Tám đoạn thơ dạy về cách Chuyển hóa Tâm của Geshe Langri Thangpa chỉ cho chúng ta cách thực hành Bồ Đề Tâm, ý hướng vị tha: mong đạt giác ngộ để độ cho tất cả chúng sanh. Trước khi đi vào kinh bản một cách chi tiết, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem Bồ Đề Tâm có nghĩa là gì?
Theo cuốn “Hiện quán trang nghiêm” của đức Di Lặc (Maiteya’s Abhisamyalamkara), ngài nói có hai loại vị tha. Trước hết là những điều kiện phát sinh tâm vị tha đối với chúng sinh, muốn có Bồ Đề Tâm để cứu giúp mọi loại sinh vật. Điều này dẫn tới loại vị tha thứ hai: đó là ước nguyện được giải thoát, giác ngộ. Hạnh nguyện này phát khởi cũng là để mang lại lợi lạc tới cho tất cả chúng sinh.
Chúng ta có thể nói Bồ Đề Tâm là hình thức cao nhất của tinh thần vị tha, của lòng dũng cảm và ta có thể nói Bồ Đề Tâm là kết quả của các hành động giúp người cao cả nhất. Trong các bài giảng về Con Đường Giác Ngộ (Lamrim chenmo), Lạt Ma Tsongkhapa dạy rằng khi chúng ta quyết ý thực hiện ý muốn giúp người, thì những thành quả tốt cũng sẽ xảy ra cho chính mình, đó là các phó sản của ước nguyện ấy. Đây là cách làm lợi cho người và cho mình khôn ngoan nhất. Thật vậy, Bồ Đề Tâm, theo tôi là một phép màu kỳ diệu. Tôi càng nghĩ tới chuyện giúp người khác, tôi càng quan tâm tới họ thì tôi lại càng được hưởng phước báu. Thật tuyệt vời.
Càng phát triển Bồ Đề Tâm, ta càng nhận thấy là nó giúp ta hữu hiệu nhất trong việc tạo phước và phát triển khả năng tâm linh. Hơn nữa, nó là một trong các phương thức mạnh nhất trong việc đối trị với các khuynh hướng bất thiện, có tính cách tàn phá. Vì trên con đường tâm linh, điều căn bản nhất là vượt thoát được những cảm nghĩ tiêu cực và phát huy các tính thiện, nên sự khai triển tính vị tha chính là hành trình vĩ đại nhất, có hiệu quả và cần thiết nhất. Đức Di Lặc trong một lời nguyện đầy cảm hứng đã giảng rằng Bồ Đề Tâm có thể giải thoát chúng ta khỏi các thế độ thấp kém, dẫn dắt cho chúng ta được tái sinh vào các cõi cao hơn và có thể còn đưa chúng ta vượt thoát cái già, cái chết nữa. Điều ngài nói thật đặc biệt. Bình thường đạo Bụt dạy rằng khi sống có luân lý đạo đức thì ta sẽ không bị đọa sanh vào những cõi thấp hèn. Nhưng theo ngài Di Lặc, thực hành Bồ Đề Tâm là con đường cao hơn nữa, vượt lên trên cả lối sống đạo đức. Bồ Đề Tâm là phương pháp tốt đẹp để chúng ta gieo trồng các hạt giống cho những kiếp sau tốt đẹp hơn.
Chúng ta có thể tóm tắt như sau: sự tu tập để làm phát khởi và nuôi dưỡng lòng vị tha chính là những yếu tố căn bản của tất cả các pháp môn thực hiện tâm linh. Thực tập được, Bồ Đề Tâm có thể thay thế tất cả các kỹ thuật tu hành khác, vì thường mỗi phương pháp chỉ có một công dụng mà thôi. Vì vậy, chúng tôi coi việc phát triển Bồ Đề Tâm là nguồn gốc của hạnh phúc ngắn hạn và hạnh phúc trường cửu.
Nếu bạn nhìn vào các giới luật của những người muốn tu luyện Bồ Đề Tâm, các bạn sẽ thấy sự can đảm vô cùng của những người thọ giới. Trong cuốn “Tràng hoa quý giá” của ngài Long Thọ (Nagarjuna’s Ratnavali), có đoạn viết:
Nguyện cho tôi luôn luôn là một niềm vui như chúng sanh thường mong ước, vui mà không vướng mắc – như đất, nước, gió, lửa, dược thảo và rừng cây, nguyện cho tôi được thân cận với chúng sanh, cũng như họ rất gần gũi với tôi, nguyện xin nhận hết lỗi lầm dùm họ, và dâng hết cho họ các tánh thiện trong tôi.
Ta thấy rõ các ước nguyện này của ngài tràn đầy sự can đảm vô lượng. Tấm lòng vị tha hùng tráng của ngài trải ra cho chúng sanh, tâm không phân biệt và cũng không có thời hạn. Thật là vô lượng vô biên.
Trong cuốn “Hướng dẫn vào Bồ Tát đạo” của ngài Tịch Thiên (Shantideva’s Bodhicaryavatara), ngài cũng diễn tả ước nguyện dũng mãnh, tính cách vượt thời gian và không gian như sau:
Khi còn thế giới, khi còn chúng sanh Tôi, nguyền ở lại giúp người bớt khổ.
Khi hành giả có tâm vị tha cùng với tuệ giác về tánh không, nhất là nếu đã có những thực chứng thì vị đó đã đạt tới Bồ Đề Tâm ở cả hai bình diện Từ Bi và Trí Tuệ, hành giả nắm được phương pháp toàn hảo để đạt giác ngộ. Vị đó xứng đáng được mọi người kính ngưỡng.
Ngài Nguyệt Xứng Chandrakirti viết một cách rất thơ trong cuốn Tìm vào Trung Đạo:
“Khi một con người đạt tới trình độ tâm linh như thế, thì cũng như họ có hai cái cánh vậy. Một cánh từ bi, một cánh tuệ giác về tánh không. Con người đó có thể bay vượt qua không gian và thời gian, tiến tới bờ giải thoát của một vị Bụt giác ngộ toàn hảo”.
Dù tôi có chút kinh nghiệm về hai bình diện của Bồ Đề Tâm, nhưng tôi nghĩ các thực chứng của tôi rất nhỏ bé. Dù sao tôi là người thực sự có ước nguyện và nhiệt thành trong việc tu tập – và điều đó cho tôi rất nhiều phấn khởi.
Như tôi đã nói nhiều lần, tôi tin rằng chúng ta có cùng căn bản và tiềm năng cũng giống nhau. Tôi tin rằng trong số quý bạn đây, có nhiều người thông minh hơn tôi. Quý bạn nên cố gắng quán tưởng, học hỏi và thiền tập, nhưng đừng hy vọng tới đích trong một thời gian ngắn. Quý bạn nên có thái độ của ngài Tịch Thiên Shantiveda – còn hiện hữu, quý bạn còn mong giúp cho đời bớt khổ. Khi bạn có quyết tâm và can đảm phát triển khả năng tâm linh của mình, thì dù có một trăm năm, một vạn hay một năm, nào có nghĩa gì! Hơn nữa, bạn sẽ thấy các vấn đề này kia của con người không phải là những thứ gì vô phương vượt thoát. Thái độ đó, cách nhìn đó mang tới cho bạn sức mạnh nội tâm thực sự. Bạn có thể nghĩ tôi là hoang tưởng, nhưng dù như vậy cũng không sao. Theo tôi, dù sao nghĩ như thế cũng vẫn có ích lợi.
Vấn đề bây giờ của ta là làm sao phát triển được Bồ Đề Tâm? Hai bình diện của Bồ Đề Tâm như chúng ta đã nêu trên – ước nguyện giúp người khác và ước nguyện mình được giác ngộ – phải được nuôi dưỡng và huấn luyện bằng các phương pháp khác nhau. Ta cần huân tập ước nguyện giúp người khác trước hết.
Mong cho người khác được an vui dĩ nhiên có bao gồm cả chuyện giúp họ bớt đau khổ về thể chất, nhưng đó không phải là điểm chính yếu. Mang an lạc tới cho người có nghĩa là tìm cách giúp cho họ được giải thoát. Chúng ta phải bắt đầu bằng cách tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ giải thoát. Chuyện này liên quan tới điều tôi đã nói trước đây: tuệ giác về tánh không. Vì theo đạo Bụt, Niết Bàn phải được hiểu qua tuệ giác về Tánh Không của vạn pháp. Như thế, nếu không có tuệ giác về không, ta không thể hiểu được sự giải thoát hoàn toàn có nghĩa là gì, và ước nguyện giải thoát trong ta cũng không thể phát khởi mạnh mẽ được.
Khía cạnh thứ hai của Bồ Đề Tâm, ước nguyện được giải thoát, như vậy cũng liên hệ trực tiếp với tuệ giác về Không. Trong từ ngữ Tây Tạng, Giải thoát là “Chang – chup”, tiếng Phạn là Bodhi. Theo ngữ pháp Tây Tạng, Chang nghĩa là “thanh lọc, tẩy tịnh”, các đức tính của một vị Bụt toàn giác. Ngài đã vượt thoát tất cả những tính bất thiện và những vọng tâm ô nhiễm. Chữ Chup có nghĩa là đạt đạo, nói về vị Bụt đã hoàn toàn chứng ngộ. Từ ngữ Chang – chup của Tây Tạng gồm hai ý: loại bỏ được hết các tính bất thiện và kiện toàn được tất cả các tính thiện. Nó liên quan trực tiếp với tuệ giác về Không, với một số hiểu biết các phương thức để thực hiện tuệ giác và cái hiểu về bản chất của sự tự do tuyệt đối.
Đức Dalai Lama thứ 14
Việt dịch: Chân Huyền
Trích: Chuyển hóa tâm (Phát khởi tâm Từ Bi) – Nhà xuất bản Thorsons