Trong số các cách bình giải của Tây Tạng, người ta nhận thấy có hai cách giải thích về câu thơ của Tịch Thiên sau đây: “Sự thật tuyệt đối vượt ra bên ngoài lãnh vực trí thức”. Cách giải thích thứ nhất hình dung sự thật tuyệt đối hay tối hậu căn cứ vào hai góc nhìn khác nhau (khía cạnh quy ước và khía cạnh tuyệt đối) và khẳng định rằng sự thật (tuyệt đối hay tối hậu) vượt khỏi lãnh vực trí thức, và cũng có nghĩa là vượt khỏi khả năng hiểu biết của những người bình dị: đây là cách giải thích của Khentchen Kungzang Palden (tóm lại: trước hết Tịch Hộ thế kỷ thứ VIII, sau đó là Tịch Thiên cũng vào thế kỷ thứ VIII và sau cùng là Khentchen Kungzang Palden thế kỷ XIX đều giải thích về hai sự thật theo cách trên đây). Cách giải thích thứ hai được nêu lên trong các trước tác của Tông Khách Ba (12). Theo vị này thì sự thật tối hậu không thể là một đối tượng có thể nhận biết được bởi các khả năng trí thức mang tính cách nhị nguyên, bởi vì các đối tượng của sự nhận biết ấy tất nhiên phải mang tính cách tương đối và quy ước (Sự kiện này cho thấy quan điểm của Kim Cương Thừa qua sự nhận định của vị Lạt-ma Tông Khách Ba về sự thật tối hậu hay Tánh Không rất gần với cách giải thích của Thiền Học). Trái lại sự thật tối hậu chỉ có thể là đối tượng của sự cảm nhận trực tiếp hay là sự quán thấy đã hoàn toàn thoát khỏi mọi sự tạo dựng của tâm thức và các khái niệm nhị nguyên. Tóm lại Tông Khách Ba cũng định nghĩa hai sự thật dựa vào hai góc nhìn (tầm nhìn) khác nhau.
Theo ông tiết thứ hai trong chương IX (của tập Hành Trình đến Giác Ngộ) là nhằm vào chủ đích định nghĩa hai sự thật. Hiện thực tuyệt đối vượt cao hơn cấp bậc của sự hiểu biết trí thức và được định nghĩa như là sự thật tối hậu, và Tịch Thiên xem sự thật này là một (trong số hai) thể dạng của hiện thực, và sự thật ấy chỉ có thể nhận biết được bằng sự quán thấy trực tiếp đã hoàn toàn vượt thoát khỏi mọi ảnh hưởng của những thứ tạo dựng nhị nguyên và khái niệm. Một thể dạng khác (khía cạnh thứ hai) của hiện thực là thể dạng thuộc vào cấp bậc của sự nhận biết nhị nguyên và được xem là sự thật tương đối và quy ước. Những gì vừa trình bày trên đây (về tiết 2 trong chương IX) cho thấy rõ ràng là phần định nghĩa về hai sự thật.
Khi bình giảng tác phẩm Trang trí cho Con đường Trung Quán của Tịch Hộ, Mipham cũng có nêu lên tiết thơ “Sự thật tuyệt đối vượt ra bên ngoài lãnh vực trí thức” và cũng đã xác nhận rằng mặc dù việc phủ nhận sự hiện hữu nội tại của mọi hiện tượng là đối tượng của sự hiểu biết trí thức, thế nhưng Tánh Không biểu trưng cho sự kết hợp giữa các biểu hiện bên ngoài và cả hiện thực thì lại không thể nào có thể nắm bắt được bằng trí thức. Cũng xin lưu ý là trong trường hợp này, thật hết sức quan trọng là phải hiểu rằng ý nghĩa của Tánh Không nêu lên trong tập Hành Trình đến Giác Ngộ đã được căn cứ vào cách định nghĩa chính thức trong các kinh sách su-tra (tức là các kinh sách bằng tiếng Phạn của Đại Thừa Phật Giáo). Bởi vì nếu chúng ta tìm hiểu khái niệm này theo cách định nghĩa chính thức nêu lên trong các kinh sách tan-tra (tức là các kinh sách của Tan-tra Thừa hay Kim Cương Thừa), thì sự hiểu biết trí thức (intellect) hay là sự nhận thức (cognition) sẽ mang ý nghĩa khác hơn. Kinh sách tan-tra phân tích việc thực hiện Tánh Không (tức là phép suy tư, thiền định và phát huy sự quán thấy Tánh Không) theo nhiều cấp bậc tinh tế khác nhau, và nếu suy rộng ra thì cũng sẽ hiểu rằng các cấp bậc ấy tương quan với các khả năng khác nhau giữa mỗi cá thể trong việc loại bỏ những thứ tạo dựng nhị nguyên trong tâm thức của mình (nói một cách vắn tắt là việc tu tập và thực hiện được Tánh Không theo Kim Cương thừa được xác định hay phân chia theo nhiều cấp bậc khác nhau tùy thuộc vào khả năng quán nhận – trí thông minh – của mỗi cá thể).
Cũng thật hết sức là quan trọng là cần phải lưu ý rằng hai sự thật liên quan đến tất cả mọi vật thể và sự kiện – có nghĩa là bao hàm toàn bộ hiện thực. Nói một cách khác là không thể có một sự thật thứ ba nào khác hơn. Trong thế giới hiện thực không thể có một sự thật nào khác hơn ngoài hai sự thật trên đây.
Đức Dalai Lama 14
Việt dịch: Hoàng Phong
Trích: Tu Tuệ – Nhà xuất bản Phương Đông