Trong chuyến viếng thăm ngắn đến Hà Lan, Rinpoche được mời đến giảng dạy một tối về truyền thống Kim Cương thừa, cụ thể là: Những phẩm tính độc đáo của con đường này là gì? Nó liên hệ thế nào với các thừa khác của Phật giáo? Và nó dành cho ai? Đây là bản chép lại đã được hiệu đính từ điều mà Ngài nói tối đó.
Đã nhiều năm kể từ lần cuối tôi ở đây, tại trung tâm Rigpa ở Amsterdam và tôi vô cùng hoan hỷ khi được trở lại. Tôi được bảo rằng tối nay, tôi cần nói về truyền thống Chân ngôn thừa Bí mật; ít nhất đấy là điều họ đã nói với tôi trước đó. Khá lạ lùng khi yêu cầu tôi làm thế, tôi phải nói vậy, nhưng tôi sẽ cố gắng.
Tuy nhiên, trước khi nghe về Chân ngôn thừa Bí mật, điều quan trọng là trước tiên bạn phải có nền tảng trong giáo lý Phật giáo nói chung. Nếu bạn không có nền tảng như vậy, lắng nghe những giáo lý về tri kiến, thiền định và hành vi của Kim Cương thừa sẽ chỉ dẫn đến một kết quả lạ lùng. Đấy là cách mà một số người cuối cùng trở nên khá kỳ quái.
Như Lama Mipham[1] từng nói:
Với lòng đại bi, chọn cõi xung đột, suy đồi này,
Ngài phát năm trăm lời thệ nguyện vô cùng bao la,
Như bông sen trắng vô cấu, nghe danh không thối chuyển,
Đấng Đạo Sư vô cùng từ ái: con đỉnh lễ Ngài!
Đấy là gốc rễ. Những giải thích về vài từ ngắn ngủi này thực sự rất mở rộng, nhưng hiện tại, chúng ta không có thời gian để đi sâu vào chúng. Nói ngắn gọn, vì tất cả hữu tình chúng sinh sống trong thời kỳ nhiễu nhương của năm suy đồi, bậc thầy của chúng ta – Đức Phật trước tiên đã phát tâm giác ngộ quý báu và trong ba vô lượng kiếp, hoàn thiện những tích lũy về công đức và trí tuệ, tiêu trừ mọi che chướng và đạt đến trạng thái Phật quả viên mãn và hoàn hảo tại Kim Cương Tòa.
Thời kỳ mà chúng ta đang sống hiện nay được gọi là ‘Thời Xung Đột’ hay ‘Kaliyuga’, thời kỳ của năm suy đồi[2]. Đây là điều gì đó mà không chỉ Phật tử nói đến, mà cả những vị Hindu, mặc dù sự giải thích của họ thì khác biệt. Cách mà Phật tử chúng ta hiểu khái niệm này đến từ bậc thầy của chúng ta, Đức Phật bi mẫn; bạn sẽ không tìm thấy sự giải thích này từ bất kỳ truyền thống tôn giáo nào khác.
Trong thời kỳ suy đồi (Kaliyuga), một bậc vĩ đại như Đức Phật hiển bày là điều gần như không thể và thậm chí nếu một vị làm thế, rất khó để Ngài thực sự giúp đỡ hữu tình chúng sinh bởi năm suy đồi lan tràn trong những thời kỳ này. Tuy nhiên, bậc thầy của chúng ta, Phật Thích Ca Mâu Ni, bởi lòng bi mẫn và sức mạnh của những lời nguyện bao la, và sự gia trì của tất cả chư Phật hướng về Ngài, đã có thể xuất hiện trong thời kỳ nhiễu nhương này để giúp đỡ hữu tình chúng sinh.
Đấy là lý do lời cầu nguyện nhắc đến rằng trong Thời Xung Đột, thời kỳ của năm suy đồi, khi thọ mạng của con người là một trăm năm, Đức Phật đã có thể hiển bày là Thích Ca Mâu Ni và giúp đỡ chúng sinh trong giai đoạn phiền nhiễu này nhờ trước tiên phát tâm giác ngộ và sau đó, phát năm trăm nguyện lớn.
Lòng từ ái vĩ đại của Đức Phật đã hiển bày như thế nào? Bằng cách chuyển Pháp luân vào ba dịp – tại Sarnath gần Varanasi, tại Linh Thứu Sơn và trong cõi Akanishtha. Chúng không phải chỉ là những câu chuyện hay huyền thoại đơn thuần; chúng là những sự thật lịch sử không thể bị nghi ngờ.
Nhiều vị Phật đã đến thế giới của chúng ta; câu chuyện của Phật Thích Ca Mâu Ni là điều gì đó mà mọi người biết và chân thật hoàn hảo. Nó thực sự đã xảy ra như thế. Mọi người biết rằng Đức Phật Cồ Đàm đã đến thế gian này; không ai nói gì khác. Ngài không chỉ đến thế giới này; Ngài còn chuyển Pháp luân và điều đấy cũng đúng. Và nhiều người đã có thể đạt đến trạng thái giác ngộ bằng cách thực hành giáo lý từ những lần chuyển Pháp luân khác nhau.
Điều quan trọng là bạn biết những đặc điểm phân biệt của từng lần chuyển Pháp luân trong ba lần này. Nếu bạn không biết bối cảnh này, bạn thực sự đang bỏ lỡ điều gì đó và thật khó để xem bản thân là một Phật tử. Lần chuyển [Pháp luân] thứ hai sâu xa hơn lần đầu tiên và lần thứ ba thậm chí còn sâu xa hơn lần thứ hai; nó được biết đến là “Pháp luân chẳng thể nghĩ bàn”.
Như thế, đây là điều tôi đã được yêu cầu chia sẻ tối nay. Trong số lượng kiếp chẳng thể nghĩ bàn, một số lượng Phật chẳng thể nghĩ bàn xuất hiện. Trong kiếp hiện tại mà chúng ta sống, 1002 vị Phật sẽ xuất hiện. Và người ta nói rằng trong thời của “đấng dẫn dắt thứ tư của Hiền Kiếp” – Phật Thích Ca Mâu Ni, giáo lý Chân ngôn thừa Bí mật sẽ được giảng dạy. Tuy nhiên, người ta cũng nói rằng mặc dù những giáo lý này sẽ được phổ biến, chúng sẽ không duy trì rất lâu bởi công đức suy giảm của hữu tình chúng sinh.
Giáo lý Chân ngôn thừa Bí mật, thứ lấy kết quả là con đường, giống như gốc rễ, tinh túy, kết quả của mọi giáo lý. Chỉ nghe tên của những giáo lý này cũng được cho là chứa đựng sức mạnh lớn lao.
Trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất, Đức Phật đã nói về giới quy y mà chúng ta cần giữ gìn. Khi chúng ta đã quy y, nếu chúng ta sau đó rèn luyện trong hai khía cạnh của Bồ đề tâm (Bồ đề tâm nguyện và hạnh), được đồng hành cùng tâm xả ly, chúng ta đã trở thành những Phật tử. Nền tảng của giới quy y và con đường Bồ Tát, cách thực hành chúng và những kết quả sẽ đạt được đã được giải thích rất tỉ mỉ trong các giáo lý. Nền tảng này là hoàn toàn cần thiết trước khi bước vào Chân ngôn thừa Bí mật. Nếu bạn không có nền tảng đó, bạn không thể thọ nhận giáo lý Kim Cương thừa. Bạn cần cam kết bản thân về những rèn luyện của con đường Bồ Tát trước. Chỉ thọ giới là chưa đủ, bạn cần tuân theo những giới luật và giữ gìn chúng. Nếu bạn đơn giản chỉ thọ giới quy y và Bồ Tát nhưng không thực sự làm quen với chúng hay không cam kết bản thân về sự rèn luyện tương ứng, bạn gần như không thể đi theo con đường Kim Cương thừa.
Nền tảng để thọ nhận giới luật Samaya của Kim Cương thừa là nền tảng Phật tính, thứ hiện diện trong tất cả chúng ta, hoàn toàn thanh tịnh, thoát khỏi mọi kiểu ô nhiễm. Nếu bạn không biết về Phật tính này, cách mà nó hoàn toàn thanh tịnh và thoát khỏi mọi kiểu che chướng, hiện diện trong tất cả chúng ta và là nền tảng, thứ cho phép chúng ta đạt giác ngộ, bạn không thể nào thọ một quán đỉnh Kim Cương thừa. Nếu bạn có chút hiểu biết về Phật tính và chút nhận thức về nó thì bạn có thể thọ nhận một quán đỉnh theo cách thức đúng đắn.
Để thọ quán đỉnh, vì thế, bạn cần biết về Phật tính và cách mà nó hiện diện trong mỗi một chúng ta. Phật tính này hoàn toàn thanh tịnh và thoát khỏi mọi che chướng. Nó cũng sở hữu mọi phẩm tính giác ngộ của một vị Phật hoàn toàn giác ngộ, thứ tự nhiên hiện diện. Đấy là giáo lý rốt ráo của Kinh điển. Có nhiều giáo lý Kinh điển giải thích về Phật tính và bạn thực sự cần biết chúng trước khi cố gắng đi theo con đường Kim Cương thừa.
Kinh điển và Mật điển là những bộ giáo lý khác nhau nhưng điều đem chúng lại cùng nhau và đóng vai trò như cầu nối là Uttaratantra Shastra (Vô Thượng Tục Luận). Điều mà bộ luận này giảng dạy về tinh túy là Phật tính. Bạn cần điều này như là nền tảng, nền móng. Chúng ta cần có sự kính trọng lớn lao nhất dành cho bản thân bởi chúng ta có Phật tính này; chúng ta trân trọng mọi hữu tình chúng sinh nhưng một cách bình đẳng, cũng nhận ra phẩm tính của chính mình.
Khi chúng ta nói rằng bạn cần trân trọng bản thân, điều đó không có nghĩa là bạn trân trọng thân thể bạn, thứ được tạo thành từ thịt và máu, hay tên gọi của bạn, thứ đơn thuần là một mê lầm tạm thời. Ý chúng ta là bạn trân trọng tâm của bạn. Một số nói rằng bạn cần trân trọng tính Không của nó trong khi số khác nói rằng bạn cần trân trọng sự sáng tỏ của nó. Có hai cách tiếp cận như vậy. Tuy nhiên, xem khía cạnh rỗng rang của tâm là quan trọng nhất không phải là cách tiếp cận đúng và nhấn mạnh khía cạnh sáng tỏ không thôi cũng vậy. Cách thức đúng đắn để liên hệ với tâm là [xem nó] như là sự hợp nhất của tính Không và sáng tỏ, bản tính tịnh quang của tâm. Đây là gốc rễ của giáo lý Chân ngôn thừa Bí mật.
Để thiền định về một vị Tôn, bạn cần thọ quán đỉnh. Có bốn kiểu quán đỉnh: quán đỉnh bình, quán đỉnh bí mật, quán đỉnh trí tuệ và quán đỉnh ngữ của sự thanh tịnh nguyên sơ. Khi bạn đã thọ những quán đỉnh này, bạn trở thành Ngakpa hay Mantrika, về cơ bản là hành giả của Chân ngôn Bí mật.
Để thọ quán đỉnh bình, bạn nương tựa một Mandala (đàn tràng), thứ có thể được làm từ cát màu, được vẽ hay được tạo thành từ những đống gạo. Cũng có Mandala thân kim cương của đạo sư và v.v. Chúng ta cần một Mandala để thọ nhận quán đỉnh từ đó.
Tuy nhiên, bạn có thể có Mandala tỉ mỉ nhất và được thiết lập một cách trang nghiêm, nhưng nếu vị đạo sư ban quán đỉnh không đầy đủ phẩm tính, điều đó sẽ không đem đến nhiều lợi lạc. Vị ban quán đỉnh cần có mọi phẩm tính của một đạo sư kim cương và dù chúng ta nói về mười phẩm tính, một trăm phẩm tính hay một nghìn phẩm tính, về tinh túy, Ngài cần phải chứng ngộ. Ngày nay, có nhiều đạo sư (Lama) ban quán đỉnh. Chư vị sẵn sàng trao cho bạn bất kỳ quán đỉnh nào bạn muốn và chư vị dường như chẳng bận tâm chư vị ban bao nhiêu.
Khi thọ quán đỉnh, chúng ta cần có sự tin tưởng trọn vẹn với sự thật rằng chúng ta có sự liên tục nền tảng của Phật tính. Mặc dù chúng ta có Phật tính với mọi phẩm tính của nó, nó tạm thời bị hai kiểu che chướng và những tập khí liên quan che lấp. Bởi những che chướng này là bất định và chỉ là tạm thời, chúng có thể được tịnh hóa và loại bỏ. Về cơ bản, mục đích của quán đỉnh bình là tẩy rửa những bất tịnh, nhưng nếu vị đạo sư không chứng ngộ, quán đỉnh sẽ không có nhiều tác dụng đến vậy. Thậm chí nếu bạn dành mười năm trong một chiếc máy đặc biệt, được cố tình tạo ra, bạn sẽ không thể loại bỏ những che chướng này theo cách đó. Tuy nhiên, một đạo sư chứng ngộ có thể xua tan những che chướng này nhờ quán đỉnh. Đây là một đặc tính đặc biệt của giáo lý Kim Cương thừa. Thậm chí nếu quán đỉnh không loại bỏ mọi che chướng của bạn và những tập khí liên quan của chúng khi bạn thọ nhận, ít nhất, một số sẽ được tịnh hóa. Bạn có thể tự mình thấy rằng những che chướng của bạn được tịnh hóa đến một mức độ nhất định.
Khi bạn đã thọ quán đỉnh bình, bạn được phép thực hành những phần của giai đoạn sinh khởi, quán tưởng bản thân là vị Tôn và thiền định về điều đó. Theo cách đó, bạn sẽ có thể tiêu trừ phần còn lại trong hai che chướng và tập khí liên hệ với chúng. Có những hành giả đã được tịnh hóa hoàn toàn khỏi ô nhiễm nhờ quán đỉnh. Sau khi thọ quán đỉnh và tịnh hóa mọi che chướng, một số đệ tử thấy toàn bộ đàn tràng của vị Tôn trên bầu trời phía trước họ. Điều này đã và vẫn xảy ra. Họ vẫn cần thực hành. Thực sự, trong quán đỉnh, chúng ta hứa rằng dẫu phải đánh đổi mạng sống, chúng ta sẽ tiếp tục giữ gìn thực hành này.
Việc bạn có thể tịnh hóa mọi tập khí nhờ thực hành hay không phụ thuộc vào chính bạn, cá nhân hành giả. Không có ai lại không thể tịnh hóa che chướng và tập khí của họ nhờ thực hành. Điều đấy là không thể! Nếu bạn tìm hiểu những câu chuyện về cuộc đời của chư hành giả từ quá khứ, bạn sẽ không tìm thấy vị nào nói rằng họ thực hành Bổn tôn nhưng không thể thành tựu. Nếu bạn bắt đầu thực hành và ngừng lại giữa chừng, đấy lại là câu chuyện khác. Nhưng nếu bạn tiến hành thực hành một cách đúng đắn, bạn sẽ thành tựu nó.
Có nhiều cách khác nhau để thực hành Kyerim, nhiều Mandala, chư Tôn, Chân ngôn, thủ ấn (Mudra) khác nhau và dựa trên điều đó, nhiều kiểu định (Samadhi) khác nhau. Dù trong trường hợp nào, sau khi thọ quán đỉnh bình, cách thức bạn sau đấy lấy đó làm con đường của bạn là nhờ thực hành Kyerim.
Sâu xa hơn quán đỉnh bình là quán đỉnh tiếp theo – quán đỉnh bí mật. Quán đỉnh bí mật được ban dựa trên Mandala thân kim cương của đạo sư trong sự hợp nhất. Tuy nhiên, ngày nay, quán đỉnh này đã trở nên giống như một sự phản chiếu đơn thuần của điều mà nó từng là. Tôi chưa từng nghe nói hay thấy một đạo sư ban quán đỉnh bí mật như nó vốn được hướng dẫn trong những bản văn. Nó được ban ở mức độ biểu tượng. Một số người nói rằng quán đỉnh này vẫn được ban theo cách thức nguyên bản ở Ấn Độ, nhưng chuyện đó xảy ra một cách bí mật; vì thế, chúng ta chưa nghe nói đến.
Thực hành quán đỉnh bí mật về cơ bản là thực hành khẩu giác ngô – tụng Chân ngôn của vị Tôn. Cam lồ Bồ đề tâm tuôn chảy từ nơi bí mật của đạo sư và vị phối ngẫu; thứ này sau đó được đặt lên lưỡi bạn, tràn ngập và tịnh hóa tất cả kinh mạch trong thân bạn. Thân kim cương sau đó hiển bày và trong những kinh mạch của nó, tất cả những chủng tự khác nhau của Ali Kali (bảng chữ cái Phạn ngữ) xuất hiện. Sau đó, đây trở thành nền tảng cho sự trì tụng Chân ngôn của bạn.
Có nhiều cách khác nhau để tụng Chân ngôn. Như nhiều bản văn có nói, cách tốt nhất để tụng Chân ngôn là:
Trì tụng kim cương mà trong đó, thân, khẩu và ý hợp nhất bất khả phân là thù thắng.
Lợi lạc của việc thực hành theo cách này được giải thích rất tỉ mỉ trong các giáo lý.
Thực hành liên hệ với quán đỉnh bình nhấn mạnh thiền định về thân của vị Tôn trong khi trong quán đỉnh bí mật, sự nhấn mạnh là về thực hành khẩu giác ngộ, tức trì tụng Chân ngôn. Tôi không thể đi sâu vào nhiều chi tiết thêm nữa bởi giáo lý Mật điển đơn giản là quá bao la.
Thậm chí còn sâu xa hơn quán đỉnh bình và bí mật là quán đỉnh trí tuệ. Lợi lạc của việc thọ nhận quán đỉnh trí tuệ và thành tựu thực hành liên quan là chứng ngộ tính Không. Dựa trên ví dụ, điều được gọi là ‘trí tuệ minh họa’, chúng ta có thể chứng ngộ ‘trí tuệ thực sự’, nhờ sự bình đẳng vĩ đại, không nhân và quả, như các giáo lý thường nói.
Những giáo lý này vô cùng sâu xa và độc nhất vô nhị với Chân ngôn Bí mật. Thực sự, người ta nói rằng thực hành chính yếu của Chân ngôn Bí mật là xem hợp nhất và giải thoát là con đường. Khi chúng ta nói rằng Kim Cương thừa có phương tiện thiện xảo cực kỳ mạnh mẽ, đấy là điều chúng ta đang nhắc đến. Kết quả của nó cũng phi phàm và độc nhất. Kim Cương thừa có sức mạnh đem đến kết quả nhanh chóng hơn nhiều so với những con đường khác.
Liên hệ với quán đỉnh này, có nhiều chỉ dẫn được ban, chẳng hạn thực hành liên quan đến thân của chính mình hay thực hành liên quan đến thân của người khác. Điều này tạo thành quán đỉnh thứ ba.
Quán đỉnh thứ tư là quán đỉnh rốt ráo, sự giới thiệu về bản tính thực sự của tâm (Rigpa).
Thực hành quán đỉnh bình là thiền định về vị Tôn. Cách mà bạn thiền định về vị Tôn là bằng cách sử dụng tâm bạn; chính tâm bạn thiền định về vị Tôn. Và tâm đó, thứ thiền định, thì rỗng rang. Sự diễn tả như ánh sáng của tính Không đó là vị Tôn.
Thực hành quán đỉnh bí mật là trì tụng Chân ngôn. Nhờ trì tụng Chân ngôn, hành giả sau đó có thể nhìn nhận vị Tôn. Bạn – hành giả và vị Tôn sau đó trở nên gần gũi. Rốt ráo, bạn trở nên giống [vị Tôn]. Đấy là cách mà bạn được dạy, đúng không?
Về quán đỉnh trí tuệ, dựa trên trí tuệ đại lạc minh họa, bạn có thể nhận ra trí tuệ thực sự, thứ rất tương tự, gần như y hệt. Trí tuệ thực sự không nằm ở phạm vi của tâm bình phàm; nó không thể được hình thành hay đạt đến bằng cách suy nghĩ, nó vượt khỏi từ ngữ, ý nghĩ và miêu tả. Nó giống như trải qua vị ngọt – bạn có thể trải qua, nhưng bạn không thể miêu tả. Vì thế, ở đây, trí tuệ minh họa là sự nhấn mạnh chính yếu của thực hành.
Trong quán đỉnh ngữ, bạn được chỉ ra trí tuệ một cách trực tiếp, chính xác như nó là, nhờ biểu tượng là pha lê hay gương. Từ quan điểm đó, các quán đỉnh Dzogchen tương tự với quán đỉnh trí tuệ – truyền thống Đại Viên Mãn nói về bốn quán đỉnh biểu tượng.
Nếu bạn đưa vào thực hành bốn quán đỉnh được nhắc đến phía trên thì bạn trở thành một Tantrika hay Mantrika – hành giả của Chân ngôn Bí mật.
Khi chúng ta thọ nhận quán đỉnh bình, chỉ dẫn là thiền định về vị Tôn. Khi chúng ta thọ nhận quán đỉnh bí mật, chỉ dẫn là trì tụng Chân ngôn. Vào thời điểm của quán đỉnh trí tuệ, thực hành tập trung vào phương tiện thiện xảo của thân chính mình hay thân người khác. Cuối cùng, trong quán đỉnh thứ tư, thực hành về cơ bản là về thiền định. Nếu bạn hoàn thành tất cả những bước này thì bạn đang đi theo con đường của Chân ngôn thừa Bí mật. Kết quả là điều gì đó mà chúng ta không cần nói đến bởi bạn sẽ tự mình thấy, nếu bạn tiến hành các thực hành.
Thực hành Kim Cương thừa, hoàn thành mọi phương pháp này, không hề dễ dàng. Thiền định về vị Tôn, trì tụng Chân ngôn, thiền định về tâm giác ngộ, thứ là lạc, sáng tỏ và vô niệm … điều đấy không dễ. Mặt khác, nếu bạn có thể tiến hành tất cả những thực hành này một cách đúng đắn, chỉ một thời khóa cũng có thể có tác động vô cùng mạnh mẽ. Những lợi lạc là gì? Giáo lý nói về khả năng hoàn thành bốn hoạt động – tức tai, tăng ích, kính ái và điều phục – cũng như đạt được những thành tựu (Siddhi) thông thường và thù thắng, tức ‘đại Viên Mãn’ (Dzogchen) hay ‘đại Ấn’ (Mahamudra). Những giáo lý này nghe thì dễ, nhưng thực hành thì khó hơn rất nhiều. Chúng không nói đến việc cần hoàn thiện những tích lũy và tiêu trừ che chướng trong ba vô lượng kiếp trước khi đạt giác ngộ, như trong ‘Nhân thừa của những đặc tính’, con đường Kinh thừa.
Dù thế nào, thực hành là chuyện hết sức cá nhân – chúng ta cần tự mình làm thế. Thậm chí nếu Phật Thích Ca Mâu Ni có trực tiếp đến trước chúng ta, hay Pháp thân Kim Cương Trì, chúng ta sẽ chẳng thể thọ nhận bất kỳ gia trì nào từ chư vị nếu không thực hành. Nếu bạn từng đọc về những miêu tả lịch sử, bạn sẽ biết rằng khi Guru Rinpoche đến Tây Tạng và ban quán đỉnh cho ‘vua và dân chúng’, những đệ tử chính yếu của Ngài, mỗi vị đều thực hành nhất tâm trong bảy năm về quán đỉnh mà chư vị vừa thọ nhận. Kết quả là, chư vị đều đạt được thành tựu và trở thành thành tựu giả (Siddha). Nếu bạn không thực hành được dù chỉ một thời khóa, làm sao bạn có thể mong chờ đạt thành tựu hay được bất kỳ lợi lạc nào?
Một lần nữa, kết quả là điều gì đó rất dễ để nói đến, nhưng ở đây, chúng ta không thấy bất kỳ ai hiển bày những kiểu dấu hiệu này. Nếu bạn đã có những dấu hiệu này, bạn sẽ có thể cho chúng tôi thấy. Ồ, vậy đấy! Vì thế, chẳng có nhiều ý nghĩa khi nói về quả vị hay kết quả. Nếu chúng ta làm chủ tâm và đạt chứng ngộ, chúng ta sẽ có thể kiểm soát toàn bộ thế giới bên ngoài và mọi thứ bên trong. Một mặt, điều đấy đơn giản, nhưng chúng ta dường như không gặp bất kỳ ai như thế. Ngày nay, chúng ta chỉ thấy sự phản chiếu mờ nhạt về điều mà Kim Cương thừa thực sự là.
Như thế, các bạn yêu cầu tôi nói về Kim Cương thừa và đấy là điều tôi vừa làm.
Nhìn chung, đây không phải là một chủ đề để nói về. Theo truyền thống nguyên gốc ở Ấn Độ, đạo sư trước tiên ban quán đỉnh bình và sau đó, đệ tử đi thực hành điều đấy trong nhiều năm. Tiếp theo, từ cùng đạo sư hoặc từ một vị khác, đệ tử thọ nhận quán đỉnh bí mật và thực hành trong nhiều năm. Quy trình tương tự với quán đỉnh trí tuệ và cuối cùng là quán đỉnh ngữ. Sau đấy, chư vị đạt thành tựu.
Điểm trọng yếu là bản thân đạo sư mà từ vị ấy, bạn thọ quán đỉnh, phải đã làm chủ thực hành đó. Nếu không, làm sao chư vị có thể trao truyền bất kỳ điều gì?
Dựa trên điều mà tôi vừa giải thích, Guru Rinpoche đã chia sẻ một bộ chỉ dẫn đặc biệt về thực hành Mật điển ở Tây Tạng mà tinh túy là cầu nguyện đến đạo sư. Nếu bạn có thể cầu nguyện đến đạo sư với lòng sùng mộ trọn vẹn và chân thành, với niềm tin và sự tin tưởng tuyệt đối, thậm chí nếu bạn không thể hoàn thành mỗi một thực hành liên hệ với bốn quán đỉnh, chỉ nhờ thọ nhận sự gia trì của đạo sư, bạn vẫn có thể đạt thành tựu.
Nếu bạn nghiên cứu Terma gốc của Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, nó thậm chí nói rằng, hãy quên đi việc thiền định về Kyerim và Dzogrim, dâng những cúng dường, dâng lời tán thán và tương tự – bản văn này nói quên tất cả những thực hành này đi! Thay vào đó, bản văn này bảo rằng “đơn giản để lòng sùng mộ ngập tràn thân, khẩu và ý của con và cầu nguyện, cầu nguyện với bảy dòng này”. Nếu bạn có thể làm thế, Guru Rinpoche dứt khoát sẽ xuất hiện trước bạn và gia trì cho bạn. Đây là một chỉ dẫn vô cùng đặc biệt của truyền thống Nyingma. Vì vậy, về cơ bản, lời khuyên của tôi dành cho tất cả các bạn là tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng và Chân ngôn Đạo Sư Kim Cương.
Nếu bạn thực hành như vậy, khi bạn chết, bạn sẽ tái sinh về Núi Màu Đồng và trực tiếp diện kiến Guru Rinpoche. Khoảnh khắc bạn gặp Ngài, mọi bệnh tật, ảnh hưởng gây hại, hành động tiêu cực và ô nhiễm, hai che chướng và mọi tập khí liên hệ với chúng sẽ được tịnh hóa hoàn toàn, tức là bạn sẽ đạt giác ngộ. Sau đó, bạn sẽ hiển bày lại như một Hóa thân và thực sự có thể làm lợi lạc hữu tình chúng sinh.
Như vậy, đấy là cách tiếp cận dễ dàng nhất cho đến nay. Nếu bạn tìm kiếm một con đường vô cùng mạnh mẽ và hữu hiệu, thì đây chính là con đường như vậy. Đây là điều tôi thường nói với mọi người. Tôi bảo họ làm quen với Terma gốc của Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng và thiền định về ý nghĩa của nó. Sau đó, tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng tối thiểu một trăm nghìn biến. Tôi bảo họ sau đấy kiểm tra xem liệu có bất kỳ dấu hiệu đặc biệt nào hay không. Tôi từng chia sẻ chỉ dẫn này với mọi người trong nhiều năm và mọi người mà tôi bảo làm vậy đều thông báo lại kiểu dấu hiệu đặc biệt nào đó sau khi họ thực hành. Không một ai bảo rằng không có điều gì xảy ra.
Các bạn đều thích xem xét và kiểm tra, phải vậy không? Chỉ tốn 21 ngày để tụng một trăm nghìn biến Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng. Nghi quỹ liên quan trong Terma gốc chỉ dài một trang. Nhiều bản dịch đã được thực hiện, điều mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy. Như thế, đấy là lời khuyên của tôi dành cho các bạn.
Ngay cả trong Kinh thừa cũng nói rằng nếu bạn cầu nguyện đến Đấng Bảo Hộ Vô Lượng Quang, bạn sẽ tái sinh về Cực Lạc – Sukhavati. Điều này xảy ra đơn giản là kết quả của việc cầu nguyện đến Ngài. Vì thế, trong giáo lý Kinh điển cũng vậy, điều này được giảng dạy như là con đường ngắn, đường tắt.
Bởi chủ đề của tối nay là Kim Cương thừa Chân ngôn Bí mật, chỉ dẫn đặc biệt của truyền thống Nyingma, đường tắt, là điều mà tôi vừa giải thích với các bạn, thứ đến từ Guru Rinpoche. Phowa cũng là một con đường nhanh chóng. Đối với tất cả các bạn, tôi nghĩ tuân theo chỉ dẫn này là điều tốt nhất mà các bạn có thể làm.
[1] Về Mipham Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32261/tieu-su-duc-mipham-jamyang-namgyal-gyatso-1846-1912-.
[2] Năm suy đồi của thời xung đột là:
- Suy đồi về thọ mạng: thọ mạng bị suy giảm;
- Suy đồi về thời gian: sự suy giảm về chất lượng, ngũ cốc mùi vị và dinh dưỡng kém hơn, không chín và v.v
- Suy đồi về cảm xúc phiền não: sự suy giảm trong thiện hạnh của chủ hộ, cảm xúc tiêu cực thịnh hành;
- Suy đồi về tri kiến: sự suy giảm về thiện hạnh của Tăng đoàn, tà kiến lan tràn;
- Suy đồi về trải nghiệm: sự suy giảm về hình tướng thân thể, trí tuệ, sức khỏe và v.v.
Orgyen Tobgyal Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana