Trong lễ điểm đạo, vị thầy thường kêu gọi những nguồn lực tâm linh, những nguồn đại lạc và trí tuệ trong vũ trụ, được thị hiện như những vị thần linh, trong trường hợp này là Heruka Vajrasattva (Ngài Kim Cang Tát Đỏa). Nguồn năng lực này kích động nguồn năng lực sẵn tiềm ẩn trong hệ thống thần kinh của người học trò, bây giờ được đánh thức dậy và bắt đầu rung động. Nếu học trò đã sẵn có một tâm từ bi và một tâm rỗng lặng, cùng tụng niệm những câu mật chú của Vajrasattva thì người học trò sẽ nhận lãnh và nuôi dưỡng được những rung động từ vị thầy. Rồi nếu, qua thời gian tu tập, người học trò phát triển tâm thanh tịnh, xa lánh những dòng đời mờ tối, những lối sống không tỉnh thức, thì sự an lạc nội tâm sẽ từ từ khởi phát một cách tự nhiên.
Nhưng, một lời cảnh cáo cho những bậc thức giả, những người chỉ muốn nghiên cứu mật tông để thỏa mãn trí thông minh, nếu quý vị chỉ tự đọc những lời dạy bảo của mật tông mà không lãnh nhận một sự điểm đạo, quán đảnh nào thì sẽ chẳng được ích lợi gì. Chỉ khi nào quý vị được hướng dẫn bởi một vị chân tu đầy kinh nghiệm tâm linh thì quý vị mới có thể bước vào lĩnh vực này mà không cần một sự thông minh, không cần một định thức suy tưởng nào, để hòa nhập vào con đường chân hạnh phúc, con đường an nhiên tự tại. Tôi không muốn huyền bí hóa hay độc đoán trong vấn đề này, nói một cách rất thành thực là nếu quý vị nghĩ như thế nào thì quý vị chỉ có thể hiểu được như vậy, quý vị hãy tự kinh nghiệm lấy! Phương pháp tu tập Hòa Nhập của Mật Tông (Tantric Yoga – Mật tông Du già) không đến từ sự đọc một vài cuốn sách, đọc sách chỉ cho chúng ta một sự hiểu biết rỗng tuếch, như một bệnh nhân uống lại cùng một thứ thuốc mà họ nghĩ rằng căn bệnh này cũng giống như căn bệnh cũ.
Phương pháp Heruka Vajrasattva Yoga (hòa nhập vào Kim Cang Tát Đỏa) chỉ được thực hành khi đã được dạy bảo và được điểm đạo bởi một vị thầy kim cang. Vì thế những lời dạy bảo viết ra ở đây là một cơ hội vô cùng tốt đẹp cho chúng ta đọc trước khi thật sự đi vào con đường này. Nếu không hiểu như vậy thì những lời trình bày ở đây chỉ là những lời khô cằn không có một chút lợi ích gì.
Dharmavajra, một vị đại hành giả Tây Tạng, nhận xét rằng trong truyền thống Gelug của Phật giáo Tây Tạng phương pháp Heruka Vajrasattva Yoga là một phương pháp tối thượng và độc đáo. Theo phương pháp này chúng ta có thể đạt giác ngộ ngay trong đời hiện tại, như trường hợp của Lạt ma Tsong Khapa chỉ có ba năm. Dĩ nhiên, lời dạy bảo tối thượng này đã không được phổ biến thành sách vở nhưng nó vẫn tồn tại trong tâm của những vị hành giả mật tông. Phật pháp chỉ được truyền từ tâm qua tâm giữa thầy và trò. Một số người tin rằng phương pháp này hiện nay vẫn được truyền dạy trong tông phái Gelug ở Tây Tạng.
Theo truyền thống thì tất cả những vị hành giả Tây Tạng đều mong muốn biến chuyển phương pháp Heruka Vajrasattva thành kinh nghiệm sống thực trong đời sống hằng ngày. Trước khi chúng ta thực sự thực hành, phát triển và hoàn thành con đường tu tập, chúng ta cần phải thanh tẩy thân khẩu và ý qua phương pháp tối thượng này. Sau khi lãnh nhận sự điểm đạo, chúng ta bước chân vào sự tu tập bằng cách tụng niệm hàng ngày bách tự mật chú Vajrasattva thì con đường tu tập của chúng ta sẽ có kết quả hơn. Nếu chúng ta chỉ để hết tâm trí vào việc thiền định và mong cầu giác ngộ mà không lo thanh tẩy những thói quen, nghiệp chướng của thân khẩu và ý thì ta sẽ chẳng đạt được một kết quả nào, vì trong tâm ta vẫn còn quá nhiều vướng víu chướng ngại.
Do đó, ta nên bước từng bước một trên con đường thiền định bằng cách thanh lọc cả thân và tâm. Ngay cả khi ta đang áp dụng phương pháp thiền quán là cố gắng tập trung vào một điểm (nhất tâm) mà không lo thanh tẩy trước thì đây cũng là một nguyên nhân làm ta chán nản và sẽ không còn chút hy vọng tiến triển nào. Vì ta không nhận ra được những chướng ngại đã tồn tại lâu đời trong thân khẩu và ý của ta.
Một số người khi bước chân vào con đường thiền định đã bị hướng dẫn sai lầm, họ cố gắng thu thập kinh nghiệm về không tánh bằng cách từ bỏ, buông bỏ, vứt bỏ những hiện tượng hiện có, những giá trị hiện có vì họ cho rằng không tánh là một giá trị nào đó của cái không có gì, của cái không là gì. Nếu ta thực sự muốn kinh nghiệm không tánh, ví dụ theo lối Madhyamaka (Trung Đạo) hoặc trường phái Zen (Thiền) trong Phật giáo, thì ta cũng vẫn cần phải dùng cả hai: phương pháp và trí tuệ. Rất nhiều người mong muốn đạt giác ngộ ngay nhưng chẳng ai muốn dùng phương tiện để đi, họ giống như những con chim đang bay bằng đôi cánh gãy.
Khi nào ta gặp phải những chướng ngại trong lúc thực tập, đừng thất vọng, đừng nản chí. Thay vì chán nản, ta nên hiểu rằng ta cần phải thanh lọc con người ta và tập trung nhiều hơn vào phương pháp tu tập thay vì chỉ mong muốn đạt giác ngộ. Dần dần ta sẽ tiến bộ hơn trên con đường ta đang tìm kiếm.
Tại Sao Cần Thanh Tẩy?
Thanh Tẩy Như Thế nào?
Bài học này có là do lời yêu cầu của quý vị, chứ không phải tự nhiên tôi kêu gọi quý vị đến đây; trên con đường tu tập từng bước một đến giác ngộ, ta cần phải hiểu sức mạnh của tâm và sự tạo ra những hành động tốt xấu của nó như thế nào. Theo kinh nghiệm, khi quan sát đời sống ta sẽ nhìn thấy những hành động tự nhiên của thân khẩu và ý. Như vậy, với sự thúc đẩy của lương tri, chúng ta đã yêu cầu có bài học này để có thể thanh tẩy những nghiệp lực xấu đang hiện có trong chúng ta.
Cái lối yêu cầu có bài học này của quý vị rất là hay. Đặt trên căn bản hiểu biết của quý vị về đặc tính của một cái tâm xấu thì sự yêu cầu này không thể đến từ sự vô minh hay từ một cảm hứng nào. Vì điểm tốt lành và sự thông minh đó mà quý vị có thể thực hành phương pháp thiền này để phá vỡ hoàn toàn những năng lực xấu đã tồn trữ trong con người của quý vị, tôi có cảm tưởng là bài học này sẽ đem đến cho quý vị những ơn ích vĩ đại.
Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận chúng ta rất là may mắn khi chúng ta biết chắc chắn rằng tất cả những nghiệp lực xấu đều khởi phát từ tâm vô minh. Hầu như tất cả mọi người đều không ý thức và không hiểu nghiệp được tạo ra như thế nào, cũng không hiểu thế nào là sự khác biệt giữa một hành động xấu và một hành động tốt và những hậu quả hạnh phúc hay đau khổ mà nó đem lại. Quý vị đã biết tất cả những điều này, đó là lý do tại sao quý vị là những người may mắn. Ngay cả những người đã khám phá ra điều này, cũng rất khó mà tìm ra được một phương pháp để tẩy rửa hoàn toàn nghiệp lực hầu thoát ra khỏi vòng cương tỏa của luật nhân quả. Điều này không phải dễ, nó cần một thời gian rất dài. Thật là may mắn cho chúng ta khi biết được một phương pháp tuyệt hảo để thanh tẩy toàn diện thân và tâm.
Càng may mắn hơn nữa vì chúng ta sẽ có được một phương tiện tối thiện xảo của mật tông. Được phương tiện này vô cùng khó. Tại sao khó? Vì như những người Tây phương lần đầu tiên tiếp xúc với Phật giáo họ không hiểu mục đích của sự quỳ lạy nên đã thốt ra câu: “Tại sao phải quỳ lạy? Xin lỗi, không phải cho tôi!” Quỳ lạy là một điều quá ư là đơn giản, quá dễ hiểu! Phương pháp này vô cùng sâu thẳm và đầy sức mạnh để giúp chúng ta thực hành công việc thanh tẩy toàn thể con người chúng ta (quỳ lạy để đối trị tính ngạo mạn, kiêu ngạo, cái tôi – Dg).
Nói một cách khác, khi chúng ta thiền định theo phương pháp Lamrim từng bước một (Lamrim – con đường tuần tự từng bước một đưa đến giải thoát và giác ngộ, còn được gọi là Tiệm Tu – Dg) chúng ta thường gặp rất nhiều chướng ngại. Chúng ta không thể hiểu được tại sao thiền định lại quá khó khăn. Tại sao khó kiểm soát tâm, tại sao khó đạt giác ngộ, tại sao tôi gặp quá nhiều trở ngại khi muốn làm một vài điều tốt? Chỉ huy một công việc trần gian thì sao quá dễ mà chỉ thiền một chút thôi thì quá khó?
Điều này không có nghĩa là ta thiếu vắng niềm an lạc. Nó chỉ có nghĩa là từ vô lượng kiếp ta đã tích tụ biết bao nghiệp xấu qua thân khẩu và ý đến nỗi bây giờ ta như bị chìm lặn trong biển khổ. Nếu những nghiệp chướng đó được thị hiện ra bằng hình tướng, ta sẽ thấy nó dày đặc cả không gian. Nếu ta không có một chút trí tuệ nào hoặc trí tuệ quá yếu kém như một ngọn đèn leo lét thì làm sao có thể soi chiếu vào đêm đen lồng lộng gió.
Ngọn đèn trí tuệ quá yếu ớt đó không đủ để soi đường dẫn lối, không đủ để lôi kéo ta ra khỏi biển trầm luân của nghiệp lực. Vì thế, những năng lực của những ý niệm sai lầm, của ác tâm đã gây trở ngại cho ta trên con đường giải thoát và giác ngộ rất nhiều. Do đó, ta cần có một sức mạnh của sự thực hành tẩy rửa, bằng phương pháp Heruka Vajrasattva Yoga, để có thể phá hủy tận gốc rễ những nguồn năng lượng vô minh và những hành động xấu của thân khẩu và ý.
Phương pháp Heruka Vajrasattva Yoga có một nguồn năng lực vô biên để thanh lọc tất cả những nghiệp lực xấu, đó là những chướng ngại chính trên con đường tu tập. Những nguồn năng lực không trong sạch đã ảnh hưởng và để lại những dấu ấn đau khổ trên thân xác và tâm hồn chúng ta. Một cách triết lý hơn, chúng ta có thể nói rằng những nghiệp lực này chẳng phải ở bên trong (nội tâm) cũng chẳng phải từ bên ngoài (ngoại cảnh). Nếu chúng ta muốn nghiên cứu thêm, chúng ta có thể trở lại vấn đề này trong một dịp khác. Lý do mà tôi muốn nêu nó ra đây là vì khi tôi đề cập đến điều xấu, điều tiêu cực, tôi có ý nói nó khác với lối hiểu biết thông thường của phần đông những người Tây phương thường nghĩ nó là những cảm xúc, nhưng thực ra nó có một ý nghĩa sâu xa hơn, một tầm mức rộng lớn hơn nhiều.
Hãy lấy một ví dụ về thể xác của chúng ta, lần đầu tiên người ta đến với những lớp thiền, họ có một trở ngại rất lớn trong vấn đề ngồi thiền, vì hệ thần kinh kéo nguồn năng lượng xuống chỗ tận cùng của xương sống. Sở dĩ chúng tôi khuyên nên ngồi bắt chéo chân và thẳng lưng là vì khi chúng ta ngồi thẳng lưng thì những nguồn năng lượng tâm linh trôi chảy dễ hơn nên chúng ta dễ dàng kiểm soát được tâm của chúng ta. Tuy nhiên, sự thay đổi trong hệ thần kinh làm chúng ta có cảm tưởng rằng nguồn năng lượng tâm linh tuôn chảy từ luân xa đỉnh đầu (luân xa 7) xuống luân xa địa đại (luân xa 1). Điều này làm cho một số người lầm tưởng họ bị hụt hẫng, bị mất kiểm soát. Những người mới học không những chỉ gặp khó khăn trong cách ngồi mà còn gặp trở ngại trong vấn đề tập trung tư tưởng lâu dài để nghe những bài học mới. Đây là điều vô cùng khó khăn. Những khó khăn của thể xác và tâm hồn thực sự làm những người này thắc mắc và ngạc nhiên tại sao họ lại phải ngồi ở đây trên trái đất.
Cái áp lực ở luân xa địa đại là do nguồn năng lực âm của cơ thể, chúng xuất phát từ những tâm ý xấu. Trong truyền thống Đại thừa Phật giáo, chúng tôi không để ý nhiều đến sự phản ứng của cơ thể mà chúng tôi chú ý nhiều hơn đến những nguyên nhân của vấn đề, của vô minh, của nghiệp.
Trên con đường thiền định từng bước một đi đến giải thoát, một khi ta không thể ngồi thiền – vì quá nhiều trở ngại – ta hãy nhớ rằng ta có một phương pháp tuyệt diệu để hóa giải những chướng ngại này, đó là phương pháp tẩy lọc thân tâm. Theo kinh nghiệm của các vị Lạt ma Tây tạng, con đường thiền định phải đi đôi với việc thanh tẩy, như phương pháp Heruka Vajrasattva Yoga. Thực tập hai việc cùng một lúc sẽ giúp ta đạt được kết quả mong muốn mà không một chút ngăn ngại nào.
Nhưng cũng đừng hy vọng một điều không thực tế: “Ngày hôm nay tôi xấu, tối nay tôi thiền là ngày mai tôi sẽ hoàn toàn trong sạch.” Chúng ta không thể thanh lọc nội trong một đêm. Đây không chỉ là một điều hy vọng sai mà chính sự mong cầu này đã trở nên một chướng ngại! Một điều quan trọng là trong khi tu tập chúng ta không nên chờ đợi bất cứ một điều gì (càng mong cầu càng gặp ma chướng – Dg). Hãy nghỉ ngơi, hãy nới lỏng, hãy cởi mở, hãy buông thả, hãy thoải mái! Hãy luôn luôn nghĩ tới điều này là chúng ta nên cố gắng, cố gắng và cố gắng. Nếu chúng ta làm được như vậy, chắc chắn kết quả tốt sẽ đến mặc dù chúng ta mong cầu hay chẳng mong cầu. Chúng ta không nên tiếp tục hỏi hoặc yêu cầu vị thầy cho một điều tiên đoán: “Nếu con kiểm soát được thân khẩu ý, không làm những điều xấu mà chỉ làm những điều tốt thì con có đạt được kết quả ngay không?” Có rất nhiều người đã đặt ra vấn đề này. Tại sao? Vì họ không hiểu một chút gì về nghiệp! Nếu lúc nào ta cũng hành động khôn ngoan, luôn luôn thực hiện điều tốt lành thì cần gì phải hỏi, phải không quý vị?
Chỉ nên nghĩ: “Từ bây giờ đến lúc chết, dù có giác ngộ hay không, tôi luôn luôn thực hiện những điều tốt lành mà tôi có thể thực hiện được, tôi sẽ cố gắng sống hữu ích cho chính tôi và cho những người khác.” Chúng ta còn hy vọng gì nữa? Chỉ mong muốn và thực hiện một điều đó thôi cũng đạt đạo rồi còn đòi hỏi chi: “Nếu thiền định một tháng, tôi sẽ trở thành Heruka Vajrasattva.” Điều này chỉ thêm ràng buộc mà thôi.
Mặc dù trong cuộc sống chúng ta sẽ tạo thêm rất nhiều nghiệp mới nhưng niềm an lạc lúc lâm chung sẽ bảo đảm chúng ta không phải tái sinh vào một kiếp thấp hơn kiếp hiện tại. Chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự bảo đảm này nếu chúng ta cố gắng tu tập và thanh lọc những nghiệp xấu đã làm. Không phải như những lời bảo đảm của trần gian, đây là sự bảo đảm của tâm linh. Trên đời này, mọi sự việc luôn luôn đổi thay, chúng ta không thể tin vào những đổi thay đó, chỉ là một mớ giấy! Sự bảo đảm của nội tâm cho chúng ta một sự an bình thật và trong lúc chết chúng ta sẽ kiểm soát được thân tâm để không bị ảnh hưởng xấu của tham sân si lôi kéo.
Để có được kết quả tốt trong thiền định, điều quan trọng là chúng ta hãy thực tập ngay phương pháp thanh tẩy Heruka Vajrasatta Yoga. Tất cả các vị Lạt ma đều nhận định rằng đây là một phương pháp tuyệt diệu để tiêu trừ các chướng ngại và những dấu ấn khổ đau mà nghiệp đã mang lại.
Trong khi những phương pháp Vajrasattva khác chỉ chú trọng vào việc thanh tẩy thân xác, thì phương pháp Heruka Vajrasattva Yoga lại đặc biệt chú trọng đến việc thanh tẩy tâm linh. Đó là tất cả sức mạnh của nó!
Bốn sức mạnh đối nghịch
Diệu pháp Heruka Vajrasattva được chia làm 3 phần: quy y, phát tâm bồ đề và thực hành phương pháp Heruka Vajrasattva. Tại sao phải quy y và phát tâm bồ đề trong diệu pháp thanh tẩy này? Bởi vì, ngay cả trong lúc liên hệ với những đối tượng thánh thiện, như quy y Tam Bảo, cũng như với chúng sinh, thì những hành động xấu vẫn luôn luôn được tạo ra.
Chúng ta có thể kiểm chứng sự thật này ở ngay chính chúng ta. Hầu như tất cả những rắc rối trong đời đều đến từ những người chung quanh chúng ta, không phải từ cục đá, cục gạch hoặc cây cối và hầu như tất cả những rắc rối thông thường đều bắt nguồn từ những người thân cận. Sự liên hệ càng gần thì ảnh hưởng tình cảm càng phức tạp. Ví dụ, nếu chúng ta tránh xa dầu nhớt thì không sao, nhưng nếu chúng ta đến gần, đụng chạm vào nó thì chắc chắn sẽ dính đầy người và khó tẩy rửa sạch. Cũng giống như vậy, chơi dao có ngày đứt tay, gần mực thì đen gần đèn thì sáng; gần người nào thì dễ bị ảnh hưởng bởi người đó.
Một ví dụ khác, chính chúng ta, chủ nhân một hành động, cũng bị ảnh hưởng bởi tâm xấu của chính mình, rồi đôi khi cũng muốn ảnh hưởng điều đó trên người khác; như khi giết người, ta đi kiếm một người khác để giết; khi ăn cắp, chúng ta đi ăn cắp của người khác; khi nói dối, chúng ta nói dối một người khác. Dĩ nhiên, sự vô minh, sự tham lam không bao giờ được thỏa mãn, vì tâm ích kỷ đang hiện diện ở đó và những người khác cũng đang hiện diện ở đó. Trong trường hợp này, nghiệp xấu của chúng ta gây ra cho người nào tùy theo duyên nghiệp của chúng ta với người đó. Chúng ta thanh tẩy nghiệp lực xấu đó bằng sự phát nguyện tâm bồ đề.
Chúng ta cũng tạo ra những hành động xấu ngay cả với những đối tượng thánh thiện. Đôi khi, với một ác tâm, chúng ta không ưa Phật, không thích Bồ Tát, khinh thường ảnh tượng, kinh sách và dèm pha, phỉ báng sư tăng. Có muôn ngàn lối để tạo ra những kiểu ác nghiệp này, chúng ta thanh lọc nó bằng cách quy y Phật, Pháp và Tăng.
Để phát nguyện bồ đề tâm, chúng ta phải tập và nuôi dưỡng lòng từ bi đến muôn loài chúng sinh, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng hoặc một quốc gia nào. Chúng ta phải vững mạnh, hăng say trên đường tu tập cho chính mình và khuyến khích những người khác cùng làm theo. Hãy thường xuyên có những thái độ này để cởi bỏ những nghiệp lực xấu trong chúng ta.
Nhiều khi chúng ta vững mạnh nhưng chúng ta không kiểm soát được những liên hệ nghiệp quả với cha mẹ chúng ta. Họ rất tốt với chúng ta nhưng chúng ta luôn luôn đem lại sự buồn đau cho họ. Chúng ta không thể dễ dàng cắt đứt sợi dây liên hệ với họ bằng cách nói một câu từ giã đơn sơ rồi cao bay xa chạy, để rồi không bao giờ muốn nhìn lại họ nữa. Điều đó không đủ để tách rời chúng ta với họ. Để chấm dứt liên hệ nghiệp quả với họ, chúng ta phải thanh tẩy nó bằng tình yêu bao la dành cho họ là phát nguyện tâm bồ đề tới họ trong tâm của chúng ta. Tương tự như vậy, chúng ta không thể xóa bỏ nghiệp với người khác bằng một lời từ biệt để không bao giờ muốn gặp lại. Sự liên hệ này phải được chuyên cần thanh tẩy.
Điều tốt đẹp nhất để thanh lọc nghiệp lực xấu là dùng Bốn sức mạnh đối trị nhau. Sức mạnh đầu tiên là sức mạnh của đối tượng, đó là quy y và phát nguyện tâm bồ đề. Phương pháp mà tôi diễn tả ở đây là: đối tượng quy y chính là Heruka Vajrasattva, Ngài là sự hợp nhất của quy y tam bảo: Phật, Pháp và Tăng. Ngài cũng chính là vị thầy, vị thầy tuyệt đối mà chúng ta sẽ đề cập đến sau này. Trí tuệ của Ngài hiểu thấu được bản tính của cả hai nguồn năng lượng tốt và xấu. Ngài sẽ giải thoát chúng ta nên chúng ta quy y Ngài.
Sức mạnh thứ hai là sức mạnh của sự buông xả. Đôi khi còn gọi là sức mạnh của lòng nuối tiếc, nhưng từ ngữ này đôi khi làm mất đi cái ý nghĩa sâu xa của nó. Sức mạnh này phát ra từ nội tâm, nó không phải là một cảm xúc buồn đau hay tội lỗi, mà là những dấu ấn tác động lâu dài trên những vấn đề của chúng ta, những dấu ấn đó là những nguyên nhân làm chúng ta tích lũy thêm những khuynh hướng xấu mỗi ngày. Hãy tưởng tượng một người vừa chợt khám phá ra hắn nuốt phải thuốc độc thì lập tức hắn muốn uống thuốc giải độc ngay. Sức mạnh của sự buông xả giúp chúng ta thấu triệt được những dư âm của từng hành động không tỉnh thức của chúng ta và ngay lúc đó chúng ta ý thức được rằng chúng ta đã tạo nghiệp nên chúng ta muốn thanh lọc ngay.
Sức mạnh thứ ba là sức mạnh của sự điều trị (chuyển hóa). Với sức mạnh này chúng ta điều trị tất cả những nghiệp lực xấu đã tồn trữ trong chúng ta. Khi thiền định, chúng ta chú tâm vào một điểm duy nhất là Heruka Vajrasattva – sự thị hiện của an lạc, của siêu việt, của trí tuệ được kết tụ trong vị thầy của chúng ta – rồi chúng ta thực hành phương pháp thanh tẩy cùng tụng niệm những câu mật chú.
Về sức mạnh thứ tư, tôi không biết có một từ ngữ Anh ngữ nào tương đương hay không, đó là sức mạnh của sự bền vững, không thể phá hủy được, khi nào chúng ta có được sức mạnh này thì sẽ không bao giờ, không bao giờ còn bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu nữa. Đó là một lời nguyện, một lời hứa, một sự quyết tâm. Cùng một lúc với sức mạnh này, chúng ta sẽ không bao giờ tạo thêm nghiệp xấu nữa. Mọi công việc coi như hoàn tất. Đó là một điều vững chắc và mãnh liệt đến từ trí tuệ. Trong mỗi người chúng ta có một nguồn năng lực vi tế luôn luôn bảo vệ chúng ta thoát khỏi những tệ trạng xấu. Nói xa hơn nữa, nó là một mãnh lực ngược hẳn lại những thói quen cũ của chúng ta, nó bảo vệ chúng ta một cách tuyệt đối. Dĩ nhiên, sức mạnh này cũng tùy theo sự quyết tâm của chúng ta, nếu là một quyết tâm mãnh liệt, toàn triệt, nó sẽ được bảo đảm hoàn toàn.
Ví dụ, khi chúng ta thực hành tám điều tâm niệm của Đại thừa mỗi ngày, thì ngay từ buổi sáng vừa thức dâïy chúng ta đã lập lại lời nguyện hứa. Từ lúc đó, chúng ta phải tỉnh thức và nuôi dưỡng nó trong cả một ngày. Nếu những lời nguyện hứa chỉ được giữ trong lúc tham dự lễ thì không lợi ích gì cả, nó phải được nuôi dưỡng trong từng giây phút của đời sống. Nếu không, khi buổi lễ vừa tan là chúng ta lại bị rơi ngay trở lại lối sống cũ, trở lại với vô minh và sẽ chẳng hiểu những công việc chúng ta vừa làm.
Lời nguyện hứa không được đứt đoạn. Bất cứ một hành động nhỏ nào cũng có thể phá vỡ lời nguyện trong tâm chúng ta. Cả một đời chúng ta đã không kiểm soát nguồn năng lực này. Do đó, nếu mỗi sáng chúng ta xác nhận lại sự tỉnh thức này thì không có cách chi phá hủy được những lời nguyện của chúng ta. Trong chúng ta có một thân vi tế, được tích lũy những năng lượng để bảo vệ chúng ta.
Nghiệp
Cũng theo đường lối đó để hiểu luật nhân quả. Khi chúng ta đã quy y thì bổn phận chúng ta là phải nhận định ngay ra nghiệp lực để từ đó chúng ta có thể ngăn ngừa những hành động xấu và những cám dỗ của chúng. Nhưng thường thường chúng ta khó có thể làm được như vậy. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta tiếp tục tạo ra nghiệp thì chúng ta tiếp tục rơi trở lại vòng luân hồi khổ đau. Vì quan niệm như vậy nên chúng ta không có một sự hiểu biết sâu xa về bản tính của nghiệp. Người nào hiểu thông suốt gốc rễ của nghiệp lực thì sẽ không bao giờ tạo thêm nghiệp mà sẽ từ bỏ nó một cách tự nhiên không nuối tiếc. Cho tới khi nào chúng ta còn để cho những ràng buộc và lòng ích kỷ hướng dẫn những hành động của chúng ta, thì mặc dầu hiểu biết cặn kẽ nghiệp, chúng ta cũng vẫn bị nó lôi kéo và sẽ hành động theo nó.
Tôi hiểu người Tây phương rất rõ. Họ thông minh, nhưng tâm của họ quá phân tán. Một mặt họ muốn đạt đạo, một mặt họ vẫn giữ nghiệp. Nói cách khác, họ bị xúi dục, bị lôi cuốn bởi những thói hư tật xấu nên không có cách chi ngăn ngừa được nghiệp quả. Đấy là nguyên nhân của đau khổ, của than khóc! Họ là những người quá mẫn cảm. Khi tình trạng khổ đau khởi phát ra, năng lượng xấu sẽ bao trùm năng lượng tốt vì họ đã không thường xuyên liên tục tạo cho họ một sức mạnh tốt đẹp sâu xa, một sự hiểu biết cốt tủy về nghiệp lực, hay của luật nhân quả.
Có thể có người nói: “Oái, nghiệp chỉ là kinh nghiệm của những người nào tin nó. Người nào không tin, sẽ không bị nó hành.” Rất nhiều người Tây phương đã tranh luận với tôi về vấn đề này. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Luật nhân quả tác đôïng trên tất cả mọi người, dù tin hay không tin. Nếu chúng ta liên tục làm một công việc nào đó, chắc chắn chúng ta sẽ có kinh nghiệm về kết quả của nó, uống thuốc độc thì sẽ bị đau – rất có thể chúng ta nghĩ rằng đây cũng là thuốc. Một khi chúng ta đã tạo ra nghiệp thì chúng ta sẽ nhận lãnh hậu quả, đó là lý do tại sao chúng ta bị hết vấn đề này đến vấn đề khác trong đời sống.
Con bò, con heo, con bọ cạp chẳng có một ý niệm nào về nghiệp – không tin chuyện gì cả- nhưng chúng vẫn sống trong nghiệp quả của chúng. Mỗi một hành động của chúng được hướng dẫn bởi tham sân si là mỗi một hành động sẽ mang đến một nghiệp quả khác nhau. Vì thế, chúng ta không nên nghĩ rằng nghiệp chỉ dành cho những Phật tử, cho những Lạt ma. Nghiệp là luật tự nhiên tác động trên tất cả mọi hiện tượng – vật chất hay không vật chất – ở trong vũ trụ. Đây là một nguyên lý vô cùng quan trọng mà bắt buộc chúng ta phải hiểu.
Khi tôi giảng dạy về nghiệp, tôi không giải thích nó một cách kỹ thuật như một vài cuốn sách quý vị tìm thấy ở Tây Tạng. Tôi trình bày nó một cách hết sức đơn giản là quý vị hãy theo dõi cái chiều hướng mà tâm của quý vị đang hành động lúc đó. Quý vị có thể nhìn ra một cách rất dễ dàng tâm của quý vị lên xuống như thế nào, đặc biệt trong lúc thiền định. Một khi chúng ta tỉnh thức trong vấn đề này, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được những kinh nghiệm đến từ trong quá khứ như thế nào, nghiệp quả y hệt như vậy. Điều này thật rõ ràng, không cần phải cầu kỳ giải thích kiểu này hay kiểu khác. Nói một cách đơn giản, không kiểm soát thân khẩu và ý thì nghiệp tự do diễn xuất! Tự do hoành hành!
Vì thế, dù tin hay không tin, nghiệp luôn luôn ảnh hưởng trên chúng ta. Đừng nghĩ rằng những người Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo thì ở ngoài vòng ảnh hưởng của nghiệp và không cần để ý đến nó. Điều đó không đúng. Hãy lấy một ví dụ, dân Do Thái và Ả Rập đã tạo nghiệp cho nhau nên bây giờ họ đang có những vấn đề ở Trung Đông. Những tên đồ tể không tin rằng việc giết quá nhiều súc vật sẽ ảnh hưởng đến họ, tin hay không tin, họ đã gây đau khổ quá nhiều cho chúng sinh khác thì chắc chắn đau khổ sẽ đến với họ.
Lần đầu tiên chúng ta đến Kathmandu, quý vị thưởng ngoạn phong cảnh rất thoải mái. Rồi khi quý vị đến tu viện Kopan, quý vị cảm thấy rúng động. Quý vị thấy nó quá dơ bẩn, không có một nhà vệ sinh nào ở đây. Sự rúng động của quý vị là kết quả của sự bám víu trước kia về một sự tiện nghi, sạch sẽ. Đó là nghiệp đấy! Nếu không bị ràng buộc vào những kinh nghiệm tiện nghi trước kia thì quý vị sẽ không bị rúng động vì những sự kiện dơ bẩn xảy ra ở chung quanh. Vì thế, chúng ta có thể hiểu nghiệp và những hậu quả của nó một cách rõ ràng nếu chúng ta biết phân tích những kinh nghiệm của chúng ta trong đời sống hàng ngày.
Một điều rất tốt là chúng ta nên phát triển tâm tỉnh thức trên tất cả mọi hành động của chúng ta hơn là cứ để bị ám ảnh về phương pháp thiền, đây là thiền chỉ hay thiền quán như một số người đã bị. Nếu tình trạng này xảy ra, chúng ta hãy thoát khỏi tình trạng này bằng cách nghĩ rằng thiền chỉ là một phương pháp thực hành Phật Pháp còn tất cả những hành động khác như ăn uống, nói chuyện, ngủ nghỉ… toàn là những hành động của luân hồi.
Điều tôi muốn đề cập đến là có rất nhiều phương pháp thiền. Thiền quán không phải là một phương pháp duy nhất để thiền. Trí tuệ có thể đạt được bởi bất cứ phương cách thiền nào, trên bất cứ hiện tượng nào trong vũ trụ. Như vậy, chúng ta không phải chỉ có một phương pháp ngồi thiền bằng cách bắt chéo chân, cảnh giác nghiệp lực hàng ngày cũng là thiền và có thể nói rằng đấy là một phương cách rất tốt để phát huy trí tuệ. Bằng cách này, toàn thể cuộc đời của chúng ta sẽ được dùng để dẫn đưa chúng ta đến gần sự hiểu biết về vô ngã.
Khi hiểu được bản tính của nghiệp, chúng ta sẽ tự ý thức được tất cả những công việc chúng ta đang làm. Vì thế chúng ta có thể thiền ở bất cứ nơi nào. Như chúng ta đã biết, nếu chúng ta không tỉnh thức trong tất cả những hành động của thân khẩu và ý thì chúng ta sẽ tạo ra hết nghiệp này đến nghiệp khác và chúng ta sẽ nhận lãnh quả báo đau khổ mà không thể trốn thoát. Chính điều này làm chúng ta luôn luôn tỉnh thức trong lúc nói chuyện, trong khi ở tiệm ăn, khi làm việc, ngay cả khi đang đi chợ.
Thông thường chúng ta nghĩ cái tâm nhị nguyên không thể dùng làm đối tượng cho việc thiền định – tâm nhị nguyên là tâm phân biệt của chúng ta dùng để diễn dịch những sinh hoạt thường ngày, như đời sống luân hồi, sự bất mãn, sự đau khổ và những việc ngoài ý muốn – Đó là ý nghĩ vô cùng sai lầm. Phật giáo Đại thừa dạy rằng nếu những cảm giác của thân xác như cảm xúc có thể dùng để phát triển trí tuệ, thì bất cứ những hình thức kinh nghiệm khác cũng có thể dùng được, nếm thức ăn cũng có thể dùng để phát triển trí tuệ.
Một số người cho rằng quán tưởng không thể dùng trong lúc thiền định vì chúng là những phóng chiếu của trí óc, theo dõi hơi thở hay những cảm giác thì thực tế hơn và có thể dùng được. Đối với Phật thì cảm xúc, cảm giác hay quán tưởng cũng đều là huyễn ảo! Những cảm giác của thân xác thì không thường hằng, chúng thay đổi từng giây phút, vì tâm biến chuyển không ngừng nghỉ. Những cảm giác của thân và của tâm, nhất là của ác tâm đều là những hình ảnh phóng chiếu của vô minh. Tâm nhị nguyên, cái tâm phân biệt của chúng ta tự động phóng chiếu ra hai hình ảnh cho bất cứ một cái gì mà chúng ta kinh qua.
Thường thường một người mới thực hành thiền theo phương pháp thiền quán đều coi những cảm giác của thân xác là thực. Nhưng không sao, bất cứ những gì họ dùng (nội cảnh hay ngoại cảnh) trong việc thiền đều xuất hiện như là những sản phẩm của tưởng tượng và đều có liên hệ đến tâm. Nói một cách căn bản hơn, không có gì khác biệt giữa nội và ngoại của một hiện tượng: chúng có thể thật mà cũng có thể không thật. Cho đến khi nào chúng ta chưa có một tâm rỗng lặng, không phân biệt – tánh không – thì bất cứ cái gì chúng ta kinh nghiệm về thể chất hay tinh thần cũng đều là huyễn ảo, cũng đều là những quan niệm sai lầm.
Thực ra, vấn đề vị giác ở lưỡi cũng là một cảm giác của thân xác, truyền thống đại thừa thực hành thiền trên tất cả mọi trạng huống, mọi sinh hoạt. Thiền mật tông dạy chúng ta rằng trước khi ăn, chúng ta nên cúng dường và độ sinh cho thức ăn. Trong khi ăn, chúng ta nên ăn thật thoải mái và ý thức từng động tác, luôn luôn nhớ rằng chúng ta có liên hệ với thức ăn mà chúng ta đang ăn, không nên ăn vì ham muốn, thèm khát như chúng ta thường làm. Bất cứ sự kiện nào cũng là một đề tài để phát triển trí tuệ. Tụng niệm mật chú cũng giúp chúng ta rất nhiều trong vấn đề thực hành thiền. Chúng giúp ta dễ dàng tập trung, do đó không bị phân tán bởi những lôi kéo khác. Tuy nhiên, việc tụng niệm không hẳn phải đọc ra bằng lời. Mật chú là những âm thanh xuất hiện ra ở bên trong hệ thần kinh của chúng ta, vì thế trước khi sinh ra, chúng ta có thể nghe nếu chúng ta biết lắng nghe. Mật chú không phải là những gì chúng ta nhận được từ vị Lạt ma, tất cả đều đột khởi, tự khởi phát. Nếu không có những rung động tự nhiên ở bên trong hệ thần kinh, chúng ta đều điếc hết – mỗi loại năng lượng có một âm thanh riêng biệt. Đây không phải là tín điều tôn giáo mà là khám phá của khoa học. Chúng ta không thể từ bỏ những âm thanh tự nhiên trong hệ thần kinh của chúng ta. Hãy thử bỏ cái đầu đi xem nào!
Tuy nhiên, đây là những kinh nghiệm không vững chắc lắm của rất nhiều Lạt ma, những đối tượng tạm thời của ngũ quan cho ta nhiều chướng ngại hơn là giúp ta trong thiền định. Nếu chúng ta còn tiếp nhận sự vật qua tâm và từ ngữ quan, thì chúng ta vẫn không thể tập trung vào một điểm theo đúng nghĩa của nó. Chúng ta không phải là một thiền chỉ gia cũng không phải là một thiền quán gia. Hãy kiểm soát xem điều này đúng hay sai.
Vì thế, ngớ ngẩn làm sao khi nghĩ rằng ngồi đây, cố gắng đi vào đại định mới là đường lối duy nhất để thực hành Phật pháp còn làm bất cứ điều gì khác trên cuộc đời này cũng đều sai, đều không phải Đạo pháp. Chúng ta nên cẩn thận và hãy thường xuyên ý thức những sinh hoạt trong đời sống như ăn, uống, ngủ, đi đứng, làm việc… bằng sự hiểu biết của trí tuệ. Bất cứ khi nào chúng ta gần những bậc thầy, những tăng sĩ, cha mẹ, hay ngay cả những lúc ở một mình, chúng ta cũng phải ý thức được nghiệp càng nhiều càng tốt. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta có thể trốn thoát được nghiệp khi vào trong phòng khóa kín cửa lại, để rồi làm bất cứ cái gì chúng ta muốn. Không thể chạy trốn được! Dù ở một mình hay với người khác, nghiệp quả đến một cách tự động, xảy ra một cách tự nhiên dù muốn hay không muốn.
Nếu chúng ta đã được dạy một đường lối duy nhất để thiền là hãy ngồi đó và đừng nghĩ gì cả thì chúng ta sẽ không còn thời giờ để thực hành nó nữa. Nghiệp cho biết rằng hầu hết những người Tây phương đều dùng cuộc đời của họ để làm việc hay để cho những sinh hoạt bên ngoài. Do đó, họ không có thì giờ để ngồi, chúng ta nên hiểu rằng thực hành Phật Pháp là một thực hành lâu dài. Thiền không phải là để tâm trống rỗng rồi đăm đăm nhìn vào một chỗ. Khi đã hiểu được cốt tủy của Phật Pháp thì chúng ta sẽ hiểu được có rất nhiều việc cho chúng ta làm, có rất nhiều việc để chúng ta phát triển. Điều này giúp chúng ta luôn luôn phấn khởi trên đường tu tập, ngay cả khi không thể tập trung tư tưởng chúng ta vẫn có thể thực hành Phật Pháp. Ở bất cứ đâu, đi bất cứ chỗ nào, với bất cứ ai hay với bất cứ một thiền giả nào, chúng ta đều có thể sống trong Phật Pháp. Khả năng này đến từ trí tuệ.
Không có trí tuệ, làm sao ta có thể hòa nhập trong Phật Pháp và có thể giải thoát khỏi những ràng buộc về ăn, ngủ và bài tiết? Khi có trí tuệ, không cần phải ở bên một vị thầy mới nhận lãnh được những lời dạy bảo, ta có thể học hỏi từ tất cả những vật chung quanh ta. Chúng ta có thể học từ sự chuyển động của các hành tinh, của sự thay đổi thời tiết, sự lớn lên và chết đi của cây cối, hay của bất cứ một hiện tượng nào. Điều này sẽ thực sự xảy ra khi chúng ta có trí tuệ. Trí tuệ của ta sẽ cho ta biết vị thầy thực của ta là ai, đây là một điều rất thực tế. Đó là điều Phật Giáo Tây Tạng muốn dạy cho chúng ta.
Hãy dành trọn cuộc đời của chúng ta để học hỏi và kinh nghiệm Phật Pháp. Đó là sức mạnh duy nhất mà chúng ta có thể làm được. Đó là con đường đi đến giác ngộ trong một đời hiện tại, vì thế chúng ta không nên tiêu phí một phút nào trong cuộc đời chúng ta. Đây là một lý luận tuyệt vời. Nếu chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào một ý niệm sai lầm là dành một giờ trong ngày để thiền, như vậy còn lại 23 giờ kia sẽ là giờ của tối tăm, của u mê, giờ của luân hồi, thì chắc chắn chúng ta sẽ phải cần vô số lượng thời gian để giác ngộ. Tin vào cái gì thì cái đó sẽ thành sự thật, cho dù điều đó đúng hay sai!
Lama Yeshe
Việt dịch: Vô Huệ Nguyên