Tứ Niệm Xứ Trong Đại Thừa |

Tứ Niệm Xứ Trong Đại Thừa

Tham khảo Thực hành

37 Phẩm Trợ Đạo

Tứ niệm xứ (dran-pa nyer-bzhag, Phạn ngữ: smrtyupasthana, Pali: satipatthana) là bốn yếu tố đầu tiên trong số 37 yếu tố đưa đến trạng thái tịnh hóa (byang-chub yan-lag so-bdun). Có ba trạng thái tịnh hóa (byang-chub, Phạn ngữ: bodhi) – đó là trạng thái của một vị Thanh văn A la hán (shravaka arhat), của một vị Duyên giác A la hán (pratyekabuddha arhat), và một vị Bồ tát A la hán, hay Phật.

37 phẩm trợ đạo là:

  • Tứ niệm xứ (dran-pa nyer-bzhag bzhi) – về thân, thọ, tâm và pháp
  • Tứ chánh cần (yang-dag spong-ba bzhi, bốn sự từ bỏ thuần tịnh) – phát khởi các pháp thiện chưa sinh khởi trước đó, phát khởi các pháp thiện đã sinh khởi rồi, ngăn chận sự tăng trưởng của các pháp bất thiện đã phát khởi, và ngăn chận sự phát khởi của các pháp bất thiện chưa phát sinh
  • Tứ như ý túc (rdzu-‘phrul-gyi rkang-pa bzhi) – dục (‘dun-pa), cần, tâm (sems-pa, suy nghĩ), quán (dpyod-pa, phân tích)
  • Ngũ căn (dbang-po lnga) – tín căn (dad-pa, tín tâm), tấn căn, niệm căn, định căn (ting-nge-‘dzin), và tuệ căn (shes-rab, trí tuệ)
  • Ngũ lực (stobs-lnga) – tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực
  • Thất giác chi (byang-chub yan-lag bdun) – niệm, (chos rab-tu rnam-par ‘byed-pa), trạch pháp, tinh tấn, hỷ (dga’-ba), khinh an (shin-sbyangs), định, và xả (btang-snyoms)
  • Bát chánh đạo (‘phags-lam yan-lag brgyad) – chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định

37 phẩm trợ đạo tóm tắt các pháp tu dần dần được chư Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát hành trì, khi các ngài phát triển tâm thức của ngũ đạo (lam-lnga). Chúng được hướng về Tứ diệu đế – khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế – và là những khía cạnh của minh sát tuệ (lhag-mthong, Phạn ngữ: vipashyana, Pali: vipassana).

Tư Lương Đạo

Tứ niệm xứ được tu tập từ lần đầu tiên hành giả đạt được đạo lộ đầu tiên trong ngũ đạo, tức Tư lương đạo (tshogs-lam), cho đến khi thành tựu trạng thái tịnh hóa của A la hán quả, hay Phật quả. Tuy nhiên, chúng ta có thể thực hành một bản sao của tứ niệm xứ, trước khi thành tựu Tư lương đạo.Với Tư lương đạo, mình sẽ tích tập công đức (bsod-nams-kyi tshogs) và trí tuệ (ye-shes-kyi tshogs). Hai bồ tư lương này sẽ tạo dựng giải thoát hay giác ngộ, tùy theo động lực đi kèm với chúng là tâm xả ly (nges-‘byung) hay cả hai tâm xả ly và bồ đề tâm (byang-sems). Thiền tứ niệm xứ tích tập bồ trí tuệ, trong khi động lực đi kèm tích tập bồ công đức. Thiền và động lực củng cố lẫn nhau.Thanh văn đạo và Duyên giác đạo hành trì tứ niệm xứ, đồng thời biểu hiện tâm xả ly bất dụng công (rtsol-med nges-‘byung). Một số nhận thức có thể hiển lộ đồng thời, mỗi nhận thức tập trung vào một đối tượng khác nhau, và được nhận thức theo một cách khác nhau. Ví dụ, chúng ta có thể thấy mặt người nào, đồng thời nghe người đó nói, mà không nhất thiết phải chú tâm một cách đồng đều đến tất cả các nhận thức đang xảy ra trong cùng một lúc. Định tâm vào một đối tượng trong một nhận thức đơn độc là không có tâm tán loạn, nhưng điều đó không có nghĩa là định đang xảy ra mà không có những nhận thức khác cũng đang xảy ra cùng lúc, mà là chỉ không bị chúng làm cho mình phân tâm.Tâm xả ly là quyết tâm thoát khỏi tái sinh bất tự chủ (luân hồi), sẵn sàng từ bỏ nỗi khổ trong luân hồi và nhân tạo khổ. Đi kèm theo đó là tâm xác tín rằng mình có thể làm như vậy, rằng cá nhân ta có khả năng làm điều đó, và sẽ tu tập để thực hiện điều này. Vì vậy, tâm xả ly có một sự hiểu biết cơ bản về Tứ diệu đế. Lòng quyết tâm thành tựu giải thoát thấu hiểu diệu đế thứ ba và thứ tư: diệt đế và đạo đế. Tâm sẵn sàng từ bỏ khổ đau và nhân tạo khổ thấu hiểu diệu đế thứ nhất và thứ hai: khổ đế và tập đế. “Bất dụng công” có nghĩa là tâm xả ly phát sinh mà không cần phải trưởng dưỡng nó, dựa vào lý luận. Luôn luôn hiển lộ có nghĩa là không bao giờ đánh mất tâm xác tín và chủ ý của mình.Bồ tát đạo tu tập tứ niệm xứ, trong khi có hai nhận thức hiển lộ: tâm xả ly bất dụng công và bồ đề tâm bất dụng công. Tâm bồ đề chú trọng vào giác ngộ trong tương lai của mình, và có hai chủ ý đi kèm: để thành tựu tâm giác ngộ ấy, và tạo lợi lạc cho chúng sinh, nhờ có thành tựu này. Bồ đề tâm có sự hiểu biết về Tứ diệu đế, giống như tâm xả ly, nhưng là về phương diện giác ngộ và Phật tánh. Bồ đề tâm bất dụng công không đòi hỏi việc tích tập nó qua những bước như thừa nhận tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình, v.v… Luôn luôn hiển lộ có nghĩa là không bao giờ đánh mất mục tiêu và chủ ý của mình.Dù tứ niệm xứ thật sự có mặt với tâm xả ly và bồ đề tâm bất dụng công, nhưng ta có thể bắt đầu với mức độ dụng công (rtsol-bcas) của chúng, trước khi đạt được Tư lương đạo. Đối với điều này thì phải nỗ lực để phát khởi và cảm nhận tâm xả ly và bồ đề tâm chân thành, bằng cách dựa vào lý luận.

Các Loại Tâm Sở Liên Hệ Với Chánh Niệm

Chánh niệm là một tâm sở (sems-byung, nhận thức phụ) giữ gìn một đối tượng, và ngăn ngừa việc lãng quên, hay đánh mất nó. Nó vận hành như loại keo tinh thần. Cường độ của sự giữ gìn đối tượng trong tâm trí có thể khác nhau. Phải không quá chặt chẽ, cũng không quá lỏng lẻo. Tỉnh giác (shes-bzhin) là tâm sở hay nhận thức phụ về một đối tượng, là điều phối kiểm chất lượng của việc giữ gìn đối tượng của chánh niệm. Việc giữ gìn đối tượng có thể quá lỏng lẻo vì tâm trạo cử (rgod-pa, giao động) hay hôn trầm (bying-ba). Khi tỉnh giác nhận thấy một lỗi lầm về chất lượng của chánh niệm, thì sẽ khởi động việc phục hồi sự chú ý (chad-cing jug-pa’i yid-byed) để sửa chữa nó.Tác ý hay chú ý (yid-la byed-pa) là tâm sở đưa tâm hành vào một đối tượng cụ thể. Nó có thể sử dụng tâm hành một cách cần mẫn, phục hồi, không gián đoạn, hay tự phát. Nó cũng có thể chú ý hoặc xem xét đối tượng theo một cách nào đó – một là phù hợp (tshul-bcas), hai là không phù hợp (tshul-min) với bản tánh thật sự của nó.Tứ niệm xứ được hành trì, để chấn chỉnh bốn cách chú ý đến ngũ uẩn một cách không phù hợp (phung-po lnga).Với chánh niệm đúng đắn, chúng ta sẽ quán chiếu về:

  • Thân – bất tịnh, thay vì thanh tịnh
  • Thọ – là khổ, thay vì hạnh phúc
  • Tâm – vô thường, thay vì thường hằng
  • Vạn pháp (nói về các tâm sở và ngũ uẩn nói chung) – vô ngã (gang-zag-gi bdag-med), thay vì hữu ngã.

Pháp Tu Dự Bị Của Định Tâm

Niệm xứ là một pháp tu tuệ (vipashyana). Định nghĩa hành trì của vipashyana đòi hỏi trước tiên thì hành giả phải đạt được shamatha (zhi-gnas, tâm định tĩnh, tĩnh trụ); nếu không thì không thể chú tâm một cách đúng đắn. Nếu như tu tuệ mà không có định, thì đó là một bản sao của pháp tu chân thật. Là một trạng thái định tĩnh, ngoài định tâm hoàn hảo ra, định (shamatha) còn có sự phấn chấn của thân tâm và khinh an (shin-sbyang). Điều này dựa vào khả năng tập trung vào bất cứ điều gì trong bao lâu, tùy theo ý muốn, mà không có sự đề kháng của thân tâm, hay đau đớn. Tuệ bổ sung thêm vào đó cảm giác phấn chấn thứ hai về tính sung mãn, dựa trên khả năng nhận thức và thấu hiểu bất cứ điều gì.Chúng ta có thể thành tựu trạng thái định tĩnh của shamatha và trạng thái nhận thức đặc biệt của vipashyana, nhờ việc chú tâm vào nhiều loại đối tượng. Việc đạt được định và tuệ không đòi hỏi hành giả phải thành tựu một đạo lộ trước đó, và thậm chí không cần phải tuân theo phương pháp của nhà Phật. Các trường phái ngoại đạo Ấn Độ cũng dạy các phương pháp để thành tựu định và tuệ. Tuy nhiên, các hành giả nhà Phật chỉ đạt được định, chú trọng vào 16 thuộc tính của Tứ diệu đế, với sự thành tựu của một cấp độ cao của Tư lương đạo. Chúng ta chỉ thành tựu định và tuệ hợp nhất tương tự như vậy, chú trọng vào việc thành tựu đạo lộ thứ hai của ngũ đạo, tức Gia hành đạo (sbyor-lam).Hai chướng ngại chính để thành tựu định tâm là tham ái (‘dod-chags) và vọng tưởng (rnam-rtog). Chúng là nguyên nhân chính, tạo ra tâm trạo cử (rgod-pa) đối với đối tượng mà mình yêu thích. Để chuẩn bị cho pháp thiền niệm xứ, chúng ta sẽ thiền quán về tánh bất tịnh của thân, để đối trị dục vọng, và hành thiền sổ tức (thiền thở), để đối trị vọng tưởng.

  • Tương tự như vậy, tứ niệm xứ của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) giảng dạy về thành tựu tam muội (ting-nge-‘dzin, Phạn ngữ: samadhi, Pali: samadhi, đại định) nhờ buông bỏ tâm trạo cử và vọng tưởng. Trạo cử (rgod-pa, Phạn ngữ: auddhatya, Pali: uddhacca) là cùng một ngôn từ kỹ thuật mà Đại thừa định nghĩa như trạo cử.
  • Trong chương thứ Tám của Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior), liên quan đến thiền định ba la mật (bsam-gtan phar-byin, Phạn ngữ: dhyanaparamita), ngài Tịch Thiên (Shantideva) cũng nhấn mạnh việc đoạn trừ dục vọng, tham ái và vọng tưởng về các đối tượng, đặc biệt là cơ thể, để thành tựu định tâm hoàn hảo. Điều này chuẩn bị cho chương thứ Chín về trí tuệ ba la mật (shes-phyin, Phạn ngữ: prajnaparamita), mà trong đó, ngài mô tả việc phát triển nó một phần nào, nhờ tứ niệm xứ.

Quán Thân Bất Tịnh

Vì ham muốn tình dục là hình thức mạnh mẽ nhất của dục vọng và tham ái đối với hầu hết mọi người, nên đối tượng chính để đối trị tâm trạo cử là tánh bất tịnh của thân. Điểm chính là phát tâm ghê sợ, để đối trị dục vọng và tham ái. Điều này không phủ nhận chân lý quy ước (kun -rdzob bden-pa, chân lý tương đối) rằng đối với một tâm thức hợp lệ để nhận thức chân lý quy ước thì thân này có thể hấp dẫn, theo một quy ước xã hội hay cá nhân nào đó. Nhưng cũng phải xem thân này bằng một tâm thức có thể thấy chân lý tối hậu về nó một cách xác thực.Các pháp thiền tiêu chuẩn thì cực kỳ mạnh mẽ. Một số hành giả có thể tiếp cận chúng với tâm ghê sợ đã có sẵn về thân thể, dựa vào giáo lý của những tôn giáo khác, hay yếu tố tâm lý. Đối với họ thì sự ghê tởm và ác cảm về cơ thể là phiền não (nyon-mongs). Những người như vậy thì nên rất cẩn thận, khi muốn hành trì pháp tu này. Nếu như việc thiền quán về tánh bất tịnh của thân chỉ có tác dụng gia tăng tâm sợ hãi và ác cảm, thì pháp tu phải được giảm bớt, và thiền quán nhiều hơn về kiếp người quý báu. Phải nhớ rằng mục đích của việc chọn lựa một đối tượng ghê gớm để thiền định, để thành tựu định tâm là để đối trị tâm tán loạn, bắt nguồn từ dục vọng và tham ái. Đối với những người như vậy, thì việc chọn lựa bất cứ loại đối tượng nào khác, những điều sẽ tạo ra dục vọng và tham ái nhiều nhất, chẳng hạn như thực phẩm hay thuốc lá, có thể hữu hiệu hơn.Pháp thiền chú trọng vào dục vọng và tham ái đối với bốn khía cạnh của cơ thể: màu sắc, hình dáng của nó, xúc giác khi chạm vào nó, và có được lạc thú hay sử dụng được nó. Trước tiên là chú trọng vào bốn khía cạnh của thân thể của một người mà mình thấy hấp dẫn. Sau đó, áp dụng cùng một sự chú tâm vào thân thể của mình. Ta sẽ bắt đầu mỗi giai đoạn bằng cách quán chiếu rằng một ngày nào đó, người khác hay mình sẽ qua đời. Cho dù thân thể của anh ấy, cô ấy hay của mình có xinh đẹp ra sao khi còn sống, nhưng khi trở thành xác chết thì nó sẽ xấu xí và đáng sợ. Để đối trị tâm tham ái với:

  • Màu sắc đẹp đẽ của cơ thể người nào đó – thì hãy nghĩ cách mà một xác chết thối rữa sẽ trở thành màu xanh da trời đậm, rồi thành màu đen. Ngay cả khi còn sống, màu sắc của cơ thể cũng có thể trở thành xấu xí, khi có màu đen và xanh dương vì nhiều vết thương, hoặc có màu đỏ hoặc đen, khi bị phỏng nặng. Hãy quán tưởng cơ thể nhìn như vậy, và sử dụng nó như đối tượng để định tâm, chú ý đến nó theo cách này, với chất keo tinh thần của chánh niệm.
  • Tướng tá đẹp đẽ của người nào đó – hãy tưởng tượng nó chương lên như một xác chết, có giòi và giun rúc rỉa nó, và những mảnh thịt thối rữa. Ngay cả khi còn sống thì hình dáng của cơ thể vẫn có thể thay đổi vì bệnh tật, tăng hoặc giảm cân, hay lão hóa.
  • Xúc giác khi đụng chạm và vuốt ve cơ thể của người nào – hãy tưởng tượng nó như một xác chết bị côn trùng rút rỉa, hay thịt của nó bị phân hủy và rơi ra. Ngay cả ý tưởng chạm vào nó, đừng nói gì đến việc ôm ấp nó, là điều đáng sợ. Ngay cả khi còn sống, khi da của người nào bị nhiều vết loét, bị chứng phát ban truyền nhiễm vì cây thường xuân có độc, hay thối rữa vì bệnh cùi, thì mình cũng không còn ham muốn để chạm vào nó.
  • Có được lạc thú, hay sử dụng thân thể của người nào như đối tượng tình dục, hay công cụ làm việc để bóc lột – thì hãy nghĩ về nó như một xác chết. Khi đó thì nó không còn khả năng làm bất cứ điều gì cho mình, và liệu ta có muốn giao cấu với một xác chết thối rữa hay không?
  • Tất cả bốn khía cạnh – kết luận bằng cách thiền quán về cơ thể của người nào như bộ xương mà nó sẽ trở thành, sau khi chết. Rồi lặp lại năm bước, liên quan đến cơ thể của mình.

Là một pháp đối trị tâm hôn trầm chung chung, và một sự trợ giúp thêm, để giảm thiểu tâm luyến ái với thân mình, và giảm thiểu việc tìm cầu sự thỏa mãn nhục dục vô tận, chúng ta sẽ hành trì thêm ba bài thiền quán về thân mình, dưới dạng bộ xương.

  • Bắt đầu từ khoảng giữa hai chân mày của mình, ta sẽ tưởng tượng từng mảnh thịt của mình rơi ra khỏi bộ xương. Khi nguyên bộ xương của mình đã lộ ra, thì hãy tưởng tượng cả căn phòng, bên ngoài ngôi nhà của mình, rồi cả thế giới đều tràn đầy xương, ngày càng tràn đầy hơn nữa. Sau đó, ta sẽ thu hồi các mảnh xương lại từng bước một, cho đến khi chỉ còn lại cơ thể của mình như bộ xương, và chú tâm nhất điểm vào bộ xương của mình.
  • Noi theo quy trình tương tự, nhưng cuối cùng, hãy hòa tan bộ xương của mình từ dưới lên trên, cho đến khi chỉ còn lại nửa phần trên của hộp sọ. Rồi hãy chú tâm vào đó.
  • Lặp lại quy trình một lần nữa, nhưng tiếp tục sự phân hóa hơn nữa, cho đến khi chỉ còn lại một mảnh xương nhỏ bé ở giữa hai chân mày của mình, rồi chú tâm vào đó. Ba pháp thiền này không đoạn trừ tâm tham ái, nhưng sẽ giảm thiểu nó.

Quán Sổ Tức, Để Đối Trị Vọng Tưởng

  • Pháp sổ tức – để giảm thiểu, rồi loại bỏ những vọng tưởng phóng dật thì trước tiên, hãy đếm hơi thở. Để thư giãn thân tâm, ta sẽ đếm chu kỳ thở ra và thở vào mười lần, sau đó lặp lại chu kỳ này. Nếu như mỗi lần mình đếm nhiều hơn mười lần, thì tâm có thể quá căng thẳng, khi cố ghi nhớ con số. Nếu đếm ít hơn mười lần, thì có nguy cơ tâm quá lơi lỏng, vì mình không chú ý đến con số. Điều quan trọng là không lẫn lộn với việc đếm hơi thở ra trước, rồi đến hơi thở vào như một chu kỳ. Điều này đòi hỏi chánh niệm, đó là điểm chánh. Như phần tiếp theo của bước này, trong khi thở thì mình sẽ nghĩ, “Bây giờ tôi sắp thở ra; bây giờ tôi đang thở ra; bây giờ tôi đã thở ra xong; bây giờ tôi sắp thở vào; bây giờ tôi đang thở vào; bây giờ tôi đã thở vào xong.”; và sau đó thì đếm – một. Nếu như chú tâm theo dõi tất cả những chi tiết này, thì những tư tưởng ngoại lai khác sẽ biến mất.
  • Theo dõi hơi thở – thở chậm, nhưng không đếm số. Khi thở ra, hãy tưởng tượng hơi thở đi từ lòng bàn chân lên đến đùi, đến rốn, đến trái tim, đến cổ họng, và ra khỏi lỗ mũi một khoảng cách ngắn. Khi thở vào, hãy tưởng tượng hơi thở quay trở lại vào trong lỗ mũi và đi xuống cổ họng, đến trái tim, đến rốn, đến đùi và lòng bàn chân. Sau đó, lặp lại quy trình này.
  • Đặt để hơi thở – hãy thở bình thường, và không chú tâm vào việc thở ra và thở vào nữa. Thay vì vậy, thì hãy chú tâm vào dòng hơi thở bên trong cơ thể, như thể nó giống như một sợi chỉ đi từ lỗ mũi đến lòng bàn chân. Hãy quán sát cảm giác mà hơi thở tạo ra dọc theo sợi chỉ – nóng, lạnh, thoải mái, không thoải mái, vân vân. Hãy phân tích hơi thở khi mình thở, xem làm thế nào mà hơi thở không chỉ là không khí. Nó mang bản tánh của tứ đại, đất, nước, lửa và gió (bụi rắn chắc, hơi ẩm lỏng, hơi nóng nhiệt độ, và gió) và bốn yếu tố phát sinh của hình dạng, mùi hương, vị nếm, và xúc giác. Hãy xem xét thêm về cách mà các loại tâm vương và tâm sở của mình phụ thuộc vào các yếu tố này, và cách mà chúng đều tương quan và tác động lẫn nhau.
  • Chuyển hóa hơi thở – ngay cả sau khi mình đã lắng dịu tâm trí, bằng cách chấm dứt mọi vọng tưởng phóng dật và thành tựu định tâm, thì ta có thể tu tập thêm với hơi thở, khi dần dần phát triển các đạo lộ trong ngũ đạo. Dựa vào những điều mình đã phân tích, hãy khảo sát Tứ diệu đế trong bối cảnh của hơi thở, và sự tương quan giữa nó và tâm thức của mình. Chúng ta sẽ khảo sát mối quan hệ này về mặt khổ đế của sự tái sinh, tập đế, diệt đế và đạo đế, dẫn đến diệt đế ấy. Dựa vào cách này, mình sẽ tiến tu bằng cách tích tập và áp dụng các đường tu.
  • Tịnh hóa trong bối cảnh hơi thở – tiếp tục bước cuối cùng một cách vô niệm, với Kiến đạo (mthong-lam) và Thiền định đạo (sgom-lam).

Chi Tiết Về Tứ Niệm Xứ

Đối tượng của chánh niệm bao gồm tất cả các pháp vô thường và thường hằng. Các pháp vô thường có thể được bao gồm trong ngũ uẩn của mình.

  • Chánh niệm về thân đề cập đến sắc uẩn. Chúng ta sẽ tập trung vào ba loại thân: bên trong (cơ thể của mình); bên ngoài (các vật thể quanh mình); cả bên trong và bên ngoài (cơ thể của người khác).
  • Cảm thọ đề cập đến thọ uẩn: hạnh phúc và lạc thú, bất hạnh và đau đớn, và vô ký thọ.
  • Tâm đề cập đến thức uẩn: sáu loại tâm vương (nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và suy nghĩ).
  • Vạn pháp bao gồm tưởng uẩn (nhận thức) và các hành khác, cũng như các pháp thường hằng.

Việc cần phải có bốn yếu tố là để giúp mình khắc phục những khía cạnh bám chấp vào một bản ngã bất khả của “tôi” như một hữu tình (gang-zag-gi bdag-‘dzin). Chúng ta tưởng tượng sai lầm rằng “tôi” tồn tại như một cái “tôi” thường hằng, nhất thể, độc lập với các uẩn của mình. Chúng ta lầm lẫn rằng:

  • Thân ta – là nền tảng hay ngôi nhà của một cái “tôi” độc lập như vậy; và mình có cảm giác như vậy. Chúng ta cảm thấy, “Tôi ở đây, bên trong cơ thể của mình.”.
  • Cảm thọ của mình – là những gì mà “tôi” hưởng thụ và trải nghiệm, như trong “Tôi thấy hạnh phúc. Tôi thấy đau khổ. Tôi cảm thấy trung hòa.”.
  • Tâm ta – thật ra chính là “tôi”.
  • Các pháp, đặc biệt là cảm xúc và thái độ của mình – như những gì đem lại cho “mình” nhân cách hay bản sắc thật sự của tôi. “Tôi là người có vấn đề về tâm sân hận hay tham ái”, “Tôi là người có trí thông minh hay lòng từ cao cả.”.

Trường phái Cụ Duyên của Gelug (Gelug Prasangika) giải thích bốn quan niệm nhầm lẫn này về mặt tưởng tượng một cách sai lầm rằng “tôi” tồn tại như một cái “tôi” có thể tìm thấy, được nhận biết một cách tự túc.

Bài Thiền

Để có được trạng thái nhận thức phi thường của vipashyana (tuệ) nhờ tứ niệm xứ, chúng ta sẽ phân tích bốn yếu tố này về các đặc điểm chung, rồi các đặc điểm riêng của chúng.

Về Các Đặc Điểm Chung Của Tứ Niệm Xứ

Các đặc điểm chung của tứ niệm xứ là chúng vô thường; có bản tánh bất toại nguyện; Không; và vô ngã. Những đặc điểm chung này là bốn đặc tính của diệu đế thứ nhất về khổ đế. Chúng cũng là ba điểm đầu trong bốn điểm định danh một tri kiến dựa vào ngôn từ khai ngộ (lta-ba bka’-btags-gyi phyag-rgya-bzhi), còn được gọi là Tứ pháp ấn (chos-kyi sdom-bzhi):

  • Các pháp hữu vi (‘dus-byas) đều vô thường.
  • Tất cả các pháp hữu lậu (zag-bcas, pháp ô trược) đều có bản chất khổ. “Hữu lậu” có nghĩa là sinh khởi phụ thuộc vào phiền não và nghiệp như nhân duyên của chúng. Trường phái Cụ Duyên của Gelug định nghĩa “hữu lậu” là có hiện tướng của sự tồn tại tự lập.
  • Vạn pháp đều thiếu vắng và vắng bóng một bản ngã bất khả. “Thiếu vắng” có nghĩa là chúng vắng bóng một người (“tôi”) tồn tại như một cái “tôi” thường hằng, nhất thể, độc lập với các uẩn, và sở hữu chúng. “Vắng bóng một bản ngã bất khả” có nghĩa là trong số tất cả các pháp khả tri, không có điều gì như là một người hiện hữu như một bản ngã được tri giác một cách tự túc. Duy thức (Chittamatra) bổ sung thêm sự vắng bóng của một bản ngã bất khả của các pháp vào lời giải thích của Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika) và Kinh Lượng Bộ (Sautrantika), là điều đối phó với bản ngã bất khả của một hữu tình. Bản ngã bất khả mà Duy thức nói về ở đây là một bản ngã sở hữu một đặc điểm xác định về phía đối tượng, làm cơ sở hay “cái móc tinh thần” để treo cái tên cụ thể cho đối tượng đó. Trung quán (Madhyamaka) giải thích theo cách tương tự, nhưng về mặt một bản ngã bất khả, có sự tồn tại thật sự được thiết lập.

Về Các Đặc Điểm Riêng Của Tứ Niệm Xứ

Xét về đặc điểm cá nhân thì mỗi một đối tượng trong bốn đối tượng của chánh niệm có liên quan đến một trong bốn cách chú ý không phù hợp, đã được đề cập ở trên. Dựa trên điều này, mỗi một đối tượng tương quan với một diệu đế trong Tứ diệu đế.

  • Với chánh niệm về thân thì ta sẽ tư duy rằng thân thể là ô uế và bất tịnh, thay vì xem nó là sạch sẽ và thanh tịnh. Ta sẽ quán chiếu về các nhân tạo ra thân thể (những chất nhơ bẩn của tinh trùng và trứng), bản tánh của thân (những bộ phận bên trong thân thể là một cái máy sản xuất nước tiểu, phân, chất nôn mửa và chất nhầy) và kết quả của thân (một xác chết hôi thối, thối rữa). Ngoài ra, khi còn sống thì thân là chỗ chứa bệnh tật, vết thương, đau đớn và tuổi già. Mình phải tốn nhiều công sức để chăm sóc nó, vì phải liên tục tắm gội, mặc quần áo, cho nó ăn và kiếm tiền cho nó. Nhờ vậy mà ta nhận ra thân này ô uế, bất tịnh, và mang bản chất khổ. Nhờ có tuệ giác này mà lòng quyến luyến với thân mới suy giảm, để mình bớt lo lắng và bị nó ám ảnh. Nhờ có chứng ngộ này mà mình mới hiểu thân là nỗi khổ chân thật, diệu đế đầu tiên. Tuy nhiên, phải sử dụng kiếp người quý giá và thân người để thành tựu giác ngộ.
  • Với chánh niệm về thọ thì ta cũng quan sát và thấy rằng tất cả các cảm thọ đều mang bản chất khổ. Đau đớn là vấn đề của khổ, hạnh phúc là vấn đề của sự thay đổi (nó không bao giờ dài lâu và chẳng bao giờ toại nguyện), và vô ký thọ là đặc trưng cho nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (khi trộn lẫn với vô minh thì tất cả những kinh nghiệm của chúng ta sẽ kéo dài sự tồn tại trong luân hồi của mình). Việc thấu hiểu bản chất bất toại nguyện của thọ trong Thập nhị nhân duyên, sẽ giúp mình hiểu hai khoen tiếp theo. Chúng ta hiểu ái (sred-pa) phải tách rời nỗi đau, chứ không xa rời lạc thú, và vô ký thọ không bị suy giảm (chẳng hạn như khi mình đang ngủ). Chúng ta cũng hiểu cách ái sẽ dẫn đến thủ (len-pa): khoen của những phiền não sẽ đem lại luân hồi cho mình. Nó gồm có (1) dục thủ; (2) kiến thủ (chẳng hạn như bác bỏ nhân quả, hay tin rằng hạnh phúc và khổ đau là phần thưởng và hình phạt của Thượng đế, hay chư Thiên); (3) giới cấm thủ; và (4) ngã luận thủ (‘jig-lta) (chẳng hạn như xem các uẩn là “tôi” hay “của tôi”). Bằng cách chứng ngộ rằng cả ba khoen đều sinh khởi từ vô minh, ta sẽ hiểu nguyên nhân chân thật tạo ra khổ, đó là diệu đế thứ hai.
  • Với chánh niệm về tâm (sáu loại tâm vương), thì ta sẽ chú tâm vào bản tánh quy ước của tâm hành. Chúng ta cảm nhận là nó thoát khỏi phiền não một cách tự nhiên, và bất cứ cảm xúc phiền não hay thậm chí cảm xúc tích cực nào phát sinh đều vô thường. Điều này sẽ giúp cho ta thấy cách mà tâm hành của mình bất định và biến đổi ra sao, và giúp ta nhận ra nó không có một cái “tôi” bất khả, và tất cả những cấu nhiễm thoáng qua. Việc chứng ngộ rằng bản tánh của tâm là thanh tịnh, nên giải thoát là điều khả dĩ, sẽ đưa ta đến sự hiểu biết diệu đế thứ ba, chân diệt. Dựa trên sự hiểu biết này, mình sẽ phát tâm xả ly (quyết tâm thoát khỏi luân hồi) và ước nguyện mạnh mẽ để thành tựu giải thoát.
  • Nhờ có chánh niệm về các pháp mà mình mới hiểu tâm sở và hành vi nào phải được đoạn trừ (từ bỏ), tâm sở và hành vi nào phải được trưởng dưỡng. Điều này phát triển sự hiểu biết của mình về đạo đế, diệu đế thứ tư.

Hành trì tứ niệm xứ có nghĩa là trước tiên, phải sử dụng trí tuệ (shes-rab) và trí thông minh để hiểu, nhờ thiền quán (dpyad-sgom, thiền phân tích) về bản tánh của bốn đối tượng này. Chúng ta sẽ thực hiện điều này bằng kinh nghiệm trực tiếp, trong khi ngồi thiền. Rồi thì hãy duy trì chánh niệm về chúng, xem xét chúng một cách đúng đắn, với sự chú tâm thích hợp.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Lozang Ngodrub

Nguồn: Tứ Niệm Xứ Trong Đại Thừa

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung