Ý nghĩa của từ ngữ chuyển hóa |

Ý nghĩa của từ ngữ chuyển hóa

Thực hành

Từ ngữ Lo-Jong trong tiếng Tây Tạng có nghĩa đen là “huấn luyện tâm” hay “chuyển hóa tâm”, ngụ ý nói về một thứ kỷ luật nội tại. Điểm chính yếu của sự chuyển đổi tấm lòng và tâm trí ta là để tìm thấy hạnh phúc.

Khi chúng ta nói về hạnh phúc hay khổ đau, dĩ nhiên đó là những kinh nghiệm của chúng ta về hai tình trạng này – nghĩa là chúng ta bàn về những gì trực tiếp ảnh hưởng lên tâm trí con người. Hãy để sang một bên những câu hỏi triết lý “có hay không có” cái gọi là Thức[1], phân biệt với cơ thể ta; điều ai cũng thấy rõ là làm người, ai cũng có nhu cầu tự nhiên mong được hạnh phúc và vượt thoát được khổ đau. Đây là một sự thật, vậy chúng ta hãy bắt đầu từ điểm này.

Trước khi khai triển sâu hơn, chúng ta hãy nhìn qua vào bản chất của các kinh nghiệm sống chúng ta đã trải qua. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể khẳng định là những kinh nghiệm sống đều bắt nguồn ở Tâm hay Thức (1) (Mind or Consciousness) của chúng ta, vì dù khi nói tới những gì xảy ra nơi thân mạng ta, chúng cũng không chỉ có một nguồn gốc từ cơ thể ra mà thôi. Nếu chúng ta có một phần thân thể bị tê bại chẳng hạn, chúng ta sẽ không có cảm giác gì nơi đó nữa. Vậy thì “cảm thấy” gì, đó là chuyện liên quan tới Thức. Nói rộng ra, các kinh nghiệm có thể chia ra làm hai loại: một loại liên quan nhiều hơn tới cơ thể ta – do các giác quan tạo ra, và một loại liên quan nhiều hơn tới trạng thái ta gọi là Tâm hay Thức.

Về những kinh nghiệm thể xác thì chúng ta không khác gì lắm với những gì các loài vật trải qua. Súc vật cũng có khả năng cảm thấy đau đớn hay dễ chịu. Những có lẽ điều làm cho loài người khác biệt với các sinh vật khác, đó là vì chúng ta có rất nhiều sinh hoạt tinh thần mạnh mẽ – dưới dạng tình cảm và tư tưởng. Dĩ nhiên chúng ta có thể cho rằng vài giống vật cũng có khả năng này ở một mức độ nào đó – tỷ như chúng có trí nhớ chẳng hạn. Nhưng tựu chung, ta có thể nói một cách công bằng là loài người có khả năng lớn hơn để kinh qua những hoạt động về tinh thần.

Sự kiện phân biệt ra hai loại kinh nghiệm như thế có vài hàm ý đáng để tâm. Chuyện quan trọng nhất là nếu một con người có cái tâm thánh thiện và trầm tĩnh thì sự an bình nội tại của người đó có thể giúp họ vượt qua được những đau đớn thể xác. Trái lại, khi người ta bị khổ não vì trầm cảm (depression), lo âu hoặc bất kỳ loại phiền muộn nào, thì dù cho lúc đó họ đang hưởng thụ các sung túc vật chất, họ cũng không có khả năng thật sự hưởng được hạnh phúc do các thứ đó mang lại.

Điều này chứng tỏ rằng chính trạng thái tâm thần của ta – chính thái độ và tâm tư của ta đóng vai trò quyết định cho chúng ta hạnh phúc hay đau khổ. Những bài giảng Lo-Jong về sự chuyển hóa tâm đưa ra một loạt những phương pháp để ta có thể đem tâm mình vào vọng kỷ luật, tức là tạo ra căn bản cho hạnh phúc mà ta muốn tìm cầu.

Chúng ta đều biết rằng có một tương quan chặt chẽ giữa sự khỏe mạnh của thân thể và trạng thái bình an trong tâm hồn. Thân bệnh tật thì ảnh hưởng tới tâm, cơ thể càng khỏe mạnh thì tâm thần càng dễ an ổn. Thường mỗi chúng ta đều công nhận sự liên hệ này nên người ta đi tập thể dục để cho thân thể cường tráng hơn, giúp cho đời sống tinh thần được tươi vui. Cũng có những truyền thống tập tành để luyện tập các nguồn năng lượng gọi là “Khí”[2], như trong phép luyện tập Prana Yoga. Ngày nay chuyện tập Yoga rất phổ thông trong thế giới tân tiến. Sở dĩ họ chịu tập luyện vì chắc nhiều người đã thấy rằng nhờ tập Yoga, họ được khỏe mạnh hơn, do đó tinh thần họ cũng được thoải mái hơn.

Trong khi đó, Lo-Jong dạy chúng ta một phương cách hơi khác biệt. Phương pháp này chú trọng trực tiếp tới sự phát triển tâm, qua sự chuyển đổi thái độ và cách suy nghĩ của ta.

Điều quan trọng nên hiểu rõ là không một phương thức nào dựa vào áp lực mà có thể giúp ta chuyển hóa tâm tính được. Trong trường hợp tập luyện thân thể, trái lại: một sức ép nào đó có thể tạo nên kỷ luật – nhưng đối với các kỷ luật tinh thần cần thiết cho việc chuyển hóa tâm thì sức mạnh không có hiệu quả chi hết. Chuyện này phải bắt rễ từ sự tự nguyện. Và sự chấp nhận kỷ luật đó chỉ xảy ra sau khi ta nhận diện được thái độ hoặc lối sống nào là có ích lợi cho chính mình. Chỉ khi nhận biết rõ những điều đó, chúng ta mới cam lòng tự nguyện tập luyện các kỷ luật tâm linh. Và chỉ có con đường tâm linh ta quyết tâm theo đuổi mới có thể giúp ta chuyển hóa tâm mình.

Chìa khóa của sự chuyển hóa tâm là hiểu biết về sự vận hành của tình cảm và tư tưởng trong ta, biết được chúng hoạt động ra sao. Chúng ta phải học cách nhận diện được các bình diện đối nghịch trong những xung đột nội tâm. Tỷ dụ như cái giận, ta phải tìm hiểu xem cái giận có những tác hại gì, đồng thời ta phải tìm ra các đối lực trong tâm tư mà ta có thể dùng để chống lại cái giận. vậy thì trước hết, ta nhận biết rằng những phiền não đem lại các cảm nghĩ bất thiện, có tính cách phá hoại. Sau đó do sự cố gắng phát triển những cảm nghĩ đối nghịch với chúng, ta dần dà sẽ giảm thiểu được sân si…

Dù sao khi ta nhất định giải quyết những hờn giận, ghen ghét trong ta mà chỉ cầu nguyện xuông thì không đủ. “Xin cho cái giận đừng phát khởi trong tôi” hoặc là “Xin cho tôi không bị vướng vào sân si” chỉ là những lời ước nguyện sùng tín. Dù cầu nguyện có thể ích lợi, sự mong tưởng đó không đưa bạn đi xa. Bạn cần có nỗ lực trong khi thực hành các kỷ luật tâm linh, áp dụng nó cả đời, thì mới có thể giảm thiểu sức mạnh của sân si và gia tăng đối lực của nó là lòng Từ bi. Đây là cách cho Tâm vào kỷ luật.

Qua việc tự xét mình (tự kỷ), chúng ta có thể nhận xét những tư tưởng và cảm xúc phát khởi ra sao trong tâm. Có nhiều cảm nghĩ dấy lên trong tâm trí ta là chuyện tự nhiên. Vì sao chúng dấy lên dĩ nhiên là một vật đề triết lý. Theo giáo lý đạo Phật, nhiều cảm xúc và ý tưởng hiện ra vì các thói quen hay nghiệp dĩ xưa cũ tạo cho ta khuynh hướng hay suy nghĩ liên miên. Có thể là vì chúng ta có nhiều cảm nghĩ mà ta không quan sát và kiểm soát được chúng nên hay bị kéo vào những vấn đề rối ren, khủng hoảng và khổ đau.

Vì thế nên chúng ta cần phải theo một thứ kỷ luật tâm linh như trên đã nói. Để giảm thiểu những năng lực bất thiện như giận ghét, ta phải kích thích các đối trọng của nó là tình thương và lòng từ bi.

Nếu chỉ biết rằng những đối lực này là cần thì không đủ, nếu chỉ mong ước mình từ bi hơn, thương yêu hơn cũng không đủ. Chúng ta phải cố gắng liên tục, cố gắng hoài hoài để nuôi dưỡng những tính thiện trong ta. Chìa khóa là sự luyện tập không ngừng nghỉ. Bản chất của các cảm nghĩ trong con người là khi ta càng để tâm tới chúng và biết cách khai triển thì chúng càng lớn mạnh. Vậy nên ta phải có ý thức về việc phát triển lòng từ bi và tình yêu thương trong tâm thức để chúng ngày một lớn hơn. Chúng ta đang nói tới chuyện nuôi dưỡng các tính thiện. Chúng ta thực hiện việc huân tập này khi thiền quán.

Đức Dalai Lama thứ 14

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung