Bậc Thầy và nguồn cảm hứng |

Bậc Thầy và nguồn cảm hứng

Sùng Kính Đạo Sư Thực hành

Nguồn cảm hứng thiết yếu để tu tập

Trước khi bước lên kim cương thừa, cỗ xe tối thượng, nên biết vì sao ta phải từ bỏ lối nhìn hạn hẹp phàm tình của ta về chính mình, và làm phát sinh tự tính giác ngộ của một con người đã hoàn toàn tiến hóa. Ta phải thấy chính vì nghĩ mình thấp thỏi mà ta tiếp tục bị giam giữ trong vòng bất mãn triền miên. Chu kỳ đau khổ bất toại ấy là do ta không biết đến bản chất thuần tịnh cốt yếu của mình. Khi đã có ba yếu tố tiên quyết – từ bỏ, bồ đề tâm, thấy đúng – và an trú tâm trong sáng nguyên ủy, là ta tạo được khoảng trống cho sự chuyển hóa tự thân.

Tuy nhiên hiểu biết như thế chưa đủ, ta phải phát sinh sức mạnh của niềm tin để đi theo pháp môn mãnh liệt đưa đến toàn giác. Nói cách khác ta cần một nguồn cảm hứng. Giác ngộ không chỉ là một khả tính trên lý thuyết, mà là một điều có thể chứng đạt và đã được chứng bởi những con người như chúng ta. Trong truyền thống mật tông, nguồn cảm hứng này là bậc thầy, hướng đạo tâm linh của ta. Trọng tâm của mật tông là hợp nhất mình với nguồn cảm hứng ấy nhờ pháp đạo sư du già.

Hiện tại chúng ta không thể nào giải quyết những vấn đề mà tâm chấp ngã của ta đã gây ra. Đức Phật Thích ca mâu ni đã dạy những phương pháp để giúp ta thoát khỏi ngục tù bản ngã và tự đồng hóa với những thực thể giác ngộ của quá khứ, hiện tại và tương lai. Những thực thể giác ngộ ấy đã kiện toàn một trạng thái trong đó không có sự tách rời, phân biệt giữa cao và thấp; chỉ có sự bình đẳng hoàn toàn của kinh nghiệm giác ngộ. Pháp hành trì đạo sư du già chuẩn bị cho ta đi vào kinh nghiệm hợp nhất với sự thành tựu viên mãn. Nhờ xem mình với thầy là một, ta trừ được tâm tự bỉ như “Chư phật quá cao xa, tôi không sao sánh được.” Thay vì thế, ta tập đồng nhất bản tâm mình với tâm bậc thầy, được xem như một vị phật toàn giác.

Nhờ hành trì pháp đạo sư du già mà trí tuệ hạn cuộc của ta đi đến viên mãn. Năng lượng đại từ bi đại trí tuệ và đại phương tiện của bậc thầy gieo hạt giống trong tâm ta để ta cũng thể hiện được những đức tính tốt lành vô hạn ấy. Chính chúng ta trở thành bậc thầy, và như vậy ta cũng có thể đem lại sự giúp đỡ vô lượng và bất tận cho tất cả chúng sinh. Nếu ta không phát sinh những đức tính của một bậc thầy chân chính trong ta, thì làm sao ta có thể đem lại lợi ích rốt ráo cho bất cứ người nào ? Ta lại còn không thể tự giúp mình cho thích đáng nữa.

Bậc Thầy nội tâm và Bậc Thầy bên ngoài

Những kinh điển mật tông thường nói rằng tất cả thực chứng đều phát sinh từ bậc thầy. Điều này đúng, nhưng ta phải hiểu rằng “thầy” có hai mức độ ý nghĩa khác nhau. Bậc thầy khách quan tương đối là người chỉ cho ta bằng nhiều cách, làm thế nào để khám phá sự toàn vẹn của chính mình. Nhưng trên phương diện sâu xa hơn, bậc thầy chính là trí tuệ, tính trong sáng căn để của tâm ta.

Cùng một lời dạy, cùng một bậc thầy, mà phản ứng người nghe không ai giống ai. Có người không hiểu giáo lý ngay cả trên bình diện tri thức; có người hiểu được nhưng không thể đi sâu vào ý nghĩa. Nhưng cũng có người vượt ngoài danh từ khái niệm, hoàn toàn hòa nhập với bi và trí của bậc thầy. Những phản ứng ấy đều do mỗi người đạt một trình độ khác nhau về tiến hóa tri thức và tâm linh. Càng giao cảm với bậc thầy nội tâm, người học càng thâm hiểu giáo lý sâu sắc.

Trên thực tế, vị thầy tương đối bên ngoài dù nỗ lực bao nhiêu cũng không bảo đảm cho ta đạt thực chứng. Nhưng bậc thầy bên trong, trí tuệ sáng suốt của chính ta, thì có thể hoàn thành tất cả mọi sự. Bởi thế, pháp hành trì đạo sư du già cốt yếu là một phương pháp để học cách lắng nghe tiếng nói của bậc thầy nội tâm ấy.

Thông thường, mặc dù ta có tiếng nói nội tâm của trí tuệ, nhưng ta không lắng nghe nó nói. Ta lại còn không biết đến tiếng nói ấy, vì ta luôn luôn bận nghe tiếng lải nhải của những tâm lý nhị nguyên thô trọng trong ta. Ta đã quá quen thuộc với tiếng nói này tới nỗi khi trí tuệ trực giác phát sinh, ta thường chối bỏ nó. Nhờ thực hành đạo sư du già, ta có thể đoạn tuyệt quan hệ thô thiển với thế gian để tiếp xúc với trí tuệ bẩm sinh. Khi ấy, ta còn có thể tương quan mật thiết sâu xa với bậc thầy bên ngoài. Nhưng khi mất liên lạc với bậc thầy nội tâm, thì dù giáo lý bậc thầy bên ngoài có sâu sắc đến đâu, ta cũng không bao giờ hội nhập được.

Nhưng nói thế không có nghĩa là vị thầy bên ngoài không quan trọng. Trái lại, vị ấy hết sức cần thiết. Mặc dù sự thực là giáo lý mật tông của đức Thích ca mâu ni đã hiện hữu trên 2500 năm, song đối với ta giáo lý ấy kể như không nếu ta không gặp được một bậc thầy mật tông đủ tư cách. Khi ấy thì giáo lý mật tông có thực đối với ta hay không? Dù chư tổ Naropa, Marpa và Tsongkapa có những lối giải thích phong phú đến đâu, ta có thể biến mật tông thành chân lý dành cho ta không, nếu ta chưa được bậc thầy nào khai thị? Dĩ nhiên là không. Về kinh giáo cũng vậy, sự kiện đức Phật giảng giáo lý Tứ đế rất lâu xa về trước cũng không làm cho giáo lý ấy là thực hữu đối với ta. Giáo lý ấy chỉ trở thành hiện thực đối với ta khi ta đã thực chứng giáo lý, nhờ gặp được một vị thầy có thể khai thị một cách sáng sủa cho ta hiểu. Nếu không có tấm gương sống động và cảm hứng từ bậc thầy bên ngoài, thì trí tuệ nội tâm ta vẫn yếu ớt, không phát triển được.

Bậc Đạo sư và gương mẫu

Giáo lý giác ngộ đến với chúng ta, gây được ấn tượng trên tâm thức ta, là nhờ một hệ truyền thừa không gián đoạn giữa thầy và đệ tử tiếp nối. Bậc thầy, một thành phần của hệ truyền thừa ấy, làm cho giáo lý Tứ diệu đế trở thành sinh động đối với ta nhờ nguồn cảm hứng hay sự gia trì của ngài. Nhờ biết rõ tính tình, khả năng ta, nên bậc thầy có thể làm cho chân lý trở nên sáng sủa đối với ta, làm tâm ta trở thành con đường của thực chứng. Ý nghĩa của cảm hứng hay sự gia trì chỉ có thế. Và pháp hành trì đạo sư du già hay thờ kính thầy, chỉ là để cho chúng ta mở lòng ra mà đón nhận nguồn cảm hứng này.

Hơn nữa, ta cần một người dẫn đạo có kinh nghiệm để chỉ cho ta cách áp dụng những giáo lý vào thực hành. Ta sẽ không đi tới đâu nếu chỉ học từ trong sách, tự mò mẫm mà hy vọng tìm ra mọi sự. Có thể những thông tin vẫn đầy đủ trong sách, nhưng hầu hết các mật điển đều có tính mơ hồ, chỉ rõ ý nghĩa khi được giải thích. Chỉ một điều trang bị thông tin ấy như thế nào, cũng không dễ gì biết được. Ta cần một người chỉ dạy, cho ta một chứng minh thực tiễn. Người ấy là bậc thầy.

Trong mật tông, một bậc thầy có kinh nghiệm rất cần thiết, vì pháp tu này nặng về kỹ thuật nội tâm.Chúng ta cần được chỉ dẫn mọi sự ăn khớp với nhau như thế nào trước khi ta thực sự thân chứng điều ấy. Nếu không có sự hướng dẫn thích đáng thì ta sẽ rối ren không khác gì một người thay vì được một chiếc xe hơi lại chỉ nhận được một đống bộ phận rời rạc và một quyển sách dẫn. Nếu không phải là một thợ máy chuyên môn, thì người ấy sẽ hoàn toàn mù tịt.

Lý do ngày nay tôn giáo đã suy đồi tận gốc ở phương đông cũng như phương tây chính là vì hiếm có được những tấm gương sáng về tâm linh. Nếu chưa bao giờ gặp được những bậc thầy chứng ngộ thì người ta không cách nào biết đến những khả năng vô hạn của tâm thức mình. Đọc sách nói về hành vi và sự nghiệp những bậc thầy quá khứ chưa đủ gợi nguồn cảm hứng cho ta. Kỳ thực, lắm lúc những tiểu sử ấy càng làm ta cảm thấy mình cách xa trời vực. Ta nghĩ “Phật và Chúa đã sống mấy ngàn năm trước, sự trong sáng của các ngài thuộc về một thời đại khác. Một người như tôi sống vào thế kỷ 20 suy đồi này thực vô phương đạt đến bất cứ mức độ thanh tịnh nào giống như thế.” Hoặc ta có thể hoàn toàn phủ nhận những chuyện kể về các bậc thầy quá khứ, xem như chuyện thần tiên chỉ thích hợp với trẻ nhỏ dễ tin. Cách duy nhất ta có thể dập tắt những cảm giác hoài nghi, vô năng và châm biếm ấy là, phải tiếp xúc với một người đã khơi dậy được tiềm năng cao thượng nhất nơi chính họ. Chỉ khi đó ta mới có được một tấm gương về sự thanh tịnh và tiến hóa tâm linh mà chúng ta có thể trông thấy tận mắt, để nghĩ lại chính mình.

Bởi thế bậc thầy bên ngoài thật vô cùng quan trọng. Ta cần một điển hình về một người cũng là con người như chúng ta, nhưng đã phát triển vượt ngoài giới hạn những gì ta xem là có thể. Khi ta thấy một người đã vượt ngoài ngã chấp, một người không còn những bận tâm nhỏ nhen về cuộc đời này mặc dù vẫn sống trên đời, một người nói và làm bằng trí trực giác và thực sự hiến mình cho sự an lạc của tất cả, thì khi ấy ta có thể tin chắc rằng ta cũng có thể đạt đến những thực chứng ấy. Nếu không, khi ta chỉ toàn thấy những điển hình của tham lam thù hận, thì tầm nhìn của ta về ta là gì và có thể trở thành gì, sẽ bị hạn cuộc một cách thê thảm.

Một tấm gương sáng là điều quan trọng, không riêng chỉ đối với người đang theo một con đường tu tập. Nhu yếu khẩn thiết nhất trong thế giới ngày nay là hòa bình và hòa điệu, tất cả chúng ta đều cảm thấy nhu cầu này, dù có tôn giáo hay không. Nhưng hòa bình không thể được mang lại chỉ nhờ danh từ, và đương nhiên không thể nhờ sức mạnh mà có hòa bình được. Ngược lại ta cần tấm gương của những người mà trọng tâm của đời sống họ là hòa bình, hòa hợp. Chỉ có tấm gương của những người sống một cuộc đời vừa hùng lực vừa trong sáng như vậy, mới có thể thuyết phục được cái thế gian đang vỡ mộng, và chứng minh cho họ thấy rằng hòa bình nội tâm và ngoại giới là điều có thể thực hiện ngay bây giờ và tại đây.

Truyền đạt bằng sự gia trì

Muốn tiến trên con đường mật tông để đạt đến sự viên mãn cho tự thân, cần có sự gặp gỡ giữa bậc thầy bên trong và bậc thầy bên ngoài. Khả năng giác ngộ của chúng ta phải được thêm sức, phải được cảm hứng nhờ tiếp xúc với một người nào đã phát triển tiềm năng ấy đến chỗ viên mãn. Mỗi pháp tu Mật tông tập trung vào một vị trời thiền biểu trưng cho một khía cạnh đặc biệt của cái tâm toàn giác. Và cũng như cái tâm chấp ngã phàm tình đã tạo ra hoàn cảnh giới hạn của riêng nó, tâm hoàn toàn giác ngộ của một vị thần sẽ tạo ra hoàn cảnh đã được chuyển hóa trong đó tâm ấy vận hành để lợi lạc cho người khác. Sự phối hợp giữa vị thần và hoàn cảnh đã được chuyển hóa ấy, gọi là một Mandala, và nếu muốn thể hiện một vị thần nào đó trong tâm mình, trước hết ta phải được giới thiệu vào Mandala của vị ấy nhờ một bậc thầy mật tông đủ tư cách. Chỉ khi ấy những tu tập về chuyển hóa bản thân mới có thể thành đạt.

Mỗi vị thần mật tông có một hệ truyền thừa không gián đoạn gồm những hành giả thuộc hệ phái ấy. Một hệ phái chân thực đáng tin cậy thì phải bắt nguồn từ kinh nghiệm giác ngộ của vị thầy chân chính. Hơn nữa kinh nghiệm này cần phải được truyền thừa đến chúng ta qua một chuỗi không gián đoạn gồm những hành giả uyên thâm, mỗi người đều đã thực chứng nhờ viên mãn những pháp hành trì về vị thần liên hệ. Sức mạnh của mật tông – tantra có nghĩa đen là sự tương tục – nằm trong sự duy trì và truyền đạt kinh nghiệm giác ngộ qua một hệ phái hành giả liên tục không gián đoạn. Bởi thế điều cần thiết là phải thiết lập được liên lạc với hệ truyền thừa sinh động ấy nếu muốn tự chuyển hóa mình. Cách thức để làm cuộc tiếp xúc ấy là qua một lễ nhập môn (hay quán đảnh, hay gia trì.)

Thụ pháp quán đảnh hay gia trì là cốt để đánh thức một loại năng lượng đặc biệt trong tâm ta. Nhờ thiết lập một tương quan mật thiết với bậc thầy, sự tiếp xúc ấy đánh động cái tiềm năng trong tâm ta để đi con đường mật tông đến chỗ viên mãn. Nhập môn là một hành vi thiền định mà thầy trò cùng san sẻ; chứ không phải chuyện một ông thầy cổ quái nào từ Tây tạng sang làm pháp thuật để ban cho bạn những quyền năng ghê gớm như hàng phục rắn và bò cạp! Đừng nên hiểu nghĩa gia trì theo kiểu ấy. Chúng ta cũng không bận tâm đến những khía cạnh hình thức của cuộc lễ như cầu nguyện đọc tụng, rung chuông, v.v. Điều cần hiểu là sự gia trì có thâm ý lớn lao.

Câu chuyện kỳ diệu về hành giả tu chứng rất cao ở Ấn vào thế kỷ thứ 10 tên Tilopa và môn đệ Naropa của ông chứng minh được bản chất cốt yếu của sự gia trì trong mật tông. Đã nhiều năm, Naropa mong muốn thọ pháp gia trì từ bậc thầy Tilopa, và thường lặp lại lời thỉnh cầu. Vốn là một bậc thầy hành tung quái dị khó dò, Tilopa không bao giờ đáp ứng lời cầu xin ấy. Lúc thì ông giả vờ không nghe, lúc lại đánh trống lấp bằng cách nói những câu hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng Naropa vẫn kiên trì.

Một ngày kia sau 12 năm chung sống – trong thời gian đó Tilopa đã đặt môn đệ vào vô số tình huống thử thách đầy hiểm nguy – khi hai thầy trò đang đi bộ qua một sa mạc nóng cháy, Tilopa đột ngột tuyên bố: “Bây giờ đúng là lúc nên làm lễ nhập môn. Hãy đem cho ta một mandala!” Trong câu này thì Mandala có nghĩa là một phẩm vật hiến dâng tượng trưng cho toàn thể vũ trụ, và theo truyền thống, khi đệ tử dâng thầy một mandala để xin được nhập môn, mandala ấy phải gồm những vật quý giá và bày biện đẹp đẽ. Nhưng giữa sa mạc mênh mông chẳng có thứ gì ngoài đất cát, Naropa bèn tiểu tiện xuống đấy để có thể nắn một hình mandala thô sơ. Tilopa nhận món lễ vật quái dị ấy và ban phép “gia trì” bằng cách ném nó vào đầu đệ tử cho vỡ nát! Tâm của Naropa lúc ấy bị cuốn hút bởi lối gia trì bất thường kia một cách sâu xa đến độ ông ta nhập ngay vào một định chứng đầy phúc lạc. Rất lâu, khi cuối cùng ông xuất khỏi định chứng sâu xa ấy, thầy ông đã biến mất. Nhưng Naropa đã nhận được cái mà ông đã bao năm chờ đợi, đó là sự trao truyền tuệ giác thực thụ.

Câu chuyện này kể ra cốt để nhấn mạnh rằng một phép gia trì không phải đơn giản chỉ là nghi lễ. Hoàn toàn không phải thế. Đấy là một loại truyền thông đặt biệt giữa thầy và môn đệ; và bởi thế nó tùy thuộc rất nhiều vào sự mở lòng ra của môn đệ và trình độ tu tập của ông ta cũng như vào sự thực chứng của bậc thầy. Mối truyền thông mật thiết ấy khởi động bản chất sâu xa của chúng ta đến độ ta được thêm năng lực để thực hành không gián đoạn và viên mãn tất cả những thực chứng trên đường tu tập.

Nhiều người phương đông cũng như phương tây có những ý tưởng nhầm lẫn về lễ nhập môn hay gia trì của mật tông. Họ tưởng chỉ có việc tham gia cuộc lễ, bậc thầy sẽ làm tất cả mọi sự. “Ngài sẽ cho một điều gì đặc biệt, và tôi sẽ nhận được, miễn tôi có mặt.” Nhưng thế là quá thụ động. Sự gia trì đích thực chỉ xảy đến khi có sự tham dự tích cực của cả thầy lẫn đệ tử. Đấy là khi hai tâm hồn cùng san sẻ một kinh nghiệm. Chỉ khi điều này xảy đến ta mới có thể nói pháp gia trì đã thực sự diễn ra.

Thọ Pháp gia trì

Thọ pháp cần nhiều điều hơn là chỉ có tham dự bằng thân xác, như đi đến một nơi nào đó vào một lúc nào đó để nhận một cái gì đó mà một người nào đó sẽ trao vào tay bạn. Thọ pháp gia trì còn là sự tham gia trực tiếp bằng cả tâm hồn. Chúng ta cần có khả năng buông xả để cho kinh nghiệm tự xảy đến, hơn là có thái độ căng thẳng, bị ám ảnh. Bởi vì sự quán đảnh – bao gồm tất cả những pháp thiền quán trong đó – là một phương pháp để dẫn ta đi vào một kinh nghiệm về sự toàn vẹn, và sự toàn vẹn này là một liều thuốc chữa trị cái tâm nhị nguyên của chúng ta đầy thói cục bộ bất mãn và cuồng tín. Qua kinh nghiệm nội tâm về pháp gia trì chân chính, mọi chướng ngại cho việc thực chứng cái Toàn vẹn đều bị loại trừ, không phải nhờ ta nghe được hay học thêm được điều gì, mà nhờ thực chứng bằng bản thân.

Thế thì tại sao chúng ta gọi đây là một phép nhập môn hay quán đảnh? Bởi vì đấy là khởi đầu của kinh nghiệm thiền, khởi sự tác động lên việc tập trung thiền quán của ta, và thâm nhập vào thực tại của mọi sự. Qua năng lực của một pháp gia trì như thế, ta sử dụng được trí tuệ, phương tiện và từ bi mà ta đã có. Đây là sự bừng dậy của những gì có sẵn.

Điều quan trọng là nhận ra mình có sẵn những đức tính trí tuệ, phương tiện thiện xảo và từ bi. Thực sai lầm khi nghĩ có người nào thiếu những đức tính ấy, nghĩ nhờ pháp gia trì họ mới nhận được những đức tính họ không sẵn có trong tận cùng bản thể. Giáo lý Phật nói chung và Mật tông nói riêng, thường nhấn mạnh rằng có một tài nguyên vô hạn về tuệ giác sâu xa và từ bi rộng lớn đã nằm sẵn trong mỗi người chúng ta. Điều cần thiết là bây giờ chúng ta phải động đến tài nguyên ấy, “cho chạy” cái năng lượng giác ngộ tiềm tàng ấy.

Để sự gia trì có kết quả, cả thầy lẫn trò đều phải tham dự trong việc tạo nên không khí thích hợp. Vị thầy có bổn phận hướng dẫn lễ gia trì sao cho nó thực thụ đánh động tâm đệ tử, và phải đủ thiện xảo và mềm dẻo để uốn nắn sự gia trì cho hợp khả năng đệ tử. Những đệ tử thì phải biết làm phát sinh một thái độ khoáng đạt, và để tâm mình trong trạng thái sẵn sàng đón nhận. Nếu quá bám vào sự vật giác quan, hoặc vướng sâu ngã ái, hoặc chấp chặt tướng ngoài của sự vật, xem chúng là thực hữu, thì sẽ không có chỗ cho thực chứng len vào tâm thức. Nhưng khi đã luyện tập đầy đủ Bồ đề tâm và chính kiến về tính không, thì đệ tử sẽ dễ dàng cởi bỏ những thành kiến để mở lòng đón nhận sự trao truyền tuệ giác.

Khi cả thầy lẫn trò đều đủ tư cách thích hợp, thì sự gia trì thấm nhuần tuệ lạc lớn lao. Thay vì tạo điều kiện để đi vào mật tông, sự gia trì trong trường hợp ấy đã giúp đệ tử ngộ đạo, thực chứng kinh nghiệm chỉ lạc siêu việt. Quả thế trong quá khứ, đã có nhiều môn đệ đạt giác ngộ ngay trong lúc thọ pháp nhập môn.

Và điều quan trọng cần nhớ là, một hành giả nghiêm túc không chỉ thọ quán đảnh một lần duy nhất. Người ta có thông lệ thọ pháp quán đảnh để đi vào một pháp hành trì mật tông đặc biệt, mỗi lần như thế họ lại có thể nhận được những mức độ kinh nghiệm thực chứng càng ngày càng sâu. Bởi thế ta không nên thất vọng nếu lúc đầu thiền quán của ta chỉ dừng lại ở mức độ tưởng tượng thay vì kinh nghiệm thực thụ. Điều này cũng đã khá tốt, đừng tưởng nó không ăn thua gì. Chỉ tưởng tượng mà thôi cũng gieo được những hạt giống vào trong ruộng thức bao la của ta, và cuối cùng những hạt giống ấy sẽ phát triển thành kinh nghiệm thực thụ. Đây là một tiến trình rất tự nhiên. Bởi thế bạn phải luôn luôn cởi mở buông thư, và hài lòng với bất cứ gì xảy đến.

Pháp hành Đạo sư du già

Khi đã thọ pháp nhập môn để hành trì một pháp quán đặc biệt về vị thần nào đó, ta có thể khởi tu quán hàng ngày về “sadhana” của vị thần ấy. Một trong những pháp thiền đầu tiên của “sadhana” (những chỉ dẫn từng bước để thực hành pháp thiền quán liên hệ đến một vị thần mật tông) là Đạo sư Du già, vắn tắt như sau. Quán tưởng trước mặt hoặc trên đỉnh đầu mình, vị thần thiền chính yếu của mật điển mà ta đang thực hành, hình ảnh vị ấy được vây quanh bởi những bậc thầy trong hệ phái. Những bậc thầy hệ phái này là những người đã truyền thừa giáo lý và thực chứng pháp quán ta hành trì, gồm từ sơ tổ cho đến vị thầy hiện tại, vị thầy mà ta đã thọ pháp nhập môn.

Sau đó ta khẩn cầu những thành phần trong hội chúng ấy ban cho ta niềm cảm hứng và ân phước. Đáp ứng lời thỉnh cầu này, những vị ấy tan hòa thành ánh sáng nhập vào trong ta xuyên qua đỉnh đầu đi xuống huyệt đạo trung ương (xem chương 10) và tan vào trong tim ta. Khi điều này xảy đến thì mọi danh tướng nhị nguyên phàm tình đều tan vào khoảng không trong sáng của tính không. Khi ấy ta thiền quán cái cảm giác rằng bậc thầy, vị thần, và bản tâm ta, cả ba đã trở thành một thực thể bất khả phân.

Tinh túy bậc thầy là trí tuệ, trạng thái tâm hoàn toàn trong sáng trong đó lạc và tuệ – sự thực chứng Tính Không- chỉ là một. Bởi thế khi quán tưởng vị thầy tan vào trong tim mình, ta phải có cảm giác một dấu ấn bất khả hoại của trí tuệ ấy đang ấn sâu vào đáy tim ta. Từ giây phút ấy về sau, ta phải thường xuyên nhớ lại kinh nghiệm nội tâm này về đại lạc và trí bất nhị, dù có gặp hoàn cảnh nào đi nữa. Nếu chính niệm về kinh nghiệm nội tâm này suy giảm, ta sẽ dễ dàng rơi vào ảnh hưởng của kinh nghiệm giác quan thô động, và hỷ lạc nội tâm về trí bất nhị cuối cùng sẽ hoàn toàn tan biến.

Khi quán tưởng bậc thầy mình như vị thần thiền, ta nên đặc biệt nghĩ đến lòng tử tế và sự quan tâm của thầy đối với ta. Nói đơn giản, mặc dù vị thầy như trời thần ấy không phải là cha, mẹ, hay người thân của tôi, vị ấy đã lo cho tôi không khác gì những người thân ấy. Dường như thầy chỉ hiện hữu vì tôi, cho tôi có thể phát triển một thân tâm lành mạnh thù thắng. Đấy là cách ta nên nghĩ về vị thầy như trời thần khi thiền quán.

Nhờ quán tưởng theo cách trên, nghĩ đến sự tử tế của thầy đối với ta, mà một giây liên hệ mãnh liệt được thiết lập. Thay vì quán một hình ảnh mơ hồ không có tính người, ta quán bản chất vị thần không khác gì bậc thầy từ bi vô lượng của ta. Bằng cách ấy một cảm giác thân thiết vô cùng sẽ phát sinh. Do cảm giác mật thiết này, và cũng vì vị thần được quán thành một thực thể ánh sáng tuyệt đẹp, mà cảm hứng có thể đến với bạn rất nhanh. Sự quán tưởng của bạn như nam châm cuốn hút cảm hứng và phúc lạc, nhờ vậy bạn có thể khai triển những thực chứng. Chung quy đây là toàn thể mục đích của pháp hành trì đạo sư du già. Mục đích của sự nhìn thấy bậc thầy dưới hình dạng cao siêu thù thắng hoàn toàn không cốt để làm lợi cho bậc thầy – một bậc thầy chân chính không cần gì đến sự tôn vinh ấy – mà chỉ cốt để thúc nhanh sự tiến bộ tâm linh của ta.

Liên tục nhận ra tính nhất thể

Thấy bậc thầy, vị thần và bản tâm ta là một thực thể duy nhất, không phải là điều chỉ cần làm trong thời thiền quán. Ta phải thực hành đạo sư du già – tự đồng hóa với Phật tính cốt tủy của bậc thầy- trong mọi lúc của đời ta. Thay vì nghĩ đến cái tâm bất mãn khốn khổ của mình, ta nên nhận chân Nhất thể giữa bản tâm ta với bậc thầy bên trong. Khi tâm chấp ngã khởi lên, thì thay vì thêm nhiên liệu cho nó bằng cách lao mình vào tâm trạng mê muội, ta nên cố nhận ra tâm ấy có bản chất Thầy-Phật, đó là pháp thân(xem chương 10). Khi ấy năng lượng của tâm mê được sử dụng để chuyển thành trí tuệ. Đây là giáo lý nổi bật của mật tông.

Nhưng muốn thành tựu sự chuyển hóa sâu xa này, ta phải liên tục thực hành đạo sư du già. Phải thân thiết với lối nhìn bậc thầy, vị thần và bản tâm mình cốt lõi chỉ là một. Tác phẩm Cúng dường đạo sư nói: “Ngài là bậc thầy, là thần nam, thần nữ, thần hộ pháp.” Để giải thích điều này ta có thể mượn hình ảnh Kitô giáo, một truyền thống tâm linh dựa trên hiện hữu của một thượng đế duy nhất, một thực tại tuyệt đối. Mặc dù thượng đế thể hiện dưới ba phương diện Cha, con và thánh thần, tinh túy thượng đế chỉ là một, đó là nguyên lý Toàn thể. Tương tự, mật điển nói đến nhiều vị thần khác nhau, nam thần, nữ thần, thần hộ pháp,… nhưng có lúc tất cả những thực thể này phải được xem như một tổng thể duy nhất. Khi đã thực chứng toàn thể tiềm năng nội tâm, thì chính bạn trở thành một vị Phật. Đấy là mục đích tối hậu của đạo sư du già.

Động đến tim nhờ cảm hứng

Vấn đề của chúng ta là thông thường, sự hiểu biết tôn giáo chỉ nằm trong đầu óc, không phải trong tim ta. Chúng ta hãnh diện đã nghiên cứu, nắm vững triết lý và thực hành của nhiều tôn giáo hoàn cầu, nhưng thâm tâm ta vẫn mê muội, không được điều phục. Những người Tây tạng thường nói: “Bơ là để thuộc da, nhưng cái bình da đựng bơ vẫn cứng trơ không nao núng.” Tri kiến tâm linh là cốt để giảm bớt thành kiến hạn cuộc, khắc phục mê muội. Thế nhưng người ta có thể hiểu biết nhiều về tôn giáo mà vẫn không thay đổi chút nào nhờ hiểu biết ấy. Nghiên cứu vấn đề tâm linh bằng tri thức thì trái tim ta vẫn bất động, không ảnh hưởng gì.

Chúng ta thiếu một nguồn cảm hứng hay sự gia trì cho tâm ta. Ta cần được thuyết phục bằng kinh nghiệm sống động về một thực tại tâm linh mãnh liệt cùng hiệu lực của nó, trong ta và ngoài ta. Nếu không, con mắt tuệ của ta vẫn khép lại, không thể thấy được thực tại sâu xa dù có nghiên cứu bao nhiêu sách vở.

Như chúng ta đã nói, chính bậc thầy là người cung cấp nguồn cảm hứng cần thiết ấy, cung cấp mối liên lạc giữa tâm ta và kinh nghiệm tâm linh thực thụ. Trong lối hành xử của bậc thầy, ta có thể trông thấy tận mắt những hiệu quả tốt lành của sự luyện tâm theo từ bi và trí tuệ. Nhờ nghĩ đến cuộc đời tận tụy của thầy ta đối với mọi người, không chút ngã ái, cũng như nghĩ đến nhiều đức tính khác nơi thầy, rồi nhờ tan hòa hệ phái của thầy vào tim ta, mà ta có thể thấm nhuần những đức tính giác ngộ. Nhiều thế hệ bậc thầy đã kinh nghiệm rằng thực hành những pháp quán ấy, đồng thời buông bỏ ngã chấp, sẽ có hiệu quả sâu xa, chuyển hóa được tri thức khô khan thành tuệ giác.

Khi thực hành đạo sư du già, cần phải kiên nhẫn tiến hành tuần tự, không nên miễn cưỡng làm cho xong việc. Nhất là việc xem thầy như vị thần trong thiền quán. Trong thực tế ta không thể đồng nhất như vậy, nếu chưa phát triển được phần nào những đức tính của vị thần trong chính tâm ta. Bởi thế không nên gắng gượng. Nếu sự tu tập những kỹ thuật mật tông sâu xa này mà phải thoái hóa thành một lễ tục bắt buộc, thì thật là điều quá tệ, không khác nào chỉ đi nhà thờ vì tục lệ xã hội bắt buộc. Để tránh điều này, ta phải làm cho việc tu tập phát triển từ từ. Cuối cùng khi đã quen thuộc với bản chất của tâm, với những đức tính của bậc thầy, với hiệu nghiệm của việc quán tưởng vị thần bằng ánh sáng, ta sẽ bắt đầu cảm thụ được sự thâm thúy của Đạo sư du già.

Bỏ thói quen chấp tướng

Những pháp hành mật tông chẳng những giúp ta hết lệ thuộc khoái lạc giác quan, mà còn khỏi thói chấp tướng và các khái niệm phàm tình. Từ vô thủy đến nay, ta đã bị “tẩy não” để tin cái thế giới thuộc cảm quan là tuyệt đối có thực. Bây giờ tu mật tông là ta cố phá hủy thói quen thâm căn cố đế này. Việc ấy không phải dễ; trí chân không còn ấu trĩ nơi ta rất dễ dàng bị sự áp đảo của cái biết thô thiển thuộc giác quan. Cũng như nhà khoa học đã biết cái bàn chỉ là một tập hợp tạm thời của những năng lượng không ngừng chuyển động, nhưng trên thực tế ông lại thấy nó là vật thể tĩnh và đặc. Bởi thế ta cần thường xuyên thực hành quán chiếu để đánh tan quan niệm sai lầm về tính thực hữu của các pháp, tăng cường chính kiến về bất nhị.

Một khó khăn lớn là ta dễ chấp nhận thực tại thuộc kinh nghiệm giác quan hơn là thực tại do quán tưởng. Ta thường nghĩ: “Tôi có thể quán thân mình thành ánh sáng, song đây chỉ là một trò chơi của tâm tôi. Nó không có thực, trong khi thân vật lý của tôi thì có thực; tôi có thể sờ chạm nó, thấy nó trong gương.”

Ta cần tập coi những kinh nghiệm do tưởng tượng không khác gì những kinh nghiệm giác quan. Cả hai chỉ hiện hữu với cái tâm đang kinh nghiệm chúng, không có thực tại tối hậu, tự tồn. Nhưng chỗ khác nhau là: kinh nghiệm giác quan phàm tình tiếp tục trói buộc ta vào chu kỳ khổ đau bất mãn, còn kinh nghiệm do thiền quán đưa chúng ta đi sâu vào tầng vi tế của bản thể. Với tâm rất vi tế bằng ánh sáng trong suốt này, ta có thể phá vỡ ngục tù khái niệm phàm tình, và kinh nghiệm được hạnh phúc bất tận của toàn giác.

Nếu chưa từng nếm vị phúc lạc của bản tâm và chưa từng thấy tận mắt làm thế nào để đạt đến trạng thái tỉnh giác và khoáng đạt sâu xa vượt ngoài cảm nghĩ, thì dĩ nhiên bạn rất hoài nghi. Có lẽ bạn nghĩ rằng niềm vui bạn có khi được ăn kem chẳng hạn là có thực, còn bất cứ hỷ lạc nào bạn có thể cảm nghiệm trong thiền định chỉ là ảo tưởng. Cách duy nhất để vượt qua hoài nghi này là tập quen thuộc với thực tại nội tâm của mình cho đến khi nó thành một thực tại không thể chối cãi. Và nhờ thực hành đạo sư du già và những phương pháp chuyển hóa kế tiếp, ta có thể quen thuộc với tính phúc lạc sâu xa của tâm ta.

Lama Thubten Yeshe

Việt dịch: Thích Nữ Trí Hải

Nguồn: Bậc Thầy Và Nguồn Cảm Hứng

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung