Đức Padmasambhava đi tới Kim Cương Tòa (Vajrasana – Bồ Đề Đạo Tràng) ở Ấn Độ. Thỉnh thoảng, Ngài biến thành hàng trăm vị Tăng cúng dường lên ngôi chùa, đôi khi Ngài lại biến thành hàng trăm vị Yogi tiến hành các pháp tu khác nhau. Dân chúng vì thế hỏi thầy của Ngài là ai, Đạo Sư đáp rằng:
Ta không có cha và Ta không có mẹ.
Ta không có thầy cũng không có đạo sư.
Ta không có giai cấp cũng chẳng có tên gọi.
Ta là vị Phật tự sinh!
Mọi người đều thấy hoài nghi và bảo rằng, “Kẻ hiển bày vô số thần thông mà không có thầy chắc chắn là một ma quỷ”.
Đạo Sư Liên Hoa bèn quán chiếu rằng, “Mặc dù Ta là một Hóa thân tự sinh, nhưng để các thế hệ tương lại thấy sự cần thiết của một đạo sư, Ta phải hành xử như thể đang tìm kiếm một giáo lý ngoại và nội Mật thừa từ những đạo sư uyên bác và thành tựu của Ấn Độ”.
Nghĩ vậy, Ngài hướng về nơi Đạo Sư Prabhahasti cư ngụ.Trên đường, Ngài gặp hai vị Tăng Shakyamaitri và Shakyamitra, những người đang trên đường thọ nhận giáo lý từ Đạo Sư Prabhahasti. Sau khi kính lễ, Ngài thỉnh cầu giáo lý từ họ.
Hai vị này nghĩ rằng, “Ma-quỷ La-sát đã trở lại!”, và họ trở nên sợ hãi.
Đức Padmasambhava nói rằng, “Tôi sẽ không làm điều xấu nữa, xin hãy chấp nhận tôi!”.
Họ đáp, “Nếu thế, trước tiên hãy đưa cho chúng tôi vũ khí”. Sau đó, Ngài trao cho họ cung và tên sắt. Hai vị Tăng nói, “Bây giờ chưa phải lúc để chúng tôi dạy ông. Hãy đi đến nơi Kim Sí Điểu Đá Đỏ, nơi Đạo Sư Prabhahasti của chúng tôi đang sống”.
Ngài đến trước Prabhahasti, từ vị này, Ngài thọ giới xuất gia và được đặt Pháp danh Shakya Sengye (Sư Tử Thích Ca). Đạo Sư dạy Ngài ba phần vĩ đại của Yoga Tantra: Sundha Jnanaya, Yogacharyana và Tattvasamgraha (1) (Ba bản văn này xuất hiện với nhiều cách phiên âm khác nhau. Ví dụ, trong Chuyện Kể Về Việc Phát Lộ Những Kho Tàng Terma Qúy Giá, Đức Longchen Rabjam gọi là Yoga Jamuntaya, Tatvasamgraha và Yogacharya). Mặc dù Ngài hiểu tất cả những bản văn này ngay khi chúng được dạy, nhưng Ngài làm ra vẻ nghiên cứu chúng 18 lần và giả vờ được tịnh hóa che chướng. Cùng lúc đó, thậm chí không thực hành, Ngài vẫn có các linh kiến về 37 vị Bổn Tôn của Yoga Tantra.
Đức Shakya Sengye ngẫm rằng, “Ta sẽ thực hành giáo lý Mahayoga và thành tựu cả cấp độ Trì Minh Vương Trường Thọ và Trì Minh Vương Tối Thượng Đại Ấn”. Nghĩ vậy, Ngài liền đến gặp Đại Sư Manjushrimitra, vị đang sống ở núi Malaya.
Ngài thỉnh cầu giáo lý nhưng Đại Sư nói rằng, “Thời điểm vẫn chưa thích hợp để ta dạy con. Con phải đến mộ địa Rừng Đàn Hương, nơi Ni Sư Kungamo đang sống. Bà là một Dakini trí tuệ với nhiều ân phước lớn lao và thiện xảo trong việc ban các quán đảnh ngoại, nội và mật. Hãy đến đó và thỉnh cầu quán đảnh!”. Ngài đã được chỉ dẫn như vậy.
Đức Shakya Sengye đi đến mộ địa Rừng Đàn Hương, nơi Ngài gặp thiếu nữ Damsel Trẻ Trung đang đi lấy nước. Ngài đưa bức thư thỉnh cầu ban các quán đảnh ngoại, nội và mật. Chưa nhận được lời đáp trả, Ngài hỏi, “Cô quên thông điệp của tôi rồi à?”. Cô ta vẫn không thốt lên một lời, vì vậy Đạo Sư Liên Hoa dùng năng lực thiền định ghì chặt thùng và đòn gánh của cô ta xuống.
Không thể nhấc lên, cô rút một con dao pha lê trắng từ thắt lưng, nói rằng, “Ngài có chút năng lực, nhưng ta có thể làm điều kinh ngạc hơn!”. Nói vậy, cô rạch mở phanh lồng ngực để lộ ra 42 vị Bổn tôn an bình ở phần trên và 58 vị Heruka phẫn nộ ở thân dưới, như thế cô đã hiển lộ 100 vị Bổn tôn an bình và phẫn nộ.
Ngài nghĩ rằng, “Đây chắc hẳn là Ni Sư” và bắt đầu kính lễ và đi nhiễu quanh cô gái.
Tuy nhiên, cô nói, “Ta chỉ là nữ đầy tớ thôi. Hãy đi vào trong!”.
Ngài đi vào trong và gặp Ni Sư Kungamo đang ngự trên ngai. Được chư Daka bảo vệ, Bà đeo trang sức bằng xương và cầm tách sọ người cùng trống gỗ trên tay. Được bao quanh bởi 33 thiếu nữ, Bà đang tiến hành lễ tiệc cúng dường.
Sau khi cúng dường một mạn-đà-la, lễ lạy và đi nhiễu quanh Ni Sư Kungamo,Ngài thỉnh cầu quán đảnh ngoại, nội và mật. Sau đó, Bà biến Đức Shakya Sengye thành chủng tự HUM và nuốt Ngài, Bà trao các quán đảnh bên trong mạn-đà-la thân Bà. Phóng âm HUM qua hoa sen bí mật, Bà tịnh hóa các che chướng về thân, ngữ, tâm cho Ngài.
Quán đảnh bên ngoài là Phật Vô Lượng Quang Amitabha, Ni Sư Kungamo ban phước để Ngài thành tựu cấp độ Trì Minh Vương Trường Thọ. Quán đảnh bên trong là Đức Quán Tự Tại Avalokiteshvara, Bà ban phước để Ngài thành tựu cấp độ Trì Minh Vương Đại Ấn. Quán đảnh bí mật là Mã Đầu Minh Vương Hayagriva vinh quang, Bà ban phước để Ngài thu hút mọi Dakini Mamo, các vị thần thế gian và các tinh linh ma quỷ kiêu mạn. Cuối cùng, Bà ban cho Ngài danh hiệu bí mật Loden Chogsey – Thánh Chủng Trí.
Đức Loden Chogsey trở về gặp Đại Sư Manjushrimitra và bắt đầu nghiên cứu mọi giáo lý nội và ngoại về Đức Văn Thù Sư Lợi Manjushri. Sau đó, Ngài có linh kiến về Đức Văn Thù. Ngài du hành đi gặp Đạo Sư Hungkara và nghiên cứu mọi giáo lý về Vishuddha. Từ Đại Sư Prabhahasti Quang Tượng, Đức Loden Chogsey thọ nhận mọi giáo lý Kim Cương Phổ Ba Vajra Kilaya và có linh kiến về các Bổn Tôn Kilaya. Sau đó, Ngài tới gặp Đại Sư Nagarjunagarbha Long Thọ Tạng, và nghiên cứu mọi giáo lý triết học thuộc về nhân và giáo lý về Khẩu Liên Hoa. Dưới sự chỉ dạy của Đại Sư Buddhaguhya, Ngài nghiên cứu mọi giáo lý về sự hiển bày kỳ diệu của các Bổn Tôn an bình và phẫn nộ. Sau đó, Ngài du hành tới gặp Đại Sư Mahavajra và thọ nhận mọi giáo lý về Phẩm Tánh Cam Lồ. Đến gặp Đại Sư Shanskrita, Ngài nghiên cứu mọi giáo lý về tất cả các Bổn Tôn Mẹ vũ trụ. Kế đó, Ngài tới gặp Đại Sư Rombuguhya Devachandra, với vị này, Ngài nghiên cứu mọi giáo lý về Thờ Phượng Thế Tục. Từ Đại Sư Shantigarbha Tịch Tạng, Ngài thọ nhận mọi giáo lý về Đại Hung Mãnh Trở Chú và các mật chú phẫn nộ, điều phục những vị bảo hộ Pháp. Sau đó, Ngài khởi hành tới gặp Đại Sư Shri Singha, Ngài nghiên cứu mọi giáo lý về Đại Viên Mãn linh thiêng (1)
(Trong Chuyện Kể Về Việc Phát Lộ Những Kho Tàng Terma Qúy Giá, Đức Longchen Rabjam giải thích rằng Ngài Padmasambhava đã thọ nhận tiên tri từ Vajra Varahi: “Hỡi kẻ xứng đáng, giáo lý chân chính về đạo quả chỉ trong một đời là độc đáo và không được chứng ngộ bởi tất cả. Nó nằm trong Tâm Kim Cương của Shri Singha. Ở Rừng Gồ Ghề, con sẽ đạt chứng ngộ!”. Nhờ thần thông kỳ diệu, Đức Padmasambhava đi đến mộ địa Rừng Gồ Ghề chỉ trong một khoảnh khắc, ở đó Ngài lễ lạy trước Đại Sư Shri Singha và khẩn cầu được chấp nhận là đệ tử. Đức Shri Singha sau đó dạy Đức Padmakara trọn vẹn Ba Phần Đại Viên Mãn: Tâm, Hư Không và Chỉ dẫn, bao gồm Mật Điển Đại Viên Mãn Đồng Đẳng Hư Không Giới.
Đặc biệt, khi thọ nhận các bộ ngoại, nội và mật của Tâm Yếu Đại Quảng Trí, Đức Padmasambhava đã hỏi rằng, “Đại Sư, con thỉnh cầu Thầy hãy ban cho con chỉ dẫn cho phép thân vật lý biến mất trong chính đời này, tạo ra linh kiến về các cõi Báo thân và đánh thức Phật quả trong cõi Pháp thân”.
Shri Singha đáp, “Xuất sắc, con trai cao quý! Ta có một chỉ dẫn chót đỉnh của mọi giáo lý, cao nhất trong mọi tri kiến. Nó vượt khỏi mọi thừa và là tâm yếu của Chư Không Hành Nữ Dakini, nó bí mật hơn những bí mật thông thường. Nó là thừa vĩ đại của Tâm Yếu Kim Cương Chói Ngời, vượt khỏi niệm tưởng, thoát khỏi tri kiến thông thường và nằm ngoài phạm vi ý thức nhị nguyên. Nó không nằm trong những giới hạn của tồn tại hay không tồn tại và vượt qua các vấn đề của tri kiến và thiền định, phát triển và hoàn thiện. Nó là mẹ của tất thảy các Đấng Chiến Thắng trong ba thời, con đường tắt của mọi Trì Minh Vương vĩ đại, chỉ dẫn tuyệt đối và vô song, nhờ đó một người đạt đến được sự giác ngộ của Chư Phật chỉ trong ba năm. Ta sẽ dạy nó cho con!”.
Đức Shri Singha sau đó ban cho Ngài các quán đảnh Dzogchen Khandro Nyingthig, vô số bản văn về chỉ dẫn cách hành trì và giáo lý bổ trợ, 18 Mật điển Dzogchen Đại Viên Mãn: Mật Điển Gốc Dra Thalgyur, Mật Điển Đại Cát Tường, Mật Điển Phổ Hiền Tâm Cảnh, Mật Điển Bảo Diễm Huy Hoàng, Mật Điển Gương Tâm Kim Cương Tát Đỏa, Mật Điển Chân Tâm Tự Hiện, Mật Điển Trang Hoàng Trân Bảo, Mật Điển Khai Thị Trực Chỉ, Mật Điển Lục Đại Phổ Hiền Vương, Mật Điển Vô Tự, Mật Điển Sự Hiện Diện, Mật Điển Bảo Châu Mani, Mật Điển Tự Tánh Giải Thoát, Mật Điển Bảo Châu Thứ Đệ, Mật Điển Xá Lợi Huy Hoàng, Mật Điển Nhật Nguyện Giao Hòa, Mật Điển Đại Viên Mãn Tự Nhiên và Mật Điển Vô Biên Nhật Quang Phổ Hiền Vương Mẫu). Ngài đạt được sự thấu suốt ngay lập tức các giáo lý này, và không cần thực hành, Ngài có linh kiến về tất cả các Bổn Tôn. Giờ đây Ngài lừng danh với danh hiệu Loden Chogsey – Thánh Chủng Trí.
Đây là chương thứ ba trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách thức Ngài nương tựa các vị thầy, thọ nhận giáo lý và hiển bày việc huân tập tâm thức.
Nguyên tác: ĐẤNG SINH TRONG HOA SEN – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh
Biên soạn bởi: Yeshe Tsogyal
Được hiển lộ bởi: Nyang Ral Nyima Oser
Lời đề tựa bởi: Bậc Pháp Vương H.H Dilgo Khyentse Rinpoche
Được biên dịch từ tiếng Tây Tạng bởi: Erik Pema Kunsang
Hiệu đính bởi Marcia Binder Schmidt
Được biên dịch ra tiếng Việt bởi Liên Hoa Trí
Ở đây là phiên bản hiệu đính bởi Dharma Dipo, 2016