Tinh túy của Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng là Mật chú Kim Cương Đạo Sư. Tất cả nghi quỹ về chư vị Tam Gốc đều nằm trọn trong thực hành Đạo Sư. Thực hành Đạo Sư cô đọng hàng nghìn nghi quỹ được tìm thấy trong Kho Tàng Terma Quý Báu [Rinchen Terdzod, thứ là những nghi quỹ về Tam Gốc. Tự thân tất cả nghi quỹ Đạo Sư thì cô đọng thành Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng.
Vì vậy, hãy thực hành Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng này! Ít nhất một trăm linh tám biến mỗi ngày.
Và luôn luôn giữ hình Guru Rinpoche bên mình, như một sự hỗ trợ cho những lời cầu nguyện. Nếu bạn không có, cũng không sao cả. Đạo Sư bất khả phân với tâm bạn. Khi người ta nghe điều này, họ thường cảm thấy sợ hãi và không thoải mái. Nhưng chẳng có gì phải sợ, bởi mọi thứ đều là sự hiển bày tự nhiên của tính Không. Mọi hình tướng khởi lên là sự hiển bày tự nhiên của tính Không – điều đó đúng trong trường hợp này, nếu bạn nhận ra điều đó. Nếu bạn không nhận ra thì bạn có những ý nghĩ như, ‘Làm sao một người bình phàm như tôi có thể giống như Guru Rinpoche!’, điều khiến bạn rất không thoải mái. Nỗi sợ đó sẽ ngăn cản bạn đạt giác ngộ.
Dựa vào cách thức mà vạn pháp vận hành theo cấp độ của chúng ta, chúng ta cần tạo ra những hoàn cảnh phụ thuộc lẫn nhau tích cực bằng cách mang theo hình Guru Rinpoche. Các giáo lý cũng hướng dẫn chúng ta có một Kapala[10] và một chày kim cương, nhưng chúng vốn đã nằm trong hình Guru Rinpoche, bởi Ngài luôn cầm chúng.
Vì thế, hãy trì tụng Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng và cử hành cúng dường Mùng Mười.
Có một thực hành Tsok liên quan đến Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng, điều được biên soạn bởi Mipham Rinpoche. Bạn có thể tiến hành kiểu đơn giản hoặc thực hành một cách tỉ mỉ hơn, tùy theo mong muốn. Có những cách khác nhau mà thực hành có thể được thực hiện. Khi người ta nói rằng, ‘Đây là truyền thống của tôi, đấy là truyền thống của họ’, điều này cho thấy họ thực sự chẳng bao giờ nghe nói về tri kiến chân chính.
Dù thế nào, bạn cần nương tựa một trăm phần trăm vào Guru Rinpoche, hoàn toàn tin tưởng Ngài.
Bạn hiểu chứ? Điều này dễ dàng, phải vậy không?
Điều này thực sự quan trọng.
Tôi đã dành 67 năm suy nghĩ về điều này và đây là kết luận mà tôi đã đạt được. Những giáo lý của Đức Phật cực kỳ bao la. Khi bạn trở thành một Tỳ Kheo, bạn có 258 giới cần tuân theo, điều có thể khá nản chí. Tuy nhiên, một mặt, điều đấy không khó đến vậy, bởi nó không liên quan đến tâm, chúng chỉ là các quy tắc chi phối thân và khẩu của bạn. Dựa trên sự xuất gia thọ giới này, bạn cuối cùng đạt được quả vị A La Hán, mặc dù cũng không chắc chắn khi nào điều đấy sẽ xảy ra.
Sau đấy có Đại thừa của chư Bồ Tát, trong đó, bạn cần thiền định về Bồ đề tâm nguyện và hạnh. ‘Bồ đề tâm nguyện’ về cơ bản là có một trái tim tốt lành và nghĩ rằng, ‘Chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ đã làm những điều vĩ đại, tôi cũng sẽ làm như vậy’. ‘Bồ đề tâm hạnh’ là đưa mong ước này vào hành động bằng cách dấn thân vào sáu ba-la-mật. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cần đến ba vô lượng kiếp thì bạn mới đạt giác ngộ. Ngoài ra còn cách tiếp cận của Kim Cương thừa Mật chú Bí mật, điều đem đến giác ngộ trong vòng mười sáu đời. Ở đây, bạn cần thiền định về Kyerim và Dzogrim. Mục đích của tất cả những thực hành khác nhau này là gì? Để chứng ngộ tính Không.
Chúng ta đang thảo luận cách tiếp cận của Đại Viên Mãn (Dzogchen), những giáo lý nói đến ‘giải thoát nhờ nhìn ngắm’, ‘giải thoát nhờ lắng nghe’, ‘giải thoát nhờ xúc chạm’ và ‘giải thoát nhờ ghi nhớ’. Bản thân những giáo lý Dzogchen chẳng nói đến đời sau. Chúng nói rằng những vị thượng căn sẽ giải thoát trong đời này, những vị trung căn sẽ giải thoát trong trung ấm Bardo và những vị hạ căn sẽ đến một cõi Tịnh độ Hóa thân và giải thoát ở đó.
Điều này nghe có vẻ không quá tệ, nhưng trước hết, bạn cần chứng ngộ bản tính của tâm và dù bạn có thể cố gắng vất vả đến thế nào, sự chứng ngộ đó không đến một cách dễ dàng. Do vậy, bạn cần quy y. Về điều này, Guru Rinpoche là lựa chọn tốt nhất của bạn. Hãy nghĩ rằng, ‘Tôi cần có sự chứng ngộ này, nhưng không thể tự mình có được. Vì thế, tôi sẽ cầu nguyện đến Guru Rinpoche, tin tưởng rằng Ngài biết và quan tâm đến tôi’.
Dĩ nhiên chúng ta có thể đơn giản an trú trong thiền định, nhưng như vậy thì chúng ta cần biết cách làm điều đó. Nếu bạn biết cách, thật tốt, nhưng nếu bạn không biết, bạn sẽ thiền định về điều gì? Các cuốn cẩm nang thực hành, chẳng hạn Yeshe Lama, nói rằng bạn bắt đầu bằng sự giới thiệu trực tiếp về trạng thái tự nhiên, điều giống như mở mắt của một người mù. Bạn cần phải được giới thiệu và đã nhận ra bản tính của tâm bạn, trước khi bạn thiền định. Sau đấy, bạn áp dụng bốn Chokshak – ‘bốn cách để vạn pháp như chúng là’ và tiếp tục bằng thực hành Togal. Điều đấy khá khó.
Đó là lý do tôi đang đề xuất rằng bạn có thể muốn xem xét việc cầu nguyện đến Guru Rinpoche. Bởi nếu bạn làm thế, đảm bảo một trăm phần trăm là một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra bản tính của tâm bạn. Trong trường hợp không thể tưởng tượng là điều này không xảy ra ngay trong đời này, không nghi ngờ gì, ít nhất, bạn sẽ tái sinh ở Núi Màu Đồng[13]. Tất cả những ai tập trung vào cầu nguyện đến Guru Rinpoche sẽ tái sinh ở Núi Màu Đồng khi họ qua đời. Người nào đã tái sinh ở đó thì chẳng còn những ý niệm bình phàm, mọi ý nghĩ của họ tan biến khi họ diện kiến Guru Rinpoche. Điều này giống như khi mặt trời chiếu sáng khiến bóng tối biến mất.
Vì vậy, tốt hơn là bạn cầu nguyện đến Guru Rinpoche. Đấy là điều tôi nghĩ. Tôi chưa từng nói điều này với bất kỳ ai trước kia, nhưng tôi đang nói cho bạn biết. Những người khác có thể nghe nếu muốn, bởi điều đó chỉ làm lợi lạc họ và chắc chắn không đem đến tổn hại nào.
Dẫu vậy, tôi muốn làm sáng tỏ một điểm. Tôi chắc rằng vài người sẽ nói: ‘Trong bài giảng của mình, Tulku Orgyen Tobgyal nói rằng bạn chỉ cần Lời Cầu Nguyện Bảy Dòng. Bạn chẳng cần Ngondro, bạn chẳng cần các thực hành nghi quỹ chính yếu, bạn không cần thứ gì khác. Đấy là điều Ngài nói!’.
Điều tôi vừa chia sẻ ở đây là một chỉ dẫn thực hành cá nhân, những điểm then chốt mà Harry cần áp dụng. Bạn có thể tiến hành các thực hành khác nhiều bao nhiêu tùy thích, chẳng có gì sai cả! Bạn có thể cử hành một nghìn Drupchen. Bất kỳ thực hành nào cũng tốt. Điều tôi đang nói ở đây là điều mà bạn cần tập trung tâm vào. Nếu không, mọi thực hành mà bạn đã tiến hành trong suốt cuộc đời sẽ chẳng hữu ích khi chết. Bạn sẽ lạc lối, nghĩ rằng, ‘Tôi đã tiến hành nhiều thực hành đến vậy, nhưng mục đích chính yếu là gì, tâm yếu của tất cả là gì chứ?’. Nó giống như khi bạn đến sân bay Delhi. Sân bay rất rộng và bạn chẳng biết phải đi đâu. Bất cứ điều gì chúng ta làm hiện nay, chúng ta luôn cần lên kế hoạch. Vì thế, đây là kế hoạch.
Tôi đã nghiên cứu tỉ mỉ tất cả những điều này một cách cẩn thận và đây là kết luận mà tôi đạt được. Dẫu vậy, đó là chuyện cá nhân; bạn cần đưa ra quyết định của riêng mình. Bạn không cần phải nói về nó với những người khác. Ngày nay, khi người ta biết chỉ một mẩu tin tức, họ cảm thấy bị thôi thúc mãnh liệt phải nói với mọi người về nó.
Đức Orgyen Tobgyal Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana