Bạn có thể thấy Thầy mình là Phật? Không dễ, Rinpoche Dzongsar Khyentse bảo, nhưng đối với hành giả Kim Cương Thừa, đây là nơi con đường chân thật bắt đầu.
Lòng sùng mộ Đạo sư hay bậc Thầy là đầu não, là trái tim, là máu huyết, là xương sống và hơi thở của Kim cương thừa siêu việt, con đường Mật điển của Phật giáo. Kim cương thừa (KCT) không phải là chuyến du ngoạn an toàn nơi miền đồng quê. Thực chất, sự an toàn hầu như là ít lo âu nhất. Cách đương đầu với bản ngã và phiền não của KCT thì đầy dẫy sự mạo hiểm. Những phương tiện đôi khi còn táo bạo nữa. Vì thế, con đường Mật thừa là con đường mạo hiểm bậc nhất trong tất cả những con đường của Phật giáo. Nếu con đường này không phải là một cuộc phiêu lưu, thì chẳng có con đường nào đáng gọi là phiêu lưu cả.
Quyết định đi theo một người khác – không phải một vị thần, không phải một cỗ máy, không phải tự nhiên, không phải một thể chế cai trị, không phải mặt trời hay mặt trăng mà là một con người biết tắm rửa, ngủ nghỉ, ngáp ngắn ngáp dài, bẩn thỉu, ủ dột, dễ dãi – hoặc là một việc xuẩn ngốc nhất mà một người có thể làm hay là một việc làm xứng đáng nhất. Nó là một món quà để dốc lòng và kiên trì theo đuổi. Là món quà để vững tin không chút ngờ vực. Là món quà có thể tận diệt mọi nghi ngờ. Không ai có được những món quà này.
Người học trò của ngài Nyoshul Lungtok đã có được những món quà này. Một lần đang giặt giũ áo quần cho đạo sư, ông thấy một vết phân và nghĩ, “Ồ, phân của Kim Cương Trì.” Nhưng do đã nhận những giáo huấn về việc một đệ tử làm thế nào nhìn bậc thầy là Phật, ông liền tự trách, “ Làm sao ngươi có thể cho đó là phân của Kim Cương Trì hả?” Nhưng ông liền quở ngược lại, rằng, “Có phải mình là một kẻ nịnh bợ không?” Rồi lần thứ ba ông lại tự trách và kết luận rằng kẻ bợ đỡ chẳng qua chỉ là một khái niệm, một nỗi sợ mà thôi. Và sau tất cả những sự quở trách này, ông vẫn dốc lòng phụng sự bậc thầy nhưng không mù quáng.
Một khi bạn dấn thân vào con đường thực hành KCT, nhiều chuyện có thể xảy ra và bạn phải có sự chuẩn bị. Quan trọng là phải có niềm tin, nhưng cũng tốt khi có ngờ vực và vận dụng đến lý trí. Thông thường niềm tin là hệ quả của nghi ngờ và nghi ngờ là hệ quả của niềm tin. Và cái đến sau thường mạnh mẽ hơn nhiều. Cuối cùng, chúng ta phải buông cả hai.
KCT là con đường hợp nhất của trí tuệ và phương tiện, hợp nhất của khoa học và đức tin, hợp nhất của huyễn và chân, dù thế nhiều hành giả KCT vấp phải khó khăn hoặc thậm chí không nghĩ là thử hòa hợp những phẩm tính tưởng chừng không thể dung hòa lại với nhau. Ví dụ, nhiều người áp dụng phương pháp, như lễ lạy bậc thầy hoặc dâng một cánh sen, chấp hai bàn tay theo thế ấn hợp chưởng thật đẹp, nhưng họ làm như một nghi thức mà không vận dụng trí tuệ. Lễ lạy là sự xả bỏ, nhưng chỉ có ít người lễ lạy với sự tự tin chân chính; họ không nghĩ, “Tôi lạy Bổn tôn là bậc không ai khác hơn chính là tôi, cũng vậy Bổn tôn đang lạy tôi.” Biết rằng Bổn tôn và người lạy là một và không khác mới là lễ lạy tối thượng.
Bậc thầy thực sự như đường chân trời. Một chân trời hiển nhiên là – một đường nơi trời và đất dường như gặp nhau. Nhưng trong thực tế, chúng không bao giờ gặp nhau. Đây chỉ là một ảo ảnh về một điểm kết thúc, một điểm tham chiếu nơi đó chúng ta có thể đứng, đo lường và đánh giá. Theo cách đó, đạo sư giống như một đường chân trời giữa trí tuệ và phương tiện, huyễn và chân, khoa học và đức tin.
Bậc Thầy bên ngoài
Trong KCT, đạo sư có ba phương diện: bên ngoài, bên trong và bí mật. Điều quan trọng là phải hiểu rõ những khía cạnh này trước khi bước chân vào con đường vận dụng đạo sư như phương tiện đạt giác ngộ. Bậc đạo sư vĩ đại của dòng Sakyapa Könchok Lhundrup dạy rằng bậc thầy bên ngoài là con người bằng xương bằng thịt mà các bạn có thể nhìn thấy và tiếp xúc với ngài, từ đó các bạn có thể nhận những giáo lý và những chỉ dẫn bằng lời nói và biểu tượng. Đạo sư bên ngoài là “vị Phật mà ta có thể nhận biết.” Bậc thầy bên trong là bản tính của tâm chúng ta – nói cách khác, tâm không phải là suy nghĩ về một “sự vật” mà chỉ là nhận biết và hiện diện không thể bác bỏ được. Và bậc thầy bí mật là tánh không của vạn hữu.
Bậc thầy bên trong và bí mật không có màu da. Họ không có danh hiệu và địa vị. Họ không có hình tướng để bọc trong gấm lụa. Họ không bị trói buộc bởi lề lối, quan niệm hay văn hóa. Và theo cách nào đó, sự hiện diện của những quan niệm đã bành trướng giá trị của chúng trong tâm chúng ta và khiến chúng ta giữ gìn nó còn trân quý hơn cả chân tính. Bậc thầy bên ngoài luôn là một thực thể phức tạp bởi vì họ hữu hình và đáng yêu. Họ có thói quen, quan niệm và số điện thoại. Họ kém thần bí bởi vì họ ngái ngủ và đi ngủ khi mệt. Nhưng tất cả ba phương diện của Đạo sư – Bên ngoài, bên trong và bí mật – đều có giá trị ngang nhau. Không có thứ bậc.
Đạo sư không phải là một chiến lợi phẩm, cũng không phải thấy đạo sư là Phật vào cuối câu chuyện. Khi chúng ta nhận ra tâm mình là Phật, đó mới là chiến thắng tối hậu.
Chúng ta bắt đầu con đường KCT bằng sự tưởng tượng, thêu dệt, tạo dựng niềm tin, “thiền định” về bậc thầy bên ngoài như một vị Phật. Nhờ sức mạnh của quán tưởng, chúng ta thấy màu da của đạo sư vàng như Đức Phật Thích Ca hay xanh thẫm như Đức Kim Cương Trì. Chúng ta có thể thấy thân của đạo sư có nhiều tay như một Bổn tôn và giới tính của ngài có thể chuyển từ nam thành nữ và ngược lại. Sau một lúc, chúng ta bắt đầu thấy con người đang thở và sống này là một vị Phật.
Nhưng cái “thấy” này, trái ngược với những gì chúng ta nghĩ, không có nghĩa đạo sư sẽ xuất hiện nơi bục cửa nhà bạn với làn da mạ vàng hay xanh thẫm. Nó có nghĩa là bạn sẽ không còn ứng xử với bậc thầy như với một con người bình thường phân biệt mà bạn đã từng làm nữa. Bạn hiểu thế nào là bậc thầy? Giải thích theo kinh điển là giao tiếp với bậc thầy sẽ là một kinh nghiệm trực tiếp về sắc tướng như tánh không và tánh không như sắc tướng; nó sẽ là một sự pha trộn của trí và thân. Cách giải thích này không hấp dẫn lắm. Hãy nghĩ đến nhận thức của bạn về một người chuyển biến từ lúc bạn gặp họ như một kẻ xa lạ đến lúc bạn có cảm tình và rồi họ trở thành người yêu của bạn. Do nhận thức của bạn thay đổi, kinh nghiệm cũng sẽ thay đổi theo.
Vào lúc bạn đã tìm được cách thực sự giải thoát mình ra khỏi nhận thức nông cạn về bậc thầy, bạn cũng sẽ thoát khỏi nhận thức nông cạn về sắc và tướng. Màu của thỏi vàng ròng sẽ không khác với màu của miếng lau bọt biển. Một ngàn cánh tay sẽ không làm ngạc nhiên hay theo cái cách – quả thực, sẽ lố bịch khi nghĩ rằng một con người hoàn hảo phải là con người chỉ có hai tay. Đến giai đoạn này bạn thôi lo lắng về các đặc tính – kích cỡ, cân nặng, giới tính, v.v… ; ý nghĩa của chúng tan biến. Nó như món súp cây tầm ma: một khi được nấu chín, bạn không còn bận tâm về gai nhọn của nó nữa.
Đạo sư không phải là một chiến lợi phẩm, cũng không phải thấy đạo sư là Phật vào cuối chuyện. Hài lòng với điều đó là mâu thuẫn với lời dạy của Phật. Chỉ tập trung vào Đức Phật như nhìn vào một ngón tay chỉ trăng thay vì trực diện vào vầng trăng. Khi chúng ta nhận ra tự tâm của mình là Phật, đó mới là chiến thắng tối hậu. Đó là khi chúng ta trở thành bậc thầy của chính mình; bạn sẽ thôi tìm cầu, tôn sùng, nối gót, hay tuân theo một con người hay một đối tượng cụ thể nào nữa – đây là sự độc đáo tuyệt đỉnh của KCT. Không nhận ra tâm mình là Phật, KCT sẽ là một con đường khiếm khuyết na ná như chủ nghĩa Kim Jong-il.
Hai phương tiện siêu việt: Thực tiễn và giàu thực tiễn
KCT có hai phương tiện siêu việt để tích lũy công đức: phát tâm từ bi đối với chúng sinh hữu tình và phát tâm sùng mộ với đạo sư. Chúng ta có thể luôn tích lũy công đức qua việc tôn kính Đức Phật, nhưng đối với những người sơ cơ điều này là một khái niệm quá ư trừu tượng: chúng ta chưa bao giờ thấy Phật và chúng ta cũng chưa gặp bất kỳ ai từng gặp ngài. Ngài chỉ là sự tưởng tượng của chúng ta. Bậc thầy là người mà bạn đã gặp gỡ, nói khác đi, là đã hiện diện trước mặt bạn theo nhận thức của chính bạn và bạn có thể trò chuyện với ngài. Bạn có thể nghĩ về ngài như một vị Phật – không phải Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà là Phật của bạn, nếu đó là tất cả công đức của bạn có thể làm được. Khi khả năng bạn trở nên hữu hiệu hơn, sự xuất hiện của bậc thầy sẽ trở nên siêu việt hơn. Vì thế, bậc thầy là đối tượng hoàn hảo nhờ đó mà bạn tích lũy được công đức. Với bậc thầy, bạn có sự tiếp xúc cá nhân, một quan hệ cá nhân; bạn thực sự có một mối liên hệ. Mật điển lặp đi lặp lại rằng tôn kính dù chỉ một lỗ chân lông trên thân của đạo sư còn nhiều công đức hơn cúng dường cho hàng triệu vị Phật.
Đối với nhiều người chúng ta, phát lòng từ bi đối với toàn thể cha mẹ hữu tình chúng sinh rất khó hiểu; còn lòng sùng mộ với đạo sư có vẻ giàu tính thực tiễn và khả thi hơn nhiều. Ngay cả khi chúng ta có một ý tưởng mơ hồ về cái gọi là “toàn thể hữu tình chúng sinh” là gì, chúng ta chỉ có thể duy trì lòng từ bi dành cho họ trong một hoặc hai ngày, nhưng khó mà cảm thấy từ bi đối với toàn thể chúng sinh mọi lúc mọi nơi. Lòng sùng mộ đối với bậc thầy, người mà chúng ta tự chọn cho mình thì khả thi hơn nhiều. Lòng từ bi của chúng ta đối với toàn thể chúng sinh thường bị hư hao do sự phân biệt và vẻ ngoài. Tuy nhiên, lòng sùng mộ với đạo sư thì riêng tư và cụ thể hơn. Nó có thể bắt đầu bằng sự thán phục, cung kính, vâng lời và hứng thú, mặc dù tất cả chúng có thể rời rạc.
Công đức quyết định cách chúng ta nhận thức vị Thầy
Như ngài Jigme Lingpa từng nói, mặt trăng có mọi đặc tính cần thiết để phản chiếu nó trên mặt hồ tĩnh lặng. Nếu mặt trăng không có hình thể hay thực chất và nếu nó không phản chiếu ánh mặt trời, thì nó sẽ không thể hiện ra trên mặt nước. Hơn nữa, đặc tính của nước trong chính là có thể ảnh hiện và khi trăng và nước – hai thực thể hoàn toàn riêng biệt – đối diện hoàn hảo không có gì che khuất chúng, bóng trăng sẽ xuất hiện tự nhiên không hàm ý. Tương tự, vị Phật trong chúng ta có những phẩm tính có thể hiển lộ tự nhiên không hàm ý. Khi chướng ngại tan, Phật sẽ tự nhiên xuất hiện với những chúng sinh hữu tình có đủ công đức.
Một số chúng sinh có công đức sẽ có cơ duyên hạnh ngộ vị Phật bên trong ảnh hiện dưới hình tướng của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, đã đến thế gian 2,500 năm trước. Những ai có công đức sẽ có duyên gặp gỡ vị Phật bên trong dưới hình thức một con cá to lớn trong nạn đói. Đối với những người khác, Đức Phật có thể là một tượng đá, tranh vẽ, một hoa sen, một vườn cây, hay bất cứ những vật thể khác giúp người đó có được hạnh phúc tương đối tạm bợ. Và với những ai có công đức tối thượng, họ sẽ có khả năng hạnh ngộ Lạc bất nhị như một vị Phật.
Tiến trình gắn liền với sự ảnh hiện của vị Phật bên trong được gọi là lòng sùng mộ. Bao giờ dòng tâm chưa ngưng bặt, thì luân hồi vẫn bất tận. Cho đến khi luân hồi chấm dứt, con đường vẫn trải dài vô tận. Bao giờ còn con đường, thì còn lòng sùng mộ. Và bao giờ còn lòng sùng mộ, thì còn bậc thầy bên ngoài.
Cây cầu nhân sinh
Nếu nhận thức về bậc thầy bên ngoài là một vị Phật chưa thấu đáo, thì việc nhận ra bậc thầy bên trong và bậc thầy bí mật còn xa vời lắm. Bước đầu, chúng ta chỉ tạo ra một ý niệm mơ hồ về bất kỳ loại nào trong ba loại bậc thầy ở mức độ lý trí. Để thực sự hiểu được bậc thầy bên trong và bí mật, chúng ta cần một nhịp cầu nối từ bờ bên này sang bờ bên kia – từ chính chúng ta đến các bậc thầy bên trong và bí mật. Chiếc cầu duy nhất là một con người mà chúng ta có thể chạm vào, nhìn thấy và thông qua đó chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, người đó là điểm tựa và hình mẫu và có sự thuần thục cũng như kiến thức để chỉ rõ đâu là bậc thầy bên trong và bí mật. Chiếc cầu duy nhất đó chính là bậc thầy bên ngoài.
Quan hệ với một vị thầy có vẻ không hề đơn giản. Chúng ta là những con người có thói quen hy vọng và sợ hãi và mỗi chúng ta đều có nền tảng văn hóa và cá tính khác nhau. Chừng nào còn bị trói buộc bởi những điểm khác biệt này, chúng ta còn mê mờ và chừng nào còn mê mờ, mối quan hệ của chúng ta sẽ còn phức tạp.
Xuyên qua tấm màn của những nhận thức mê lầm mỗi ngày của bạn, vị thầy bên ngoài dường như là một con người bình thường. Ngài cùng chia sẻ vị ngon của món pizza cá cơm với bạn và cũng uống cà phê đậm đặc, mà bạn thì không thích chút nào. Ngài tỏ vẻ bực dọc khi bạn mắc lỗi. Ngài là một con người. Nhưng ngài không cùng sắc tộc với bạn, vì thế ngài có vẻ lạ lùng và đáng chú ý. Càng lạ lùng càng tốt, đặc biệt khi bạn là một học trò ngây thơ và cả tin, dễ bị cuốn hút về màu sắc, vóc dáng và chủng tộc. Tốt nhất là khi sắc da của ngài hoàn toàn khác. Thế nhưng, nếu nó kỳ lạ quá thì cũng không tác dụng.
Vượt lên nhân loại
Khó chấp nhận một bậc thầy là một “siêu” nhân bởi lẽ chúng ta, những hành giả, vẫn là con người; một số chúng ta luôn tìm kiếm sự quen thuộc. Chúng ta muốn thầy mình có hình dáng như chúng ta và cùng thích những bản tình ca như chúng ta. Trên phương diện khác, chúng ta muốn thầy mình phải xuất chúng và siêu phàm nhưng đừng xuất chúng hay siêu phàm quá. Nếu thầy có ba mắt, chúng ta không biết phải ứng xử với việc đó thế nào. Chúng ta mua quà cho thầy và hình dung ngài sẽ ngạc nhiên và hài lòng như thế nào khi nhận chúng. Đồng thời, chúng ta muốn bậc thầy phải có thần thông, nếu không nói là giác ngộ, như thế ngài phải biết trước chúng ta sẽ mang đến cái gì. Tâm của chúng ta quả là rắc rối. Như vậy, bậc thầy cần cho hai mục đích: thứ nhất là một người bình thường mà chúng ta có thể hiểu được và thứ hai là một người có đủ mọi kỹ năng đưa bạn vượt qua tầm vóc của nhân loại. Bậc thầy phải có một nửa thường nhân và một nửa Thánh nhân.
Bạn dễ dàng thấy thầy mình là một con người vì đó là thói quen của bạn. Nhưng bạn phải nỗ lực để tạo nên một lai ghép bằng cách “thấy” ngài là Thánh nhân. Bạn phải nỗ lực bằng mọi cách – tự huấn luyện, tự tập làm quen – để thấy thầy là một Thánh nhân. Và quan trọng nhất, bạn phải có công đức và năng lực để suy nghĩ theo lối đó. Đó là lý do chúng ta phải luyện tâm và tu Đạo sư Du già.
Vượt qua nhị nguyên
Trong khi nhiều người mắc sai lầm ở chỗ trông mong quá nhiều vào một bậc thầy – như không ngớt tìm kiếm lời khuyên và trợ giúp tinh thần từ ngài – Số khác thì bác bỏ hoàn toàn một vị thầy mang thân người. Như thể họ sợ liên hệ với một người sống. Họ nói đủ thứ kiểu như “Tôi là thầy của chính mình,” với lý lẽ biện hộ nghe có vẻ học thức và xuôi tai rằng vạn pháp, kể cả bậc thầy, đều là bản tính của tâm. Nhưng sau một vài câu hỏi, hóa ra họ không có lấy thậm chí một chút xíu hiểu biết về “bản tính của tâm” nghĩa là gì.
Tôi đã gặp nhiều người châu Âu trung niên không hài lòng về các tôn giáo Abraham mà họ đã được dạy dỗ vì đã truyền con vi-rút mặc cảm tội lỗi cho họ. Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, một số bị thúc giục nổi loạn, có lẽ lúc họ còn niên thiếu vào thời kỳ hậu Thế chiến thứ II. Một số kẻ nổi loạn cảm thấy hứng thú với giáo lý Phật giáo; họ thấy mình được soi sáng bởi những khái niệm như “vạn pháp do tâm” và “con chính là thầy của mình,” và họ vẫn phấn khích như thế cho đến tận hôm nay. Những tín đồ này đánh đồng bản chất nổi loạn của họ với sự oán hận của họ về các tôn giáo có tổ chức chặt chẽ. Về mặt lý trí, những kẻ tìm kiếm giáo pháp từng theo các tôn giáo Abraham không còn tin vào tội lỗi tổ tông, nhưng do giáo dục, thói quen cảm thấy tội lỗi và sai trái của họ vẫn còn mạnh mẽ. Loại người này có thiên hướng nhiệt liệt phất cờ chào đón các bậc thầy bên trong và bí mật.
Quan điểm này – rằng bậc thầy bên trong là đủ – thường được chấp nhận bởi những người bẩm tính thông minh có chút hơi hướng vô chính phủ hoặc xuất thân từ danh gia vọng tộc và không hài lòng về ý tưởng có thêm một nhân vật quyền lực khác phả hơi xuống cổ họ.
Có những người lại thích được dẫn dắt. Ngay cả những vấn đề đời thường, họ cũng không tin vào phán đoán hay linh tính của chính họ. Họ có thể bước ngay vào một cửa hiệu tạp hóa không chút đắn đo. Nhưng họ cũng có chút lười biếng, khi cầu viện đến bậc thầy cho một lời khuyên về một việc nhỏ nhặt nảy ra trong đầu họ. Kiểu người này phải học cách tự tin vào chính mình và bớt dựa dẫm vào bậc thầy bên ngoài.
Sau cùng, câu hỏi bậc thầy bên trong có đủ cho bạn hay không thật không thích hợp nếu mục đích tâm linh của bạn là đạt giác ngộ. Nhưng có một cách dễ dàng tìm lời giải đáp. Nếu bạn có thể vượt qua bất kỳ cũng như tất cả những hoàn cảnh bên ngoài nào, thì có thể bạn không cần đến một bậc thầy bên ngoài nữa, bởi lẽ lúc đó mọi hình tướng và kinh nghiệm bất luận thế nào đi nữa đều hiện ra như một bậc thầy. Nói khác đi, nếu một hành giả không thể kiểm soát được tình huống và hoàn cảnh, thì mọi phương pháp luyện tâm đều cần thiết. Vì thế, hành giả cần được dẫn dắt, thúc đẩy, chăm chút.
Dẫu bạn có làm chủ được tình huống và hoàn cảnh hay không, vẫn còn vô khối việc bạn có thể làm, như bỏ bữa ăn trưa. Nếu bạn là đàn ông, hãy mặc yếm ngực và dạo quanh phố phường. Nếu là phụ nữ, hãy đến tiệc tùng với đôi dép lê của phòng ngủ. Nếu đã kết hôn, ngẫm xem bạn có thể tha thứ cho kẻ chạm vào chỗ kín của bạn đời. Thử xem bạn có lay động bởi lời khen, tiếng chê, bị phớt lờ, hay được chú ý. Nếu bạn kích động, bối rối, hay nổi điên, thì nhiều khả năng bạn vẫn còn bị khuất phục bởi những tác động mạnh mẽ như bùa mê của tập quán và văn hóa.
Bạn vẫn còn là một nạn nhân của nhân và duyên. Khi một người thân yêu mất đi hoặc cuộc sống mà bạn đang ra sức vun đắp chợt sụp đổ, có khả năng sự hiểu biết của bạn về các bậc thầy bên trong và bí mật sẽ không xoa dịu được đau khổ. Sự hiểu biết của bạn về “sắc tức thị không và không tức thị sắc” cũng chẳng thể an ủi bạn. Trong trường hợp đó, bạn cần đưa vào một nhân tố mới để đương đầu với những hoàn cảnh này. Vì hiểu biết của bạn về các bậc thầy bên trong và bí mật thuộc về bình diện tinh thần, bạn không thể kêu cứu thấu các ngài. Đây chính là chỗ cần đến bậc thầy bên ngoài để có thể tiếp xúc, thưa thỉnh với ngài.
Chừng nào bạn còn ở trong một thế giới mà nơi đó vẫn cần đến những người bạn và người thân hữu hình, chừng nào bạn còn buồn phiền bởi những chướng ngại bên ngoài như những cảm xúc đam mê và đánh giá đạo đức, thì chừng đó bạn vẫn cần một bậc thầy. Nói chung, chừng nào tâm bạn còn phân biệt, đừng tự dối mình rằng chỉ bậc thầy bên trong là đủ. Khi bạn đạt đến mức ở đó bạn có thể thực sự đối thoại với bậc thầy bên trong của bạn, lúc đó bạn có thể chỉ còn một chút phân biệt. Bạn sẽ không còn cự tuyệt hay bị thu hút đối với bậc thầy bên ngoài nữa.
Vì thế, bậc thầy bên ngoài vẫn cần thiết cho đến khi bạn ít nhất cũng hiểu được ý nghĩa cốt lõi của bậc thầy bên trong và bí mật. Khi bạn đã nhận ra được bậc thầy bên trong và bí mật, bạn thậm chí không thể tìm thấy bậc thầy bên ngoài nữa.
Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche