3.10 Ba điều không nên làm
Có ba điều không nên làm:
Đánh mất sự điềm tĩnh trước bạn bè,
Phá vỡ lời hứa,
Hành xử không nhất quán.
Đoạn này tập trung vào tính cách của chúng ta và đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng về điều mà ta không nên làm trong đời. Chúng ta “không nên đánh mất sự điềm tĩnh trước bạn bè”. Bạn bè ở đây bao gồm họ hàng, người quen và Pháp hữu. Trước mặt họ, chúng ta cần bình tĩnh và quân bình, không quá hạnh phúc, buồn bã hay tức giận. Với tất cả những người ở đây, chúng ta chắc chắn đã tạo ra kết nối nghiệp tốt lành trong nhiều đời quá khứ để có thể cùng nhau học Pháp trong đời này. Bởi chúng ta đã phát nguyện cùng nhau trưởng dưỡng Bồ đề tâm và tái sinh về Cực Lạc, chúng ta sẽ là Pháp hữu thân thiết trong các đời tương lai. Biết được điều đó, chúng ta hoan hỷ gìn giữ kết nối Pháp trong cuộc đời ngắn ngủi này. Nếu chúng ta hay thay đổi, thật khó để hòa hợp với các bạn hữu kim cương. Là hành giả, chúng ta cần duy trì sự bình tĩnh, không giống như người thường. Kho Tàng Bảo Châu Cách Ngôn nói, “Kẻ không hài lòng với lời tán dương hay bất mãn bởi lời trách mắng. An trú trong những phẩm tính tốt lành của bản thân là dấu hiệu của một bậc thiện lành”. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng niềm vui và sự tức giận của chư đạo sư chỉ là những sự hiển bày nhằm dẫn dắt học trò. Hơn thế, chúng ta cần khoan dung và thông cảm với những người không thể kiểm soát cảm xúc bởi các điều kiện vật lý của họ, đặc biệt những người mắc phải bệnh tim, bởi họ thường khó kiểm soát tính khí.
“Đừng phá vỡ lời hứa”. Chúng ta cần nỗ lực hết sức để hoàn thành những lời hứa với tha nhân, dù gặp phải bao nhiêu rắc rối hay những nghịch cảnh. Như Bồ Tát Long Thọ từng nói, “Kẻ trí không bao giờ thất hứa dù phải trả giá bằng tính mạng”. Những lời dạy của những bậc trí tuệ giống như chữ được khắc lên đá, trụ mãi bất chấp gió mưa. Điều này không phải kẻ trí hứa hẹn một cách vội vàng, mà các vị sẽ xem xét và quán chiếu về từ ngữ nhiều lần. Nếu lời hứa được đưa ra sau khi đã xem xét, họ sẽ không bao giờ phá vỡ. Những bậc thánh trong quá khứ đã hành xử như vậy và nó cũng cung cấp cho chúng ta một tiêu chuẩn giúp xác định xem một người có đáng tin cậy.
“Đừng hành xử không nhất quán”. Điều này nghĩa là hành động của chúng ta cần phải kiên định. Các hành giả không nên hành xử tốt đẹp trước mặt người khác nhưng lại phạm nhiều bất thiện hạnh trong bí mật như nhiều kẻ phàm phu xảo quyệt thường làm. Chúng ta nên chân thật, biết rõ rằng bản thân sẽ gánh chịu kết quả của các hành động, dù cho người khác có phát hiện ra hay không. Chừng nào chúng ta còn nỗ lực nhất quán, thời gian sẽ chứng minh rằng chúng ta đáng tin và người khác chẳng sớm thì muộn cũng sẽ công nhận. Vì vậy, hãy thành thật với chư đạo sư, các Pháp hữu và mọi hữu tình chúng sinh.
Trong tương lai, các vị thầy Phật giáo cần chú ý tới ba khía cạnh này. Xiển dương Giáo Pháp đòi hỏi nhiều điều kiện, chẳng hạn công đức và trí tuệ. Chỉ đạt được một cấp độ chứng ngộ nhất định thì chưa đủ. Hơn thế, vị thầy cần thật thà, bởi chỉ khi người ta thấy Ngài đáng tin cậy và chân chính, họ mới có thể tin tưởng Giáo Pháp mà Ngài giảng. Tất cả chư đạo sư truyền thừa đều đồng ý rằng tính cách tốt là điều kiện tiên quyết để giảng Pháp; điều này được giải thích trong Kho Tàng Bảo Châu Cách Ngôn, Lời Dạy Về Hành Vi Thế Gian Và Xuất Thế cũng như giáo huấn của Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche. Chúng ta cần đọc các chỉ dẫn này và nương tựa chúng để điều chỉnh bản thân và thay đổi tính cách.
Nếu chúng ta nỗ lực hết mình để trung thành với những chỉ dẫn kể trên, tất cả sẽ trở thành hành giả đầy đủ phẩm tính, và kết quả là Tăng đoàn sẽ an bình. Tôi thành tâm mong rằng những vị có phước báu và công đức sẽ tiếp tục tăng trưởng công đức và những vị thiếu công đức sẽ tích lũy nhờ tuân theo các chỉ dẫn này.
3.11 Ba điều không được làm
Có ba điều không được làm:
Trở nên tự phụ và kiêu mạn,
Nói sau lưng người khác,
Coi thường bất cứ hữu tình chúng sinh nào.
Có ba điều mà hành giả không được làm. Đầu tiên là chúng ta không được trở nên tự phụ và kiêu mạn. Nếu chúng ta tin rằng bản thân tốt hơn người khác, chúng ta sẽ lờ đi công đức của họ và những thiếu sót của mình, và vì thế, thật khó để thọ nhận ân phước gia trì từ chư đạo sư truyền thừa. Chúng ta có thể luôn luôn tìm thấy công đức của sự giản dị trong các giáo lý và hành động vĩ đại của chư đạo sư lỗi lạc. Trái lại, chúng ta luôn tìm thấy niềm kiêu hãnh sai lầm trong bản thân. Ví dụ, đôi khi, chúng ta nghĩ, “Những chỉ dẫn này rất dễ dàng”, “Tôi đã nghiên cứu giáo lý đó nhiều lần” và “Tôi dứt khoát làm điều này tốt hơn người khác”. Nhưng chúng ta không bao giờ cố gắng tuân theo các chỉ dẫn này. Một thành tựu giả vĩ đại ở Ấn Độ cổ đã nghiên cứu Đại Thừa Ngũ Kinh 37 lần và Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche đã học Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo hơn 100 lần trong đời. Bởi những bậc đạo sư thành tựu như vậy luôn khiêm cung và thành tâm mong muốn học hỏi Phật Pháp, làm sao chúng ta có thể kiêu mạn?
“Nguyện cho con trở thành đầy tớ, mềm như vải cốt-tông?” – Bồ Tát Tịch Thiên đã nói vậy. Kho Tàng Bảo Châu Cách Ngôn dạy rằng, “bậc vĩ đại chẳng có nhu cầu kiêu mạn và kiêu mạn của kẻ thấp kém thật vô nghĩa. Viên ngọc thật sẽ chẳng cần giới thiệu, nhưng ngọc giả không ai muốn dù có được tán dương nhiều”. Vì vậy, đừng kiêu mạn! Hãy nhớ, dòng suối công đức không bao giờ ở trên đỉnh núi kiêu ngạo!
Thứ hai là chúng ta không được nói sau lưng người khác; điều này cũng bị cấm bởi giới luật. Không giống Đức Phật, chúng ta đều là hành giả với những lỗi lầm và sai sót. Nếu chúng ta chỉ ra lỗi lầm của người khác một cách trực tiếp, những vị có trí tuệ sẽ trân trọng. Tuy nhiên, thảo luận sai sót của người khác sau lưng họ, chúng ta cần nhớ rằng khi lời nói được lan truyền từ người này sang người khác, chúng có thể bị bóp méo hay hiểu sai bởi những ý định hay cách nói khác nhau. Điều này có thể khiến người khác rời xa chúng ta. Nó có thể bởi nghiệp của mọi người ngày nay, nhưng nhiều người nói những lời dịu dàng nhưng lại nuôi dưỡng ý niệm xấu xa. Chúng ta có thể làm tốt hơn để tránh những kiểu người này. Là hành giả, chúng ta đơn giản nói ra những sự thật; chẳng cần tâng bốc người khác, bởi tâng bốc không giúp đỡ cho sự hành trì. Ngài Đạo Tuyên (Dao-Xuan) nói, “Luôn theo dõi tâm thức và hành vi và bỏ việc nói lỗi người khác”. Trong thời gian rảnh rỗi, hãy quán chiếu về lẽ vô thường của cuộc đời và khổ đau của luân hồi. Chúng ta có thể quán sát những ý nghĩ, nhìn chúng khởi lên, xem chúng biến mất và theo đuổi chúng cho tới khi chúng kết thúc. Chúng ta có thể tiến hành các thiện hạnh khác, chẳng hạn trì tụng Mật chú hay Kinh điển và cần tránh nói xấu người khác hay lan truyền những tin tức về hành động sai lầm của họ, như thể họ đều là người xấu. Điều này không làm lợi lạc tha nhân cũng như chính chúng ta.
Thứ ba là chúng ta không nên coi thường bất kỳ hữu tình chúng sinh nào. Không nên xem thường hay coi nhẹ hữu tình chúng sinh, dù nhỏ như con kiến. Mọi hữu tình chúng sinh đều bình đẳng bởi chúng ta đều có Phật tính. Bồ Tát Thường Bất Khinh, như trong Kinh Pháp Hoa, lễ lạy hữu tình chúng sinh mỗi ngày. Khi vài người đánh Ngài, thậm chí khi Ngài đang bỏ chạy, Ngài nói, “Ta chẳng dám khinh các ông, bởi các ông đều có Phật tính!”. Mặt khác, “Mọi hữu tình chúng sinh đều là cha mẹ của ta” như Đức Longchen Rabjampa nói trong Các Pháp Tu Sơ Khởi. Chúng ta cần phát khởi lòng bi mẫn dành cho cha mẹ trong luân hồi và thực hành tinh tấn để giải thoát họ khỏi đại dương luân hồi. Nhờ đó, lòng kiêu ngạo và kiêu mạn sai lầm sẽ được đẩy lùi. Đức Milarepa từng hỏi trong Đạo ca của Ngài: “Sẽ thế nào nếu một tu viện xuất hiện hoành tráng, dù không ai ở đó biết rằng mọi hữu tình chúng sinh đều là cha mẹ?”. Khi ở trong một tu viện hẻo lánh, nếu tu sĩ, hành xử như kẻ du côn, lăng mạ người khác và chộp lấy của cải của họ, mục đích của việc từ bỏ thế gian để trở thành tu sĩ là gì?
3.12 Ba điều không nên làm
Có ba điều không nên làm:
Cho tiền người giàu
Tin tưởng kẻ xảo trá,
Tiết lộ bí mật cho bất kỳ ai.
“Đừng cho tiền người giàu” nghĩa là chúng ta không nên trao tặng hay cho người giàu có vay mượn của cải, bởi làm vậy chẳng nghĩa lý gì với họ, họ vốn đã khá sung túc rồi. Như Đức Milarepa nhận xét, trong lúc thực hành khổ hạnh trên núi non, “Nếu chúng ta cúng dường những vị đang tu khổ hạnh ở đó, chắc chắn đó là một sự giúp đỡ đúng lúc, chẳng hạn cúng dường chất đốt trong mùa đông lạnh lẽo. Công đức có được là không thể nghĩ bàn”. Một lượng tiền nhỏ có thể chẳng quan trọng với người giàu. Nếu bạn cho người giàu mượn tiền, anh ta có thể quên và chẳng bao giờ trả, trong khi bạn phải chịu tổn thất. Bởi thế, chúng ta không nên cho tiền người giàu.
“Đừng tin tưởng kẻ xảo trá” nghĩa là chúng ta không nên phát triển tín tâm với những hành giả không chân thật và xảo quyệt; nếu không, chúng ta có thể bị lừa. Ngày nay có vô số người gian trá trong cõi Nam Thiệm Bộ Châu, nơi chúng ta đang sống. Milarepa từng cất lên Đạo Ca cho những cô gái: “Chúng sinh Nam Thiệm Bộ Châu thích kẻ gian trá hơn là người thông tuệ; hành giả Pháp trong thời suy đồi thích kẻ xấu hơn người tốt; các cô gái không thích hành giả Yogi như Ta mà thích những chàng trai đẹp bình phàm”. Chúng ta nhận ra rằng vài người gian dối ban những giáo lý sai lầm cho người khác, tuyên bố họ giác ngộ. Chúng ta cần xem xét một cách cẩn thận trước khi thọ nhận giáo lý.
“Đừng tiết lộ bí mật cho bất kỳ ai” đòi hỏi chúng ta phải giữ các bí mật. Các giáo lý về Mật thừa trong Diệu Huyễn Võng (Guhyagarbha Mayajala) giải thích rất chi tiết về bí mật nào có thể được chia sẻ với chư đạo sư và bí mật nào có thể được chia sẻ với huynh đệ kim cương. Những bí mật này, chẳng hạn trạng thái chứng ngộ và các giới luật giữa những huynh đệ kim cương, cần được giữ bí mật hoàn toàn, nếu không Mật giới sẽ bị bẻ gẫy. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche từng nói: “Về các vấn đề quan trọng, chẳng hạn Bổn tôn của tôi, tôi không bao giờ nói chúng cho bất kỳ ai, kể cả những người thân thiết nhất”. Rất hiếm người có thể giữ bí mật, những điều không nên được phát lộ. Nếu bị lộ ra, mọi người đều sẽ biết và nó trở thành “bí mật mà ai cũng biết”. Tổ Sakya Pandita chỉ ra rằng, “Những bậc thượng căn không che giấu một cách không cần thiết, mà giữ các bí mật trọng yếu, dù cho phải trả giá bằng mạng sống”.
3.13 Ba điều không cần quan sát
Có ba điều không cần quan sát:
Thân thể của mỹ nữ,
Hành vi của bạn bè,
Công đức của bản thân.
Hành giả Phật giáo cần quan sát hành động và tâm thức của bản thân với sự tỉnh thức và cảnh giác. Nhưng có ba điều mà chúng ta không nên quan sát:
“Đừng quan sát thân thể của mỹ nữ”. Quy tắc này áp dụng cho nam giới; với nữ giới thì cần chuyển thành “đừng quan sát thân thể của mỹ nam”. Bị ảnh hưởng bởi những thói quen, phàm phu thường chỉ nhìn vào hình tướng, chẳng hạn đôi mắt, miệng, dáng, quần áo của một cô gái hấp dẫn ra sao hay một người đàn ông đẹp trai thế nào. Kết quả là, mọi kiểu tưởng tượng bắt đầu hình thành trong tâm cho tới khi chúng sống động và rõ ràng hơn cả chư Bổn tôn mà họ quán tưởng. Sau đấy, họ tìm cơ hội bày tỏ tình yêu mến, điều sẽ tạo ra nghịch duyên cho sự hành trì và phá hỏng sự trong trắng của bản thân. Tất cả hữu tình chúng sinh trong Dục giới đều sinh ra với Dục. Đàn ông ham muốn phụ nữ và ngược lại. Đạo sư vĩ đại Gendun Chophel tuyên bố rằng, thực sự phần lớn đàn ông và phụ nữ đều ham muốn người khác giới dù họ thường không bày tỏ. Thành ngữ Trung Hoa có câu, “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Nhiều vị vua đánh mất vương quốc bởi phụ nữ và vài hành giả Phật giáo cũng đánh mất cơ hội đạt giác ngộ bởi ham muốn. Làm sao chúng ta có thể diệt trừ tận gốc luân hồi? Cách thức đối trị lại ham muốn nhục dục là không nhìn vào nhau với lòng tham và ham muốn. Tổ Longchenpa từng đề cập hơn mười lần rằng, với hành giả nam, không nên nhìn hay tiếp cận phụ nữ, bởi họ có thể là “lời nguyền” với hành giả nam. Một hành giả cần chỉnh sửa bất cứ bất thiện hạnh nào, giữ gìn sự trong sạch để giải thoát bản thân và tha nhân khỏi luân hồi và phát triển sự xác quyết mạnh mẽ về hạnh xả ly. Với tâm xả ly mãnh liệt, chúng ta có thể thoát khỏi bám víu với những hiện tượng tạm thời, cấu nhiễm. Dù người bình phàm không thể không có ham muốn, chúng ta cần quán sát tâm thức với sự tỉnh thức và chính niệm, để bất cứ ý niệm ham muốn nào cũng được phát hiện và tiêu trừ ngay. Bên cạnh đó, nếu chúng ta kiểm tra thân người nhờ “quán thân bất tịnh” (Paṭikkūlamanasikāra), chúng ta sẽ nhận ra rằng, dù người phụ nữ có đẹp thế nào, thân thể cũng đầy sự bất tịnh. Thân thể chẳng phải chứa đầy phân và nước tiểu? Một thân thể như vậy vẫn đáng ao ước? Được gia trì bởi bậc thầy và Tam Bảo, phần lớn tu sĩ của chúng ta đều đang làm tốt về điều này. Một mặt, chư vị không trang điểm hay mặc quần áo đẹp, điều giúp đẩy lùi những điều kiện của tham; mặt khác, chư vị nghiên cứu và thực hành Pháp mỗi ngày, dù vài yêu thích về cảm xúc có thể xuất hiện, chư vị có thể xóa tan những điều kiện bất lợi nhờ những phương pháp hay phương tiện thiện xảo khác nhau đã được chỉ dạy.
Tiếp theo, “đừng quan sát hành vi của bạn bè” dạy chúng ta không nên quan sát (hay tìm lỗi trong) hành vi của bạn bè, họ hàng và Pháp hữu. Mọi người thường đánh giá người khác dựa trên lô-gic thế gian, điều có thể tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực trong họ và ảnh hưởng đến nhận thức thanh tịnh (về vạn pháp). Làm vậy rất bất lợi cho thực hành luyện tâm và có thể gây ra sự quấy rầy với những người thân thiết. Tệ hơn, một số có thể phát triển tà kiến với chư đạo sư, nếu họ dành quá nhiều thời gian thân cận, không có khả năng hiểu những từ ngữ hay hành vi của chư vị. “Nếu con có vài phẩm tính xuất sắc nhưng quá chú tâm tới chúng, con sẽ chán” như Kho Tàng Bảo Châu Cách Ngôn miêu tả. Thay vì tìm kiếm lỗi lầm trong hành vi của một người bạn, chúng ta cần nương theo giáo lý trong Lời Vàng Của Thầy Tôi, bằng cách xem ngôi nhà là Cung Điện Vô Lượng, Pháp hữu là chư Bồ Tát và bằng cách quán sát tâm thức để duy trì nhận thức thanh tịnh. Giống như Đức Milarepa từng nói, “Nếu tình yêu thương thanh tịnh và sự kính trọng không là một phần cố hữu trong tâm thức, xây một Bảo tháp thì được lợi gì?”. Tất thảy giáo lý Phật Đà đều hướng về việc rèn luyện và điều phục tâm thức. Nếu người ta chỉ quán sát tâm họ, thay vì tâm thức người khác, nhiều cảm xúc phiền não sẽ tự nhiên suy giảm và tâm thức chẳng sớm thì muộn sẽ được điều phục.
“Đừng quan sát công đức của bản thân” là điều thứ ba trong phần này. Trong khi chúng ta cần quan sát lỗi lầm của bản thân để tiến bộ hơn, nếu luôn tập trung vào và kiêu căng về công đức và những thành tựu của mình, công đức dễ dàng bị phá hủy. Hành vi này cũng ngăn cản chúng ta học hỏi từ người khác, vì thế chúng ta không thể có được công đức còn thiếu. Những đạo sư lỗi lạc trong quá khứ đều rất giản dị và chẳng đoái hoài tới thiện hạnh và công đức của bản thân; thay vào đó, chư vị tiến hành tu tập, tự tại và âm thầm. Tương tự, chúng ta có thể thấy nhiều hành giả đang nghiên cứu và thực hành Pháp thầm lặng và giản dị trong Học viện của chúng ta; có thể điều đó là nhờ ân phước gia trì của chư đạo sư truyền thừa. Mặc dù những hành giả này có nhiều phẩm tính tốt lành và công đức, chư vị không bao giờ phô bày. Đó là những hành giả đáng để noi theo và kính trọng.
3.14 Ba điều cần theo thủ
Có ba điều cần tuân thủ:
Các buổi nói chuyện với bạn bè,
Quần áo với phong tục địa phương,
Tâm thức với Giáo Pháp.
Đoạn này nói về điều mà ba cửa – thân, khẩu và ý – cần tuân thủ. Đầu tiên, các buổi nói chuyện của chúng ta cần tuân theo bạn bè. Bởi bạn bè và họ hàng có tính cách khác nhau, để làm họ hạnh phúc, lời nói cần liên tục điều chỉnh. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche cũng dạy trong Đạo Ca Chiến Thắng rằng, “lời nói và hành vi của chúng ta cần thích hợp và đem lại lợi lạc cho bạn bè”. Đây là chỉ dẫn trọng yếu tối thắng, có thể được áp dụng khi giảng Pháp và làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta tiếp xúc với những người thế tục hay với những người mới biết đến Phật giáo, ban đầu chúng ta cần điều chỉnh bản thân hòa hợp với ý kiến của họ, khiến họ sẵn lòng chấp nhận và tin điều ta nói và sau đấy họ sẽ có đủ khả năng lĩnh hội công đức và thiện hạnh của chư đạo sư vĩ đại, chư Phật và Bồ Tát mà chúng ta sẽ nói sau. Tuy nhiên, thích ứng cho phù hợp với người khác không có nghĩa là để họ làm bất cứ điều gì họ thích, không có nguyên tắc nào. Bậc thông tuệ làm chủ hoàn toàn cách thức hòa hợp với hữu tình chúng sinh về lời nói và điều này giải thích tại sao chỉ một chỉ dẫn được ban bởi Ngài có thể làm lợi lạc chúng ta rất nhiều trong suốt cuộc đời.
Tiếp theo là “quần áo với phong tục địa phương”, tức là chúng ta cần theo các quy tắc bản địa về trang phục. Với hành giả cư sĩ, họ cần ăn mặc thích hợp, không hở hang; với tu sĩ, họ cần mặc y áo một cách đúng đắn. Về y áo tu sĩ, có những yêu cầu đặc biệt trong giới luật, bao gồm kích thước và màu sắc. Tu sĩ không nên mặc quần áo của người thường, chẳng hạn đồ màu trắng hay chất vải sặc sỡ. Nếu một vị Tăng hay Ni khao khát những thứ này, vị ấy phải cầu nguyện đến bậc thầy và Tam Bảo để tránh những nghịch duyên cho việc hành trì. Ở Học viện của chúng ta, cộng đồng tu sĩ gốc Hán phải học cách mặc y Tây Tạng cho đúng, bởi bất cứ thất bại nào trong việc đắp y có thể khiến vẻ ngoài rất bất thường và thiếu phẩm giá. Tu sĩ luôn phải đắp y tu sĩ và không được mặc đồ thường! Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche không bao giờ rời bỏ y tu sĩ của Ngài, dù tính mạng gặp nguy hiểm trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Kinh Địa Tạng Thập Luân nói rằng chỉ nhờ đắp y tu sĩ, người ta có thể tránh được ma quỷ; thậm chí nếu một tu sĩ phá giới, người thường không được phép nói về những lỗi lầm của vị đó, chừng nào vị ấy vẫn đắp y. Vì thế, trang phục cần phải thích hợp và vừa vặn.
Thứ ba là “tâm thức với Giáo Pháp”. Thực hành của một hành giả phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tâm thức được rèn luyện. Nếu không hành xử theo Pháp, họ không thể được xem là hành giả chân chính. Giáo lý của Đức Phật có thể được cô đọng thành “từ bỏ ác hạnh, làm các thiện hạnh và tịnh hóa tâm thức”. Nguyên tắc chính yếu của thực hành là điều phục tâm mình. Với một tâm thức được rèn luyện tốt, chúng ta tự nhiên có thể phát triển Bồ đề tâm chân chính, không giả tạo. Với Bồ đề tâm đó, chúng ta sẽ không làm hại dù là nhỏ nhất bất cứ hữu tình chúng sinh nào mà sẽ thực hành bốn phương pháp chiến thắng người khác, sáu Ba-la-mật (những sự hoàn hảo) và tự nhiên tránh xa tám mối bận tâm thế tục, nhất tâm với giáo lý của Đức Thế Tôn. Điều này nhấn mạnh sự khác biệt căn bản giữa tu sĩ và cư sĩ. Ngày nay, có rất ít hành giả rèn luyện tâm thức theo đúng Giáo Pháp, chứ đừng nói đến những người có thể thấu triệt Giáo Pháp. Nhưng chúng ta may mắn làm sao khi gặp được một vị đạo sư vĩ đại như Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche và được dạy dỗ trong truyền thống vinh quang của việc nghiên cứu và thực hành Pháp mỗi ngày. Vì thế, chúng ta cần nỗ lực để giữ tâm hòa hợp với Giáo Pháp.
3.15 Ba điều không nên nghe theo
Có ba điều mà người ta nên lờ đi:
Những lời tán dương từ người khác,
Lời nói của một người không kiên định,
Lời khuyên của kẻ ngu.
Chúng ta, những hành giả, cần nghe theo Giáo Pháp thay vì những từ ngữ vô nghĩa đối nghịch với tri kiến đúng đắn. Ba chủ đề sau đây là những thứ mà chúng ta nên lờ đi:
“Hãy lờ đi những lời tán dương từ người khác” gợi ý rằng chúng ta nên thờ ơ những lời tán thán của người khác bởi chúng có thể dễ dàng làm khởi lên kiêu mạn và khiến ta trở thành nạn nhân của tám mối bận tâm thế tục. Một hành giả không nên bám víu vào bất cứ lời khen ngợi nào về công đức của anh ta, mà cần “xem những lời tán dương như tiếng vang” như Đức Atisha từng đề cập. Chúng ta phải rõ ràng về việc liệu mình có công đức như vậy hay không, nếu không thì chúng ta không thể hưởng công trạng cho điều đó; tuy nhiên, kể cả khi là đúng, cũng không cần thiết phải chấp nhận lời khen ngợi. Những lời ngợi khen khác với sự tùy hỷ. Tùy hỷ công đức của người khác sẽ giúp chúng ta có được công đức giống như vậy (Pattanumodhamai). Không như những người thế tục, hành giả không nên cảm thấy tự mãn khi nhận lời khen. Chúng ta cần biết về bản thân, bất kể lời nói của người khác có dễ chịu hay không – như Kho Tàng Bảo Châu Cách Ngôn nói, “kẻ không hài lòng với lời tán dương hay bất mãn bởi lời trách mắng. An trú trong những phẩm tính tốt lành của bản thân là dấu hiệu của một bậc thiện lành”.
“Hãy lờ đi lời nói của một người không kiên định”. Một người không kiên định thì không chắc chắn và thường đổi ý. Thành ngữ có câu, “về quần áo, đồ mới là tốt nhất; về bạn bè, bạn cũ là tốt nhất”. Người với tính cách thẳng thắn thường đáng tin cậy, thành thật về lời nói và thận trọng khi kết bạn mới. Giống như vậy, những hành giả tận tụy thường có mối quan hệ với một nhóm Pháp hữu và đối xử với mọi người và mọi sự rất điềm tĩnh, không như người khác, hành xử như ong, bay lượn đây đó, chạy theo các quán đỉnh và đạo sư khác nhau. Những người này không ổn định, giống như cỏ mọc trên tường sẽ đổ theo chiều gió. Họ sẽ gặp khó khăn trong việc đạt các thành tựu trong thực hành Pháp.
“Hãy lờ đi lời khuyên của kẻ ngu”. Kẻ ngu ở đây là những người chưa có trí tuệ từ nghiên cứu và thực hành Pháp; họ không có tri kiến đúng đắn và không tin tưởng vào luật nhân quả. Những người này dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tám mối bận tâm thế tục và nhầm lẫn Pháp xuất thế gian vô cấu nhiễm là chất độc. Ví dụ, nhiều người thế tục cố gắng thuyết phục tu sĩ từ bỏ đời sống xuất gia để nỗ lực vì “một cuộc đời ý nghĩa” và có được địa vị xã hội. Không có tri kiến đúng đắn vững chắc, chúng ta có thể sẵn lòng nghe theo lời nói của những người này. Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ phá hỏng những mong chờ về sự giác ngộ và chẳng có gì khác ngoài khổ đau bất tận. Vì thế, chúng ta cần nương tựa vào chỉ dẫn của chư đạo sư vĩ đại để rèn luyện tâm thức và vun bồi trí tuệ thực tiễn để phân biệt đúng – sai.
3.16 Ba điều không nên tìm kiếm
Có ba điều mà người ta không nên tìm kiếm:
Của cải của người giàu,
Địa vị đáng kính trọng
Trang phục lộng lẫy.
Hành giả rất khác với những người thế gian và thậm chí quan điểm về cuộc đời của họ còn khác hơn nữa. Hành giả tìm kiếm công đức tích lũy từ ba sự rèn luyện, tức: hài lòng với rất ít ham muốn, giữ gìn giới luật thanh tịnh và vun bồi trí tuệ rốt ráo. Trong khi đó, người đời mong mỏi những nguyên nhân thật sự của luân hồi, sự trói buộc mà tu sĩ cố gắng phá vỡ – của cải, tình dục, danh tiếng, thức ăn và ngủ nghỉ (ngũ dục). Vài vị đạo sư trong truyền thống Sakyapa nói rằng những kẻ mong cầu thế giới bình phàm không thể được xem là hành giả. Hành giả cần từ bỏ những ham muốn thế gian – như thế, không tìm kiếm ba kiểu ham muốn điển hình. Đầu tiên là “không tìm kiếm của cải của người giàu”. Thậm chí nếu một người giàu có như vị vua tài bảo, tiền bạc của anh ta hoàn toàn vô nghĩa nếu không được dùng để cúng dường mà chỉ để ăn no và mặc đẹp. Mọi tài sản đều bị bỏ lại đằng sau khi họ chết; không một xu nào có thể được đem theo, và nó cũng chẳng có giá trị gì trong đời tương lai của người đã chết. Tuy nhiên, bởi những thói quen tập khí, phần lớn mọi người đều chìm trong những ham muốn và khát khao khi nhìn thấy sự giàu có. Kết quả là, họ có thể cúng dường rộng lớn hay cầu nguyện đến Hoàng Tài Bảo Thiên, thay vì Phật A Di Đà hay Bồ Tát Quan Âm, bằng cách nói rằng, “bậc thầy, chư Phật và Bồ Tát, xin hãy gia hộ cho con vận may, để con có thể dâng cúng Tăng đoàn”. Điều này là không cần thiết. Tăng đoàn sẽ tự nhiên được cúng dường với công đức của chư vị, miễn là chư vị thực hành đúng đắn. Người ta không phải là hành giả chân chính nếu họ không thực hành mà lại mong cầu của cải. Patrul Rinpoche nói rõ rằng một hành giả, trở nên giàu hơn, đang không thực hành tốt. Chừng nào mà hành giả vẫn có nơi ở và đồ ăn và có thể nghiên cứu và thực hành Pháp, thế là đủ. Bồ Tát Long Thọ nói: “Hạnh phúc tối thắng là hài lòng với ít ham muốn”. Một chương trong Kinh Di Giáo nói về công đức của việc hài lòng với ít ham muốn và những lỗi lầm của việc tìm kiếm sự thịnh vượng. Vì thế, những hành giả không nên trở thành thương nhân trá hình. Nếu chúng ta hành xử như những người chỉ cầu nguyện đến Đức Phật với hy vọng nhận được của cải, điều này làm lãng phí đời người quý giá. Thân người này cần được dùng để đạt được những điều quan trọng nhất trong đời, để hoàn thành bảy sự giàu có cao quý và để không bị vấy bẩn bởi của cải thế gian.
Thứ hai, “không tìm kiếm địa vị đáng kính trọng”. Thông thường, một người bình thường sẽ tìm cách để có được địa vị xã hội cao. Khi địa vị của họ suy giảm, họ chẳng thể ngủ được. Chúng ta, những hành giả tu sĩ, không nên mong cầu bất cứ địa vị xã hội nào. Patrul Rinpoche nói trong Lời Vàng Của Thầy Tôi rằng: con có thể cao quý như Ngọc Hoàng, giàu có như Long Vương, đẹp đẽ như chư thiên; dù cho những điều này là đúng, mọi thứ đều vô thường, vì thế, con cần nỗ lực để thực hành Thánh Pháp. Thực sự, địa vị xã hội không tạo ra thực hành tốt đẹp. Nhiều thành tựu giả đã đạt giác ngộ nhờ thực hành tinh tấn và thầm lặng. Vì thế, dù là một tu sĩ hay cư sĩ cũng đều không cần tìm kiếm địa vị xã hội cao. Nếu người ta không có tâm thức về việc làm lợi lạc tha nhân, địa vị cao hơn sẽ chỉ tạo ra thêm ác nghiệp và cũng gây hại đến dòng tâm thức.
Thứ ba, “không tìm kiếm trang phục lộng lẫy”. Nếu một hành giả ăn mặc với rất nhiều sự quan tâm, anh hay cô ta có thể gặp khó khăn trong việc thành tựu bất cứ thực hành nào. Ở Tây Tạng, phần lớn các đạo sư ăn mặc đơn giản, ngoại trừ vài trường hợp, những vị buộc phải ăn mặc đẹp để làm lợi lạc chúng sinh. Nhiều tu sĩ và đạo sư lỗi lạc của truyền thống Kadampa luôn mặc đồ của kẻ ăn xin. Ở Trung Hoa, Pháp Sư Ấn Quang, vị Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông, đi một đôi giày trong 5 năm và mặc một bộ y trong hơn 10 năm. Điều quan trọng hơn nhiều là tịnh hóa tâm thức để nó trở nên thanh tịnh như một bông sen nhờ nghiên cứu, quán chiếu và thực hành Pháp hơn là mặc quần áo sặc sỡ, thoải mái hay đắt tiền. Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật nói một cách ẩn dụ, giải thích rằng tâm thức dịu dàng và kiên nhẫn là y áo. Tóm lại, thực hành Thánh Pháp liên quan đến việc tô điểm tâm thức chứ không phải vẻ bề ngoài.
3.17 Ba điều không nên nói xấu
Có ba điều không nên nói xấu:
Những vị đáng kính trọng và hỗ trợ,
Những món đồ nhỏ lẻ của người khác,
Chư đạo sư từ ái.
Có hai cách giải thích về “nói xấu”. Đầu tiên là đưa ra những tuyên bố sai lầm và gây hại ở cấp độ của sự thật tương đối; thứ hai là làm cho bản tính trống rỗng của vạn pháp có thực chất. Kinh Niết Bàn nói: “Này thiện nam tử! Nếu một người nói rằng, ‘Mọi chúng sinh dứt khoát sở hữu, hay không sở hữu, Phật tính’, người như vậy đang nói xấu Phật, Pháp và Tăng”[2]. Nhưng chúng ta cần rõ ràng rằng giáo huấn này chỉ đến từ chân lý tương đối.
“Không nên nói xấu những vị đáng kính trọng và hỗ trợ” nghĩa là chúng ta không nên nói xấu chư đạo sư Phật giáo, những bậc đáng nhận được sự kính trọng của mọi người. Chúng ta không đủ khả năng để hiểu trọn vẹn ý nghĩa ẩn giấu của hành động và từ ngữ của các vị đạo sư vĩ đại, vì thế, chúng ta không nên nói xấu chư vị. Hơn thế nữa, bởi chư đạo sư thường được bảo vệ bởi nhiều người và Bổn tôn, nói xấu sẽ chỉ tạo ra những điều kiện bất lợi cho chúng ta. Ví dụ, có một vị đạo sư nổi tiếng ở Tây Tạng nói xấu Rinpoche của chúng ta khi ông ấy chỉ trích vài hành vi của Rinpoche. Sau đấy, ông ta bắt đầu gặp phải nhiều nghịch cảnh và cuối cùng, ông ấy trở thành bình thường như người đời. Từ quan điểm của nhân quả, nói xấu (Phật, Pháp và Tăng) cũng không được phép. Chagme Rinpoche nói rằng quả báo từ việc nói xấu Bồ Tát còn ghê gớm hơn cả giết hại tất cả hữu tình chúng sinh trong tam giới. Nó chắc chắn không được tính là nói xấu nếu chúng ta cố gắng xua tan những điều không chắc chắn và hoài nghi liên quan đến tri kiến đặc biệt nhờ áp dụng một vài trong số những bản văn và lý luận; tuy nhiên, sẽ là nói xấu nếu chúng ta phản bác người khác vì sự đố kỵ, lòng tham hay bất cứ cảm xúc tiêu cực nào khác. Vì thế, chúng ta cần duy trì sự tỉnh thức và cẩn thận về lời nói.
Chúng ta không nên nói xấu về những món đồ nhỏ lẻ của người khác. Hành giả không cần phải đi mua sắm hay bình phẩm về hàng hóa, dù chúng là giả hay thật, đắt hay rẻ, ngoại trừ việc mua những nhu yếu phẩm hàng ngày. Bình luận tiêu cực về hàng hóa có thể khiến người bán gặp tổn thất sau khi thỏa thuận khó khăn với người mua, điều thật bất hạnh với người bán nghèo khó. Các hành giả nên nhắc nhở bản thân rằng họ cần làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh. Những chúng sinh đau khổ bị ép buộc (bởi nghiệp) phải kiếm sống. Những người bán hàng trong các cửa tiệm hay chợ giống như tù nhân, phải ở cửa hàng suốt ngày; một số thậm chí chẳng có ghế để ngồi. Những người này rất phấn khích khi khách hàng đến và mọi điều họ có thể nghĩ là bán hàng. Nhưng một thỏa thuận có thể dễ dàng bị phá nếu ai đó đưa ra nhận xét không tốt về sản phẩm. Chúng ta chỉ nên quan tâm tới công việc của bản thân, bởi việc của chúng ta không phải là bình luận hay nói xấu về hàng hóa của người khác.
“Không nên nói xấu chư đạo sư từ ái”. Không ai trong tam giới tử tế với chúng ta hơn những vị thầy. Nói xấu bậc thầy không chỉ khiến chúng ta đánh mất ân phước gia trì của chư đạo sư truyền thừa mà còn dẫn chúng ta đến những khổ đau bất tận trong các đọa xứ. Vì thế, chúng ta không bao giờ được phép nói xấu các vị thầy mà cần chăm lo cho chư vị như cách mà ta làm với đôi mắt.
3.18 Ba kiểu người không nên tán dương
Có ba kiểu người không nên tán dương:
Những vị bị chỉ trích bởi tất cả,
Những kẻ ngu dốt tự phụ,
Con trẻ với tâm trí đơn giản.
Thông thường, chúng ta cần tán thán công đức của chư Phật, Bồ Tát và những tu sĩ và đạo sư lỗi lạc. Mipham Rinpoche từng tuyên bố rằng, tán thán chư Phật, Bồ Tát và những tu sĩ và đạo sư lỗi lạc có thể làm hoàn thiện công đức. Nhưng có vài kiểu người không nên được tán dương.
Chúng ta không nên tán dương những người mà mọi người đều chống lại. Nếu chúng ta làm thế, chúng ta có thể tự đưa mình vào những rắc rối không mong đợi. Các giới luật và chỉ dẫn của vài vị đạo sư miêu tả rõ rằng, chúng ta không được đề cao bậc thầy của mình bằng những từ ngữ giả tạo, vậy làm sao có thể tán dương kẻ bị chỉ trích bởi tất cả?
Chúng ta không nên tán dương người ngạo mạn hay ngu dốt. Người ta có thể tỏ vẻ giễu cợt nếu họ tán dương một người đã tuyên bố là giác ngộ nhưng thậm chí không thể giải thích ý nghĩa bên trong của quy y hay các giáo huấn đơn giản khác.
Chúng ta không nên tán dương con trẻ với tâm trí đơn giản. Tán dương con trẻ quá mức có thể thổi phồng cái ngã của chúng, khiến chúng nghịch ngợm hơn và khó dạy dỗ. Mipham Rinpoche tin rằng trẻ con dưới 16 tuổi cần được đối xử với kỷ luật chặt chẽ và yêu cầu nghiêm khắc (giống như chúng ta đối xử với kẻ thù). Thành ngữ cổ nói rằng, một bậc thầy nghiêm khắc sẽ tạo ra học trò xuất sắc. Không có kỷ luật nghiêm khắc, đứa trẻ có thể trở thành một người trưởng thành thiếu giáo dục, ngu dốt và chẳng có mục đích sống.
3.19 Ba kiểu người không nên tán dương hay nói xấu
Có ba kiểu người không nên tán dương hay nói xấu:
Họ hàng của mình,
Các bậc thầy vô danh,
Bất kỳ ai.
“Đừng tán dương hay nói xấu họ hàng của mình”. Tán dương họ hàng có thể khiến mọi người ấn tượng rằng chúng ta đang giả tạo; trong khi nói xấu họ hàng lại khiến người ta tin rằng chúng ta cũng chẳng tốt đẹp gì, bởi được nuôi dạy trong cùng môi trường đó. Thực sự, mọi người đều được sinh ra với những thói quen khác nhau. Vài người có thể sử dụng lời tán dương quá mức trong khi số khác dường như thích nói xấu người khác. Nếu chúng ta có những thói quen xấu này, hãy nỗ lực để thoát khỏi chúng trong khi tiếp tục nói sự thật và tránh sự tán dương và xem nhẹ vô lý.
“Đừng tán dương hay nói xấu các vị thầy vô danh”. Thật bất cẩn khi tán dương một vị đạo sư vô danh. Tán dương bất cứ bậc thầy nào ngay lần đầu tiên gặp gỡ là vô trách nhiệm; điều này là bởi chúng ta thậm chí chẳng biết vị đạo sư ấy sở hữu công đức (thế gian hoặc xuất thế gian) nào. Tương tự, nói xấu chư đạo sư mà chúng ta không biết công đức, kỹ năng giảng dạy hay chứng ngộ, đơn giản cho thấy chúng ta ngu dốt thế nào.
Tựu chung lại, “đừng tán dương hay nói xấu bất kỳ ai nói chung”. Một mặt, không cần thiết phải đưa ra những lời khen ngợi vô nghĩa cho mọi người hay bất kỳ ai. Mặt khác, nói xấu bất kỳ ai cũng bị cấm bởi chúng ta không biết ai có thể giúp chúng ta tiến bộ trong thực hành. Thiếu sót của người khác có thể nhắc nhở chúng ta quán xét bản thân; khổ đau của người khác có thể khơi dậy tâm xả ly và lòng đại bi; sự bền bỉ của người khác có thể truyền cảm hứng để ta phát khởi tâm tinh tấn và niềm tin. Thực sự, tất cả mọi người trong cuộc đời của chúng ta đều có thể cho chúng ta cảm hứng lớn lao, vì thế không ai được phép bị nói xấu. Chỉ dẫn này vô cùng xuất sắc.
3.20 Quán sát bản thân là bắt buộc
Các chỉ dẫn như vậy thì rất nhiều;
Tựu chung lại, điều bắt buộc là
Luôn quán sát bản thân,
Đây là tinh túy của trí tuệ thế gian hay xuất thế gian.
Patrul Rinpoche kết luận rằng mặc dù có những chỉ dẫn tương tự trên thế giới này, tóm lại, điều quan trọng là quán sát bản thân; đây là tinh túy của cả thực hành thế gian và xuất thế gian. Người đời nhấn mạnh vào tự-kiểm điểm, tự-học hỏi và tự-kiểm tra, chư đạo sư xuất thế cũng vậy. Là hành giả, chúng ta cần liên tục quán sát bản thân để có thể khắc phục được những cảm xúc phiền não và tránh sai lầm. Ngoài ra, đây là nguyên tắc căn bản để trở thành một người cao quý.
4. Kết luận
Là một hành giả Yogi với trí tuệ thanh tịnh,
Ta đề ra những chỉ dẫn đơn giản này để điều phục tâm mình.
Chúng chứa đựng ý nghĩa sâu xa và cần được thực hành.
Patrul Rinpoche, vị Yogi với trí tuệ thanh tịnh, đã đưa ra những chỉ dẫn đơn giản này nhằm điều phục tâm thức của ngài. Đó là các chỉ dẫn sâu xa và trọng yếu mà mỗi hành giả cần thực hành theo.
Chúng ta sẽ hành xử ra sao khi biết rằng thậm chí hành giả Yogi vĩ đại – Đức Patrul Rinpoche – cũng đã thực hành theo những chỉ dẫn này? Chúng chứa đựng ý nghĩa bên ngoài, bên trong và bí mật. Các giảng giải nói trên chỉ liên quan đến ý nghĩa bên ngoài của bản văn nhưng hành giả cần phải quán chiếu cả ý nghĩa bên trong và bí mật của những chỉ dẫn này khi hành trì.
Xin hồi hướng tất thảy công đức cho mọi hữu tình chúng sinh, nguyện họ thoát khổ, đạt hạnh phúc và nhanh chóng giác ngộ!
Mọi sai sót là lỗi của người dịch. Xin thành tâm sám hối trước Tam Bảo, Tam Gốc.
Mọi công đức có được xin hồi hướng hết thảy hữu tình chúng sinh.
[1] Legs par bshad pa rin pa che’i gter (Treasury of Aphoristic Jewels).
[2] Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Ca Diếp Bồ Tát Thứ Hai Mươi Bốn, Tỳ kheo Thích Trí Tịnh dịch từ Hán sang Việt: “Nếu nói rằng tất cả chúng sanh quyết định có Phật tánh, hoặc nói quyết định không Phật tánh, đều gọi là hủy báng Phật, Pháp, Tăng.”.
Khenpo Sodargye
Việt dịch: Pema Jyana
Nguồn: Bình giảng ngắn gọn về những chỉ dẫn dành cho bản thân của Patrul Rinpoche