Tính nhạy cảm quân bình cho thời đại truyền thông xã hội |

Tính nhạy cảm quân bình cho thời đại truyền thông xã hội

Home

Với tính nhạy cảm quân bình thì ta sẽ tránh những cực đoan quá nhạy cảm, hay không đủ nhạy cảm, đối với người khác và bản thân, đặc biệt là đối với cảm xúc của chính mình và người khác, và cách mình cư xử sẽ ảnh hưởng đến họ. Qua một loạt 22 bài tập, ta có thể tự rèn luyện để đạt được sự quân bình này. Nền tảng mà toàn bộ khóa rèn luyện dựa vào là việc phát triển một tâm thức tĩnh lặng, không phán xét và lòng quan tâm. Điều này đặc biệt cần thiết trong Thời Đại Truyền Thông Xã Hội hiện nay, khi có rất nhiều việc giao tiếp đang xảy ra bằng các phương tiện kỹ thuật số, nên ta thường không cảm nhận được cảm giác của người khác.

Mối Quan Hệ Giữa Việc Rèn Luyện Tính Nhạy Cảm Và Phật Pháp

Chương trình “Phát Triển Tính Nhạy Cảm Quân Bình” là một chương trình tôi đã phát triển cho việc rèn luyện và đạt được cảm xúc thăng bằng. Nó dựa vào Phật pháp, nên tất cả những bài thực hành trong đó đều bắt nguồn từ tài liệu của đạo Phật; nhưng nó là một hình thức rèn luyện mà không yêu cầu bất cứ nền tảng hay bối cảnh Phật giáo nào để người ta có thể tham gia. Trên cơ bản thì tôi đã phát triển nó vì nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống, và không thật sự biết cách áp dụng Phật pháp để tự giúp mình. Những người chưa tu tập theo đạo Phật cũng phải đối mặt với những vấn đề này, và không phải lúc nào cũng dễ tìm ra phương pháp để đối phó với chúng. Đây là những vấn đề liên quan đến tính nhạy cảm. Khó khăn trong việc áp dụng phương pháp của nhà Phật vào vấn đề này là không có từ ngữ nào dành cho chữ nhạy cảm trong tiếng Phạn hay tiếng Tây Tạng. Nếu muốn tìm ra các phương pháp từ truyền thống đạo Phật để giúp mình giải quyết những vấn đề này thì phải phân tích những yếu tố khác nhau liên quan đến tính nhạy cảm.Chú Ý Và Phản Ứng

Khi thực hiện việc phân tích thì chúng tôi thấy rằng đúng ra, có hai thành phần liên quan đến việc rèn luyện tính nhạy cảm. Đó là (1) lưu tâm, nói cách khác là cách mình chú ý, và (2) phản ứng, cách mình hưởng ứng. Đương nhiên, khi nói về nhạy cảm thì chúng ta đang nói về tính nhạy cảm về cảm xúc, chứ không nói về vấn đề dị ứng và loại nhạy cảm đó. Có những khó khăn đối với cách mình chú ý. Một là mình chú ý quá nhiều, hai là chú ý quá ít; rồi đến cách mình phản ứng: một là phản ứng quá mức, hai là không phản ứng đủ, hay hoàn toàn không có phản ứng gì cả. Các lãnh vực mà chúng ta đang nói đến là (1) ảnh hưởng từ hành vi của mình – về mặt hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác, và hành vi của mình ảnh hưởng đến bản thân – và (2) hoàn cảnh: tình huống của người khác và của mình. Khi phối hợp tất cả những yếu tố này lại với nhau thì sẽ có rất nhiều biến thể mà mình có thể gặp vấn đề. Chẳng hạn như ta không lưu tâm đủ đến ảnh hưởng mà hành vi của mình sẽ tạo ra cho người khác, hoặc quá lo âu về ảnh hưởng của nó đối với người khác. Nếu ai nói điều gì với mình, và mình cảm thấy rất dễ tổn thương, rồi phản ứng quá mức. Hoặc mình không quan tâm đến điều người khác nghĩ, và không quan tâm đến việc mình có thể ngắt lời họ, hay làm điều gì tương tự như vậy. Chúng ta có thể nhận thấy những gì đang xảy ra, nhưng không hành động hay làm gì cả. Hay thật ra mình có thể làm điều gì đó, nhưng không có cảm giác gì; hay có thể không phán đoán một cách thăng bằng về cách mình phản ứng hay đối phó với tình huống. Tất cả những khó khăn này liên quan đến vấn đề nhạy cảm.
Lý Do Chương Trình Được Phát Triển
Tôi đã phát triển chương trình này vào cuối thập niên 90, và trong khi phát triển nó và suy nghĩ về những vấn đề mà mọi người gặp phải thì điều chủ yếu mà tôi quan tâm đến là việc mọi người giao tiếp với người khác hàng ngày, ở công sở, với gia đình, bạn bè của họ và vân vân. Vì vậy, tôi đã phát triển chương trình này, và có 22 bài tập. Đó là một chương trình rất đầy đủ, nên tôi chỉ mô tả một chút thôi. Phải mất ba năm để hoàn thành nó, có một lớp học mỗi tuần, làm việc rất từ từ, cẩn thận, chậm rãi. Tôi đã dạy nó hai lần ở Berlin, mỗi lần mất ba năm, và giới thiệu về nó ở nhiều nước trên thế giới, và mọi người thấy nó rất hiệu quả. Nhưng thời thế đã thay đổi. Trước khi có mạng lưới xã hội (social networking) thì tôi đã phát triển nó; đó là trước thời có việc gởi nhắn tin và làm nhiều việc trong cùng một lúc (multi-tasking), mà ngày nay có rất nhiều người tham gia. Đối với tôi thì dường như hiện nay, người ta còn cần những chương trình này nhiều hơn trước đây, vì việc mất thăng bằng về tính nhạy cảm để đáp ứng với tất cả những sự tiến bộ trong công nghệ này còn xảy ra nhiều hơn. Tôi đã lập một danh sách của một vài ví dụ về việc mất thăng bằng mà người ta có thể nghĩ đến một cách nhanh chóng và dễ dàng trong thời đại mạng lưới xã hội hiện đại của chúng ta.
Mất Thăng Bằng Về Tính Nhạy Cảm Trong Thời Đại Mạng Lưới Xã Hội
Chúng ta có mặt với người nào, nhưng lại gởi nhắn tin, hay nói chuyện điện thoại với người khác. Mình hoàn toàn không nhạy cảm với hoàn cảnh của người khác, như thể “Họ không còn tồn tại nữa, bây giờ họ không còn quan trọng nữa”, và như thể việc nhắn tin cho người bạn khác, hay đăng một câu tweet hay đại loại như vậy thì quan trọng hơn. Điều đó rất là thiếu nhạy cảm, đúng không? Có một vấn đề khá khó khăn về việc chú ý là chúng ta không chú ý đến người đang hiện diện với mình. Hay mình liên tục xem tin nhắn và trang truyền thông xã hội của mình và những điều tương tự. Có những người trẻ ngủ bên cạnh điện thoại của họ vào buổi tối, và thậm chí không ngủ ngon. Ta có thể thấy rằng họ không lưu tâm đến ảnh hưởng của việc này đối với bản thân, vì ngày hôm sau thì họ hoàn toàn mệt mỏi, không tập trung tinh thần ở trường, hay ở sở, đại loại là những vấn đề như vậy. Dường như chúng ta quá thiếu tính nhạy cảm, theo ý nghĩa là mình thật sự muốn biết những gì mọi người đang nghĩ, đang làm, những tweets của họ, Instagram, trang Facebook và tất cả những điều đó, nhưng thật sự đó là sự vô cảm với họ, bởi vì mối quan tâm chính của mình là về tôi, “Tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì”, đúng không? Hay mình làm nhiều việc trong cùng một lúc. Chúng ta thấy mọi người đi bộ và hầu như lúc nào họ cũng phải có tai nghe (earphone) và Ipod để nghe âm nhạc, không kể tất cả những việc khác mà họ đang làm trong cùng một lúc. Kết quả là gì? Họ luôn luôn bị phân tâm. Họ không bao giờ lưu tâm đến những điều đang xảy ra quanh họ hay người khác một cách trọn vẹn, đại loại là như vậy.
Ảnh Hưởng Của Việc Thiếu Nhạy Cảm
Tôi đã đọc điều gì trên Internet gần đây, rằng có một vụ giết người, một vụ nổ súng trên xe điện ngầm. Tôi không nhớ là nó xảy ra ở đâu, ở New York hay San Francisco, hay ở đâu đó, và có một máy quay phim an ninh, và nó quay lại cảnh mọi người ở trên xe điện ngầm. Hầu hết mọi người đều mải mê với điện thoại di động và lo nhắn tin hoặc chơi trò chơi video, hay điều gì tương tự, trong thế giới nhỏ bé của họ, thậm chí họ còn không để ý là người nào đã bị giết trên xe điện ngầm đó. Thậm chí họ còn không nhìn lên. Đây là một ví dụ cực đoan về tính vô cảm, không hề lưu tâm, chỉ mải mê trong thế giới nhỏ bé của riêng họ một cách tuyệt đối, như thể phần còn lại trên thế giới không tồn tại. Một số người gặp khó khăn đối với việc phản ứng một cách chân thành giữa người với người, nên họ lấy danh tánh giả trên Internet, và giao tiếp với người khác bằng danh tánh giả này. Hay vì không sử dụng trí phán đoán rất tốt nên họ trả lời cho người khác một cách quá ít ỏi; nói cách khác là thay vì nói chuyện với người nào hay giao tiếp với ai thì họ chỉ gởi cho người kia một tin nhắn, hay thậm chí không làm điều đó mà có thể đăng một điều gì đó trên Twitter, để cả thế giới cùng thấy nó. Có một sự vô cảm đối với bất cứ cảm giác riêng tư nào mà người khác có thể muốn có. Và có toàn bộ hiện tượng về việc “thích” trên Facebook, và thật sự quan tâm về việc mình có bao nhiêu cái “thích”, rồi thấy chán nản, nếu bạn không có đủ người bấm “thích”, mà trên cơ bản là mình chỉ quan tâm đến “tôi”. Có bao nhiêu người thích “tôi”? Đôi khi, phản ứng cảm xúc của mình không thật sự là liệu họ có thích mình hay không, mà là vấn đề “mình” có được bao nhiêu lần “thích”, nên nó liên quan đến “mình”.Rồi thì ta nhạy cảm với hoàn cảnh của mình, như ngồi ở nhà xem Facebook và tất cả những hình ảnh về những chuyến nghỉ phép của mọi người, và họ đã có một thời gian tuyệt vời, vui vẻ ra sao, và “Tội nghiệp cho mình, chỉ ngồi đây xem hình của họ trên máy vi tính”. Thế là người ta thấy phiền muộn hơn, quá nhạy cảm về hoàn cảnh của riêng mình, và vấn đề này trở nên trầm trọng hơn vì Facebook. Kết luận là mọi người, thậm chí hơn cả trong quá khứ, cần một cái gì như việc rèn luyện tính nhạy cảm, để có thể giúp họ giải quyết những vấn đề ngày càng tệ hại hơn, vì sự phát triển của mạng lưới xã hội và công nghệ.
Khóa Rèn Luyện Tính Nhạy Cảm Sẽ Tiến Triển Bằng Hai Chân
Điều gì có thể được thực hiện? Chương trình này, như tôi đã nói, có 22 bài tập, và hoạt động theo những giai đoạn tiến triển. Tôi thích giải thích toàn bộ quá trình rèn luyện như nghỉ ngơi hay đứng bằng hai chân: hai điều cơ bản cần thiết. Toàn bộ chương trình rèn luyện phụ thuộc vào hai điều cơ bản mà mình phải phát triển. Đây là những điều được gọi là “tâm tĩnh lặng” và “lòng quan tâm”, hay “thái độ quan tâm”.
Tâm Tĩnh Lặng
Có tâm tĩnh lặng có nghĩa là làm lắng dịu tất cả những việc trò chuyện, phán xét, phân tâm, âm nhạc, tất cả những điều khác đang diễn ra trong tâm trí mình, để thật sự im lặng, lưu tâm và cởi mở với người khác, hay cởi mở với cảm xúc của chính mình. Ban đầu, lúc vừa phát triển chương trình thì tôi quan tâm đến những vấn đề mà tất nhiên mọi người vẫn có, là quá quan tâm đến việc làm hài lòng người khác, nên chẳng bao giờ làm lắng dịu lo âu của mình về điều đó và nghĩ rằng, “Tôi cảm thấy như thế nào?”. Điều này thường xảy ra với những người luôn luôn thiếu khả năng nói ‘không’ với người khác, nên luôn chìu theo ý người khác quá mức. Đó là nếu bạn giao tiếp với người khác, vì có những người thậm chí không giao tiếp với ai. Nếu bạn liên tục nghe nhạc thì không thể tĩnh tâm và xem xét, “Tôi cảm thấy thế nào? Cảm giác của tôi là gì? Nhu cầu của tôi là gì?” Bạn phải làm lắng dịu những ý tưởng dư thừa này. Trong việc giao tế trực tiếp với người khác thì điều quan trọng là không nghĩ đến điều gì khác. “Khi nào thì người này sẽ câm mồm lại và bỏ đi? Có lẽ có một tin nhắn trên Facebook của mình, hay điều gì tương tự mà mình đã bỏ lỡ, vì đang tốn thì giờ nói chuyện với người này.”. Tất cả những ý nghĩ này. Một ví dụ khác rất kỳ cục là bạn đang nói chuyện với ai đó, rồi lại nghĩ rằng, “Wow, những điều họ nói rất tuyệt vời. Xin lỗi nhé.”. Thậm chí, bạn không nhất thiết nói “xin lỗi nhé”, mà chỉ nghĩ rằng mình phải tweet nó, hay phải gởi tin này cho người khác. Đó không phải là tâm tĩnh lặng. Ban đầu, lúc phát triển chương trình thì tôi cũng nghĩ nhiều hơn về những ý tưởng phán xét, “Ồ, những điều mà người này nói ngu ngốc quá,”, hay khơi lại những chuyện xa xưa trong quá khứ của họ, và không an trú trong hiện tại. Dĩ nhiên là mình cũng phải làm cho những điều này lắng xuống. “Lắng dịu xuống” không có nghĩa là mình không cảm thấy gì hết. “Lắng dịu xuống” chỉ có nghĩa là mình cởi mở với những cảm xúc tích cực để đối phó với tình hình.Tất nhiên, đạo Phật có rất nhiều phương pháp để tĩnh tâm. Một điều rất đơn giản là chỉ cần xả bỏ, để nhận ra là mình đang suy nghĩ “Blah, blah, blah”, trong đầu, và buông bỏ nó. Chúng ta có thể giúp mình làm điều đó bằng cách tưởng tượng bàn tay nắm lại, rồi mở tay ra và buông bỏ ý nghĩ này. Có một số phương pháp khác, nhưng đây không phải là dịp để thảo luận đầy đủ về tất cả các phương pháp được dạy trong mỗi một bài tập này.
Lòng Quan Tâm
Chân thứ hai là cái mà tôi gọi là “lòng quan tâm” hay “thái độ quan tâm”. Một khi mình đã tĩnh tâm thì đó là để nhận thức về người khác hay chính bản thân mình về mặt “Bạn là một con người có cảm giác cũng như tôi, và cách mà tôi cư xử đối với bạn và cách tôi nói chuyện với bạn sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn, giống như cách bạn hành động và nói chuyện với tôi sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi. Vì vậy, tôi sẽ coi trọng bạn và việc bạn có cảm xúc, và tôi quan tâm đến bạn.”. Không phải là tôi lo lắng về cảm xúc của bạn, nhưng tôi quan tâm đến chúng một cách sâu sắc và chân thành, không chỉ thích thú về lãnh vực khoa học.Tôi nghĩ trong thời đại truyền thông xã hội của chúng ta thì lòng quan tâm này còn quan trọng hơn trước đây nữa, bởi vì theo nhiều cách thì nhân danh việc liên hệ với người khác nhiều hơn nữa, thật ra thì mình ít liên hệ với người khác hơn, vì không thật sự thấy người kia có tình cảm, và là một con người thật. Họ chỉ là người nào trên màn hình máy vi tính, hoặc ai đó trong một tin nhắn mà bạn có thể tắt đi, khi không muốn đối phó với họ nữa. Nếu mọi việc đi theo chiều hướng tất cả những người khác trở thành những nhân vật trong một trò chơi lớn trong máy vi tính của thực tại ảo mà bằng cách nào đó, bạn có thể giao tiếp hay nhấn nút và trò chơi sẽ kết thúc, và không còn có mặt ở đó nữa thì bạn không phải đối phó với nó nữa, rồi mình không xem người khác là con người một cách nghiêm túc nữa. Và ta không coi trọng bản thân mình như một con người, vì đó là cách mà mình giao tiếp với người khác.Thế thì đây là hai điều cơ bản mà chúng ta sẽ phát triển ở đây. Trước khi bắt đầu khóa rèn luyện thì chúng ta sẽ phát khởi tâm tĩnh lặng và lòng quan tâm. Mỗi bài tập sẽ bắt đầu bằng việc tái khẳng định hai điều đó. Sau đó, phần còn lại của các bài tập sẽ được chia thành những giai đoạn. Có bốn giai đoạn cơ bản mà mình cần phải làm việc, và sau đó là giai đoạn thứ năm: rèn luyện cao cấp hơn.
Việt dịch: Lozang Ngodrub

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung