Đối phó với phiền não luyến ái_phần 2 |

Đối phó với phiền não luyến ái_phần 2

Home

Lắng Nghe Và Tư Duy Về Phương Pháp

Đầu tiên, cần phải lắng nghe phương pháp là gì. Nếu mình quyến luyến với ai vì cơ thể và diện mạo của họ thì phương pháp cũng là việc ý thức về những gì mà bên dưới lớp da, chẳng hạn như bộ xương và những gì bên trong dạ dày. Sau khi lắng nghe về phương pháp này thì cần phải tư duy về điều đó, để hiểu nó và tin chắc rằng nếu mình có thể ý thức được không chỉ bao bì, mà cả những gì bên trong bao bì, thì sẽ không bị dục vọng và tâm bám chấp vào người này quấy nhiễu. Ta sẽ có ít vấn đề với người này hơn, và ít vấn đề đối với cảm xúc của mình hơn.

Áp Dụng Bốn Tiền Đề

Để tư duy về những điểm mình đã nghe thì cần phải xem xét chúng từ góc độ của cái gọi là “bốn tiền đề”. Đây là bốn cách để vững tin vào điều gì.

Tiền Đề Lý Luận

Với tiền đề đầu tiên, chúng ta sẽ khảo sát giáo pháp, để xem chúng có lý và hợp lý hay không. Trong trường hợp này, điều khá rõ ràng là con người không chỉ là làn da của họ. Chúng ta không cần phải chứng minh điều đó, nhưng nếu muốn khảo sát điều này bằng lý luận thì dĩ nhiên một túi da trống rỗng không thể đứng lên, nếu không có bộ xương ở bên trong. Nếu như ta ăn thì phải có cái gì ở trong dạ dày và ruột của mình. Thế thì hoàn toàn hợp lý là cơ thể của một người không chỉ là da của họ, bởi vì phải có một cái gì đó ở bên trong da. 

Tiền Đề Công Năng

Tiếp theo, ta sẽ khảo sát cách một bài pháp nào sẽ vận hành ra sao để tạo ra kết quả theo dự định. Ví dụ, nếu ta có ý thức bình đẳng về cả những gì ở bên ngoài và bên trong cơ thể của người này, thì sự hiểu biết đó sẽ khiến mình không phóng đại cái này và bỏ mặc cái kia.

Chúng ta cũng có thể phân tích, nếu như ai đó rất đẹp và hấp dẫn thì tại sao mình chỉ thấy làn da của họ quá đẹp? Tại sao lại không thấy chất nôn mửa trong bụng họ đẹp đẽ? Rõ ràng là mình không thấy như vậy. Vậy thì việc ý thức về hai khía cạnh của cơ thể họ, bên ngoài và bên trong, không nhất thiết là để ngăn cản mình thấy được vẻ đẹp bên ngoài, hay làm tiêu tan sự thích thú với vẻ đẹp của họ. Nó chỉ giữ sự thích thú của mình có chừng mực thôi. Được rồi, cơ thể người này ở bề ngoài có thể rất đẹp, nhưng còn có những thứ ở bên trong, và đây là cách cấu tạo của mọi người.

Khi khảo sát những điểm này, nghĩ về chúng và cố gắng để bị chúng thuyết phục thì rất thú vị, bởi vì việc rất thường xảy ra là mình thật sự không muốn tin chúng. Có một sự phản kháng bằng cảm xúc, khi mình nghĩ về những gì ở trong dạ dày và ruột của người này. Việc xem xét điều này rất thú vị. Tuy nhiên, vấn đề là đây là thực tế; đây là sự thật. Người Tây Tạng thích những hình ảnh rất sinh động, thực tiễn. Họ sẽ nói rằng nếu bạn có một đống phân lớn và khắc lên đó một bức tượng tuyệt đẹp của một cơ thể trần trụi và sơn màu da lên đó thì dù có đẹp thế nào đi nữa, nó vẫn là rác rến!

Công năng của sự hiểu biết này cũng là, nếu tôi ý thức được cả bên ngoài và bên trong cơ thể của người nào đó, thì sẽ không ham muốn và quyến luyến cơ thể đó. Đó là vì tôi không chỉ phủ nhận cái này hay phóng đại cái kia, nên sự hiểu biết này không tương xứng với tâm mê đắm. Sự hiểu biết này tương xứng với việc có một sự cam kết ổn định, lâu dài với người đó, với thái độ yêu thương chân thành và kiên nhẫn với những gì sẽ xảy ra với bất kỳ cơ thể nào, khi nó già nua. Nếu chúng ta phóng đại vẻ đẹp hiện tại của họ, rồi khi họ bắt đầu già nua hay bệnh hoạn, và mất đi vẻ đẹp đó thì ta có thể tìm kiếm một người khác mà mình thấy hấp dẫn hơn. Nhưng nếu ta hiểu và chấp nhận thực tế rằng cả bên ngoài và bên trong sẽ thay đổi như nhau, thì tuệ giác sâu sắc đó sẽ tương xứng với việc có mối quan hệ yêu thương, ổn định với người đó.

Tiền Đề Bản Tánh

Tại sao một số người có thể xinh đẹp ở bên ngoài, nhưng vẫn có bộ xương, phân và chất nôn mửa ở bên trong? Đó chỉ là bản tánh của sự vật; chúng ta là những sinh vật, và đó là những gì tạo nên cơ thể. Mình không có chọn lựa nào khác, ngoài việc chấp nhận thực tế đó. Đó là cách cơ thể hoạt động.

Tiền Đề Phụ Thuộc

Cuối cùng, ta sẽ khảo sát việc phát triển tâm trạng này, sự hiểu biết này phụ thuộc vào điều gì, để mình có thể có nó. Quan trọng nhất là cần có một sự tự chủ. Khi nhìn thấy người đó thì mình phải kiểm soát sự thôi thúc phải đụng chạm khắp cơ thể họ. Cần phải tự chủ để lùi lại một chút và áp dụng sự phân tích và quán sát nội tâm. Sự tự chủ này sẽ giúp mình có khả năng nhìn rõ hơn và sâu hơn.

Hơn nữa, cần phải có sự sẵn sàng và cởi mở để làm điều đó, và không lo sợ là mình sẽ cảm thấy kinh tởm người đó đến mức không thể đối phó với họ. Việc áp dụng phương pháp một đúng đắn tùy thuộc vào tất cả những yếu tố này. Nếu hiểu được điều này trước thì ta sẽ biết mình cần phải chuẩn bị những gì.

Thiền

Một khi đã trải qua quá trình suy nghĩ này, có nghĩa là lãnh hội giáo pháp và vững tin rằng nó rất hữu ích để phát triển, và đó là điều mà mình muốn phát triển, rồi thì ta sẽ thật sự làm cái gọi là “thiền quán” về nó. Thiền là một phương pháp để hội nhập giáo pháp mà mình đã lãnh hội và vững tin vào cuộc sống. Chúng ta sẽ hội nhập nó bằng cách tạo dựng nó như một thói quen có ích, bằng cách lập đi lập lại việc suy nghĩ và hành động theo những gì mà nó hướng dẫn.

Đây là một quá trình gồm có hai giai đoạn. Trước tiên, ta sẽ thiền quán, đôi khi được gọi là “thiền phân tích”. Nói một cách khác thì trong một tình huống được kiểm soát, ta sẽ ngồi một mình, không ngồi trước mặt người khác, và đối trị tâm luyến ái với người nào đó, chẳng hạn như với dục vọng bám chấp vào diện mạo của họ. Ta sẽ làm việc với một tấm ảnh của người đó, hoặc chỉ nghĩ về họ, rồi quán sát, “Đúng, họ có một bộ xương. Đúng, họ có cái gì trong bụng.”. Chúng ta tưởng tượng cơ thể của họ trong suốt, và bằng cách tưởng tượng bộ xương của họ, những thứ trong dạ dày và vân vân bên trong lớp da của họ, ta sẽ cố gắng phân biệt rằng cơ thể họ chứa đựng chúng. Bằng cách này, ta sẽ tự tạo ra ấn tượng rằng thị kiến này là đúng. Nó giống như có tầm nhìn của quang tuyến X, nhưng không làm mất đi hình dáng bên ngoài của người đó, đúng ra thì điều này có thể đẹp đẽ. Việc nhìn thấy nội tạng của họ không làm mất đi vẻ đẹp bề ngoài thông thường của họ.

Sau một thời gian thiền quán, khi mà năng lượng tinh thần của mình hướng ra ngoài, theo một nghĩa nào đó là nhắm vào đối tượng của mình, đó là cơ thể của người đó, rồi thì mình chuyển qua thiền định. Trong giai đoạn thứ hai này, năng lượng tinh thần sẽ được hướng vào bên trong nhiều hơn, khi ta cố gắng làm cho những gì mình đã chủ động phân biệt lắng xuống. Ta sẽ cố gắng thật sự cảm thấy, “Có, đây là thực tế; đây là sự thật về cơ thể của người này, từ bên ngoài đến bên trong. Vâng, đây là sự thật.”. Và nếu chúng ta nhận diện người đó bằng cơ thể của họ một cách riêng biệt, thì hãy tự nhắc nhở mình rằng người đó cũng có một tâm trí, cảm xúc, vân vân. Nhưng đó là một chủ đề xa hơn để hành thiền.

Áp Dụng Phương Pháp Trong Đời Sống Hàng Ngày

Khi đã quen với cách đối trị với dục vọng và luyến ái, một khi nó bắt đầu ăn sâu như một thói quen thì mình sẽ bắt đầu áp dụng các phương pháp này trong các tình huống thật sự, thực tiễn. Ta sẽ áp dụng chúng khi cần thiết, đó là khi mình có được cảm giác luyến ái mạnh mẽ này, cảm giác khao khát mãnh liệt muốn vuốt ve người này. Khi quán sát động cơ của mình, chẳng hạn vậy, thì ta sẽ nhận ra mình không chỉ muốn đặt tay lên người họ vì họ cần một sự an ủi hay xoa bóp, hay những điều tương tự, mà vì mình cảm thấy phải chạm vào người họ, bởi vì quá bám chấp đối với họ. Ở thời điểm đó thì phải áp dụng cùng một cách để phân biệt cơ thể của họ, khi mình đã thực hành trong thiền quán. Ta sẽ thấy rõ việc có một bộ xương và chất nôn mửa trong bụng là cách họ hiện hữu, và cố gắng cảm thấy đây là sự thật.

Kết quả là ta sẽ thấy mình có tâm trí sáng suốt hơn để có khả năng thấy điều gì phù hợp và không phù hợp trong tình huống này. Dù sao đi nữa thì sau cùng, ở đây, chúng ta vẫn chỉ làm việc với một phương pháp nhất thời, tạm thời. Nên ngay cả khi vẫn cảm thấy muốn chạm vào người đó, nắm tay họ hay làm bất cứ điều gì thì ta sẽ nhận ra rằng mình đang làm điều đó bởi vì nó sẽ làm cho mình vui hơn. Từ phía người kia thì không phải là họ thật sự cần nó, nhưng nhờ cách áp dụng bài thiền này vào thời điểm đó, nên ta sẽ không cường điệu hóa những gì mình đang làm. Nó cũng giúp mình thăm dò, liệu việc này có làm cho người khác thấy thoải mái hay không, nếu mình hành động như vầy thì họ có chấp nhận hay không? Và nếu nó không ổn thì ta có thể tự kiểm soát bản thân tốt hơn, để không chạm vào người họ.

Cuối cùng, hành động quân bình, có sự cân nhắc sẽ xảy ra một cách tự nhiên và tự phát, ta sẽ không phóng đại, không bám víu, v.v… Hệ quả là người khác sẽ cảm thấy được điều này, nếu họ có bất kỳ sự nhạy cảm nào đối với mình. Đó là vì nếu mình luôn nắm tay họ, vì thật ra thì chính mình đang bất an và cô đơn, và ta nghĩ rằng nếu như nắm tay họ thì mình sẽ cảm thấy đỡ hơn, rằng nó sẽ giải quyết vấn đề của mình, thì mình sẽ biểu lộ tính cách phiền não và bám víu này. Nó không thoải mái đối với người khác. Nếu người đó có bất kỳ mức độ nhạy cảm nào thì họ có thể cảm nhận được điều đó. Nếu như không phóng đại niềm vui của sự tiếp xúc về mặt thể chất thì mình sẽ cảm thấy rằng, “Được, đó là việc nắm tay ai đó; nó có cảm giác tiếp xúc êm ái. Tôi biết bên trong bàn tay của họ là những gì, có xương và vân vân.”, nên nó không phải là “Ồ! Đây là một điều thật tuyệt vời!” Thay vì vậy, nếu ta nhận ra rằng, “Đó là một điều dễ chịu và làm cho mình thấy vui hơn một chút, nhưng sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề của mình trên thế gian”, rồi thì mình sẽ thoải mái về điều đó. Nó tự phát, tự nhiên và người khác không thấy nó giả tạo; họ cũng cảm thấy thoải mái hơn nhiều về việc này. Đó là những gì mình hướng đến. Chúng ta không nhắm đến mục tiêu “Đừng đụng vào bất cứ ai, và tất cả mọi người chỉ là một túi phân”, đó không phải là điều mà mình nhắm vào. Ta đang nhắm vào sự quân bình ở đây, để thật sự có thể làm lợi lạc cho người khác.

Khi đọc những phương pháp như vậy trong những tác phẩm Phật học vĩ đại như Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behariour) của ngài Tịch Thiên thì cần phải đánh giá cao và thấu hiểu bối cảnh mà ngài Tịch Thiên đang thảo luận về chủ đề này, ví dụ vậy. Nó nằm trong bối cảnh của việc đạt được sự vững chãi và định tâm. Một trong những vấn đề phân tâm lớn nhất trong việc hành thiền là cứ nghĩ về người mà mình ham muốn và quyến luyến. Đó là sự phân tâm rất, rất là lớn. Vì vậy, để có được sự vững chãi và định tâm, đặc biệt là trong bất cứ pháp thiền nào, thì mình phải áp dụng phương pháp này, ngay cả khi mình không ở cạnh người có sức thu hút như vậy. Đó là bối cảnh mà những phương pháp này được giải thích trong sách vở.

Tuy nhiên, hiển nhiên là những phương pháp này có một ứng dụng lớn ngoài các tình huống mà ta đang cố gắng thiền quán và đạt được định tâm. Chúng có một ứng dụng lớn trong các mối quan hệ thông thường giữa mình và người khác. Vì vậy, khi đọc về các phương pháp để đối trị dục vọng và luyến ái trong sách vở thì phải nghĩ đến một bối cảnh rộng lớn hơn để sử dụng chúng, thay vì chỉ áp dụng chúng như pháp đối trị tâm phóng dật trong thiền định.

Sách Phật còn có những phân tích chi tiết và trình bày các phương pháp khác nhau để đối trị những phiền não khác, chẳng hạn như sân hận, ganh tỵ, nhưng chúng ta không có thời giờ để xem xét những điều này ở đây. Nhưng tôi nghĩ ví dụ về cách mình đối phó với tâm luyến ái và ham muốn về một người nào đó, dựa vào diện mạo của họ, sẽ cho chúng ta một ý niệm tốt về phương pháp được sử dụng.

Đối Trị Tâm Bất An

Nếu như nhìn sâu hơn thì mình sẽ phát hiện là đằng sau tâm luyến ái và ham muốn người nào là sự bất an. Vì muốn có cảm giác an toàn, nên mình hy vọng sẽ có được nó trong mối quan hệ với người này. Bất an là một trong những phiền não sâu xa nhất, được nuôi dưỡng bằng nỗi sợ hãi, cô đơn và vân vân. Làm sao để đoạn diệt điều này?

Để thực hiện điều này thì cần phải lãnh hội chân lý cứu cánh, thực tại sâu sắc nhất về “tôi”, cụ thể là, không có cái “tôi” nào được bọc bằng nhựa, cách ly với mọi thứ và mọi người, có thể được an toàn. Không có điều gì giống như vậy mà có thể được an toàn. Chúng ta đang cố gắng làm một điều gì an toàn, là sự phóng đại về cách mình tồn tại. Thực tế là chúng ta thay đổi liên tục, tâm trạng của ta thay đổi liên tục, cơ thể chúng ta thay đổi liên tục, cảm xúc của ta liên tục thay đổi. Thông thường thì tất cả những thứ đó được dán nhãn là “tôi”, nhưng không có một cái “tôi” vững chắc ở đó, tồn tại tách biệt với tất cả những thứ đó, và phải được bảo vệ một cách an toàn. Lúc nào nó cũng đều thay đổi.

Nếu tất cả mọi thứ mà “tôi” được dán nhãn lên, theo quy ước lúc nào cũng thay đổi, thì điều mà mình có thể làm là có một phương hướng rõ rệt, một hướng an toàn, đó là ý nghĩa của quy y mà chúng ta đang noi theo. Phương hướng an toàn đó là để nỗ lực phát triển thái độ tích cực hơn, cải thiện bản thân, và vân vân một cách thực tiễn. Nhưng không có gì để đảm bảo an toàn; không có gì để bảo vệ. Không có điều gì tồn tại mà bị cắt đứt và cô lập với tác động của tất cả những thứ khác. Nếu mình lãnh hội một cách sâu sắc và vững tin về điều đó thì những vấn đề bất an và cô đơn sẽ dần dần giảm bớt và tan biến. Theo một ý nghĩa nào đó thì không có gì để lo sợ. Nhưng điều quan trọng là việc giải tỏa cảm nhận về một cái “tôi” vững chắc, thường hằng, không rơi vào đoạn kiến, cho rằng mình không hề tồn tại, nên không chịu trách nhiệm về hành động của mình. Có thể ta không biết chắc về kết quả mà hành động của mình sẽ tạo ra, nhưng ta vẫn hành động và cố gắng hết sức mình.

Hiện nay, dĩ nhiên là điều này chủ yếu đối phó với cảm xúc bất an, và có những khía cạnh khác của sự bất an, như bất an về tài chánh và vân vân. Trong những lãnh vực này, mình cũng cần phải nhận ra chân lý tương đối về “tôi” và trách nhiệm của tôi. Chắc chắn là phải quan tâm đến khía cạnh kinh tế, hay bất kỳ khía cạnh nào khác sẽ đem lại cho mình cảm giác an toàn thông thường nào đó. Nhưng khi mình làm như vậy, như trong lãnh vực tình cảm, thì cũng không cần phóng đại thực trạng của tình huống. Thực trạng về tình hình kinh tế của chúng ta thì không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của mình. Tình hình kinh tế trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn về mặt tài chánh của mình, hệ thống xã hội, v.v… Nếu chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, chẳng hạn vậy, rồi có một hình thức chánh phủ và hệ thống xã hội mới thì mọi việc sẽ thay đổi. Vì vậy, điều duy nhất sẽ mang lại cho ta sự ổn định và an toàn là có một phương hướng an toàn mà mình đang noi theo, và càng ngày càng có thêm nhiều công cụ để đối phó với bất cứ điều gì có thể xảy ra. Chỉ khi nào cuộc sống hoàn toàn tĩnh tại và không bao giờ thay đổi thì mình mới có thể an tâm, bởi vì ta sẽ biết những gì sắp xảy ra. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.

Ngoài ra, cần có sự hài lòng, để biết khi nào là đủ. Tôi biết những người có một triệu đô la, nhưng vẫn cảm thấy không an toàn, bởi vì họ nói rằng, “Tôi không có mười triệu đô la. Nếu có mười triệu đô la thì tôi sẽ cảm thấy an toàn.”. Hãy cố gắng đừng làm như vậy. Đó là một tâm trạng rất khổ não.

Có Phải Đoạn Trừ Vô Minh Là Điều Vô Vọng?

Bạn có thể phản đối và nói rằng, “Chúng tôi bị giới hạn; chúng tôi không phải là Phật, nên không thể nhìn thấy, hay biết hết tất cả các hậu quả từ hành động của mình, và không thể nhìn thấy thực trạng của bản thân hay người khác. Vậy có phải là mình phải cam chịu đau khổ và bất hạnh hay không? Liệu mình có bao giờ đoạn trừ được vô minh và mê lầm hay không?

Không, chắc chắn là mình không phải cam chịu, bởi vì vô minh có thể được đoạn diệt. Điều này không dễ, và là một quá trình lâu dài, nhưng tâm ta có khả năng thấu hiểu mọi việc, và nó có phạm vi để có thể kết hợp mọi việc với nhau. Vì vậy nên điều mà ta sẽ làm là cố mở rộng sự hiểu biết. Ta sẽ cố gắng có nhiều tuệ giác hơn, và ngày càng hiểu biết nhiều điều hơn nữa, dù không biết hành vi của mình sẽ tạo ra ảnh hưởng gì một cách chính xác, vì mình không biết tất cả các yếu tố liên hệ trong đó, nhưng ta sẽ càng ngày càng hiểu biết nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Trên cơ sở đó, ta có thể có một sự suy đoán về cách tốt nhất để đối phó với bất cứ tình huống nào, dựa trên xác suất và kinh nghiệm, rồi tiếp tục nỗ lực để cải thiện bản thân.

Để cải thiện khả năng đối phó với người khác thì mình sẽ cố gắng tiếp thu càng nhiều thông tin càng tốt, về người khác, về hoàn cảnh, v.v… Chúng ta sẽ cố gắng nhìn cách mà những điều thường xảy ra, cách mà người này phản ứng và vân vân, và cũng nghĩ đến tính chất riêng biệt của tình huống và người đó. Dựa vào điều này, ta sẽ có một số ý niệm tổi thiểu về những điều  mình có thể thử làm, về cách liên hệ với người này và mình phải làm gì.

Tất cả chúng ta đều có toàn bộ những khả năng này, bởi vì đó là cách mà tâm hoạt động. Chúng ta tiếp thu tất cả các thông tin quanh mình một cách tự nhiên bằng các giác quan. Có thể mình không chú ý đến tất cả mọi việc, có thể là mình không quan tâm, nhưng tất cả thông tin mà mình thu nhận bằng giác quan đều có mặt ở đó; chúng đang đi vào tâm mình. Và mình hoàn toàn có khả năng thấy những mô hình. Ví dụ, mình có thể thấy ba người này đều là phụ nữ, nên mình có thể thấy mô hình về cách mà mọi thứ ăn khớp với nhau. Mình có thể gom góp các thông tin lại với nhau thành những mô thức và hiểu ý nghĩa của nó. Mình có thể nhận ra bàn tay phải không phải là bàn tay trái, nên ý thức được tính chất riêng biệt của mọi thứ. Ta cũng có khả năng liên hệ với những điều khác nhau một cách khác biệt. Ta biết cách nói chuyện với em bé và cách nói chuyện với người lớn, và không nói chuyện với hai người theo cùng một cách. Trừ khi mình không nhạy cảm, còn không thì chúng ta có sự linh hoạt đó. Vì vậy, tất cả các khả năng cơ bản đều có mặt ở đó.

Những cách hoạt động khác nhau của tâm là một số đặc điểm được gọi là “Phật tánh”. Tất cả chúng ta đều có Phật tánh này, để giúp ta trở thành những vị Phật giác ngộ. Vấn để chỉ là nhận thức được nó và rèn luyện nó.

Tóm Tắt

Nói tóm lại, đây là cách mình đối phó với phiền não, bằng cách rèn luyện để có thể áp dụng các phương tiện thiện xảo. Có nhiều phương tiện để đối phó với mỗi một loại phiền não, và việc học hỏi, thực hành và có khả năng áp dụng nhiều thể loại trong số này là điều rất hữu ích. Đó là vì một phương pháp có thể không hiệu quả trong một số trường hợp, hay mình không thể áp dụng nó một cách hữu hiệu như vậy. Nhưng nếu có một số phương pháp khác thì chúng có thể hiệu quả hơn trong tình huống cụ thể đó. Hoặc đôi khi, giống như với một căn bệnh, mình phải kết hợp nhiều loại thuốc, thì tương tự như vậy, có thể mình phải kết hợp nhiều phương pháp để đối trị với một phiền não đặc biệt mạnh mẽ. Vì vậy, càng học hỏi và rèn luyện bản thân nhiều hơn thì mình càng có nhiều khả năng xử lý và tránh những tình huống khó khăn, rắc rối.

Đối với vấn đề này thì việc đọc và nghiên cứu tác phẩm của ngài Tịch Thiên, Nhập Bồ Tát Hạnh sẽ rất hữu ích, bởi vì toàn bộ bài giảng của ngài đều nhắm vào việc khảo sát, “Tại sao ta lại để những phiền não này chi phối mình? Tại sao lại làm cho chúng quá thoải mái trong tâm mình? Đây là kẻ thù thật sự và chúng thật sự không có lực lượng. Một khi đã đoạn diệt chúng, đem chúng ra khỏi tâm trí thì chúng sẽ đi đâu? Chúng không thể đứng ở đâu đó ngoài kia và tấn công mình như một kẻ thù bình thường. Chúng không có gì vững chắc.”. Việc suy nghĩ như vậy và tin chắc đó là sự thật là điều rất hữu ích. Nó sẽ tạo ra cơ sở vững chắc để mình đoạn diệt những phiền não này. Việc không bị chúng kiểm soát sẽ giúp ta có trách nhiệm tốt hơn về chất lượng cuộc sống của mình. 

Tiến sĩ Alexander Berzin

Việt dịch: Lobsang Ngodrub

Nguồn: Đối phó với phiền não luyến ái

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung