Sau đây là câu chuyện về cách Đạo Sư Liên Hoa được thỉnh mời tới Tây Tạng.
Vua Trisong Detsen của Tây Tạng, một hóa thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Manjushri cao quý, đã thỉnh mời Đạo Sư Liên Hoa tới vương quốc để điều phục vùng đất nhằm xây dựng chùa Samye vinh quang.
Trước đó, Đấng Pháp Chủ trí tuệ Văn Thù Sư Lợi, khi đang ngự trên đỉnh Ngũ Đài Sơn ở Trung Hoa, đã hướng mặt về Tây Tạng, nghĩ rằng, “Ta phải chuyển hóa người dân xứ Tuyết Tây Tạng. Trong quá khứ, Đấng Đại Bi đã hóa hiện như là vua Songtsen Gampo, người đã xây dựng 108 ngôi chùa như Lhasa Trulnang và Ramochey, cũng như nhiều chùa chính, phụ khác, nhờ đó tạo dựng nên truyền thống Giáo Pháp linh thiêng. Giờ đây, Ta phải làm cho Giáo Pháp được truyền bá và phát triển ở xứ Tuyết Tây Tạng bằng một hóa thân Văn Thù. Hóa thân này sẽ trở thành vị vua hùng mạnh và quyền uy nhiếp phục mọi thần dân”.
Quán chiếu như vậy, bằng đôi mắt trí tuệ, Ngài nhìn từ Ngũ Đài Sơn Trung Hoa và nhận thấy rằng Tridey Tsugten là người trị vì hiện tại của Tây Tạng.
Khi Vua Tridey Tsugten và vị phối ngẫu, Hoàng phi Angchung từ Mashang, đang nằm ngủ trên ngai làm bằng nhiều chất liệu quý báu, ở cung điện Đá Đỏ, Đức Văn Thù cao quý đã phóng ra từ giữa tim một luồng ánh sáng ngũ sắc, trên đỉnh ánh sáng là một bé trai cao quý, nhỏ bằng ngón tay. Đứa bé thể nhập vào tử cung thai tạng của Hoàng phi Angchung và bà đã thụ thai. Đồng thời, bà nằm mộng rằng vô số ánh sáng, giống như mặt trời mọc, xuất hiện với một bé trai ở trên và đi vào bụng bà. Sau khi kể lại với nhà vua, ngài nói rằng, “Một bậc thánh từ cõi trời đã trở thành con trai chúng ta. Đây quả là một giấc mơ rất tốt lành”. Đức vua vô cùng hoan hỷ.
Không hề khó chịu, Hoàng phi Angchung bắt đầu cảm thấy những chuyển động và hồi hộp. Thân thể bà trở nên đầy hỷ lạc và nhẹ nhàng. Tâm bà sáng suốt, không chút cảm xúc phiền não. Sau 9 tháng, hóa thân chào đời ở cung điện Đá Đỏ mà không gây đau đớn gì cho người mẹ.
Hoàng tử mới sinh đã có nhiều răng và trên đỉnh đầu, ở giữa mái tóc đen nhánh, có một lọn tóc xoăn xoáy sang phải. Hoàng tử rất đẹp, giống như con của chư thiên. Câu sinh ra khi mặt trời vừa mọc, vào ngày của chòm sao Chiến Thắng, tháng đầu tiên của mùa xuân, năm Ngọ. Hoàng tử được đặt tên là Trisong Detsen.
Khi hoàng tử 13 tuổi, vua cha Tridey Tsugten qua đời, và hoàng tử đăng quang. Cậu kết hôn với 3 thiếu nữ: Tsepang Margyen, Tro Jangchub Men và Phogyong Gyalmo Tsun. Trong 7 năm, cậu cai trị vương quốc bằng cách bên ngoài trấn giữ biên cương và bên trong duy trì luật pháp.
Đây là chương sáu trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách thức Đức Vua Tây Tạng nắm quyền trị vì vương quốc.
***
Năm Sửu khi bước sang tuổi 20, Vua Trisong Detsen khởi lên ý nghĩ về thực hành Giáo Pháp linh thiêng, và mong ước sâu sắc này bám rễ trong ngài: “Đức vua thuở xưa, Songtsen Gampo, đã xây dựng rất nhiều chùa chiền ở vùng đất tăm tối Tây Tạng này. Ngài đã cho dịch nhiều bản văn cao quý và ngài đã rất mực từ bi với xứ Tây Tạng. Giờ đây, Ta sẽ khiến Thánh Pháp được truyền bá và phát triển! Ta sẽ xây dựng một ngôi chùa, là cung điện cho Tam Bảo, địa điểm của lòng sùng mộ và tôn kính cho tất thảy dân chúng. Ta sẽ tôn tạo một ngôi chùa để hoàn thành ước nguyện linh thiêng của mình. Ta sẽ xây kiểu chùa nào?”. Đức vua quyết định rằng, “Ta sẽ xây một ngôi chùa giống như bốn lục địa và Núi Tu Di, được vây quanh bởi những ngọn núi Thiết Vi!”.
Vua Trisong Detsen thiết lập nền móng vào năm Dần, khi bước sang tuổi 21.
Sau đó, ngài nghe nói rằng, ở Ấn Độ có một vị Bồ Tát nổi tiếng được gọi là Đại Sư Bồ Tát (Khenpo Bodhisattva), với trí tuệ vĩ đại. Vua trao cho Jnana Kumara – một dịch giả thông thạo Tạng ngữ và Phạn ngữ một drey bụi vàng làm quà tặng và cử ông cùng với hai hầu cận đến thỉnh mời vị đạo sư này đến Tây Tạng.
Jnana Kumara gặp Đại Sư Bồ Tát trong ngôi chùa Nalanda vinh quang, dâng lên ngài bụi vàng và khẩn cầu, “Đức Vua Tây Tạng muốn xây dựng một ngôi chùa và cử tôi đến mời ngài đến điều phục địa điểm xây dựng. Hỡi Đạo Sư, xin hãy từ bi chấp thuận!”.
Đại Sư Bồ Tát đáp, “Ta có nối kết nghiệp với Vua Tây Tạng từ các đời trước, bởi thế Ta sẽ đi”. Nói vậy, ngài đến Tây Tạng.
Đại Sư Bồ Tát được tháp tùng đến cung điện Đá Đỏ và được Vua Trisong Detsen chào đón, ngài nói rằng, “Đại Sư, tôi muốn xây dựng một lâu đài để thờ cúng Tam Bảo, hoàn thành ước nguyện của tôi và là một đối tượng để kính ngưỡng với tất thảy dân chúng. Xin hãy ban phước cho địa điểm xây dựng!”.
Đại Sư Bồ Tát đáp, “Quỷ thần, tinh linh Tây Tạng rất tàn ác. Tôi sẽ cố gắng chuyển hóa họ bằng bồ đề tâm, nhưng tôi không chắc có thể thành công hay không. Hỡi Đức Vua, hãy đặt xuống những nền móng đầu tiên!”.
Đại Sư Bồ Tát sau đó khai mở mạn-đà-la Vajradhatu các Bổn Tôn an bình và làm lễ thánh hóa vùng đất.
Vua Trisong Detsen khoác lên một áo choàng bằng lụa trắng và bắt đầu đào đất bằng cuốc vàng. Khoảng gần nửa mét dưới đất, ông tìm thấy một giạ gạo trắng và một chút bột nhão như cam lồ với những vị ngọt khác nhau. Đức Vua ăn một chút và xoa một chút lên đầu. “Ước nguyện của Ta chắc chắn sẽ được viên thành. Giáo Pháp sẽ phát triển ở Tây Tạng”, ngài nói.
Nền móng được tạo ra và họ bắt đầu xây dựng, nhưng loài tinh linh Dạ Xoa của Tây Tạng, như 21 vị Genyen và nhiều vị khác bắt đầu gây chướng ngại.
Những gì mà dân phu xây vào ban ngày, thì ban đêm đều bị phá hoại và san bằng bởi các tinh linh. Vì thế, việc xây dựng không thể tiến triển.
Đại Sư Bồ Tát nói rằng, “Ta thấy rằng dường như việc xây dựng không thể hoàn thành”. Vua Trisong Detsen hỏi, “Không có cách nào làm sao, thưa Đại Sư?”.
Đại Sư Bồ Tát đáp, “Hỡi Đức Vua vĩ đại, ta biết mọi giáo lý nhân thừa triết học, và ta đã làm chủ bồ đề tâm; nhưng dường như ta chưa thể điều phục được các vị thần và tinh linh xấu ác. Nhưng vẫn có cách để làm”.
Đây là chương bảy trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách nhà vua phát khởi tín tâm với Giáo Pháp, thỉnh mời Đại Sư Bồ Tát đến Tây Tạng để hoàn thành ước nguyện và thiết lập nền móng cho ngôi chùa.
Yeshe Tsogyal
Việt dịch: Liên Hoa Trí