Những đặc tính và phạm trù của Bồ Đề Tâm |

Những đặc tính và phạm trù của Bồ Đề Tâm

Bồ Đề Tâm Thực hành

Điều kiện thứ nhất cần thiết để đạt được Phật quả là Bồ đề tâm (bodhicitta). Chủ đề Bồ đề tâm chia làm hai chủ đề nhỏ: những đặc tính của Bồ đề tâm và những phạm trù của Bồ đề tâm.

1. Những đặc tính của Bồ Đề Tâm

Những đặc tính của Bồ đề tâm là có động cơ cao nhất. Động cơ này có hai phương diện. Phương diện thứ nhất là mong muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh, nghĩa là giúp đỡ một cách tuyệt đối tất cả chúng sanh từ lúc bắt đầu của thời gian suốt khắp thời gian và không gian. Chúng ta muốn cho chúng sanh hạnh phúc nào? Chúng ta biết không ai muốn khổ đau và ai cũng muốn hạnh phúc, nhưng không ai có nó. Thế nên chúng ta muốn cho tất cả chúng sanh hạnh phúc tốt nhất và đây chính là trạng thái Phật quả hoàn hảo. Vậy thì giúp đỡ một cách tuyệt đối tất cả chúng sanh và giúp đỡ họ đạt đến Phật quả tạo ra động lực cao nhất là một đặc tính của Bồ đề tâm.

Chúng ta cũng có thể nhìn vào những đặc tính của Bồ đề tâm về mặt trí huệ và lòng bi, chúng phải hiện diện để thật là Bồ đề tâm. Lòng bi là quan tâm không chỉ những bạn bè, thân thuộc, mà thực sự quan tâm đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh khắp suốt không gian và thời gian. Lòng bi chân thật là tỉnh biết rằng tất cả chúng sanh đều muốn thoát khổ và họ đều cố gắng thành tựu hạnh phúc. Tự thân lòng bi thì không đủ bởi vì loại hạnh phúc chúng sanh tìm kiếm và cách họ chọn để loại bỏ khổ đau thì thường rất giới hạn. Chính là qua trí huệ mà chúng ta bắt đầu hiểu rằng hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu chỉ thành tựu bằng cách đạt đến Phật quả. Với trí huệ chúng ta biết rằng không có Phật quả sẽ không có hạnh phúc thường hằng. Thế nên trí huệ là đặc tính thứ hai, tập chú vào giác ngộ. Chúng ta chỉ chắc chắn giúp đỡ chúng sanh khi chính chúng ta hoàn toàn giác ngộ. Thế nên chúng ta phải mong muốn giác ngộ.

Maitreya trong văn bản gốc của ngài nói rằng những kinh giải thích theo cách rất ngắn gọn và cả rất chi tiết làm thế nào chúng sanh đạt đến Phật quả. Khi Đức Phật dạy, đôi khi ngài thấy cần giảng tỉ mỉ rất rộng một chủ đề và lúc khác ngài dạy rất ngắn gọn. Nhiệm vụ của những luận Phật giáo là chỉ ra trong một cách rất ngắn gọn những điều rất bao la và sâu xa. Những luận giả cũng đôi khi mở rộng những lời rất ngắn gọn của Đức Phật để chúng ta hiểu tốt hơn. Đó là tại sao rất lợi ích khi nghiên cứu không chỉ điều Đức Phật dạy, mà còn những giảng luận Phật giáo.

2. Những phạm trù (thí dụ) của Bồ Đề Tâm

Một giải thích chi tiết hơn về nhiều loại Bồ đề tâm nằm trong hai mươi hai thí dụ. Những thí dụ này được sắp xếp theo sự khai triển dần dần của Bồ đề tâm.

Thí dụ thứ nhất là như đất. Khi trước tiên chúng ta tỉnh ra với Bồ đề tâm của chúng ta, chúng ta cần một mong muốn lớn lao hoàn thành Phật quả. Khi chúng ta muốn giúp đỡ những người khác, Bồ đề tâm của chúng ta sẽ nẩy nở. Nếu nguyện vọng này thiếu, bấy giờ sẽ cực kỳ khó khăn để có tiến bộ tâm linh. Thế nên nguyện vọng là tính chất đầu tiên của Bồ đề tâm. Điều này được so sánh với đất bởi vì trên đất người ta có thể xây nhà, cây cối có thể lớn lên… Nếu không có đất, bấy giờ không có nền tảng cho những cái này xuất hiện và vững chắc. Khi Bồ đề tâm đi cùng nguyện vọng rất tốt, bấy giờ chúng ta có thể nghĩ nó như đất cứng chắc.

Thí dụ thứ hai cho chúng ta thấy nguyện vọng ban đầu giúp chúng sanh cần trở nên vững chắc và hiện diện mọi lúc. Sự vững chắc này được ví với vàng. Chúng ta cần làm cho nguyện vọng không bao giờ thay đổi từ bây giờ cho đến Phật quả. Chúng ta cần có một động cơ liên tục để nguyện vọng chúng ta càng lúc càng sâu hơn.

Thí dụ thứ ba là động cơ Bồ đề tâm này trở nên sâu hơn, phong phú hơn, năng lực hơn. Người ta làm điều này qua sự chuyên cần lớn lao trong thực hành và cải thiện phẩm tính của nguyện vọng. Tinh chế và cải thiện Bồ đề tâm được ví với trăng đầu tháng. Mỗi ngày nó lớn dần cho đến khi tròn. Điều này tương tự với nguyện vọng của chúng ta có thể càng lúc càng tốt hơn trong mọi thời gian.

Khi loại bỏ những chướng ngại, nhất là sự tiêu cực của những tương quan và cảm nhận xấu đối với những người khác bằng cách thực hành để giảm trừ những hiếu chiến, bấy giờ chúng ta có thể thực sự tiến bộ. Thí dụ thứ tư so sánh với việc loại bỏ của một ngọn lửa thiêu cháy mọi thứ đặt vào nó. Chúng ta cần dùng Bồ đề tâm để làm việc nơi chính mình hầu loại bỏ tất cả những chướng ngại.

Thí dụ thứ năm cho đến thí dụ thứ mười liên hệ với sáu ba la mật. Bốn thí dụ đầu chủ yếu gây hứng khởi cho chúng ta thực hành, sự hứng khởi hoàn thành điều tốt đẹp cho chúng sanh và sử dụng những thí dụ đất, vàng, và mặt trăng. Chỉ xóa bỏ những chướng ngại của chúng ta thì không đủ. Chúng ta cần hành động và thực hành để cho ý muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh trở thành một thực tại qua sự khai triển sáu ba la mật hay sáu hoàn thiện. Thứ nhất là bố thí ba la mật được ví với một kho tàng không cùng tận được chôn, bởi vì khi chúng ta thực hành bố thí lúc này, nó sẽ gây ra sự thịnh vượng và lòng tốt vô tận sẽ làm lợi lạc cho những người khác trong tương lai.

Thí dụ thứ sáu là trì giới ba la mật. Ba la mật thứ nhất bố thí khi phối hợp với Bồ đề tâm giúp chúng ta cho tặng người khác. Ba la mật thứ hai trì giới giúp chúng ta tịnh hoá chính mình. Qua kiểm soát và tịnh hóa chính mình mà tất cả phẩm tính của hiện hữu chúng ta sẽ phát khởi trong tương lai. Thế nên nó được ví như một mỏ ngọc từ đó sẽ có những kho tàng lớn.

Thí dụ thứ bảy liên hệ đến kham nhẫn ba la mật. Khi kham nhẫn trở thành một yếu tố trong Bồ đề tâm, nó được ví như đại dương. Kham nhẫn là không chao đảo bởi những khó nhọc và tính hiếu chiến, sân giận. Đại dương thì rất vững vàng, rất rộng lớn và không xao động.

Thí dụ thứ chín là Ba la mật thứ tư tinh tấn, chuyên cần là sự kiên trì rất vui vẻ trong trau dồi Bồ đề tâm. Kiên trì hay chuyên cần này nghĩa là chúng ta cố gắng cải thiện Bồ đề tâm của mình trong mọi lúc. Thế nên ba la mật này được ví với kim cương có tính chất bất hoại.

Thí dụ thứ chín là ba la mật thứ năm thiền định. Khi chúng ta có năng lực của thiền định samadhi, sự chứng ngộ của chúng ta trở nên rất vững chắc, không động lay, và do đó được ví với vua của tất cả núi, vì sự vững chắc lớn lao.

Thí dụ thứ mười là về ba la mật thứ sáu trí huệ, được ví với y khoa. Khi có trí huệ, chúng ta có những dụng cụ cần thiết để xóa bỏ khổ đau, xóa bỏ những che ám bế tắc trong tâm, và sự bị điều kiện hóa của tâm thức chúng ta. Những ngăn ngại bế tắc và lối suy nghĩ sai lầm giống như bệnh và trí huệ là y khoa có năng lực xóa bỏ hoàn toàn bệnh này.

Thí dụ thứ mười một là về sự hiện diện của ba la mật thứ bảy phương tiện thiện xảo (Skt. upaya). Qua trí huệ chúng ta triển khai phương tiện thiện xảo nâng cấp sự thực hành tâm linh của chúng ta và điều này làm lợi lạc cho bản thân và những người khác. Thí dụ cho những phương pháp này là một thiện tri thức, người bạn tâm linh của chúng ta, từ người ấy chúng ta cũng rút ra lợi lạc.

Sự khai triển của sự hợp nhất trí huệ và phương tiện thiện xảo tạo ra năng lực trong sự thực hành của chúng ta và điều này hoàn thành ở cấp độ của ba la mật thứ tám hay địa bồ tát thứ tám. Sự hiện diện của năng lực ấy được ví với viên ngọc như ý trong thí dụ thứ mười hai. Khi chúng ta thực sự có khả năng làm điều chúng ta muốn để giúp đỡ chúng sanh, điều này giống như có một viên ngọc như ý khiến những mộng ước và nguyện vọng của chúng ta thành sự thật.

Thí dụ thứ mười ba là về ba la mật thứ chín năng lực cầu nguyện. Có hai loại cầu nguyện: thích hợp bởi vì liên hệ với điều gì có thể xảy ra và không thích hợp vì liên hệ với điều không bao giờ có thể xảy ra. Chẳng hạn, nếu cầu nguyện một cái hoa mọc lên từ một cái bàn, đó là không thích hợp. Một cầu nguyện giúp cho nhiều người khác là một cầu nguyện thích hợp vì nó có thể thành sự thật. Năng lực cầu nguyện được ví như mặt trời, bởi vì nó cho phép hoa, rừng, mùa màng nảy nở. Thế nên khi chúng ta cầu nguyện cho sự triển khai công đức và trí huệ của mình, điều đó giống như mặt trời làm cho thực vật lớn lên và trưởng thành trọn vẹn.

Ba la mật thứ mười, sự chuyển hóa trọn vẹn prajna thành jnana, liên hệ với thí dụ thứ mười bốn. Khi Bồ đề tâm của chúng ta có sự hiện diện của trí huệ tuyệt hảo nhất này đi kèm, nó được ví như một giai điệu rất đẹp đẽ bởi vì khi có một bài nhạc rất đẹp đẽ, người nào nghe cũng vui thích hài lòng. Khi Bồ đề tâm của chúng ta được phối hợp với sự hiện diện của trí huệ tuyệt hảo này thì bất cứ ai chúng ta gặp đều trở nên được ân phúc bởi Bồ đề tâm của chúng ta, như vậy sự hiện diện của chúng ta sẽ luôn luôn có một hiệu quả rất lợi lạc và thích thú cho những người quanh chúng ta.

Thí dụ thứ mười lăm là về phối hợp Bồ đề tâm của chúng ta với năm loại tri giác phi thường (TT.mngon shes lnga) và năm loại nhìn thấy (TT.spyan lnga). Khi có những khả năng siêu bình thường này, chúng ta có thể thực sự hoàn thành chính xác cái chúng ta muốn làm. Vì lý do ấy điều này được ví với một ông vua vĩ đại có quyền lực và địa vị để hoàn thành bất cứ gì muốn làm.

Thí dụ thứ mười sáu là sự phối hợp Bồ đề tâm của chúng ta với năng lực của thiền định và thiền quán. Khi shamatha và vipashyana đi cùng với Bồ đề tâm, nó được ví với kho tàng của một vị vua từ đó mọi giàu có được phân phát.

Thí dụ thứ mười bảy là một con đường lớn. Bồ đề tâm của chúng ta theo con đường mà những vị thành tựu chứng ngộ trước kia đã theo. Đây là con đường năm giai đoạn, tích tập, nối kết, thấy thấu suốt, trau dồi, và thiền định.

Bằng cách đi từng bước dọc theo con đường mà chư Phật quá khứ đã đạt đến giác ngộ và những Bồ tát hiện tại sẽ thành Phật khi theo con đường lớn này. Trong tương lai những chúng sanh cũng sẽ tìm thấy con đường của họ trên con đường đến giác ngộ này, bởi vì đây là đại lộ duy nhất dẫn đến giác ngộ.

Thí dụ thứ mười tám là phối hợp lòng từ bi rất mãnh liệt với Bồ đề tâm. Khi lòng từ bi chúng ta hoàn toàn không giới hạn và không thiên lệch, bấy giờ nó được ví như một con ngựa. Con ngựa rất mạnh mẽ, phóng nhanh đưa chúng ta đến nơi, không lạc khỏi đường chút nào. Khi chúng ta có lòng bi phổ quát này, nó là đỉnh núi đưa chúng ta đến mục đích giác ngộ không sai lầm.

Thí dụ thứ mười chín là phối hợp Bồ đề tâm với một trí nhớ tuyệt hảo đáng tin cậy. Khi chúng ta có thể luôn luôn nhớ những giáo lý đã hấp thu trọn vẹn và tự tin có thể nói ra những giáo lý ấy bất cứ lúc nào, bấy giờ Bồ đề tâm của chúng ta được ví như một dòng suối tự nhiên. Một dòng suối tự nhiên có thể cung cấp nước nuôi dưỡng liên tục không cạn. Khi chúng ta đã hoàn thiện về trí nhớ thực hành và sự tự tin lớn lao này, chúng ta có thể dạy luôn luôn.

Ba cái cuối của hai mươi hai thí dụ là về trạng thái Phật quả trong khi mười chín thí dụ trước là về sự khai triển của một Bồ tát. Thí dụ thứ hai mươi nói về ngữ Phật và được ví như âm nhạc của một cây đàn hạc. Lời của Phật giúp chúng sanh khiến họ trưởng thành và lời này là liên tục. Điều này ví như một cây đàn hạc là nhạc cụ được rất kính trọng đem đến âm điệu đẹp đẽ cho những ai nghe. Thí dụ thứ hai mươi mốt nói về thân Phật, được ví như một dòng chảy của một con sông. Nước luôn luôn chảy tự nhiên khắp vùng, một cách không nỗ lực và tự động. Sự xuất hiện của một vị Phật và công việc của ngài tuôn chảy một cách không cố gắng theo các nhu cầu và nguyện vọng của các đệ tử. Thế nên điều đó được ví với dòng chảy của một con sông.

Thí dụ cuối cùng nói về tâm Phật được ví như một đám mây bởi vì một đám mây tạo ra mưa và hoạt động tự nhiên của mưa này làm cho mọi vật trên đất sống và phát triển. Tâm của Phật với động cơ tự phát sẵn có giúp đỡ tất cả chúng sanh là nguồn mọi lợi lạc đến từ Phật quả. Những hạt mưa riêng lẻ là những biểu lộ vô số của hoạt động Phật để giúp đỡ chúng sanh.

Chúng ta có thể thấy qua hai mươi hai thí dụ chúng ta tiến bộ từ một người bắt đầu thực hành pháp đến thành Phật với Bồ đề tâm của chúng ta càng lúc càng mạnh mẽ hơn trong tiến trình này. Những thí dụ này cũng cho chúng ta một ý niệm chúng ta cần làm gì để Bồ đề tâm chúng ta tăng trưởng.

Trích: Hiện Quán Trang Nghiêm Luận – Đức Phật Di Lặc

Bình giảng của Thrangu Rinpoche

RIPA VIETNAM

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung