Giáo lý Phật Đà có thể được chia thành con đường Kinh thừa và con đường Mật thừa. Con đường Kinh thừa dựa trên những nguyên nhân và con đường Mật thừa dựa trên kết quả. Cả hai đều về việc sử dụng một con đường để giải phóng chúng ta khỏi tri kiến nhị nguyên nhằm đạt tới trạng thái giải thoát.
Đầu tiên, trên con đường Kinh thừa, nguyên nhân của tri kiến nhị nguyên được phân tích. Người ta thấy rằng gốc rễ của nó là sự bám víu vào cái tôi, sự vô minh của chúng ta. Sau đấy, họ tiếp tục phân tích. Ý tưởng này đến từ đâu? Bản chất của sự bám víu vào cái tôi này là gì? Những dấu hiệu của nó? Nguyên nhân của nó là gì? Cuối cùng, họ đi đến kết luận rằng sự đồng nhất của bản thân không thực sự tồn tại. Trên con đường Kinh thừa, chúng ta bắt đầu từ sự hiểu rằng hiện nay chúng ta đang trong trạng thái tràn đầy khổ đau và họ tìm kiếm nguyên nhân của nỗi khổ đau này. Họ thấy rằng nguyên nhân là những hành động khác nhau mà họ đã từng làm. Sau đấy, họ tự hỏi điều gì đã gây ra những hành động này và nghiệp quả của chúng. Họ thấy rằng nguyên nhân là những cảm xúc phiền não, điều lại được gây ra bởi tri kiến nhị nguyên và sự bám víu vào cái tôi. Vì vậy, họ đến một điểm mà họ nhận ra rằng sự bám víu đó là nguyên nhân của mọi trải nghiệm.
Dựa trên sự hiểu này, họ đi theo con đường Kinh thừa, trong đó hành giả chủ yếu duy trì các quy tắc về thân và khẩu. Họ cũng sẽ hiểu về sự phụ thuộc lẫn nhau của vạn pháp và rằng chúng không tồn tại cố hữu. Thứ ba, họ cố gắng đạt được một thái độ nhân từ với tha nhân.
Vì thế, trên con đường Kinh thừa, hành giả bước đi bằng cách phân tích mọi thứ, tìm hiểu nguyên nhân. Dựa trên sự hiểu đạt được nhờ làm thế, họ áp dụng các phương pháp khác nhau. Sau đấy, họ sẽ đến một điểm mà họ thoát khỏi khổ đau. Họ đạt giải thoát và trạng thái toàn tri. Tuy nhiên, con đường này rất dài. Chúng ta biết rằng con đường của chư Bồ Tát cần tới ba vô lượng kiếp để đạt Phật quả. Về con đường Mật thừa, Kim Cương thừa, hành giả tiến hành theo cách thức hoàn toàn khác. Họ không phân tích các nguyên nhân, họ làm việc trực tiếp với các trải nghiệm của bản thân. Ví dụ, khi những cảm xúc phiền não xuất hiện, họ không phân tích nguyên nhân của chúng, mà trực tiếp trải nghiệm và đến một thời điểm mà họ có thể chuyển hóa chúng. Vì lý do đó, người ta nói rằng con đường này làm việc với kết quả và bởi thế là con đường rất nhanh. Kết quả, thứ đạt được nhờ cả hai con đường, là giống nhau: hành giả thoát khỏi khổ đau và các phiền não bên trong suy giảm, họ đạt chứng ngộ. Điểm khác biệt giữa các con đường chỉ là cách mà chúng ta thực hành.
Con đường Mật thừa bắt đầu từ những điều kiện khác với con đường Kinh thừa. Con đường này chỉ thích hợp với các hành giả có căn cơ cao nhất, bởi nó làm việc với các cảm xúc phiền não mà không phân tích nguyên nhân của chúng. Mặt khác, người ta cũng nói rằng, trong thời đại suy đồi này, con đường này thích hợp với những người có cảm xúc phiền não mạnh mẽ nhất. Lý do là bởi những người này không có sự kiên nhẫn để tích lũy công đức trong thời gian dài và thực hành con đường Bồ Tát. Đơn giản là họ không thể xoay sở được. Nếu họ thực sự có thể thực hành Mật thừa và giải quyết các phiền não trong tâm, đây là con đường rất nhanh. Tuy nhiên, họ sẽ không đạt Phật quả trong vài ngày hay năm.
Người ta cũng luôn nói rằng Kim Cương thừa là về việc đưa các kinh nghiệm và hình tướng bất tịnh đến cấp độ thanh tịnh. Tuy vậy, điều này không phải là sự chuyển hóa chỉ bao gồm việc suy nghĩ hay tin tưởng rằng mọi thứ là thanh tịnh. Hơn thế, nó là sự chuyển hóa thực sự. Để có thể làm vậy, hành giả cần “ba gốc” (cội nguồn) của ân phước, thành tựu và hoạt động. Gốc rễ của ân phước là Bậc Thầy (Lama). Gốc rễ của thành tựu (siddhi) là Bổn tôn (Yidam). Gốc rễ của hoạt động là chư Hộ Pháp. Bậc thầy là quan trọng nhất trong ba gốc. Chư Bổn tôn và Hộ Pháp là sự hiển bày của bậc thầy. Không có Bổn tôn hay Hộ Pháp nào tách rời với bậc thầy. Vì lý do đó, bậc thầy có ý nghĩa rất đặc biệt trong Kim Cương thừa.
Để hiểu được điều này, thật lợi lạc khi nhìn lại con đường Kinh thừa. Ở đây, hành giả nương tựa một vị thầy hay thiện tri thức tâm linh, người chỉ ra con đường. Theo những giải thích của bậc thầy, họ thực hành và như thế tiến bộ qua các cấp độ (địa) Bồ Tát và năm con đường (ngũ đạo: tư lương đạo, gia hạnh đạo, kiến đạo, tu tập đạo và vô học đạo).
Trong Kim Cương thừa, bậc thầy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn. Hành giả không xem bậc thầy đơn giản là người chỉ bày con đường, mà xem ngài như chính Đức Phật. Với thái độ này, ân phước của bậc thầy có thể trực tiếp thâm nhập tâm thức học trò, làm chín muồi và đánh thức dòng tâm thức. Để điều này xảy ra, hai yếu tố là cần thiết. Một mặt, hành giả phải thực hành và mặt khác, anh ta phải cởi mở với bậc thầy và thực sự thấy ngài là Phật.
Về con đường Kinh thừa, hành giả đối phó với hành động một cách có chủ ý. Anh ta nỗ lực để tránh mọi hành động tiêu cực và chỉ làm thiện hạnh. Nhưng bởi luôn được “đồng hành”bởi sự vô minh và vì có nhiều phiền não, anh ta không bao giờ thành công một cách trọn vẹn và luôn luôn lại làm điều gì đó xấu xa. Con đường Kinh thừa tốn nhiều thời gian bởi nỗ lực vì thiện hạnh và những phiền não trong tâm, thứ luôn xúi giục chúng ta làm ác, liên tục xung đột với nhau. Tuy nhiên, trên con đường Mật thừa, có một yếu tố bổ sung trong kết nối với bậc thầy. Trong bản tính thật sự của tâm, chẳng có vô minh nào được tìm ra; nó chỉ là cách mà chúng ta trải nghiệm mọi thứ, điều được đánh dấu bằng vô minh. Nếu chúng ta hướng về bậc thầy với sự tin tưởng trọn vẹn, và nhờ đó nhận được ân phước gia trì, tâm thức sẽ được dẫn dắt đến sự trưởng thành. Điều này nghĩa là, nhờ ân phước gia trì, chúng ta có thể nhận ra bản tính thật sự của tâm. Vì thế, bậc thầy – cội nguồn của ân phước, rất quan trọng trong Kim Cương thừa và được gọi là “gốc đầu tiên”.
Để thọ nhận ân phước gia trì, chúng ta cần nhiều thứ. Một mặt, chúng ta cần phát triển sự tin tưởng trọn vẹn và lòng sùng mộ chí thành với bậc thầy. Tuy nhiên, điều này không nhắc đến bất cứ bậc thầy nào. Nó liên quan đến người mà chúng ta lựa chọn sau khi kiểm tra kỹ lưỡng nhiều vị đạo sư khác nhau. Đó là vị thầy mà chúng ta chắc chắn rằng bản thân có thể phát triển sự tin tưởng trọn vẹn. Mặt khác, bậc thầy cũng cần kiểm tra hành giả để chắc chắn rằng ngài có thể thực sự giúp đỡ.
Nếu chúng ta có thể đạt được sự chắc chắn rằng bản thân có thể phát triển sự cởi mở trọn vẹn này với một vị thầy, nó cần khởi lên sự tin tưởng không dao động. Nó thực sự không dao động và không thể phá hủy giống như kim cương. Nếu làm được vậy, kết quả sẽ không bị ảnh hưởng và gây phiền nhiễu bởi những ý nghĩ thông thường nữa. Sự không dao động này của niềm tin cũng là lý do của tên gọi “Kim Cương thừa”.
Nhiều người tin tưởng một cách sai lầm rằng chẳng có sự khác biệt giữa một vị thầy Kim Cương thừa với các vị thầy khác. Một vị thầy nói chung có thể chỉ ra con đường theo cách thức hoàn toàn thanh tịnh và rõ ràng, và giải thích cách thức hành xử, cách mà mọi thứ là hay tương tự. Tuy nhiên, một vị thầy Kim Cương thừa là người không chỉ làm việc và giảng dạy với từ ngữ mà với mọi cấp độ. Với hành vi về thân, với giáo lý bằng khẩu và thông qua những nguyện ước của tâm, ngài có thể dẫn dắt tâm thức của người khác đạt đến sự chín muồi và giải thoát. Chỉ người có khả năng này mới là một vị đạo sư Kim Cương thừa chân chính. Có nhiều vị thầy nói chung nhưng rất ít vị có thể được gọi là đạo sư trong Kim Cương thừa.
Trong lời cầu nguyện Kim Cương Trì (Dorje Chang) có nói rằng lòng sùng mộ là đầu của thiền định. Nó nhắc đến lòng sùng mộ được phát triển trong Kim Cương thừa – một kiểu sùng mộ hoàn toàn và tự nhiên thức tỉnh trong hành giả, không chút tưởng tượng hay tự lừa dối. Khi nó xuất hiện trong tâm, những ý niệm bình phàm sẽ suy giảm nhờ ân phước của bậc thầy và các kinh nghiệm thiền định tự nhiên xuất hiện, không cần dốc sức hành thiền. Sau đấy, những nguyện ước về thân, khẩu và ý của bậc thầy có thể hữu ích cho học trò.
Các vị Tổ của truyền thống Kagyu từng nói, những pháp tu sơ khởi – Ngondro còn sâu xa hơn mọi thực hành khác. Tuyên bố này liên quan nhiều đến Guru-Yoga (Đạo Sư Du Già) hơn là lễ lạy, Kim Cương Tát Đỏa (Dorje Sempa) hay cúng dường Mandala, bởi ở đây, hành giả đón nhận ân phước gia trì của bậc thầy. Với các thực hành như Đại thủ ấn (Mahamudra) hay giai đoạn phát triển trong thực hành Bổn tôn, giai đoạn phát triển – Sáu Pháp Du Già Của Naropa – tất cả đều dựa trên Ngondro, chúng ta luôn luôn phải chuẩn bị tâm thức một cách thích hợp. Điều này xảy đến nhờ ân phước gia trì mà chúng ta trải qua trong Guru Yoga. Chỉ nhờ điều này mà chúng ta đem các kinh nghiệm bất tịnh đến cấp độ thanh tịnh và có thể trực tiếp tiến hành các pháp tu khác. Lòng sùng mộ mà một hành giả cần có với bậc thầy không giống cảm xúc khi gặp một vị thầy đối xử tốt đẹp với mình. Nếu ngài mỉm cười hay nói năng theo cách thức dễ chịu, một cảm xúc sùng mộ có thể khởi lên, nhưng đó được gọi là “sự khởi lên của cảm xúc vì những điều kiện”. Tuy nhiên, lòng sùng mộ được truyền cảm hứng với bậc đạo sư là cảm xúc ở sâu bên trong, không phụ thuộc vào những điều kiện ngoại cảnh như vậy. Ban đầu, nó vẫn phụ thuộc vào những thứ bên ngoài; sau đấy nó trở thành cảm xúc bên trong, thứ xuất hiện chẳng phụ thuộc vào ngoại cảnh và các kinh nghiệm tạm thời. Chỉ khi lòng sùng mộ sâu sắc này và niềm tin tưởng không dao động khởi lên, ân phước gia trì mới có thể phát huy tác dụng để các ý niệm bình thường cùng những thứ tương tự tự nhiên lắng dịu. Có những miêu tả về dấu hiệu của lòng sùng mộ: rớt nước mắt và nổi da gà. Nhưng để điều này xảy ra, hành giả cần phải kết nối với vị thầy trong nhiều đời; xây dựng nó trong một đời là không thể.
Chỉ khi thọ nhận được ân phước thực sự, chúng ta mới có thể chứng ngộ được kết quả đúng đắn, chứng ngộ rốt ráo, những thành tựu cao cấp nhất. Nếu chúng ta ép buộc bản thân vun bồi cảm xúc sùng mộ và tin tưởng giả tạo, ân phước gia trì và nguyện ước cũng sẽ là sự tưởng tượng và giả tạo, và vì thế kết quả cũng tương tự. Chư đạo sư chỉ là con người. Chư vị có thân thể. Chư vị đôi lúc có tâm trạng tốt hay xấu. Chư vị có thể tức giận, buồn bã hay tương tự. Không có niềm tin tưởng thực sự và lòng sùng mộ không dao động, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều này và cảm thấy bất an. Chúng ta sẽ băn khoăn liệu kinh nghiệm thiền định hôm nay có mạnh mẽ như hôm qua; chúng ta trở nên không ổn định và thiếu chắc chắn trong sự tự tin. Tất cả đều vì lòng sùng mộ và sự tin tưởng vẫn chưa phải là không thể lay chuyển.
Khi chúng ta nói về việc đạt đến những thành tựu cao cấp nhất, nó không phải thứ gì đó bên ngoài hay mới mẻ. Đó là sự chứng ngộ bản tính tâm. Chúng ta đạt được thành tựu cao nhất khi thoát khỏi mọi trạng thái và điều kiện thay đổi, tạm thời và khi ta chứng ngộ tâm như nó thực sự là.
Ân phước gia trì có khả năng đem tâm thức của hữu tình chúng sinh khác đến sự chín muồi và giải thoát họ. Ân phước không có hình tướng hay biểu tượng riêng biệt nào. Mặc dù trong các quán đỉnh, những pháp khí biểu tượng khác nhau được sử dụng, ân phước gia trì đích thực là việc chúng ta thoát khỏi ý tưởng rằng ai đó nhận một sự gia trì và được ban một sự gia trì. Đó là quán đỉnh rốt ráo và là ân phước thật sự. Mọi thứ khác đều chỉ là biểu tượng và ví dụ để đón nhận ân phước.
Đức Jamgon Kongtrul Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana