Bốn quán đảnh cho phép chúng ta thực hành và thành tựu bốn thực hành sau đây. Đó là các thực hành của giai đoạn phát triển, sự tụng niệm, yoga sức nóng của cực lạc tánh không, và Đại Viên Mãn. Trong bốn thực hành này, đầu tiên là giai đoạn phát triển, và ba thực hành tiếp theo tạo thành giai đoạn hoàn thiện trong hai giai đoạn của thực hành mật tông.
Giai đoạn phát triển (bsKyed Rim)
Trong thực hành này bạn thấy hay tạo ra mọi hiện tượng như ba thanh tịnh hay sự chuyển hóa (Dag Pa gSum hoặc ’Khye So gSum): (1) Bạn nhận thức, cảm thấy và tin tưởng thân tướng của chúng sanh là thân tướng chư Phật và đất đai hay bản tánh đều là tịnh độ của Phật. (2) Bạn nghe âm thanh như âm thanh thuần tịnh của đức Phật, như âm thanh phô diễn giáo pháp, các bài cầu nguyện, mantra, sự an bình, hoan hỷ và trí tuệ. (3) Bạn nhận ra tư duy là tư duy thanh tịnh của đức Phật, những tư duy của thanh tịnh, an bình, lòng bi, hoan hỷ, rộng mở, nhất như, cực lạc, trí tuệ và ánh sáng. Do vậy, cả ba phần này là ba thực hành tạo thành giai đoạn phát triển.
Thông thường chúng ta có thể nghĩ rằng giai đoạn phát triển bao gồm sự quán tưởng. Điều này vừa đúng vừa không đúng. Sự quán tưởng đúng là một phần quan trọng trong giai đoạn, nhưng không chỉ những hình ảnh quán tưởng mà tâm tạo ra để nhìn thấy bên ngoài như một đối tượng để chơi đùa và vui thú. Khi tâm chúng ta quán tưởng, thấy và nhận biết các sắc tướng, âm thanh và tư duy như là thanh tịnh và tập trung vào hoặc hợp nhất với sự quán tưởng về sắc tướng, hình ảnh và tư duy thanh tịnh này, sau đó vì nhận thức thanh tịnh của tâm chúng ta, toàn bộ thế giới trở thành thế giới của trí tuệ, an bình, rộng mở và ánh sáng Phật. Nếu chúng ta có tâm bi mẫn, toàn thể thế giới trở thành thế giới của lòng bi. Nếu chúng ta có tâm hoan hỷ, thì toàn bộ thế giới trở thành cảnh giới của hoan hỷ. Do đó, nếu chúng ta có nhận thức thanh tịnh và chứng nghiệm được sự thanh tịnh đó thì toàn bộ thế giới trước mắt chúng ta sẽ trở thành một thế giới của Phật trí. Đây không chỉ là vấn đề nhận thức, mà là sự chứng ngộ chân lý có được nhờ nhận thức thanh tịnh, như sự phô diễn tự nhiên của bản tánh tuyệt đối của tâm.
Giai đoạn hoàn thiện (rDzogs Rim) là gì? Giai đoạn hoàn thiện (sự hóa tán hay giai đoạn hoàn tất) là khía cạnh kết quả của sự rèn luyện mật truyền – sự trải nghiệm hay chứng ngộ chân lý tuyệt đối, đại cực lạc và trí tuệ bẩm sinh.
Có nhiều loại trí tuệ. Nhưng ở đây chúng ta đề cập đến hai trí tuệ, trí tuệ biểu tượng nguyên nhân (dPe’i Ye Shes) được nhập môn bằng sự quán đảnh, và trí tuệ ý nghĩa kết quả (Don Gyi Ye Shes), được nhận biết, phát triển, và hoàn thiện qua con đường của ánh sáng thanh tịnh và bốn bậc cực lạc nhờ sử dụng đúng cách các kinh mạch, khí hay năng lượng và tinh chất của chính thân vajra của hành giả. Giai đoạn hoàn thiện có hai phương tiện rèn luyện: con đường của giải thoát (Grol Lam) và con đường của phương tiện thiện xảo (Thabs Lam).
Trong rèn luyện thông thường về giai đoạn hoàn thiện, bạn sử dụng các kinh mạch khí và tinh chất của thân kim cương để đem lại kết quả là sự hợp nhất giữa cực lạc và tánh không, vì chúng rất hiệu quả và là một phương tiện mạnh mẽ, và vì chúng thân thiết với bạn.
Sự tụng niệm (bZlas brJod)
Tụng niệm là một danh từ chưa thỏa đáng trong bối cảnh này. Ở đây, chúng ta tụng đọc mantra nhiều lần, nhưng cũng bao gồm cả việc quán tưởng, cầu thỉnh, tịnh hóa, và có kinh nghiệm nhiều lần; và đó là sự luyện tập trong việc phát sinh, tăng trưởng và làm mạnh mẽ các kinh nghiệm thiền định và sự nhận biết của trí tuệ. Do đó, “sự tụng niệm” là một phần quan trọng, và vì thế nên phần này được đặt tên như vậy, nhưng không chỉ là tụng niệm mà còn nhiều khía cạnh khác nữa.
Trong nhiều thực hành mật tông (không có trong Guru Yoga) bạn quán tưởng chính mình như vị Bổn tôn chính với chủng tự tâm (hay chủng tử tự) nơi ngực bạn được xoay vòng quanh bởi chuỗi những chữ của mantra. Do được thúc đẩy bởi việc tụng niệm mantra, năng lượng tỏa ra và phát triển thành ánh sáng hay cam lồ ban phước từ chuỗi mantra tại ngực bạn, giống như dòng điện phát sinh từ sự quay của mô-tơ, và chúng chuyển hóa thế gian thành một tịnh độ của cực lạc và ánh sáng. Điều này đòi hỏi chính bạn hoàn toàn tận tụy với sự thực hành một cách liên tục, đầy đủ và hoàn thiện, cũng như đem toàn bộ thế gian vào trong sự thực hành. Sự tụng niệm có bốn phạm trù như sau.
(1) Nyenpa (bsNyen Pa): Đây là sự tập trung chủ yếu vào mantra. Trước tiên hãy quán tưởng chính bạn như Bổn tôn. Trên một dĩa tại ngực bạn hãy quán tưởng chuỗi mantra. Tập trung chú tâm một điểm trên mantra đó, tụng niệm mantra nhiều lần.
(2) Nye-nyen (Nye bsNyen): Tụng niệm mantra, quán tưởng những chùm tia sáng xuất phát từ chuỗi mantra. Chúng ra ngoài miệng bạn và đi vào miệng của vị phối ngẫu và, tạo thành dòng chảy qua thân vị phối ngẫu, chúng trở lại thân bạn qua điểm của sự hợp nhất. Nó quay vòng trong dạng một vòng ánh sáng, giống như khúc củi đang cháy (mGal Me).
Hoặc, quán tưởng Bổn tôn trí tuệ (Bổn tôn thực tế, Ye Shes Pa) trong bầu trời phía trước và Bổn tôn samaya (Bổn tôn được quán tưởng, Dam Tshig Pa) từ chuỗi mantra bên trong bạn, các chùm tia sáng xoay quanh bạn và Bổn tôn trí tuệ (thay vì vị phối ngẫu).
(3) Drubpa (sGrub Pa): Tụng niệm mantra, quán tưởng từ chuỗi mantra, ánh sáng chiếu ra tất cả các phương và tiếp xúc đến tất cả chư Phật, và các Ngài tràn đầy cực lạc. Sau đó, các Ngài gửi lại ánh sáng cực lạc như sự ban phước hòa nhập vào bạn. Hãy cảm thấy cực lạc và tin rằng bạn, Bổn tôn samaya đã nhận được tất cả ban phước của chư Phật. Một lần nữa, bạn gửi ánh sáng ra ngoài tiếp xúc tất cả chúng sanh và toàn bộ thế gian. Toàn thể thế gian được tràn đầy đại cực lạc và chuyển thành maṇḍala của Bổn tôn.
(4) Drupchen (sGrub Ch’en): Sau đó từ thân bổn tôn samaya của bạn và từ chuỗi mantra, vô số tia sáng chiếu ra mọi hướng và chuyển hình tướng của toàn bộ thế gian thành hình tướng của Bổn tôn, tất cả âm thanh thành âm thanh của mantra, và tất cả tư duy thành trí tuệ của cực lạc, trong sáng, và vô niệm. Tụng niệm mantra với sự nhất như của chính hành giả và toàn bộ vũ trụ như maṇḍala của Bổn tôn.
Sự hợp nhất của cực lạc và tánh không và yoga sức nóng (Tạng: bDe sTong, Sanskrit: chandali)
Như tôi đã nhắc đến trước đây, trong sự tịnh hóa của bốn che ám, đây là thực hành đem lại sự nhận biết của việc hợp nhất của cực lạc và tánh không qua phương tiện của bốn bậc cực lạc nhờ sử dụng các kinh mạch, năng lượng và tinh chất của thân vajra với lực mạnh mẽ của lửa cực lạc tại rốn.
Đại Viên Mãn (rDzogs Pa Ch’en Po)
Trong Đại Viên Mãn, điểm quan trọng là phân biệt hay tách rời tâm thức và bản tánh nội tại của tâm, tức Phật tánh. Trước tiên, nhờ thâm nhập bằng luyện tập và nhờ năng lực của một người có nhận biết cao, hành giả có thể được đánh thức hay giới thiệu vào thật tánh của tâm, và vào lúc đó hành giả có một cái nhìn thoáng qua của bản tâm. Sau đó hành giả nên thiền định về kinh nghiệm nhìn thoáng qua của bản tâm đó và sẽ được viên mãn thành giải thoát và tỉnh thức hoàn toàn. Thế nên, không chỉ là bản tâm mà còn là thật tánh của toàn bộ pháp giới, sẽ được hợp nhất thành sự nhất như đó, và đó là Đại Viên Mãn.
Trong Đại Viên Mãn có hai phân chia chính của thực hành: Thregchö (Khregs Ch’od) là sự thiền định về sự nhận biết của bản tánh nội tại của tâm, đó là thanh tịnh bổn nguyên, nhờ cắt đứt mọi khái niệm nhị nguyên. Thögal (Thod rGal) là sự thiền định về sự viên mãn của mọi hình tướng như ánh sáng thanh tịnh thành tựu tự nhiên, đó là một với năng lực biểu hiện của Phật trí (các thân và tịnh độ của Phật), qua con đường tiếp cận trực tiếp của sáu ngọn đèn hay ánh sáng (sGron Ma) và đạt được bốn giai đoạn của các thị kiến (sNang Ba).
Trong Ngöndro, bạn không phải làm bốn thực hành tôi đã giải thích ở trên, nhưng nhờ tiếp nhận ánh sáng ban phước, thấy, cảm nhận và tin tưởng mà bạn trở nên có đủ khả năng thực hành các rèn luyện mật truyền đó.
Đức Tulku Thondup Rinpoche
Trích tác phẩm: Hành trình giác ngộ