chiến binh man rợ. Phục vụ ngài là 100 con sư tử và hổ. Các hóa thân và tái hóa thân của ngài là 100 con khỉ và 100 con công cùng mèo.
Đạo Sư Liên Hoa sau đó ra lệnh và trói buộc vua Pekar bởi lời thệ nguyện. Ở chùa Pekar, Ngài thiết lập một điện thờ và bổ nhiệm Pekar là vị bảo hộ chùa Samye linh thiêng và của toàn bộ tổng thể chùa. Sau đó, Đạo Sư Liên Hoa, Đức Vairochana, Namkhai Ningpo, Yeshe Yang và nhiều người khác kết tập các Mật chú điều phục nhằm bảo vệ Phật Pháp. Các ngài biên soạn và dịch vô số Mật Điển cùng nghi quỹ liên quan tới tám bộ quỷ thần như: Ging trắng, Mara (Ma Vương) đen, Tsen đỏ, Yaksha (Dạ Xoa) giết người, Raksha (La Sát) ăn thịt, Mamo gieo dịch bệnh, Rahula phẫn nộ và Naga (Rồng) độc.
Bên cạnh đó, các ngài dịch vô số Mật Điển và nghi quỹ liên quan tới những vị bảo hộ Phật Pháp như Hắc Hộ Pháp Vinh Quang, Hắc Thiên Nữ Vinh Quang, Thần Chú Hộ Pháp Xanh Dương Đậm, và nhiều vị khác. Shenpa Pekar, Gingchen Sogdak và Tsangtsen Dorje Lekpa là ba vị đứng đầu trong tám bộ trời và quỷ ma, bởi thế rất nhiều Mật Điển và nghi quỹ liên quan đến họ được chuyển dịch. Với các vị Rahula, những vị cai quản cõi trời, làm đóng băng và tạo bão đá, sấm chớp và với Rồng độc, những vị cai quản vùng sâu dưới đất và gây ra nhiều dạng dịch bệnh, các ngài dịch vô số mật chú điều phục và phẫn nộ. Những vị bảo hộ Phật Pháp này được giao phó cho Vua Trisong Deutsen. Khi Đạo Sư Liên Hoa, Vairochana và nhiều vị khác trao cho Đức Vua những mật chú điều phục này để bảo vệ Phật Pháp, Đại Sư nói rằng, “Này Trisong Deutsen, bậc cai trị phước lành của Tây Tạng, chúng tôi trao cho ngài toàn quyền đối với những giọt cam lồ thâm sâu này, tinh túy tâm yếu của các học giả và dịch giả. Hãy giữ gìn chúng; Hãy ghi nhớ trong tâm!
Tốt nhất, khi một người là kẻ thọ nhận thích hợp,
Tiếp theo, khi anh ta có lòng bi mẫn lớn lao,
Hay chí ít, khi anh ta chân thành cúng dường của cải vật chất,
Ngoài ba trường hợp này,
Nếu mật chú phẫn nộ được truyền bá, phó thác không thích hợp,
Những chúa tể nam nữ của Mật thừa
Sẽ chịu sự trừng phạt nghiêm khắc.
Này Đức Vua, ngài sẽ phải trả giá bằng tính mạng
Và ngài sẽ rơi vào các cõi thấp hơn
Bởi thế, hãy trông giữ các mật chú phẫn nộ này như chính cuộc đời ngài.
Nói vậy, họ trao phó hoàn toàn các mật chú phẫn nộ cho Vua Trisong Deutsen gìn giữ. Vô cùng hoan hỷ, Đức Vua cúng dường Đạo Sư Liên Hoa sáu con ngựa từ chuồng ngựa hoàng gia, dẫn đầu bởi chú ngựa Tsalu Jadong. Chúng được trang hoàng bởi hàm thiếc bằng vàng, mũ trùm khảm đá xanh, và yên ngựa làm từ gỗ tếch. Đức Vua cũng dâng áo lụa kiểu Mông Cổ, vàng và chuỗi đá xanh của riêng mình, gọi là Hồ Sáng. Sau khi cúng dường như vậy, ngài lễ lạy và đi nhiễu quanh Đại Sư.
Đạo Sư Liên Hoa đáp rằng: “Tuyệt vời thay, ngài có thể cúng dường những của cải hư huyễn, thoát khỏi tham luyến. Đó là một hành động tốt lành”. Lúc này vua Trisong Deutsen nghĩ rằng: “Đạo Sư có thể là một thành tựu giả, nhưng vì Ngài đến từ phía Nam Nê-pan, nên Ngài dường như rất thích của cải”.
Đại Sư Liên Hoa đọc được tâm nhà vua và nói: “Hỡi Đức Vua tôn quý, hãy nâng tay áo lên”. Sau đó, Đại Sư đổ ba drey cát và ba drey đá cuội vào ống tay áo và nói: “Hãy giữ như vậy một lúc”. Đức Vua không thể giữ được. Khi nhà vua buông xuống, ông thấy tất cả cát đều biến thành vàng và đá cuội biến thành lam ngọc.
Đại Sư Liên Hoa nói: “Đức Vua, Ta chỉ chấp nhận món quà của ngài để ngài có thể tịnh hóa những che chướng và tích lũy công đức. Với Ta, mọi hình tướng đều là vàng. Bởi Ta chẳng cần của cải, ngài có thể sử dụng như ý muốn”. Như thế, Đại Sư trả lại toàn bộ đồ cúng dường cho Đức Vua.
Quá bối rối, Vua Trisong Deutsen cảm thấy vô cùng hối lỗi và tác bạch: “Đại Sư, ta là vua của bộ tộc nguyên thủy và bởi che chướng sâu dày, ta khởi lên nghi ngờ này. Ta cảm thấy rất hổ thẹn và hối tiếc, hỡi Hóa thân cao quý! Xin hãy chấp nhận chúng với lòng bi mẫn của Ngài. Cầu xin Ngài cho ta phương pháp để chữa lành các mật nguyện bị hư hỏng”.
Nói vậy, vua Trisong Deutsen lễ lạy, chạm đầu vào gót sen Đạo Sư Liên Hoa với lòng sùng kính và òa khóc.
Đạo Sư đáp: “Hỡi Đức Vua, bởi ngài chỉ là một chúng sinh hữu tình, ngài sẽ khởi lên những ý niệm thuộc tâm trí, nhưng điều đó thực sự không phá hỏng mật nguyện của ngài. Bởi chúng ta là những vị Yogi, chẳng có điều gì để buồn bã cả. Đức Vua, hãy áp dụng tri kiến và thiền định làm sự sám hối của ngài! Đừng trưởng dưỡng các quan niệm sai lầm trong tâm! Quan trọng hơn tất thảy, hãy thực hành mười thiện hạnh, từ bỏ mười ác hạnh, hòa hợp với Pháp trong bất cứ điều gì ngài làm, cai quản đất nước bằng luật lệ Phật Pháp, và đừng làm theo lời khuyên của các thượng thư xấu ác. Hoài nghi là kẻ thù của Pháp, bởi thế hãy thực hành thoát khỏi sự nghi ngờ”.
Nói vậy xong, Đại Sư ban cho Đức Vua ”Đại Dương Tịnh Hóa Mật Nguyện”, Mật chú Trăm Âm của Đức Kim Cương Tát Đỏa, Mật chú Trăm Âm của các vị Heruka, và Mật chú Trăm Âm của chư Thiện Thệ, cùng với các nghi quỹ tương ứng, như là Sám Hối Hàng Ngày Chữa Lành Mật Nguyện.
Đây là chương hai mươi trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách Ngài bổ nhiệm vị bảo hộ các chùa chiền, dịch các Mật chú phẫn nộ để bảo vệ Phật Pháp và giảng dạy những phương pháp chữa lành Mật nguyện.
Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Liên Hoa Trí
Trích: Đấng Sinh Trong Hoa Sen – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh