Theo cách bình giải của Minyak Kunzang Seunam thì các tiết trên đây cho thấy rằng dù chỉ muốn đạt được sự giải thoát khỏi luân hồi (xin nhắc lại là sự giải thoát khỏi luân hồi không có nghĩa là thành Phật) cũng phải thực hiện Tánh Không (loại bỏ vô minh và thành Phật là điều chủ yếu, thoát khỏi luân hồi chỉ là một hậu quả hiển nhiên và thứ yếu của sự Giác Ngộ tức là khi đã thành Phật). Nhóm Tiểu Thừa phản biện lại bằng cách đưa ra câu hỏi sau đây: ” Nếu tu tập đúng với giáo lý về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) thì cũng có thể đạt được sự giải thoát khỏi luân hồi, vậy thực hiện Tánh Không để làm gì?” (Bốn Sự Thật Cao Quý là cấu trúc của toàn bộ giáo lý của Đức Phật và đã được Đức Phật nêu lên trước nhất. Sau đó Ngài mới thuyết giảng sâu xa hơn và chi tiết hơn về giáo lý đó và đưa ra các phương tiện thích nghi để thực hiện Con Đường do giáo lý đó nêu lên. Trong số này, Tánh Không là một phương tiện tuyệt vời, siêu việt, trực tiếp và thích nghi nhất giúp chúng ta bước theo Đức Phật trên Con Đường đó. Thoát khỏi luân hồi chỉ là một yếu tố hay kết quả phụ thuộc khi chúng ta đã đi hết Con Đường ấy. Sự thực hiện Tánh Không không những giúp chúng ta quán thấy được bản chất đích thật của con người và vũ trụ nhằm mang lại cho chúng ta sự Giác Ngộ hoàn hảo mà còn tạo ra một hậu quả phụ thuộc khác nữa đó là cách giúp chúng ta hiểu được và mở rộng cả con tim của chính mình). Các tiết 44 đến 48 trong tác phẩm của Tịch Thiên cho biết nếu như nền tảng giáo lý của Đức Phật chỉ là tăng đoàn gồm các vị a-la-hán, và trong phạm vị không cần đến sự thực hiện Tánh Không, thì chẳng những không sao đạt được sự Giác Ngộ hoàn hảo tức là thể dạng Phật Tính, mà cũng không thể giải thoát cho mình khỏi luân hồi. Khi nào tâm thức vẫn còn vướng mắc vào xu hướng “cụ thể hoá” các đối tượng thì sẽ không thể nào có thể đạt được sự giải thoát.
Nếu có ai cho rằng chúng tôi (những người Tiểu Thừa) có thể đạt được sự giải thoát bằng cách chỉ cần tu tập theo con đường thiền định về mười sáu phẩm tính phụ trợ của Bốn Sự Thật Cao Quý, chẳng hạn như vô thường, và nhờ đó sẽ có thể phủ nhận “cái ngã” như là một hiện thực mang tính cách nội tại và tự chủ, thì những người phái Trung Quán tất sẽ phản kháng lại ngay bằng cách cho rằng việc thực hiện được tính cách “vô ngã” ở một cấp bậc thô thiển sẽ không thể nào mang lại sự giải thoát toàn vẹn được. Theo quan điểm của những người Tiểu Thừa thì một vị A-la-hán là một sinh linh đã hoàn toàn đạt được giải thoát, thế nhưng thật ra thì sinh linh ấy chưa phải là một vị a-la-hán bởi vì từ bên trong dòng tiếp nối liên tục của tâm thức của vị ấy vẫn còn tàng ẩn sự bám víu vào sự hiện hữu đích thật và nội tại của mọi hiện tượng. Cá thể ấy vẫn còn biểu lộ xúc cảm và tư duy, chẳng hạn như sự thèm khát (dục vọng), và đấy cũng chính là hậu quả phát sinh từ nghiệp và các sơ đồ quen thuộc…, và cứ tiếp tục như thế (các “sơ đồ” quen thuộc là các “phản ứng đã trở thành thói quen”: mỗi khi chúng ta nhìn vào các hiện tượng và tự động cho chúng là thật một cách nội tại. Các phản ứng đó sẽ làm phát sinh ra xúc cảm và tư duy, tức là một hình thức vướng mắc và bám víu).
Những người Tiểu Thừa vẫn có thể cho rằng cá thể ấy nhờ vào sức mạnh mang lại từ sự quán nhận “vô ngã” có thể loại bỏ được mọi sự thèm khát giác cảm. Tuy nhiên những người Trung Quán cũng cho biết rằng khái niệm về sự thèm khát của những người Tiểu Thừa không được trọn vẹn, bởi vì chỉ liên quan đến các cấp bậc thô thiển, tức là các thứ thèm khát phát lộ rõ rệt và có thể ý thức được. Trong tâm thức của người a-la-hán, luôn luôn vẫn còn các thể dạng thèm khát thật tinh tế mà những người Tiểu Thừa không cho rằng đấy là những thứ ô nhiễm. Dầu sao thì những người Tiểu Thừa cũng vẫn chấp nhận có hai thể loại vô minh khác nhau: một thể loại là căn nguyên mang lại sự tái sinh, và một thể loại thật tinh tế. Vì thế chúng ta có thể cho rằng có hai loại thèm khát khác nhau: một loại phát lộ rõ rệt có thể ý thức được, và một loại tinh tế hơn. Do đó trong tâm thức của vị gọi là A-la-hán ấy vẫn còn sự bám víu tinh tế vào khái niệm về sự hiện hữu thật. Cho đến khi nào xu hướng “vật thể hoá” các đối tượng và tin vào sự hiện hữu thật của mọi sự vật vẫn còn thể hiện sâu kín trong tâm thức thì chúng ta vẫn chưa có thể tự cho rằng mình đã được giải thoát khỏi sự thèm khát và bám víu.
Nếu chỉ quán nhận được vô-ngã ở những cấp bậc thô thiển thì quả thật là chưa đủ; do đó nhất thiết phải thực hiện được Tánh Không về sự hiện hữu nội tại của con người và của mọi hiện tượng. Khi nào sự hiểu biết sâu xa về bản thể của Tánh Không vẫn còn thiếu sót, và dù cho tư duy và các thứ xúc cảm bấn loạn có tạm thời suy giảm ở các cấp bậc thô thiển đi nữa, thì chúng vẫn có thể sẵn sàng trổi dậy trong phạm vi mà chúng vẫn còn giữ được một tiềm năng nào đó trong tâm thức của chúng ta. Vì thế, việc thực hiện Tánh Không thật hết sức cần thiết không những để đạt được sự Giác Ngộ mà cả sự Giải Thoát khỏi các chu kỳ hiện hữu nữa.
Đức Dalai Lama 14
Việt dịch: Hoàng Phong
Trích: Tu Tuệ – Nhà xuất bản Phương Đông