1. Duyên Khởi
Phần lớn các Pháp hữu của chúng ta ở Học Viện [Larung] đã quen thuộc với giáo lý này. Trong cuộc đời của mình, Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche (1933-2004) đã biên soạn nhiều giáo lý rõ ràng, súc tích và tuyệt diệu, chẳng hạn Giọt Khai Thị Chân Thành, Giọt Cam Lồ Khai Thị, Những Chỉ Dẫn Cốt Tủy Về Nhiếp Thọ Vạn Pháp và Đạo Ca Chiến Thắng. Đây không phải là những đề tài thông thường, rút ra từ hai hay ba năm nghiên cứu học thuật, mà là kết tinh trí tuệ đạt được nhờ nghiên cứu, quán chiếu và thực hành suốt đời của Kyabje Rinpoche. Dựa trên tự truyện và công hạnh trong suốt cuộc đời Ngài, sự chứng ngộ mà Kyabje Rinpoche đạt được đã minh chứng Ngài là một vị Thánh vĩ đại và đại Thành Tựu Giả trong mỗi đời từ thời của Phật Thích Ca Mâu Ni đến Đạo Sư Liên Hoa Sinh. Ngài không chỉ tích lũy rất nhiều thiện nghiệp trong các đời quá khứ, mà trong đời hiện tại, Ngài đã dành hơn 60 năm tập trung vào nghiên cứu, quán chiếu và thực hành những giáo lý của Đức Phật, bắt đầu từ thời thơ ấu lúc 5 hay 6 tuổi và kéo dài đến khi gần 70 tuổi, thời điểm Ngài biên soạn Đạo Ca Chiến Thắng; Kyabje Rinpoche đã hiến dâng trọn đời cho tất cả hữu tình chúng sinh và Phật giáo. Những từ ngữ và giáo lý của Ngài, rút ra từ kho tàng trí tuệ sâu sắc như vậy, thực sự rất quý giá.
Cá nhân tôi thường nghĩ lý do là bởi, mặc dù nhiều người viết và xuất bản các cuốn sách, họ thường dựa vào những tham chiếu bên ngoài và các ý nghĩ quan niệm của họ như là nguồn tài liệu. Bên cạnh đó, rất nhiều trong những tài liệu bên ngoài này thường được trích dẫn không theo văn cảnh, nhưng điều đó lại chẳng ngăn cản tác phẩm của họ khỏi sự phổ biến công khai rộng rãi.
Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche sống một cuộc đời rất khác với những người bình phàm trên thế gian. Trong khi phần lớn mọi người lập gia đình riêng sau khi tốt nghiệp, sau đó, dành cả đời cho con cái, gia đình, công việc và các vấn đề khác, Kyabje Rinpoche dành tất cả sức lực để hoằng dương Phật Pháp và làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh. Bởi điều này, các bộ luận của Ngài đều có những ẩn ý riêng, về mặt thời gian và giá trị, đặc biệt khi so sánh với các tác phẩm thế gian khác.
Những vị có trí tuệ sẽ hiểu trọn vẹn tính siêu việt của Đạo Ca Chiến Thắng sau khi họ nghiên cứu nó. Trong quá khứ, khi Kyabje Rinpoche ban cho chúng tôi các bài giảng, chúng tôi thường không nhận ra giá trị lớn lao của chúng, ít nhất là lúc đầu. Tuy nhiên, sau khi liên tục quán chiếu về nội dung của Phật Pháp và khi thời gian trôi qua, cùng với việc tiếp tục với nhiều giáo lý tâm linh và những kiểu ý nghĩ quan niệm khác nhau – chúng tôi nhận ra rằng Kyabje Rinpoche thực sự là vị tuyệt vời nhất trong tất cả nhân loại. Đây là suy nghĩ từ sâu thẳm trong tôi, dựa trên sự phân tích công bằng từ quan điểm khách quan, quan điểm tương tự với điều được miêu tả trong Xưng Tán Đức Phật. Tôi hy vọng các bạn cũng sẽ trải qua sự tự quán chiếu cẩn thận.
Về mặt lý thuyết, nhiều người chúng ta vẫn cần nghiên cứu Kinh điển và Mật điển, dựa trên Năm Bản Văn Đại Thừa Vĩ Đại. Nhưng cuộc đời rất ngắn ngủi và thật khó để nói xem liệu chúng ta còn sống được bao lâu. Không lâu trước đây, tôi đến Bắc Kinh. Khoảng một tuần trước khi khởi hành, tôi thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc từ bỏ sát sinh và việc giải phóng những con vật bị bắt với một Pháp sư ở Hạt Luhou. Chúng tôi đã thực sự rất hoan hỷ trong những buổi nói chuyện này. Tuy nhiên, Ngài đã viên tịch trong một tai nạn ngày hôm qua. Nhiều thay đổi có thể xảy ra trong cuộc đời chúng ta trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi. Không điều gì là chắc chắn. Vì thế, năm nay tôi dự định đẩy nhanh việc giảng Pháp. Nếu thời gian cho phép trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu các bộ luận liên quan khác.
Nhiều Pháp hữu ngoài Học viện chỉ mới vừa bắt đầu việc nghiên cứu và chưa tìm hiểu kho tàng Phật Pháp bao la và thâm sâu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không dấn sâu vào những nghiên cứu như vậy, chúng ta có thể không được trang bị tốt khi phải rời khỏi thế giới này. Bởi vậy, chúng ta cần lập tức tập trung vào sự hành trì thực sự.
Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche nhiều lần đề cập rằng Đạo Ca Chiến Thắng chứa đựng những ý nghĩa và ân phước gia trì quan trọng. Nếu một vị thầy Phật giáo hay một học trò trì tụng nó trước khi giảng dạy hoặc hành trì, anh ta sẽ có thể hoàn thành mong ước mà không gặp chướng cản và thoát khỏi các điều kiện bất lợi. Vì thế, tôi tin tưởng vững chắc rằng có một nguyên nhân sâu xa trong việc nghiên cứu bộ luận này. Điều này không lập tức rõ ràng nhờ lối suy nghĩ quan niệm.
Vô số những chướng ngại ma quỷ khởi lên trong thời đại suy đồi như hiện nay. Nhiều người chịu khuất phục ngay khi họ gặp phải vài chướng ngại. Điều này thật đáng buồn. Tôi thành tâm mong rằng các bạn sẽ vượt qua được mọi chướng ngại và hoàn thành thực hành chuẩn bị trong hai năm này. Đây sẽ là thành tựu lớn nhất trong cuộc đời các bạn. Khi chết, bạn sẽ không thể mang theo nhà cửa và của cải mà cha mẹ để lại; những lợi ích và tiền thưởng mà ông chủ chia cho bạn cũng chẳng thể theo bạn. Nhưng nếu bạn xây dựng một nền tảng vững chắc của thực hành chuẩn bị nhờ sự rèn luyện tâm thức thực sự, điều này sẽ là khởi đầu tốt lành cho các đời tiếp theo. Vì thế, tôi sẽ cùng với các bạn phát nguyện thực hành pháp tu sơ khởi. Để đảm bảo sự nghiên cứu và thực hành hoàn hảo cho bản thân và người khác, đầu tiên tôi sẽ bắt đầu bằng Đạo Ca (Doha) này, sự hiển bày tự nhiên từ trí tuệ của Kyabje Rinpoche.
2. Nguồn gốc của Đạo Ca Chiến Thắng
Nhiều người có lẽ đã biết về nguồn gốc của Đạo Ca này: Khi Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche lâm bệnh nặng vào năm 1995, đầu tiên, Ngài dự định viếng thăm Đài Loan vào tháng 9 năm đó và sau đấy đến Nepal nhập thất tại hang động của Đức Liên Hoa Sinh để thực hành Pháp tu Vô Lượng Thọ Phật trong một khoảng thời gian. Nhưng sau khi Kyabje Rinpoche đến Thành Đô, có vài vấn đề liên quan đến quá trình làm hộ chiếu của Ngài. Tình trạng vật lý của Ngài cũng trở nên nghiêm trọng hơn và bệnh viện tại Đại Học Y Tây Trung Hoa đã không thể chẩn đoán nguyên nhân căn bệnh của Ngài. Kết quả là, bậc thầy của chúng ta đã ở lại Metropolis International trong hơn năm tháng. Tôi đã ở bên Ngài trong suốt khoảng thời gian đó. Kyabje Rinpoche chủ yếu trụ trong trạng thái Định ngoại trừ lúc thọ trai. Ngài không thốt ra một từ. Tất cả chúng tôi ở bên Ngài đều rất lo lắng, bởi chúng tôi không biết nguyên nhân thực sự gây ra các vấn đề vật lý của Ngài. Nhưng, hồi tưởng lại quá khứ, chúng tôi vẫn rất hạnh phúc khi ấy, bởi trên tất thảy, bậc thầy vẫn ở bên chúng tôi. Giờ đây, làm sao chúng ta có thể tìm Ngài trong tam thiên đại thiên thế giới khi mà chúng ta nhớ Ngài và mong muốn gặp Ngài! Là con người bình phàm, chúng ta sẽ rất đau buồn khi không thể gặp hay tìm thấy bậc thầy. Thậm chí khi ấy, Ngài chìm trong im lặng, chúng ta vẫn có người để đỉnh lễ. Thật buồn làm sao khi chúng ta đã không nhận ra niềm hoan hỷ mà chúng ta vẫn còn có được khi ấy.
Trong quá khứ, một đêm, Đức Atisha, Ngài Dromtonpa, Mipham Rinpoche và Guru Lodramgon Ju Mio, cùng nhau xuất hiện trong một giấc mơ của Kyabje Rinpoche. Đức Atisha lặng lẽ nhìn Kyabje Rinpoche rất bi mẫn. Đức Dromtonpa nói rằng, “Chúng ta đến vì Tôn giả Atisha rất lo lắng cho con. Những con sóng to lớn trên đại dương này sẽ kết thúc vào ngày 10 tháng 3, con có hiểu ý nghĩa không?”. (Điều này nghĩa là Kyabje Rinpoche khi ấy sẽ hoàn toàn bình phục khỏi căn bệnh). Đức Atisha và Dromtonpa sau đấy tan hòa vào Pháp giới.
Mipham Rinpoche ngự trong tư thế oai hùng và cầu nguyện mãnh liệt đến Đức Liên Hoa Sinh trong khi hiển bày hình tướng cực phẫn nộ, để trục xuất mọi chướng cản ngoài, trong và bí mật và đánh bại mọi kiểu ma quỷ hiển bày từ sự vô minh và phân biệt. Sau đấy, Ngài tan thành ánh sáng và rời đi.
Guru Lodro từ ái nói rằng: “Con cần trụ trong trạng thái Đại Viên Mãn của hình tướng và tính không, bất khả phân với Tịnh Quang cố hữu; hãy làm lợi lạc hữu tình chúng sinh bằng Bồ đề tâm của ‘Tonglen’[1] sau khi con rời khỏi Định. Sau đấy, mọi điều kiện bất lợi sẽ biến mất vào hư không”. Kế đó, Tổ ban vài giáo huấn bổ sung rồi tan biến vào Tịnh Quang.
Kyabje Rinpoche bắt đầu bình phục dần dần và như Tổ Dromtonpa tiên đoán, đã hoàn toàn bình phục vào ngày 10 tháng 3. Chúng tôi trở về Học viện sau đó để chuẩn bị cung nghênh Ngài trở về. Ngài đã tự nhiên cất lên Đạo Ca Chiến Thắng. Hạnh phúc của tất cả tứ chúng đệ tử có mặt lúc đó là không thể miêu tả. Kyabje Rinpoche đặt tên cho đạo tràng của các đệ tử người Hoa là “Cõi Giới Kim Cương Chiến Thắng”, điều cũng biểu tượng cho việc giành thắng lợi.
3. Tựa đề: Đạo Ca Chiến Thắng – Diệu Âm Từ Trống Trời
Lý do của việc đặt tựa đề là Đạo Ca Chiến Thắng là hành giả có thể xua tan mọi chướng cản bên ngoài, bên trong và bí mật nhờ sự gia trì của bậc thầy và Tam Bảo và đạt được chiến thắng trọn vẹn.
“Diệu Âm Từ Trống Trời” xuất phát từ âm thanh tự nhiên rằng “tất cả chư thiên, đừng lo sợ” từ chiếc trống trời khi họ giao chiến với A Tu La. Với sự giúp đỡ của Diệu Âm này, chư thiên đánh bại A Tu La và chiến thắng. Vì thế, chúng ta cần thấy sự tương đồng giữa Đạo Ca Chiến Thắng với Diệu Âm Từ Trống Trời.
Đạo Ca này là kết tập tinh túy từ tất cả các phương pháp của Kinh thừa và Mật thừa và chứa đựng tinh hoa sâu xa nhất từ cả đời hành trì của Guru Rinpoche của chúng ta.
4. Các đoạn kính lễ
Đây là sự kính lễ trước Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Kyabje Rinpoche xem Bồ Tát Văn Thù là vị Bổn tôn trong suốt cuộc đời, đặc biệt sau khi Ngài gặp Bồ Tát tại Núi Ngũ Đài. Ngài đỉnh lễ Bồ Tát Văn Thù trước khi biên soạn mỗi bộ luận. Điều này cho thấy niềm tin lớn lao của tác giả.
Văn Thù Bồ Tát, Bổn tôn của tất cả hữu tình chúng sinh, trí tuệ của chư Phật từ khắp các cõi giới.
Kính lễ trước Đấng Đồng Tử Đáng Kính,
Nguyện cầu Ngài trụ mãi trong nhị của bông sen tám cánh trong tim con,
Xin gia trì để những từ ngữ của con đều sẽ làm lợi lạc mọi hữu tình chúng sinh.
Chư Phật khắp các thế giới trong mười phương là đấng bảo hộ của mọi hữu tình chúng sinh. Tinh hoa trí tuệ của chư Phật khắp mười phương là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, xuất hiện trong hình tướng cậu bé trai để làm lợi lạc mọi chúng sinh. Tác giả cầu nguyện rằng Bồ Tát Văn Thù sẽ soi sáng tim của bông sen tám cánh[2] của Ngài bằng ánh mặt trời chói sáng độc đáo đầy ân phước và sẽ trụ mãi mãi trong nhị của tâm sen. Ngài cầu nguyện rằng, với sức mạnh từ lòng bi mẫn, nguyện cầu những từ ngữ của Ngài có thể làm lợi lạc lớn lao tất cả hữu tình chúng sinh trên thế giới.
Kyabje Rinpoche biên soạn bộ luận này, không phải vì bình phục khỏi căn bệnh nặng, cũng chẳng vì mong ước trở nên giàu có hay đạt hạnh phúc vì bản thân. Thay vào đó, Ngài cầu xin ân phước gia trì của Bồ Tát Văn Thù để làm lợi lạc chúng sinh, tạm thời hay rốt ráo, thông qua từ ngữ và những giáo huấn của mình. Giống như vậy, chúng ta cũng cần xem xét động cơ của mình khi lắng nghe bài giảng của Ngài. Vài người luẩn quẩn mà chẳng có mục đích gì. Họ thấy người khác đến lớp, vì thế họ cũng theo những người này đến lớp. Vài người đến vì niềm vui, bởi họ nghĩ Đạo Ca Chiến Thắng có thể rất thú vị. Thực tế là, không động cơ nào như vậy là tốt. Mục đích của việc tham dự buổi giảng cần phải là để làm lợi lạc vô số hữu tình chúng sinh. Công đức của việc lắng nghe Giáo Pháp không phải vì chúng ta, mà vì mọi hữu tình chúng sinh. Mọi người cần có động cơ như thế.
Mọi người có thể nhận được lợi lạc từ ân phước gia trì của Bồ Tát Văn Thù. Chìa khóa nằm ở chỗ bạn có niềm tin hay không. Bồ Tát Văn Thù là tinh hoa trí tuệ của chư Phật và Bồ Tát khắp các thế giới của mười phương và được gọi là “cha của tất cả chư Phật”. Ngài sách tấn vô số hữu tình chúng sinh đạt Phật quả bằng cách giúp phát khởi Bồ đề tâm trong họ nhưng chính Ngài vẫn chưa thành Phật. Công đức của Bồ Tát Văn Thù được ghi chép trong các bản văn Phật giáo liên quan[3].
Đức Phật từng thuyết giảng trên Đỉnh Linh Thứu. Trong một thành phố bên dưới núi có cô gái điếm tên Tia Sáng Vàng Tuyệt Diệu. Cô ấy rất xinh đẹp và cực kỳ hấp dẫn. Kỳ lạ hơn, toàn bộ thân thể của cô ấy tỏa ra ánh sáng vàng. Vì thế, hoàng đế, thượng thư và tất cả đàn ông đều bị mê hoặc. Mặc dù chỉ là một cô gái điếm từ tầng lớp thấp kém, đám đông luôn vây quanh cô.
Ngày nọ, cô ấy cùng con trai của một thương gia đi mua sắm ở chợ. Họ định đến vui chơi ở một khu giải trí. Trên đường, Bồ Tát Văn Thù biến thành một chàng trai trẻ đẹp đẽ, bởi Ngài biết rằng các điều kiện đã chín muồi để cô ấy giác ngộ. Toàn bộ thân thể của Ngài tỏa ra ánh sáng chói ngời. Tia Sáng Vàng Tuyệt Diệu nhận ra rằng ánh sáng từ chàng trai trẻ vượt xa ánh sáng vàng của cô và khi cô đứng trong ánh sáng của chàng trai, ánh sáng của cô mờ dần và biến mất. Cô muốn quần áo của chàng trai và lập tức bỏ rơi con trai của thương gia. Cô rời khỏi chiếc xe mà họ đang đi và cố gắng quyến rũ chàng trai trẻ bằng vẻ đẹp.
Lúc đó, Bồ Tát Văn Thù cho phép Tỳ Sa Môn Thiên Vương khai thị cho cô ấy. Vì thế, vị này đã nói rằng, “Con không nên khởi lên lòng tham với cậu ấy. Đó là Bồ Tát Văn Thù, kết tinh tất cả trí tuệ của chư Phật. Ngài có thể hoàn thành mọi mong ước của con. Con cần gì?”. Tia Sáng Vàng Tuyệt Diệu nói, “Con chẳng cần gì ngoại trừ quần áo đẹp đẽ của Ngài”. Bồ Tát Văn Thù nói, “Nếu con bước vào cánh cửa Bồ đề, Ta sẽ trao nó cho con”. Bởi cô không hiểu điều đó nghĩa là gì, Bồ Tát Văn Thù bắt đầu trao các chỉ dẫn chi tiết.
Phật Thích Ca Mâu Ni cất lời tán dương, “Lành thay!” tại Đỉnh Linh Thứu trong lúc Bồ Tát Văn Thù thuyết giảng và điều đó làm chấn động tam thiên đại thiên thế giới. Đoàn tùy tùng hỏi Đức Phật lý do Ngài nói vậy. Đức Phật đáp, “Bồ Tát Văn Thù đang thuyết giảng Phật Pháp với lòng bi mẫn và trí tuệ để khai sáng cho một cô gái điếm. Các con có thể đến đó nếu muốn nghe”. Vì vậy, nhiều người trong các đệ tử của Phật đến chỗ Bồ Tát Văn Thù. (Gần đây, nhiều vị trong số những học trò này từ bỏ Bồ Tát Văn Thù và chạy khắp nơi khi vị đạo sư này hay vị khác đang trao quán đỉnh hay giảng Pháp. Kết quả là, chỉ có vài vị ở lại với vị thầy vĩ đại này.) Một số đệ tử sở hữu tuệ nhãn thanh tịnh thấy chân lý một cách rõ ràng và thuần khiết. Vài vị đạt được sự hiểu trọn vẹn về chân lý của tính không; vài vị đạt quả vị bất thối … và hàng vạn hữu tình chúng sinh nhận được lợi lạc tương ứng sau khi lắng nghe những giáo lý của Bồ Tát Văn Thù.
Tia Sáng Vàng Tuyệt Diệu cũng phát triển sự hiểu vững chắc về giáo lý rằng không có thứ gì có tự-tính. Cô ấy thực sự muốn đi theo Bồ Tát Văn Thù, rời nhà để sống cuộc đời của một hành giả Phật giáo trong cộng đồng của Tỳ Kheo Ni. Nhưng Bồ Tát Văn Thù nói với cô ấy rằng con đường xuất gia không nhất thiết nghĩa là cạo đầu, mà thay vào đó, phải tinh tấn thực hành Phật Pháp, từ bỏ ngã và khởi lên niềm yêu thích vì lợi lạc của người khác. Đức Văn Thù cũng khuyên cô gái trở về cỗ xe của con trai thương nhân và đi cùng anh ta.
Khi Tia Sáng Vàng Tuyệt Diệu và con trai của thương nhân đến khu vui chơi, họ đã có trải nghiệm về vô thường. Cô ấy chết trong tay của chàng trai. Ban đầu, chàng trai rất buồn. Nhưng khi thân thể của cô gái bắt đầu phân hủy, với máu và mủ chảy ra từ mắt, tai, mũi và miệng và mùi hôi tỏa ra từ thân thể, con trai của thương nhân trở nên cực kỳ sợ hãi và chạy thẳng đến Núi Linh Thứu để tìm kiếm sự gia hộ của Phật Thích Ca. Đức Thế Tôn trao truyền giáo lý cho anh ta và anh ta hiểu được chân lý về tính không. Đức Phật sau đó thọ ký rằng: “Nhờ sự gia hộ của Bồ Tát Văn Thù trong việc truyền cảm hứng về động cơ, Tia Sáng Vàng Tuyệt Diệu sẽ đạt Phật quả ở một cõi Tịnh độ trong tương lai. Cô ấy sẽ hiệu là Trân Quý Quang Phật. Và con trai của thương nhân sẽ trở thành một Bồ Tát (Thiện Hạnh Chói Ngời) với vai trò là đại diện của cô ấy”.
Con trai của thương nhân rất bối rối, “Tại sao học trò của Bồ Tát Văn Thù, Tia Sáng Vàng Tuyệt Diệu, sẽ thành tựu Phật quả? Còn con, đệ tử của Ngài, lại chỉ thành Bồ Tát?”. Anh ta không thể hiểu điều này. Đức Phật nói, “Công đức của Bồ Tát Văn Thù là không thể nghĩ bàn. Ta ban đầu cũng phát nguyện phát triển Bồ đề tâm trước Bồ Tát Văn Thù – như vô số chư Phật trong quá khứ đã làm, như vô số chư Phật hiện tại đang làm và như vô số chư Phật tương lai sẽ làm. …”.
Và như thế, Kyabje Rinpoche thường nhấn mạnh rằng chúng ta cần trì tụng Mật chú Văn Thù Sư Lợi thường xuyên hơn, cũng như cầu nguyện đến Bồ Tát Văn Thù nhiều hơn, bởi năng lực và ân phước gia trì từ Bồ Tát Văn Thù rất khác với tất cả các vị Phật khác. Điều này được ghi lại trong nhiều Kinh điển liên quan. Chúng ta không thể biết liệu ân phước gia trì của Phật Thích Ca hay Bồ Tát Văn Thù mạnh mẽ hơn nhờ các ý nghĩ quan niệm, nhưng có thể đánh giá theo những bản văn liên quan. Từ điều này, chúng ta có thể biết rằng nếu cầu nguyện liên tục đến Bồ Tát Văn Thù, chúng ta sẽ được ban tặng trí tuệ từ đời này sang đời khác. Cùng lúc, ân phước từ tất cả chư Phật có thể hòa nhập và thâm nhập vào dòng tâm thức chúng ta. Về bề ngoài, Văn Thù Sư Lợi chỉ là một vị Bồ Tát. Nhưng, theo những điều được đề cập trong các bản văn, thực sự, Ngài đạt Phật quả rất lâu trước kia. Vì vậy, sức mạnh của ân phước gia trì từ Ngài là cực kỳ đáng ngạc nhiên.
Từ thuở ấu thơ, Kyabje Rinpoche luôn có lòng sùng mộ chí thành với Bồ Tát Văn Thù. Ngài trì tụng Mật chú Văn Thù “OM A RA PA CA NA DHIH” lớn tiếng, ngay sau khi chào đời, theo tiểu sử của Ngài ghi lại. Lên 6 tuổi, Ngài tìm thấy một bản sao Quán Đỉnh Ngữ Sư Tử Văn Thù Sư Lợi, cất giấu giữa những tảng đá và nhận ra một đoạn kệ ở cuối, nói rằng một ông lão ở xứ thiêng Ấn Độ ở tuổi 99, chỉ sau một ngày thực hành, Bồ Tát Văn Thù xuất hiện và ông ấy trở thành Thành Tựu Giả. Kyabje Rinpoche khi ấy chưa biết đọc và không thể nhận ra bất cứ từ ngữ nào, nhưng Ngài cầu nguyện và thực hành với niềm tin chân thành sau khi thấy bản văn này. Kyabje Rinpoche nghĩ, “Nếu ai đó già như vậy có thể gặp Bồ Tát Văn Thù chỉ sau một ngày hành trì, tôi có thể thực hành và đạt thành tựu không chút vấn đề bởi tôi còn rất trẻ”. Ngài rất háo hức và thực hành với sự tập trung trong vài ngày. Kết quả là, Ngài có nhiều dấu hiệu thành tựu và tự nhiên làm chủ mọi bản văn và bình giảng về Kinh điển và Mật điển.
Như thế, cánh cửa trí tuệ sẽ khai mở với chúng ta chừng nào chúng ta còn cầu nguyện đến Bồ Tát Văn Thù. Người ta thường than phiền rằng, “Thưa thầy, con quá ngu dốt chẳng thể học hỏi. Xin hãy thổi vào con, đánh hay chạm vào con để ban gia trì”. Điều này có thể hữu hiệu nếu vị thầy là một Thành Tựu Giả, nhưng sẽ không hữu ích nếu vị thầy chỉ là một người bình phàm. Tuy nhiên, nếu bạn cầu nguyện đến Bồ Tát Văn Thù với niềm tin, bạn chắc chắn sẽ được gia trì. Trong quá khứ, khi viếng thăm Ngũ Đài Sơn, tôi liên tục hy vọng rằng tôi sẽ được diện kiến Bồ Tát. Mặc dù tôi tràn ngập niềm tin tuyệt vời như vậy và tôi thực sự không gặp Bồ Tát Văn Thù, tôi đã được gia trì theo nhiều cách khác nhau. Trước hành trình, tôi không thể trì tụng Ước Nguyện Đại Viên Mãn hay Xưng Tán Diệu Cát Tường, nhưng sau khi đọc những bản văn này vài lần lúc tôi ở đó, tôi có thể ghi nhớ và trì tụng chúng. Chúng ta có nhiều cấp độ nhận thức khác nhau, bởi sức mạnh của niềm tin khác nhau, nhưng chừng nào chúng ta còn được ban phước bởi Bồ Tát Văn Thù, mọi bản văn và luận giảng trong Kinh điển và Mật điển sẽ hiển bày trong tâm. Chúng ta không cần phải nản lòng, giống như nhiều Pháp hữu, người quán chiếu, cố gắng ghi nhớ, rồi sau đó nhanh chóng quên đi mọi thứ.
Dĩ nhiên, chúng ta cần sử dụng trí tuệ để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Đừng hành xử như một số cá nhân hiện nay, cố gắng lừa dối người khác bằng trí thông minh. Gần đây, tôi có mặt trong một đám đông lớn và chứng kiến một người tuyên bố rằng một vị đạo sư đã khẳng định anh ta là vị tái sinh của Bồ Đề Đạt Ma. Anh ta được vây quanh bởi một nhóm những đệ tử cực kỳ thành kính và rõ ràng cảm thấy rất tự tin về bản thân. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ anh ấy là thật. Sau khi đọc tiểu sử, tôi lập tức có niềm tin với người này. Nhưng khi đọc kỹ hơn, tôi nhận ra rằng, trong tiểu sử có ghi anh ta nhận được một bằng “tiến sĩ”. Trí tò mò của tôi khởi lên và tôi muốn làm sao mà anh ta có được sự công nhận này. Sau đấy, tôi kiểm tra bản tiểu sử tiếng Tạng, điều liệt kê các buổi giảng Pháp mà anh ta đã tham dự. Thứ mà anh ta nhận được không phải là “bằng tiến sĩ” mà chỉ là “giấy chứng nhận tham dự”. Hơn thế nữa, khi tôi đọc bản tiếng Tạng để xác thực lời giới thiệu rằng một vị đạo sư đã khẳng định anh ta là vị tái sinh của Bồ Đề Đạt Ma, tôi thấy bản Tạng ngữ chỉ tuyên bố rằng một vị đạo sư cảm thấy anh ta là vị tái sinh như vậy và cần những vị khác kiểm chứng. Có một dấu hỏi đặt ở cuối nhưng không có câu trả lời chắc chắn. Tuy nhiên, bản tiếng Trung chỉ ra rằng anh ta là chân thật. Bởi vị Phật “sống” này rất nổi tiếng, chúng tôi chẳng dám nói một lời.
Vì vậy, nếu trí thông minh trở thành một phương tiện để lừa dối hữu tình chúng sinh, nó làm hại bản thân và cả người khác. Đức Longchenpa nói trong An Trú Trong Chân Tính Về Đại Viên Mãn rằng, mặc dù vài đạo sư được vây quanh bởi môn đồ nhiều như giòi, họ chỉ có thể dẫn dắt bản thân và môn đồ đến ba cõi thấp hơn. Điều đó là vô nghĩa. Nếu bạn thực sự vị tha, bạn sẽ không bao giờ làm điều gì lừa dối người khác, bạn cũng không làm gì không hòa hợp với Giáo Pháp. Ngay cả khi những hành động của bạn lệch hướng một chút khỏi Giáo Pháp, động cơ của bạn không phải vì bản thân, mà vì lợi lạc của hữu tình chúng sinh. Bởi chúng ta đều là hành giả của Phật Pháp, vị tha là tiền đề của chúng ta bất kể chúng ta ở đâu trên con đường. Với tiền đề như vậy, rất nhiều hành vi của chúng ta thực sự có ý nghĩa ẩn mật sâu xa, mặc dù về bề ngoài, chúng có vẻ là đối nghịch với Giáo Pháp!
5. Lời khuyên về Thực hành Mật thừa
Những giáo lý và chỉ dẫn cốt tủy của Kyabje Rinpoche bao trùm bốn phần: 1. Lời khuyên về Thực hành Mật thừa, 2. Phát Bồ đề tâm, 3. Phát tâm xả ly và 4. Phát triển tính cách thiện lành.
Các giai đoạn tuần tự của bộ luận này rất rõ ràng. Trong tác phẩm Những Giáo Huấn Căn bản Của Phật Giáo, đạo sư Tsongkhapa vĩ đại nói về ba con đường chính yếu của tâm xả ly, Bồ đề tâm và trí tuệ bất nhị. Ở đây, chúng ta đang thảo luận “bốn con đường chính yếu”. Tại sao? Trí tuệ bất nhị bao trùm Kinh thừa và Mật thừa. Những Giáo Huấn Căn Bản Của Phật Giáo trình bày trí tuệ bất nhị của Trung Đạo trong Kinh thừa. Bộ luận này miêu tả trí tuệ bất nhị của Đại Viên Mãn vô song trong Kim Cương thừa trên nền tảng của Trung Đạo trong Kinh thừa. Đó là trạng thái siêu việt, xứng đáng để hành giả tâm linh theo đuổi. Làm sao chúng ta có thể đạt được Đại Viên Mãn như vậy? Với Bồ đề tâm. Theo Nhập Bồ Tát Hạnh, những vị với công đức tốt nhất vẫn không thể đạt giác ngộ mà không có Bồ đề tâm. Làm sao chúng ta có thể đạt được Bồ đề tâm? Với tâm xả ly. Làm sao chúng ta đạt được tâm xả ly? Với thiện hạnh. Nếu chúng ta đảo ngược trình tự, kết quả của thực hành sẽ bắt đầu bằng: “Chúng ta cần phải thiện lành”. Tiếp theo là phát khởi sự xả ly bằng cách từ bỏ sự bám chấp với ham muốn thế gian. Kế đó, chúng ta cần phát khởi Bồ đề tâm để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Cuối cùng, trên nền tảng như vậy, chúng ta đã sẵn sàng thực hành Kim Cương thừa hay Pháp Trí Tuệ Ba La Mật.
Hãy thử nghĩ xem, có tám vạn bốn nghìn pháp môn trong giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni. Tôi đã thấy hàng tấn sách Phật giáo tại các hiệu sách ở Hồng Kông, Mỹ và Trung Quốc. Nếu chúng ta muốn nghiên cứu tất cả những Kinh điển và bộ luận này, chúng sẽ tạo ra một bộ sưu tập lớn như đại dương. Làm sao chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong một đời ngắn ngủi? Nhưng ở đây, tất cả giáo lý được tóm lược để chúng ta hiểu trọn vẹn một điều: Chúng ta cần thực hành trí tuệ bất nhị để đạt Phật quả; trí tuệ bất nhị lại đến từ tâm xả ly, Bồ đề tâm và thiện hạnh. Những giáo lý cốt tủy này đã thâu nhiếp tinh hoa của tất cả Giáo Pháp. Với sự hiểu đó, chúng ta cần thực hành theo hướng như vậy một cách đúng đắn.
Kyabje Rinpoche thực sự rất khác thường và tôi không tán thán Ngài chỉ bởi vì Ngài là Bậc Thầy Tôn Quý của tôi. Ngày nay, vài người luôn phủ định, thậm chí khi chư đạo sư của họ phạm phải những lỗi lầm, “Không, không, thầy của tôi là Phật. Làm sao Phật lại sai lầm?!”. Nó giống như một thành ngữ phổ biến ở vùng Tây Tạng: “Bạn ngậm thịt của người khác trong miệng nhưng vẫn không thừa nhận bạn là trộm”. Chúng ta không giống như vậy. Thay vào đó, sự đánh giá của chúng ta dựa trên hai khía cạnh của sự đóng góp cho Phật giáo và lợi lạc cho bản thân. Thực sự, Kyabje Rinpoche đã hóa hiện giống như một vị Phật chân chính để giác ngộ hữu tình chúng sinh trong thời đại suy đồi này.
6. Công đức của việc thực hành Kim Cương thừa vô song
Đại Viên Mãn, sâu xa và ngời sáng,
Chỉ nghe các đoạn kệ cũng giúp người ta phá vỡ gốc rễ của luân hồi,
Giải thoát đạt được trong sáu tháng hành trì.
Con sẽ khắc sâu điều này trong tâm.
Đại Viên Mãn vô song, tuyên thuyết tinh túy chói ngời của Phật tính, rất khó để người bình thường hiểu trọn vẹn và thường bị nói xấu bởi những kẻ thiếu trí tuệ[4]. Tuy nhiên, người ta có thể cắt đứt nguyên nhân gốc rễ của luân hồi đơn giản nhờ lắng nghe những đoạn kệ và những vị với căn cơ cao có thể đạt giải thoát nếu họ thực hành một cách tinh tấn trong sáu tháng. Vì thế, chúng ta cần phải khắc ghi sâu sắc Đại Viên Mãn trong tâm.
Những công đức của Đại Viên Mãn không thể miêu tả bằng từ ngữ. Có giải thoát bằng sự ngửi, giải thoát bằng xúc chạm, giải thoát bằng sự thấy và giải thoát bằng cách đeo. Bạn sẽ giải thoát chỉ nhờ lắng nghe từ ngữ, chạm vào các bản kinh, hiểu ý nghĩa hay đeo một Pháp khí trên thân thể. Những công đức của Giáo Pháp Mật thừa vô song thật khó mường tượng với người bình thường. Nó giống như một bé trai chăn gia súc, cưỡi trên lưng Yak mỗi ngày – cậu bé thậm chí chưa từng ngồi trên máy kéo, chứ đừng nói đến việc biết đến sự tồn tại của máy bay. Vì vậy, nhiều người không tin tưởng vào những lợi lạc của thực hành Đại Viên Mãn nếu họ chưa từng có trải nghiệm về việc thực hành nó.
Mặc dù tôi chưa thực sự giác ngộ, tôi đã dấn thân vào việc quán chiếu, sử dụng trí tuệ của bản thân trong hơn hai mươi năm qua. Tôi cũng đã nhận thấy và đạt được vài lợi lạc thực sự. Nếu ai đó trích dẫn những thuật ngữ từ Đại Viên Mãn mà không theo ngữ cảnh và kết luận rằng Kim Cương thừa không phù hợp với Giáo Pháp, lời đáp lại duy nhất của tôi sẽ là nụ cười khúc khích bởi nó chỉ cho thấy người đó nông cạn thế nào. Ngoài ra, chẳng có điều gì mà họ có thể nói cung cấp bất cứ sự hỗ trợ khó hiểu nào hay suy ra bất cứ điều gì phản bác lại Kim Cương thừa.
Vài người thuộc Phật giáo Trung Hoa không hiểu về Kim Cương thừa. Phần lớn họ chưa bao giờ đến Tây Tạng. Thậm chí những người đã đến Tây Tạng và nghiên cứu với các hành giả của Phật giáo Tây Tạng trong hai hay ba tháng có thể vẫn không hiểu một vài trong số những lý luận căn bản nhất trong Đại Viên Mãn. Trong quá khứ, tôi đã gặp nhiều người với bằng Tiến sĩ và các kiểu bằng cấp sau-Tiến sĩ, những người ban đầu rất kiêu ngạo. Họ nghĩ rằng Phật giáo thì đơn giản giống như vật lý và hóa học. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với Phật Pháp, họ thậm chí không thể hiểu được những kết luận căn bản của Trung Đạo và Lô-gic Phật giáo (Pramanavada – nhận thức học, Hetuvidyā – nhân minh học), chứ đừng nói gì đến Đại Viên Mãn. Sau đấy, họ bắt đầu dần dần phát triển niềm tin với Phật Pháp.
Thậm chí nếu chúng ta chỉ nghiên cứu vài đoạn kệ từ Đại Viên Mãn, chúng ta có thể cắt đứt những nguyên nhân gốc rễ của luân hồi sinh tử trong tam giới. Theo Tứ Bách Kệ Tụng của Tôn giả Thánh Thiên, những người hoài nghi về Trung Đạo vẫn có thể cắt đứt luân hồi xoay vòng trong tam giới. Điều này còn đúng hơn với những người đã tìm hiểu về Kim Cương thừa vô song. Nếu hành giả với niềm tin tuyệt vời và sự xác quyết mạnh mẽ thực hành theo đúng với Giáo Pháp và tuân theo trình tự của sự chuẩn bị, phần chính yếu và kết thúc, người đó có thể đạt giải thoát trong sáu tháng. Mật điển Vajra Panjara nói: “Nếu một người đã thực hành trong sáu tháng với niềm tin và sự xác quyết không dao động, họ sẽ có khả năng đạt Quả vị Kim Cương Trì Thiện Thệ”. (Điều này cũng được trích dẫn trong Năm Mươi Đoạn Kệ Về Phụng Sư Đạo Sư). Thệ Nguyện Mật Thừa cũng đề cập rằng: “Với niềm tin và sự xác quyết không dao động, hành giả sẽ đạt quả vị Kim Cương Trì Thiện Thệ trong sáu tháng”. (Điều này cũng được trích dẫn trong An Trú Trong Chân Tính Về Đại Viên Mãn và An Trú Trong Thiền Định.) Người ta có thể đạt quả vị Kim Cương Trì trong khoảng thời gian sáu tháng ngắn ngủi nếu họ tinh tấn thực hành với tâm kính trọng và niềm tin. Điều này được tuyên bố rõ ràng hơn trong Chetsun Nyingthig và Longchen Nyingthig (Tâm Yếu Từ Cõi Giới Bao La Của Đại Viên Mãn). Vài người trong số các bạn ở đây có thể chưa từng thọ nhận quán đỉnh. Nhưng bởi chúng ta đang không thảo luận về thực hành Pháp tu thực sự, cũng vẫn ổn khi chỉ đề cập đến các công đức.
Cá nhân tôi đã chứng kiến nhiều dấu hiệu cát tường xuất hiện trước khi chết ở nhiều vị trong số các đệ tử truyền thừa của Kyabje Rinpoche sau khi họ thực hành Đại Viên Mãn và đạt quả vị Thành Tựu Giả. Trong quá khứ, tôi đã biên soạn một bộ luận về việc đắc Thân Cầu Vồng[5]. Bạn có thể đã từng đọc nó. Trong số những vị trở thành thành tựu giả trong sáu tháng, tôi đặc biệt ấn tượng với một vị Tỳ Kheo Ni tên Ming Hui. Tôi đã nhắc đến Sư Cô rất nhiều lần trong các buổi giảng: Sư Cô có niềm tin lớn lao với Kim Cương thừa. Ban đầu, Sư Cô được điều trị ở Trung Quốc vì các vấn đề về sức khỏe. Sau đấy, Sư Cô biết rằng Kyabje Rinpoche sắp giảng dạy Kim Cương thừa ở Học Viện. Sư Cô cảm thấy cuộc đời vô thường và không biết mình còn có thể sống bao lâu trên đời, Sư Cô kiên quyết trở về tu viện để tu học với Kyabje Rinpoche. Kyabje Rinpoche giảng về An Trú Trong Chân Tính Về Đại Viên Mãn-Ba Nền Tảng và Ba Thiện Hạnh trong khoảng 100 ngày và Sư Cô đã tu học rất miên mật trong khoảng thời gian đó. Sư Cô xuống núi để tiếp tục được bác sĩ chữa trị vào ngày 1 tháng 9 năm 1993 sau khi lớp học kết thúc. Vào ngày 1 tháng 3 năm 1994, người chăm sóc và cũng là Pháp hữu của Sư Cô – Tỳ Kheo Ni Zhen Ru gọi điện thoại cho tôi từ Tu viện Jinfeng (hay Phượng Hoàng Vàng) ở thành phố Ya’an (Nhã An). (Khi ấy, tại Tu viện còn chẳng có đường dây điện thoại tốt, chứ đừng nói đến điện thoại di động. Chỉ có một chiếc máy bàn.) Sư Cô nói với tôi rằng Tỳ Kheo Ni Ming Hui đã viên tịch. Lúc mất, Sư Cô ngự trong tư thế oai nghiêm và liên tục cầu nguyện đến bậc thầy truyền thừa Đại Viên Mãn của Sư Cô và Đức A Di Đà. Thân thể Sư Cô bắt đầu thu nhỏ và mọi loại dấu hiệu cát tường xuất hiện. Tôi đã kiểm tra thời gian: chính xác sáu tháng từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc; thậm chí không lệch một ngày. Đây là một sự kiện rất hiếm có.
Vì thế, tôi tin tưởng chắc chắn rằng với ân phước gia trì của Kim Cương thừa, người ta có thể thành tựu quả vị Thành Tựu Giả trong sáu tháng. Hôm nay, tôi chợp mắt một chút lúc trưa và đã nằm mộng về Sư Cô. Có những điều nhất định mà tôi không thể nói rõ. Nếu tôi nói quá nhiều, sẽ có đủ kiểu suy đoán thế gian …Sư Cô không phải lúc nào cũng xuất hiện là rất thông tuệ, nhưng thực sự có niềm tin rất mạnh mẽ. Các điều kiện tiên quyết, với những người có căn cơ cao, để thực hành Đại Viên Mãn về cơ bản là niềm tin và sự xác quyết. Những người có niềm tin mạnh mẽ nhất với chư đạo sư của họ và Tam Bảo thường sẽ có lòng sùng mộ mạnh mẽ với Kim Cương thừa đến mức họ không bao giờ từ bỏ dù cho đang ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Những người này sẽ thành tựu và chiến thắng. Bởi vậy, Kyabje Rinpoche từng bình luận rằng: “Thật rất khó khăn để gặp gỡ Đại Viên Mãn trong thời đại suy đồi hiện nay, bởi đó là con đường cực kỳ tuyệt diệu”. Chúng ta cần khắc ghi những lời này trong tâm.
Với các Pháp hữu của chúng ta ở trong tu viện, các bạn chắc chắn đều đã nghiên cứu Kim Cương thừa. Nhưng những người bên ngoài có thể chưa có được cơ hội như vậy. Điều này cũng không sao. Cuốn sách Lời Vàng Của Thầy Tôi – Chỉ Dẫn Về Các Thực Hành Sơ Khởi Cho Tâm Yếu Của Cõi Giới Bao La Từ Đại Viên Mãn, điều mà chúng ta sẽ học ngay sau đây, cũng là một phần của Kim Cương thừa. Từ giờ trở đi, chúng ta sẽ bắt đầu thực hành. Nhiều người đang nghiên cứu Kim Cương thừa ngày nay, tin rằng họ phải quán chiếu với sự thanh tịnh nguyên sơ để tìm ra bản tính của tâm một cách hiệu quả. Nhưng tôi không hoàn toàn chấp nhận điều này bởi nó không phải lúc nào cũng đúng. Là con người bình phàm, người ta phải bắt đầu bằng thực hành sơ khởi, kế đó là thực hành phần chính yếu, thông qua quán đỉnh. Nhận thức và trạng thái giác ngộ hoàn toàn khác biệt theo cách tiếp cận này. Vì vậy, điều quan trọng là tuân theo trình tự khi thực hành. Đức Longchenpa, Mipham Rinpoche và Jigme Phuntsok Rinpoche đều đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt. Nhưng ngày nay, vài vị thầy, có lẽ bởi cách tiếp cận độc đáo của họ trong việc chấp nhận và giảng dạy đệ tử, đã đảo ngược các giai đoạn của con đường bằng cách giới thiệu với đệ tử thực hành chính yếu trước thực hành sơ khởi. Như thế, nó giống như vẽ bức tranh đẹp đẽ trên tường trong khi nền móng của tòa nhà vẫn chưa được ổn định. Nguy cơ là sau một thời gian, toàn bộ có thể sụp đổ. Vì vậy, tốt hơn là chúng ta vẽ những họa tiết trên tường chỉ sau khi nền móng đã vững chắc và an toàn.
Ở đây, Kyabje Rinpoche nói với chúng ta rằng, bởi Đại Viên Mãn là rất vi diệu, chúng ta không nên từ bỏ hay phỉ báng nó. Nếu bạn thực sự không thể phát khởi niềm tin, bạn có thể thảo luận nó với những vị thầy của Phật giáo Tây Tạng. Bạn không nên có những thành kiến chống lại Giáo Pháp Mật thừa mà không có nguyên nhân hợp lý. Trong quá khứ, vài vị tu sĩ lỗi lạc của Phật giáo Trung Hoa không tin tưởng Kim Cương thừa, nhưng sau đó có những hối tiếc và rất ăn năn[6]. Chúng ta đã nhắc đến điều này nhiều lần.
Đại Viên Mãn vô song thì vô cùng siêu việt – Mipham Rinpoche nói trong vài bài giảng của Ngài rằng: “Trong thời đại suy đồi, hữu tình chúng sinh chịu nhiều phiền não sâu sắc và nặng nề, điều không thể dễ dàng bị điều phục bởi các phương pháp khác trong Phật Pháp. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cắt đứt mọi phiền não bằng Đại Viên Mãn vô song trong Kim Cương thừa”. Tôi đã suy nghĩ kỹ lưỡng về vấn đề này rất nhiều lần. Sẽ không hữu hiệu nếu chúng ta gạt Kim Cương thừa siêu việt sang một bên và sắp xếp để thảo luận vài phương pháp trong Kinh thừa mỗi ngày. Kinh thừa rất tốt và các giáo lý rốt ráo của Kinh thừa rất gần với Kim Cương thừa. Nhưng chúng ta đều cần biết về sự thật, sau khi đã tiến hành nghiên cứu trong thời gian dài như vậy, rằng các khía cạnh nhất định của Kinh thừa vẫn là điều gì đó khác với Mật thừa. Chúng ta không phản đối Kinh thừa, tuy nhiên các bạn sẽ hiểu những phân chia sau khi đã nghiên cứu nó.
Vì thế, tôi kiên quyết yêu cầu các bạn thêm vào các thực hành sơ khởi, bắt đầu từ năm nay. Theo ước tính ban đầu của tôi thì số lượng học sinh đăng ký các lớp về Lời Vàng Của Thầy Tôi: Chỉ Dẫn Về Các Thực Hành Sơ Khởi Về Tâm Yếu Của Cõi Giới Bao La Từ Đại Toàn Thiện và Tịnh Độ: Giáo Huấn Tây Tạng Về Pháp Tịnh Độ sẽ là 50-50. Nhưng dựa trên thông tin gần đây từ các địa điểm, phần lớn mọi người đăng ký lớp đầu tiên. Số còn lại đăng ký lớp Tịnh Độ: Giáo Huấn Tây Tạng Về Pháp Tịnh Độ, bởi tuổi tác và các mối bận tâm cá nhân khác. Có vẻ như đa số mọi người thực sự có kiến thức khá tốt về Kim Cương thừa. Trong quá khứ, người ta không biết về những ưu thế của Giáo Pháp Mật thừa, bởi các lý do như giao thông, khác biệt về ngôn ngữ, truyền thống quốc gia và nền tảng lịch sử. Nhiều người vội vã kết luận rằng Giáo Pháp Mật thừa không đúng với Giáo Pháp, nhưng điều đó chỉ dựa trên hành vi giả tạo của vài người đang nhân danh Kim Cương thừa. Thực sự, đây không phải là tinh túy đích thực của Giáo Pháp Mật thừa. Bởi chúng ta đã có cơ hội nghiên cứu Giáo Pháp Mật thừa cùng nhau, tôi hy vọng chúng ta sẽ làm vậy với niềm tin chân thành.
7. Nguyên nhân và Điều kiện để Thực hành Kim Cương thừa
Này những kẻ có phước báu gặp được Giáo Pháp siêu việt như vậy,
Con chắc chắn đã tích lũy thiện nghiệp trong nhiều đời
Bởi con có cùng niềm yêu thích với Đức Phổ Hiền,
Nguyện cầu tất cả chúng ta hoan hỷ trong Giáo Pháp vĩ đại này.
Với những vị có cơ hội gặp gỡ Đại Viên Mãn, điều này đến từ công đức được tích lũy trong nhiều đời. Thực sự, để có khả năng gặp gỡ Mật Pháp như vậy giống như có cùng nghiệp lực với Đức Phổ Hiền và tất cả các Pháp hữu cần phải rất hoan hỷ.
Tất cả chúng ta đã có phước báu lớn lao trong đời này khi được gặp gỡ Bậc Thầy Tôn Quý của chúng ta và nghe Ngài giảng dạy Mật Pháp, thọ nhận quán đỉnh và chỉ dẫn. Vài đệ tử Kinh thừa thậm chí đã có cơ hội trì tụng Mật chú Lăng Nghiêm, Phật Đỉnh Đại Bạch Tán Cái Đà La Ni và Mật Chú Vãng Sinh Cực Lạc[7]. Những kết nối tuyệt diệu như vậy với Mật thừa hoàn toàn là kết quả của thiện nghiệp tích lũy từ nhiều đời trước kia. Đức Longchenpa đã đưa ra hai kết luận trong Kho Tàng Tối Thượng Thừa:
Bởi chúng ta đã gặp được Kim Cương thừa vô song trong đời này, chúng ta chắc chắn đã cúng dường và phụng sự vô số chư Phật trong các đời quá khứ và cũng đã là môn đồ của chư vị.
Bởi chúng ta đã gặp gỡ Kim Cương thừa vô song, chúng ta chắc chắn sẽ thành tựu chứng ngộ trong đời hiện tại, trong Bardo hoặc trong đời tương lai. Các kết luận từ Lô-gic Phật giáo (Pramanavada, Hetuvidyā) đã chứng minh rằng mọi chúng sinh có thiên hướng siêu việt nếu họ đã lắng nghe và nghiên cứu Kim Cương thừa.
Vài người đã thọ nhận quán đỉnh của truyền thừa Mật giáo, nhưng họ vẫn hỏi rằng, “Thưa thầy, con có phước báu để nghiên cứu Kim Cương thừa không?”. Thật là một câu hỏi ngu dốt. Thực tế là, tôi có thể khẳng định rằng nếu bạn đã gặp được Mật Pháp trong đời này, bạn không chỉ có thiên hướng với Kim Cương thừa trong đời này, mà cũng có nó trong các đời quá khứ của hàng tỷ năm trước. Tôi không nói vậy chỉ như một ý nghĩ quan niệm. Điều này được chính Đức Longchenpa, vị mà tất cả người Tây Tạng đánh giá cao, nhận xét.
Thực sự, bạn đang đang có cùng hoàn cảnh với Đức Phổ Hiền, bởi bạn đã gặp được Mật Pháp trong đời hiện tại. Bởi vì Giáo Pháp siêu việt này, Đức Phổ Hiền đã đạt trạng thái tự-chứng ngộ và giải thoát trong một phần của giây. Như Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh có giải thích, một người bị lạc và lang thang trên đường, có cảm giác rằng anh ta ở gần ngôi làng. Khi anh ta thấy một người chăn trâu, anh ta biết rằng mình sẽ bỏ lại đằng sau nỗi sợ hãi về những con đường sai lầm. Giống như vậy, chúng ta đã gặp gỡ được các thiện tri thức tâm linh vĩ đại và Kim Cương thừa và vì thế, giống như con cá đã mắc câu và chắc chắn sẽ bị kéo lên bờ, chúng ta sẽ nhanh chóng đạt giải thoát.
Bởi vậy, Kyabje Rinpoche nói một cách khiêm nhường về điểm này: “Hỡi tất cả các Pháp hữu, các con cần hoan hỷ khi đã gặp gỡ Mật thừa vĩ đại như vậy”. Các bạn không nên làm phiền bản thân bằng mọi kiểu nghi ngờ, chẳng hạn: “Liệu con có thể trở thành Thành Tựu Giả trong đời này nếu tiếp tục thực hành theo cách như vậy? Liệu con có bị chư Hộ Pháp trừng phạt? Liệu con có bị Bậc Thầy phạt?”. Không cần thiết phải suy nghĩ về mọi điều tiêu cực, thay vì những điều tốt. Gặp gỡ Mật Pháp như vậy đến từ sự tích lũy của thiện nghiệp trong nhiều đời quá khứ. Kyabje Rinpoche nói trong Đạo Ca Hoan Hỷ Về Sự Hành Trì rằng các bạn sẽ thành tựu trong đời tiếp theo, thậm chí nếu bạn không thể thực hành tốt, miễn là các bạn không phá giới trong đời hiện tại. Bạn cần có niềm tin như vậy.
Tuy nhiên, nếu bạn nói xấu Kim Cương thừa hay không tuân theo bậc thầy và những giáo lý của Ngài, thật khó để nói đến những kết quả. Một vài giới luật trong Kim Cương thừa rất nghiêm ngặt. Không chỉ các giới luật trong Kim Cương thừa mà Bồ Tát giới hay thậm chí các giới luật cho Phật tử cư sĩ đều rất nghiêm ngặt. Nếu hôm nay bạn quy y Tam Bảo và nói xấu Tam Bảo vào ngày mai, chắc chắn bạn sẽ đọa vào ba cõi thấp hơn. Vì vậy, vài người có thể nghĩ rằng, “Ôi, tôi không thể bước vào Mật thừa. Thật quá nguy hiểm!”. Nếu bạn nghĩ thật nguy hiểm khi tu học Mật thừa, nó cũng nguy hiểm khi quy y Tam Bảo. Cũng thật nguy hiểm tại nơi làm việc – nếu bạn phạm phải tội giết người tại nơi làm việc, bạn chắc chắn sẽ bị kết án tử hình. Khắp nơi trên thế giới đều rất nguy hiểm với những người xấu. Chỉ người tốt mới có thể giải thoát.
8. Phát Bồ đề tâm
Phát Bồ đề tâm bao gồm hai phần: 1. Những nguyên nhân của phát Bồ đề tâm và 2. Công đức của phát Bồ đề tâm.
8.1 Những nguyên nhân của phát Bồ đề tâm
Vì những hữu tình chúng sinh đang trôi lăn trong luân hồi đầy ghê sợ này,
Để họ đạt hạnh phúc vĩnh cửu của Phật quả,
Chúng ta cần nhận lãnh trách nhiệm vị tha
Và từ bỏ món ăn độc hại của việc yêu thương cái tôi.
Chúng ta cần nhận lãnh trách nhiệm lớn lao của vị tha và từ bỏ bám chấp vào ngã, yêu thương bản thân, thứ giống như món ăn độc hại, vì lợi ích của việc giúp đỡ những hữu tình chúng sinh đang trôi lăn trong nỗi kinh hãi xoay vòng của luân hồi để đạt hạnh phúc vĩnh cửu của Phật quả.
Hữu tình chúng sinh đắm chìm trong tam giới cực kỳ khủng khiếp của luân hồi. Chúng ta cho họ thức ăn và quần áo để họ có được hạnh phúc tạm thời. Những cư dân thành phố được cung cấp sự an toàn xã hội, bảo hiểm y tế và tiền lương. Nhưng chúng ta cần chịu trách nhiệm vị tha để đạt quả vị rốt ráo của chư A La Hán, Bồ Tát và Phật. Chúng ta cần thoát khỏi sự ích kỷ như chất độc này càng nhiều càng tốt; nếu không, quả báo có thể rất nghiêm trọng. Nhập Bồ Tát Hạnh nói rằng: “Người ta sẽ đau khổ trong luân hồi nếu làm hại người khác vì lợi ích bản thân”. Vì thế, mỗi hành giả cần quán chiếu rằng hành động cao quý nhất là làm lợi lạc hữu tình chúng sinh.
Trong quá khứ, khi Ra Lotsawa đang thiền định về một Bổn tôn (Yidam) ở nơi yên tĩnh, Ngài cảm thấy rằng Ngài muốn ở trong kiểu nhập thất cô tịch này suốt đời. Nhưng một ngày, Bổn tôn nói với Ngài rằng, “Con có thể ra ngoài để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Các công đức của dù chỉ một khoảnh khắc làm vậy sẽ lớn lao hơn nhiều việc tinh tấn thực hành Bổn tôn ở nơi cô tịch trong hàng tỷ kiếp”. Bởi vậy, công đức của việc giúp đỡ người khác với tâm vị tha vĩ đại hơn nhiều sự tự ăn năn ích kỷ trong vô số năm tháng.
Những nguồn gốc của mọi ưu thế và hạnh phúc thực sự đến từ lòng quyết tâm làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Nhập Bồ Tát Hạnh nói rằng, “Tất cả hạnh phúc thế gian đều đến từ làm lợi lạc tha nhân”. Mọi hạnh phúc thế gian và xuất thế gian đều là kết quả của Bồ đề tâm để làm lợi lạc những hữu tình chúng sinh khác. Bởi thế, chúng ta không nên để Bồ đề tâm phai nhạt trong toàn bộ quá trình thực hành. Patrul Rinpoche cũng nói rằng, “Nếu con thực hành Đại Viên Mãn vô song mà không có tiền đề là Bồ đề tâm, nó sẽ trở thành Tiểu thừa hay ngoại đạo Tirthika”.
Trong quá khứ, nhiều người không hiểu về chủ đề phát Bồ đề tâm. May mắn thay, bởi chúng ta đã nhắc đến vấn đề này nhiều lần, chúng ta thấy yên lòng khi biết rằng điều đó thực sự đã có vài tác dụng. Gần đây, khi tôi gặp những Phật tử cư sĩ bên ngoài Học Viện, nhiều người nói rằng, “Xin hãy gia trì để con có thể phát khởi Bồ đề tâm càng nhanh càng tốt!”. Vài người nghĩ điều này rất chân thành, nhưng số khác có thể nói vậy chỉ để làm tôi hài lòng. Tôi thường muốn biết liệu điều mà họ đang nói có thật hay không, vì thế, tôi nhìn thẳng vào mắt họ. Dù thế, đôi lúc tôi cũng không biết được. Tuy vậy, điều này tốt hơn nhiều so với những điều mà tôi gặp trước kia. Trong quá khứ, tôi thường nghe mọi người nói rằng: “Xin hãy gia trì để con có sức mạnh điều phục người khác!”. “Ngài phải gia trì để con trở thành tỷ phú, kiếm thật nhiều tiền và có một nghề nghiệp tốt!”. Một người thậm chí còn nói, “Con phải có thêm một con mắt ở giữa hai mắt. Mắt trái để nhìn Pháp thế gian. Mắt Pháp để nhìn Pháp xuất thế gian và mắt giữa để nhìn xem liệu bạn bè có nói điều gì xấu sau lưng con”. Những người trong thế giới bình phàm thường có những ý nghĩ ngu xuẩn như vậy, không điều gì trong số chúng là sự suy xét cẩn trọng. Động cơ quý giá và rốt ráo nhất là phát khởi tâm vị tha!
Kyabje Rinpoche nói rằng ích kỷ giống như độc và Ngài hy vọng rằng chúng ta sẽ quán chiếu về điều này thường xuyên. Đó cũng là một ẩn dụ tuyệt vời. Những người với nhận thức ích kỷ mạnh mẽ chẳng sớm thì muộn sẽ thất bại, dù họ ở đâu. Phần lớn những tranh cãi, phiền não và cãi cọ của chúng ta đều là sản phẩm của sự ích kỷ. Chúng ta sẽ là Bồ Tát nếu trở nên vị tha và chúng ta cần nỗ lực hướng đến điều này. Thực sự, chúng ta không cần quan tâm nhiều đến điều mà người khác nói, mà thay vào đó, chỉ cần làm bất cứ điều gì có thể để làm lợi lạc tha nhân trong khi vẫn còn sống và còn khả năng. Sẽ đều rất tốt dù theo cách nào, dù người ta có biết về điều chúng ta đang làm hay không. Tôi tin rằng một số điều mà tôi đã làm có thể chẳng bao giờ được người khác biết đến trong đời tôi. Nhưng tất cả chư Phật và Bồ Tát đều biết bằng thiên nhãn thông. Kim Cương Thượng Sư của tôi cũng biết. Ngoài điều đó, những nỗ lực của tôi có thể không được đánh giá, chứ đừng nói là đền đáp bởi bất cứ ai. Nhưng Luật Nhân Quả luôn chiến thắng. Sẽ là vô nghĩa khi làm lợi lạc hữu tình chúng sinh vì danh tiếng của bản thân. Vài người được gọi là công dân kiểu mẫu trên thế giới cố gắng vất vả để phô trương trước người khác, nhưng tôi không nghĩ điều này xứng đáng. Chúng ta cần nỗ lực làm mọi việc vì hữu tình chúng sinh bằng cách hành động với trái tim tốt lành một cách thầm lặng. Đó là mục đích của mong ước của chúng ta!
8.2 Công đức của phát Bồ đề tâm
Điều này ngăn chặn cánh cửa dẫn đến các cõi ác
Nó cũng cho phép chúng ta đạt hạnh phúc của các cõi lành
Chúng ta sẽ đạt giải thoát rốt ráo nhờ tuân theo cách tiếp cận này.
Điều bắt buộc là chúng ta thực hành giáo lý trọng yếu không xao lãng.
Công đức của phát Bồ đề tâm bao gồm: đóng lại cánh cửa dẫn đến các cõi ác, cho phép chúng ta đạt được an bình và hạnh phúc tạm thời trong các cõi lành của con người và chư thiên và giúp chúng ta đạt được giải thoát rốt ráo. Với sự hiểu về nguyên tắc này, mỗi Pháp hữu cần bắt đầu thực hành chỉ dẫn siêu việt, chẳng hạn chỉ dẫn này, một cách không xao lãng.
Những công đức của Bồ đề tâm nguyện và hạnh vô song được đề cập ở trên là vô lượng vô biên. Điều này được nhắc đến rất tỉ mỉ trong Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, Nhập Bồ Tát Hạnh và các Kinh điển Đại thừa khác. Tôi sẽ không nhắc lại chúng ở đây. Nói đơn giản, công đức của Bồ đề tâm có thể hiển bày theo hai cách:
1. Nếu người ta có thể phát Bồ đề tâm chân chính, mọi tội lỗi có thể được tiêu trừ trong dòng tâm thức. Điều này bởi vì những công đức của Bồ đề tâm đã chặn mọi cánh cửa dẫn đến các cõi xấu chẳng hạn địa ngục, ngạ quỷ hay tái sinh làm súc sinh. Tổ Tịch Thiên nói rằng: “Bồ đề tâm giống như lửa phá hủy thế giới, nó tiêu trừ mọi tội lỗi lớn trong một khoảnh khắc ngắn ngủi”. Bồ đề tâm giống như lửa cháy sau một đại kiếp. Các tội lỗi như ngũ nghịch tội và nói xấu Giáo Pháp thật khó để tịnh hóa. Nhưng chúng đều bị phá hủy khi Bồ đề tâm, như lửa cháy, xuất hiện giống như khi đại kiếp kết thúc. Nếu tội lỗi được tẩy sạch, sẽ chẳng có cơ hội rơi vào đọa xứ. Kyabje Rinpoche cũng nói trong những giáo lý của Ngài rằng một người có Bồ đề tâm không thể rơi vào cõi xấu. Vì vậy, chúng ta cần nỗ lực hết sức để phát khởi Bồ đề tâm trước khi chết. Chúng ta cũng cần chắc chắn rằng Bồ đề tâm không bị hỏng sau khi đã khởi lên, nếu không nó sẽ suy giảm.
2. Với Bồ đề tâm, những công đức của các gốc rễ thiện hạnh sẽ ngày càng trở nên lớn lao hơn. Kết quả là, người ta tạm thời có thể tái sinh làm một con người hay thiên được gia trì để tận hưởng mọi an bình và hạnh phúc của các cõi lành. Tổ Tịch Thiên cũng nói rằng, “Bồ đề tâm trân quý là nguyên nhân của an bình và hạnh phúc của hữu tình chúng sinh”. Bồ đề tâm sẽ dẫn đến sự viên mãn công đức trên năm con đường (ngũ đạo), mười giai đoạn (thập địa) của Bồ Tát và sự thành tựu rốt ráo của trí tuệ phổ quát hoàn hảo của Phật quả (Sammāsambuddha, Đấng Giác Ngộ Viên Mãn, Bậc Tỉnh Thức Tối Thượng).
Những lợi lạc của Bồ đề tâm thực sự rất vĩ đại với hữu tình chúng sinh. Nhập Bồ Tát Hạnh nói rằng:
“Chư Phật uy đức, suy ngẫm sâu sắc trong nhiều kiếp,
Đã thấy rằng điều này và chỉ điều này mới cứu giúp
Vô số chúng sinh,
Và đưa họ dễ dàng đến hỷ lạc tối thắng”.
Đức Phật đã quán chiếu nhiều lần, với trí tuệ vô ngại, trong vô số các đời và kiếp quá khứ, “Điều gì lợi lạc nhất với hữu tình chúng sinh?”. Có phải tốt hơn là cung cấp cho họ thức ăn và quần áo, hay đảm bảo rằng họ khỏe mạnh về tinh thần và thể chất? Cuối cùng, Ngài đi đến kết luận rằng phát Bồ đề tâm sẽ đem lại lợi lạc lớn nhất cho hữu tình chúng sinh. Giống như vài nhà khoa học hiến dâng cho việc nghiên cứu trong khoảng thời gian dài, chỉ để phát minh ra thứ gì đó mà họ tin là sẽ đóng góp lớn lao cho nhân loại, tương tự, Đức Phật phát hiện ra rằng Bồ đề tâm sẽ đem lại lợi lạc lớn nhất cho hữu tình chúng sinh. Sau nhiều lần quán chiếu trong thời gian dài, chúng ta thấy rằng vô số hữu tình chúng sinh có thể dễ dàng đạt được quả vị thù thắng của Phật quả bằng cách nương tựa Bồ đề tâm.
Vì thế, Kyabje Rinpoche nói rằng, “Điều bắt buộc là vun bồi Bồ đề tâm mà không có sự lầm lạc nào trong tâm”. Chúng ta không nên để tâm trí bị quyến rũ bởi tám mối bận tâm thế tục và như thế, đánh mất phương hướng của chính mình. Chúng ta cần chí thành thực hành chỉ dẫn cốt tủy về Bồ đề tâm, bởi nó là cách tiếp cận quan trọng và quý báu nhất trong tất cả các thực hành.
Liên quan đến vấn đề này, tôi thực sự rất hài lòng rằng các bạn đều có một sự hiểu chắc chắn về Bồ đề tâm như là kết quả của việc đã lắng nghe Nhập Bồ Tát Hạnh. Dù tôi du hành đến thành phố nào, tất cả học trò đều biết về tầm quan trọng của Bồ đề tâm. Mặc dù vài người cảm thấy họ vẫn chưa thực hành đủ tốt bởi những phiền não cá nhân và áp lực liên quan đến công việc. Một vài người vẫn đang thực hành và tiến bộ rất tốt. Cuộc đời rất ngắn ngủi. Tôi hy vọng chúng ta không có mục tiêu lớn lao của việc thành tựu Giáo Pháp cao cấp nhất ngay từ đầu, mà thay vào đó, chúng ta cần cố gắng hoàn thiện các pháp tu sơ khởi căn bản bằng cách liên tục khắc cốt ghi tâm Bồ đề tâm để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Kết quả là, điều đó sẽ làm lợi chúng ta rất nhiều trong đời này và các đời tương lai!
9. Phát tâm xả ly
Phát tâm xả ly bao gồm: 1. Những công đức của việc quán sát và gìn giữ các giới luật, và 2. Lỗi lầm của việc phá giới.
9.1 Những công đức của việc quán sát và gìn giữ các giới luật
Đừng có bất cứ ý niệm đố kỵ
về bất kỳ sự kiện to lớn nào trong luân hồi.
Hãy quán sát các giới luật trang nghiêm và không vấy bẩn
điều mà con người và chư thiên sẽ dâng những món cúng dường siêu việt.
Chúng ta không nên có, dù là nhỏ nhất, các ý niệm đố kỵ với những sự kiện và của cải sáng chói trong quá trình luân hồi. Thay vào đó, chúng ta cần cẩn thận quán sát các giới luật không cấu nhiễm – điều mà con người và chư thiên dâng những cúng phẩm siêu việt.
Với những ai mong muốn phá vỡ vòng luân hồi và đạt đến giải thoát, danh tiếng vinh quang, sức mạnh và những ham muốn tuyệt diệu hoàn toàn vô nghĩa và đừng khuấy động bất cứ đố kỵ hay ham muốn nào với chúng. Họ xem những chiếc điện thoại di động xa xỉ và lâu đài như thể chúng là các đối tượng trong một giấc mơ, ảo ảnh hay bong bóng. Họ không phải chỉ nói đãi bôi mà thực sự cảm thấy rằng, Tam giới giống như ngôi nhà bốc cháy không có bất cứ hỷ lạc tạm thời nào. Họ là những vị với tâm xả ly thực sự.
Tuy nhiên, ban đầu, nhiều người giống như Sundarananda (Tôn Đà La Nan Đà). Thật sự rất khó để không có những mong mỏi và tham luyến với luân hồi. Nhưng chúng ta chắc chắn sẽ biết về tính bất ổn của luân hồi và sẽ phát khởi sự xả ly trong mình nếu nghiên cứu những giáo lý nhờ thói quen lâu dài. Với chúng ta, không có cách tiếp cận nào tốt hơn việc quán chiếu rằng: Đầu tiên, thật khó để sinh làm người. Thứ hai, cuộc đời đó là vô thường. Thứ ba, lỗi lầm của luân hồi và thứ tư, luật nhân quả là chân thật. Sau khi đã quán chiếu bốn thực hành sơ khởi phổ thông này, sự xả ly sẽ sinh khởi một cách chắc chắn trong dòng tâm thức.
Đại đạo sư Tsongkhapa giảng giải trong Những Giáo Huấn Căn Bản Của Phật Giáo rằng: “Rốt cuộc mong ước xả ly là gì? Sau khi chúng ta đã tinh tấn thực hành bốn pháp tu sơ khởi phổ thông được nhắc đến ở trên, chúng ta sẽ không còn mong mỏi sự lộng lẫy thế gian, chẳng hạn của cải, danh tiếng và quyền lực – không mong mỏi dù chỉ trong một phần của giây. Chúng ta chỉ muốn giải thoát bất kể ngày đêm giống như một tù nhân muốn được phóng thích. Bất cứ khi nào chúng ta đạt được trạng thái như vậy của tâm, chúng ta đã phát khởi sự xả ly chân thực”.
Dĩ nhiên, yêu cầu về việc không thèm muốn sự lộng lẫy thế gian dù chỉ trong “một phần của giây” là tương đối nghiêm ngặt và rất khó đáp ứng, đặc biệt với những con người bình phàm như chúng ta. Chúng ta có thể cảm thấy rằng mọi thứ bình phàm trong luân hồi đều vô nghĩa và sự xả ly có thể khởi lên tức thì khi đang lắng nghe bài giảng sáng tỏ của bậc đạo sư trong giảng đường. Nhưng không lâu sau buổi giảng, lòng tham của chúng ta lại khởi lên khi chúng ta gặp những đối tượng ham thích trên đường. Sự xả ly ngắn ngủi của chúng ta lập tức bị dập tắt. Điều này là rất phổ biến với con người bình phàm. Nhưng chúng ta cần biết rằng một người chân thành mong cầu giải thoát cần phải vỡ mộng với những ân phước như danh tiếng và địa vị xã hội trong cõi người và trời. Chỉ với tư duy như vậy mà người ta mới trở thành hành giả Phật giáo đích thực.
Đã phát khởi sự xả ly, chúng ta cần thọ nhận và giữ gìn sự trang nghiêm của toàn bộ thế gian, điều mà con người và chư thiên cúng dường: các giới luật không cấu nhiễm. Các giới luật là nền tảng của mọi công đức. Biệt Giải Thoát Kinh nói rằng, “Giới luật dẫn chúng ta đến cõi lành, giống như cây cầu đưa chúng ta qua sông”. Sẽ là không thích hợp nếu hành giả Phật giáo đeo những trang sức như hoa tai và vòng tay [xa xỉ]. Nhưng một hành giả với giới luật thanh tịnh, sức trang hoàng trang nghiêm nhất, xứng đáng với sự đỉnh lễ, thờ phụng và cúng dường từ hữu tình chúng sinh trong cõi người và trời.
Mỗi hữu tình chúng sinh có căn cơ khác nhau và quán sát những giới luật khác nhau. Nếu bạn có tâm xả ly mạnh mẽ hơn, bạn có thể đi theo con đường xuất gia để giữ gìn giới luật Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di hay Sa Di Ni. Nhưng nếu điều kiện vẫn chưa sẵn sàng để bạn rời nhà và bước vào đời sống tu viện, ít nhất, bạn cần giữ gìn giới luật của cư sĩ Phật giáo hay thọ giới quy y để quán sát giới luật dựa trên sự xả ly. Thật khó khăn để các công đức khởi sinh nếu tinh túy của bất kỳ giới luật nào cũng đều chẳng thể được tìm thấy trong dòng tâm thức của bạn. Thư Gửi Vua Gautamiputra nói rằng: “Giới luật giống như đất lớn, từ đó mọi công đức mọc lên”. Đất là nền tảng của mọi sự sống trên thế gian. Tương tự, mọi công đức sinh ra từ nền tảng của giới luật. Nếu chúng ta không thọ nhận và gìn giữ ít nhất một giới, sẽ thật khó để chúng ta tái sinh làm người hay trong các cõi lành. Bởi vậy, điều quan trọng với mọi người, đặc biệt là một Phật tử đã quy y Tam Bảo, là quán sát các giới luật và thực hành sự tự hạn chế với những kỷ luật như vậy.
9.2 Lỗi lầm của việc phá giới
Hỷ lạc tìm thấy trong các cõi cao hơn và giác ngộ rốt ráo
đến từ việc giữ gìn giới luật.
Phá giới dẫn đến sự đọa lạc trong cõi thấp,
Chúng ta cần đưa ra lựa chọn đúng đắn và không rơi vào vô minh.
Ân phước gia trì tạm thời trong các cõi cao hơn của con người và chư thiên và giác ngộ rốt ráo – quả vị giải thoát tuyệt đối là kết quả của việc quán sát giới luật. Nếu người ta phá vỡ giới luật và không ăn năn trọn vẹn, họ chắc chắn sẽ đọa vào ba cõi xấu. Vì vậy, điều bắt buộc là một hành giả phải đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong hành động của bản thân và không rơi vào vô minh.
Biệt Giải Thoát Kinh nói rằng tương lai duy nhất cho những người phá giới là rơi vào các đọa xứ của địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh. Những người này không thể giúp đỡ dù là chính họ, chứ đừng nói đến việc làm lợi lạc người khác, hay xoa dịu và giúp đỡ mọi hữu tình chúng sinh. Bát Nhã Ba La Mật Tóm Lược Kệ nói rằng: “Chúng ta không thể giúp đỡ bản thân khi đã phá vỡ giới luật, chứ đừng nói đến làm lợi lạc tha nhân”.
Quán sát các giới luật không cấu nhiễm đang ngày càng trở nên khó khăn hơn trong thời đại suy đồi hiện nay. Đặc biệt, ngày càng khó khăn hơn để tu sĩ quán sát giới luật không cấu nhiễm trong thời đại công nghệ thông tin mạnh mẽ hiện nay. Khoảng mười năm trước, có hơn ba trăm tu sĩ ở thành phố mà tôi ở. Bây giờ, còn chưa tới hai trăm. Số lượng không tăng, mà thay vào đó, nó đã giảm trong mười năm qua. Ti vi, máy tính và điện thoại di động liên tục cung cấp những kích thích giác quan; việc kinh doanh các hàng hóa làm lóa mắt chúng ta và ban đêm tràn ngập ánh đèn chói lóa, thứ không ngừng lôi cuốn chúng ta. Kết quả là, nhiều người không thực hành xả ly, như các hành giả trong thời cổ xưa đã làm. Chỉ rất ít người hài lòng với việc vun bồi Giáo Pháp chân chính trong ẩn thất cô tịch.
Tôi đã gặp gỡ thầy trụ trì và các tu sĩ lỗi lạc từ mỗi ngôi chùa và tự viện lớn trong viếng thăm Bắc Kinh gần đây[8]. Họ lần lượt giới thiệu bản thân là đại diện từ các tu viện nhất định. Tôi hỏi, “Có bao nhiêu tu sĩ ở tu viện của thầy?”. Câu trả lời thường từ 10 đến 20, cao nhất thì hơn 30. Thành thực mà nói, rất nhiều trong số những sự thật này chỉ ra hoàn cảnh đáng buồn ở Trung Hoa. (Trong khi vẫn có một số lượng lớn tu sĩ ở Học viện của chúng ta, không thể nói tương lai sẽ ra sao). Một vài trong số những thầy trụ trì này hỏi tôi: “Có bao nhiêu tu sĩ ở tu viện của thầy?”. Tôi đáp, “Hơn sáu nghìn theo thống kê quốc gia hiện nay”. “Hả? Thầy có chắc con số là chính xác?”. Tôi nói, “Đây chỉ là số lượng cư trú vĩnh viễn. Con số có lẽ cao hơn nhiều nếu chúng tôi thêm vào lượng người tạm trú”. Rất nhiều vị nghĩ rằng tôi không thành thật.
Thực sự, bởi ân phước gia trì của Kyabje Rinpoche, có nhiều người đã thọ giới để đi theo con đường xuất gia, gần như mỗi ngày tại tu viện của chúng tôi – một vị hôm nay, một vị khác ngày mai … đôi lúc cứ như thể chúng tôi có quá nhiều tu sĩ ở đây. Tuy nhiên, hoàn cảnh [ở Bắc Kinh] hoàn toàn khác. Những tòa nhà tráng lệ là tất cả những gì còn lại ở nơi đã từng là tu viện nổi tiếng nhất. Thực tế không có những hoạt động liên quan đến nghiên cứu, quán chiếu hay thực hành. Chỉ còn lại đại sảnh rộng lớn. Cùng ngày, tôi cũng gặp một tu sĩ rất nổi tiếng và chúng tôi đã có một buổi nói chuyện sâu sắc và kéo dài. Ngài nói với tôi về số tiền mà ngôi chùa đã dùng, nhưng khi tôi hỏi, “Có bao nhiêu người ở đó?”. Ngài nói, “Có nhiều cư sĩ Phật tử đến chùa của tôi, còn về tu sĩ, chỉ có tôi và một đệ tử”.
Tôi không nói rằng chỉ Phật giáo Trung Hoa mới đang không phát triển. Phật giáo Tây Tạng cũng đang trải qua sự khủng hoảng tương tự. Số lượng tu sĩ đang suy giảm ở nhiều tu viện, cả ở Lhasa và Kham. Ngày càng nhiều hành giả và Tỳ kheo cao niên viên tịch. Những người trẻ hơn không sẵn sàng đi theo con đường xuất gia và nhiều hành giả trung niên lại chọn trở về cuộc đời thế tục. Như thế, trong vài thập niên gần đây, quán sát giới luật tu sĩ ngày càng trở thành một việc đầy thách thức.
Với Phật tử cư sĩ ngày nay, đa số không dám nói rằng họ thực hành sự xả ly chân chính, nhưng họ đã phát khởi một thứ có vẻ như là tâm xả ly. Nhiều người trong số họ có ham muốn mạnh mẽ được giải thoát. Vì vậy, vẫn cần phải chú ý một cách nghiêm túc đến tầm quan trọng của các giới luật. Chúng ta đều cần quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới. Nếu phá giới, chúng ta cần quy y lại trước Guru Rinpoche. Giống như hoa, cỏ và cây cối chỉ mọc trên đất, mọi công đức mọc lên và phát triển trên nền tảng của giới luật. Bởi vậy, chúng ta không nên rối loạn và mất phương hướng trong thời đại suy đồi hiện nay. Chúng ta cần cực kỳ cẩn trọng trong việc đưa ra lựa chọn về việc chấp nhận các nguyên nhân và điều kiện, thứ sẽ bảo vệ giới luật của chúng ta và trong việc từ bỏ các điều kiện bất lợi, thứ dẫn chúng ta đến việc phá vỡ giới luật – đó là mục tiêu mà chúng ta đang nỗ lực hướng đến!
10. Tính cách thiện lành
10.1 Những nguyên nhân của việc phát triển tính cách thiện lành
Luôn luôn tuân theo bạn bè về từ ngữ và hành động.
Là một người chính trực tràn đầy sự chân thành.
Để làm lợi lạc bản thân vĩnh viễn,
Chỉ dẫn cốt tủy là làm lợi tha nhân trong lúc này.
Tính cách thiện lành nghĩa là chúng ta luôn luôn tuân theo họ hàng và bạn bè trong điều mà chúng ta nói và làm. Chúng ta cần phải là người chính trực và chân thành. Nếu chúng ta mong muốn làm lợi lạc bản thân về lâu dài, chỉ dẫn cốt tủy là làm lợi lạc người khác trong lúc này.
Tính cách thiện lành thực sự vô cùng quan trọng. Như đã thảo luận trước đây, chúng ta cần có Bồ đề tâm để thực hành Kim Cương thừa hay Giáo Pháp Bát Nhã Ba La Mật. Phát Bồ đề tâm phụ thuộc vào sự xả ly và chỉ người tốt lành mới có thể khởi lên sự xả ly thực sự. Một tên côn đồ không thể có tâm xả ly; không có xả ly sẽ không có Bồ đề tâm; không có Bồ đề tâm, sẽ không thể chứng ngộ Đại Viên Mãn. Nó giống như là, nếu bạn không đi học phổ thông, bạn không thể tốt nghiệp trung học. Nếu bạn không tốt nghiệp từ trung học, bạn sẽ không có bằng đại học và không có bằng đại học, làm sao bạn lấy được bằng tiến sĩ? Nếu bạn không có nền tảng học thuật và tuyên bố là có bằng tiến sĩ, đó là một sự giả mạo.
Việc hành trì đòi hỏi tính cách thiện lành – đó là tinh túy được cô đọng trong nhiều năm tháng giảng dạy của Kyabje Rinpoche. Dù bạn đang nghiên cứu Giáo Pháp Hiển hay Mật, bạn bắt buộc phải có tính cách thiện lành. Nếu bạn không phải một người tốt, bạn chỉ là một chiến lược gia xa rời thực tế về mọi thực hành xuất thế gian và sẽ không bao giờ thực sự thành tựu bất cứ điều gì. Mipham Rinpoche nói trong Những Lời Dạy Về Quy Tắc Thế Gian Và Xuất Thế Gian: “Luật lệ thế gian là gốc rễ của Phật Pháp. Nếu người ta không hành xử cao quý trong thế gian, họ sẽ không bao giờ thành công trong thực hành. Trên tất thảy, hãy nương theo quy tắc của Giáo Pháp siêu việt”. Luật lệ thế gian (có tính cách thiện lành và là người tốt) là nền tảng của Phật Pháp. Người ta không thể đạt giác ngộ thù thắng mà không có những nét cao quý.
Dĩ nhiên, cách đánh giá và định nghĩa của mỗi người về “tính cách thiện lành” là khác nhau. Vài người tin rằng, nếu bạn hiền lành, không đồng bóng [về tính cách] và chăm chỉ, đây là bằng chứng cho thấy bạn thiện lành, trong khi người khác nghĩ rằng những người có vẻ ngoài ưa nhìn thì có sức hấp dẫn đặc biệt. Vài người xem tốt bụng cho thấy tính cách tốt lành; trong khi người khác tin rằng một người với tích cách cứng cỏi sẽ là người vĩ đại. Tuy nhiên, Kyabje Rinpoche không nghĩ như vậy. Ngài đã nhận dạng các tiêu chuẩn sau đây của tính cách thiện lành và mong muốn chúng ta ghi nhỡ kỹ lưỡng:
1. Luôn luôn tuân theo họ hàng và bạn bè, trong tất cả từ ngữ và hành động của chúng ta. Chúng ta cần hòa thuận với họ hàng và bạn bè bất kể tuổi tác và địa vị của họ. Chúng ta không nên đi khắp nơi, liên tục mang vẻ mặt cau có tức giận, đánh nhau với người khác, hay gây rối đến mức chúng ta làm phiền nhiễu hay quấy rầy những người xung quanh dù đi đến đâu. Từ quan điểm thế tục, một người với những tính cách tốt sẽ kính trọng những người trên, yêu thương người dưới và hòa thuận với những người ngang bằng.
Khi chúng ta mong muốn làm việc thiện lành, chúng ta cần biết sự thật rằng luôn có đủ kiểu va chạm trong bất cứ nhóm nào. Những bất đồng là không thể tránh khỏi khi người ta làm việc cùng nhau. Nhưng một người có tính cách tốt có thể duy trì nhận thức thanh tịnh và tuân theo bất cứ điều gì mà người khác nói. Đức Phật nói trong kinh văn rằng, “Ta cần tuân theo người thế gian”. Thậm chí nếu Phật còn hành xử theo cách này, chúng ta, những người bình phàm, chắc chắn phải làm điều tương tự. Dĩ nhiên, sự tuân theo này không phải là không có nguyên tắc. Nó không phải là bạn sẽ tuân theo những người tham lam hay thù hằn. Chúng ta cần tuân theo các hoạt động có lý và đúng theo Giáo Pháp và theo cách này, chúng ta hòa thuận với mọi người. Chúng ta không cố gắng đi theo hướng đối nghịch một cách có chủ ý khi người khác đều đi cùng một hướng. Có một phép tương đồng ở Tây Tạng: “Khi một trăm con Yak cùng leo lên đồi, Gaba (một kiểu Yak nhỏ hơn) đi xuống đồi”. Đây là một minh chứng sống động. Một người với tính cách xấu luôn va chạm với những người khác trong hành vi. Khi đi xe buýt từ Hạt Seda đến Thành Đô, anh ta sẽ cãi cọ với những người xung quanh trên đường đi và gây rắc rối dù anh ta ở đâu. Chúng ta đều cảm thấy thở phào nhẹ nhõm khi ai đó như vậy rời đi. Nó giống như cái mộng được cắt khỏi mắt; việc cắt bỏ đó là nguyên nhân để ăn mừng.
Nhưng khi một người tốt ra đi, mọi người đều buồn bã, “Sao điều này có thể xảy ra? Bởi vì điều này, chúng ta chẳng muốn ăn trưa. Thật buồn làm sao khi người tốt như vậy đã rời đi …”.
Tuy nhiên, không dễ dàng để phân biệt giữa tính cách tốt và xấu nếu chỉ từ hình tướng. Tôi thường có những ý nghĩ phân biệt như vậy khi gặp một người lần đầu tiên. Tôi băn khoăn, “Đây là người tốt hay xấu?”. Đôi lúc, thái độ và hành vi của một người có vẻ khá hấp dẫn, nhưng tôi trở nên thất vọng sau khi tiếp xúc với họ trong thời gian dài. Đôi khi, một người ban đầu có vẻ không dễ chịu, nhưng càng biết thêm, tôi lại cảm thấy họ tốt hơn, và thậm chí còn thấy họ đáng tin cậy hơn.
2. “Hãy trở thành một người chính trực”. Bất cứ điều gì chúng ta nói và làm, chúng ta phải có tâm thức công bằng, thành thật và không thiên vị. Chúng ta cần thoát khỏi sự bám víu vào ngã và thù ghét với người khác. Bên cạnh đó, chúng ta không bao giờ nên đặt bản thân vào vị trí thống trị hay đánh giá mọi thứ một cách không công bằng. Chúng ta cần tuân thủ sự thật và không thiên vị. Vì vậy, điều bắt buộc là trở thành một người chính trực. Những Lời Dạy Về Quy Tắc Thế Gian Và Xuất Thế Gian miêu tả những công đức về khía cạnh này.
3. “Tốt bụng”. Nếu ai đó xuất hiện là có sự chính trực và dường như sẵn sàng tuân theo người khác, nhưng tâm lại ác độc thì phẩm tính kỷ luật của người này thật đáng nghi ngờ. Vài vị lãnh tụ chính trị và học giả ngày nay, đặc biệt rất giỏi nói đãi bôi, nhưng cuối cùng, chẳng điều gì mà họ làm sẽ hiệu quả hay có công đức bởi đó là kết quả của sự quan tâm đến bản thân và vô lương tâm của họ; tâm là gốc rễ của mọi thứ. Đại đạo sư Tsongkhapa nói rằng, “Một người tốt bụng có thể có vận may rất tốt, trong khi người tà tâm luôn đối nghịch”. Nếu bạn chân thành, mọi thứ sẽ tươi sáng; nhưng nếu bạn không đặt trái tim đúng chỗ, bạn sẽ chỉ hướng về tăm tối.
Ba nguyên tắc của việc là một người lịch thiệp này có tầm quan trọng lớn lao. Kyabje Rinpoche chỉ ra thêm rằng, nếu chúng ta muốn làm lợi lạc bản thân trong dài hạn, đem lợi lạc đến cho người khác ngay lúc này là một chỉ dẫn cốt tủy rất hữu hiệu. Là con người bình phàm, sẽ là không thực tế nếu không bao giờ nghĩ về sự an lạc của bản thân, nhưng nếu chúng ta làm hại những người xung quanh trong quá trình theo đuổi mục tiêu của bản thân, chúng ta sẽ không chiến thắng. Nó có vẻ giống như một kiểu xảo trá khi giúp đỡ người khác vì lợi lạc của chính mình và thực sự, sẽ tốt hơn nếu không có những ý nghĩ như vậy. Tuy nhiên, nếu bạn không thể thực sự khởi lên tâm vị tha chân chính, ít nhất, bạn cần cố gắng từ ái hơn với người khác vì lợi thế và sự tồn tại của bản thân.
Tôi nhớ rằng từng có một người đàn ông trẻ trung ngồi cạnh tôi trên chuyến bay. Anh ta là chủ tịch của một công ty và có vẻ khá tài năng. Anh ta không phải Phật tử, nhưng trong cuộc trò chuyện, rõ ràng, chúng tôi có vài sở thích chung. Anh ta nói rằng, “Chúng ta cần nỗ lực để trở thành người tốt và giúp đỡ người khác. Thực sự, để công việc của chúng ta thành công, chúng ta cần có thể trao các lợi lạc cho những người xung quanh. Điều này đảm bảo sự tồn tại vĩnh cửu của chúng ta. Nếu tôi chỉ tìm kiếm lợi ích cho bản thân, mọi người đủ thông minh để nhận ra điều này, chẳng sớm thì muộn, cuối cùng, tôi sẽ chẳng làm được gì”. Tôi gật đầu đồng ý với điều anh ta nói và đáp, “Chúng tôi đều tán dương sự vị tha như vậy trong Phật giáo”. Thực sự, bất kể bạn nương tựa ai – một vị Guru Rinpoche hay giám đốc kinh doanh – bạn sẽ không được xem trọng nếu chỉ nghĩ về bản thân. Mặt khác, người ta sẽ trân trọng bạn hơn nếu bạn cố gắng hết sức để giúp đỡ người khác. Bởi vậy, nếu một người muốn làm lợi lạc bản thân trong dài hạn, giúp đỡ người khác trong ngắn hạn là cách tiếp cận rất hiệu quả.
Kyabje Rinpoche nói đùa rằng, “Sau nhiều năm kinh nghiệm, thầy đã nhận ra rằng nhiều người có rất ít trí tuệ thế gian. Họ ích kỷ, chỉ cố làm lợi bản thân, dù cho đây không nhất thiết là một chiến lược tốt. Ví dụ, một thanh niên yêu thương ai đó và thử mọi cách có thể để sở hữu đối tượng bằng cách hạn chế sự tự do. Kết quả thường là phản tác dụng. Con có thể có một cách tiếp cận khác biệt bằng cách thành tâm hỗ trợ và giúp đỡ người mà con yêu thương. Bởi người mà con yêu thương đang được hỗ trợ và giúp đỡ, anh hay cô ấy cuối cùng có thể chấp nhận con. Khi chúng ta nghiên cứu Phật Pháp, nếu chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của tính cách thiện lành và không cố gắng vun bồi những tính cách tốt, chúng ta sẽ không thể đạt được trạng thái siêu việt trong hành trì”.
Sau khi đã thảo luận về tầm quan trọng của tính cách thiện lành, chúng ta cần giữ trong tâm rằng không thể đạt Phật quả nếu chúng ta thậm chí không thể là người tốt. Để là một người tốt, chúng ta cần nỗ lực chăm chỉ về các vấn đề được nhắc đến ở trên. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn, bạn có thể xem Giọt Khai Thị Chân Thành, thứ chứa đựng những giáo lý của Kyabje Rinpoche về các yêu cầu của sự khoáng đạt, hào phóng và kiến thức rộng lớn[9].
10.2 Những công đức của tính cách thiện lành
Đây là những tiêu chuẩn không cấu nhiễm để trở thành một người tốt,
Và là con đường phương tiện thích hợp của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai,
Chúng cũng là tinh túy của bốn thiện hạnh phổ quát,
điều mà không đệ tử nào được phép quên!
Trưởng dưỡng một tính cách tốt là quy tắc thế gian thanh tịnh để trở thành một người tốt. Từ quan điểm xuất thế gian, nó cũng là con đường của phương tiện thiện xảo thích hợp để đạt Phật quả với tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Bên cạnh đó, nó cũng là tinh túy của bốn thiện hạnh phổ quát mà chư Bồ Tát cần tuân theo. Mọi đệ tử của Đức Phật không bao giờ được phép quên chỉ dẫn siêu việt này.
“Những chỉ dẫn để trở thành người tốt” là các nguyên tắc căn bản chi phối cuộc đời của một con người lịch sự. Từ thuở ban sơ của Phật giáo trong lịch sử Tây Tạng, Đức Vua Songtsen Gampo đã thiết lập Mười Sáu Chỉ Dẫn[10] để trở thành người tốt vì lợi ích của người Tây Tạng. Chúng là những quy tắc hành vi về cách hành xử đúng đắn khi là một người tốt. Chúng bao gồm những hành động chẳng hạn như “Kính trọng và tin tưởng Phật giáo”, “Thực hành Giáo Pháp chân chính”, “Hiếu thảo với cha mẹ”, “Chính trực”, “Tư tưởng khoáng đạt”. Tính cách thiện lành không chỉ là một quy tắc với cuộc đời thế tục, mà hơn thế nữa, còn là quy tắc cho cuộc đời Phật tử. Thực sự, nó là con đường của phương thiện xảo nhất để đạt Phật quả với tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Dù chúng ta đang nhắc đến vị Phật nào, Ngài chắc chắn phải là một người tốt trong giai đoạn nguyên nhân. Một tên côn đồ [nếu không từ bỏ hành động sai lầm của bản thân] sẽ không bao giờ trở thành Bồ Tát hay A La Hán, chứ đừng nói đến việc thành tựu Phật quả.
Thậm chí nếu chúng ta bỏ qua những thành tựu xuất thế gian của việc vun bồi và chứng ngộ, chúng ta cũng có thể dễ dàng nói rằng một vị tu sĩ thực sự lỗi lạc sẽ cực kỳ hấp dẫn về uy tín cá nhân. Tôi đã đi theo và nương tựa nhiều vị thiện tri thức tâm linh vĩ đại trong cuộc đời và sự mẫu mực trong từ ngữ và hành động của chư vị vượt xa sức tưởng tượng. Khi mà thật không xứng đáng nếu bắt chước từ ngữ và những ý nghĩ phân biệt của những con người bình phàm, chư vị tu sĩ lỗi lạc này, như là kết quả của tính cách tốt lành, đã đạt đến trạng thái độc đáo nằm ngoài thế giới bình phàm. Vì thế, Lục Tổ Huệ Năng nói rằng, “Pháp nằm trong thế giới này và không tách rời kiến thức thế tục”. Nếu chúng ta không tuân theo những quy tắc thế gian căn bản này, các thành tựu của chúng ta trong Phật Pháp sẽ giống như xây lâu đài trong không trung.
Tính cách thiện lành là con đường của phương tiện thiện xảo nhất để đạt Phật quả cho tất cả chư Phật; mong ước làm lợi lạc bản thân và tha nhân không được phép thiếu sót trong một tính cách như vậy. Nó cũng là tinh túy của “bốn thiện hạnh phổ quát (của Bồ Tát) trong “sáu sự viên mãn siêu việt và bốn thiện hạnh phổ quát (của Bồ Tát)”. Bốn thiện hạnh phổ quát này bao gồm: (1) dāna, cho thứ mà người khác thích để dẫn dắt họ đến tình yêu thương và đón nhận chân lý; (2) priyavacana, ái ngữ, với mục đích tương tự; (3) arthakṛtya, tiết kiệm, hành vi có ích với người khác, với cùng mục đích; (4) samānārthatā, bình đẳng, phối hợp với người khác và điều chỉnh bản thân với họ, để dẫn dắt họ đến chân lý. Đây là bốn nhiệm vụ chính của chư Bồ Tát để làm lợi lạc hữu tình chúng sinh. Chúng đều cần được xây dựng dựa trên một tính cách thiện lành. Với tính cách thiện lành, người ta sẵn sàng bố thí, nói lời từ ái, làm lợi người khác và phối hợp và điều chỉnh cho thích hợp với người khác, để dẫn dắt họ đến chân lý.
Vì thế, cuối của bài Đạo Ca này, Kyabje Rinpoche đã trao tặng lời khai thị đanh thép: “Với những học trò có niềm tin với thầy: các con luôn luôn phải ghi nhớ trở thành những người thiện lành, bây giờ và trong tương lai. Nếu con không thể thậm chí trở thành một người tốt, tất cả những sự vun bồi khác của con sẽ giống như cây không có gốc và chẳng bao giờ phát triển”.
Để trở thành một người tốt, ít nhất, bạn cần cố gắng hòa hợp với người khác. Đừng gây chiến tranh với hết người này đến người khác. Bạn cũng cần tránh nói xấu người khác ngay cả khi bạn không dám dính vào một cuộc đánh lộn. Bạn cũng không nên có sự thù ghét với người này hay nguyền rủa người khác … Bạn phải cắt bỏ tất cả những ý nghĩ ác độc này. Trong khi đó, bạn cần nỗ lực trở thành một người chân thật và công bằng. Đừng giống như những kẻ khoe khoang khoác lác, người thường diễn thuyết lớn lao nhưng cuối cùng, không thể giải thoát. Có rất nhiều người xảo quyệt trên thế giới ngày nay. Chúng ta phải nỗ lực trở thành người chính trực. Sau đấy, dù chúng ta bị hiểu lầm hay nói xấu thế nào, chúng ta sẽ không bao giờ thực sự bị làm hại. Bản tính từ ái và chân thành của chúng ta sẽ chiếu sáng như vàng ròng và sẽ không bị lu mờ bởi bất cứ chướng cản hay bóng tối nào.
Trong quá khứ, các vị Geshe đáng kính của truyền thống Kadampa đầu tiên xem xét tính cách của đệ tử trước khi chấp nhận làm học trò. Nếu đó không phải một người lịch thiệp, vị Geshe sẽ không chấp nhận làm học trò hay trao dòng truyền thừa Giáo Pháp cho họ. Mặt khác, nếu đó là một người tốt nhưng không thông minh lắm, vị Geshe vẫn sẽ mong anh hay cô ta trở thành một học trò tốt của Phật Pháp. Vì vậy, tính cách tốt lành là yếu tố quan trọng ở đây, chứ không phải trí thông minh. Một người tốt không nhất thiết phải có vẻ ngoài trang nghiêm, giọng nói dễ nghe và phong cách thanh lịch; nhưng họ phải chân thành. Đầu tiên hãy là người tốt, sau đó, bạn sẽ có cơ hội thành công trong việc nghiên cứu Phật Pháp. Là Phật tử, xung đột giữa các nhóm và mâu thuẫn không ngừng giữa các cá nhân là điều cần phải tránh. Nếu không, những người không có tín ngưỡng sẽ cười nhạo chúng ta: “Hãy nhìn xem! Phật tử đều là kẻ đạo đức giả! Những tiêu chuẩn cao chỉ là điều mà họ nói, chứ không được duy trì bởi hành động!”. Nếu chúng ta giữ sự hòa thuận trong Tăng đoàn và đối xử an bình và đoàn kết, điều đó sẽ thôi thúc những người không có tín ngưỡng và khơi dậy niềm tin trong họ.
Khenpo Tsultrim Lodro và tôi từng gặp gỡ một tiến sĩ về Tây Tạng nổi tiếng, người vô cùng ngưỡng mộ tu viện của chúng ta. Ông ấy nói rằng, “Một trong những đặc điểm quan trọng của tu viện này là số lượng đông đúc; một điểm khác là Tăng đoàn quán sát giới luật rất nghiêm cẩn. Nhưng ấn tượng nhất là cách thức chân thành mà mọi người đối xử với nhau, điều dẫn đến rất ít xung đột giữa các bạn. Tôi chưa từng thấy một tu viện nào thuận hòa như vậy. Chỉ có khoảng mười hai người làm việc ở nơi làm việc của tôi và năm hay sáu người họ không hòa thuận với người khác”.
Thực sự, chính nhờ ân phước gia trì từ Kyabje Rinpoche mà Tăng đoàn lớn lao của chúng ta vẫn rất đoàn kết. Mọi người thường có những bất động nhỏ về các vấn đề bình phàm. Thậm chí vài vị Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni trong Tăng đoàn thời Đức Phật cũng trải qua những vấn đề này. Một vài trong số đó trở thành những “công án” được đề cập đến trong Luật Tạng. Nhưng trên tất thảy, chúng ta vẫn là một nhóm rất hòa hợp. Vì vậy, tôi thành tâm mong muốn tứ chúng đệ tử, cả từ nền tảng Kinh thừa và Mật thừa, bày tỏ không khí hòa hợp và đoàn kết khi chúng ta gặp những người có niềm tin hay những người không có. Đó cũng là sự hiển bày của tính cách thiện lành.
Nhìn chung, Kyabje Rinpoche đề cập đến các chỉ dẫn cốt tủy trọng yếu trong bộ luận này, đó là: trí tuệ bất nhị của Kinh thừa và Mật thừa đến từ Bồ đề tâm, Bồ đề tâm khởi lên từ tâm xả ly và tâm xả ly đến từ tính cách thiện lành. Các chỉ dẫn này là kết tinh trí tuệ của những giáo lý và thực hành trong tám vạn bốn nghìn pháp môn. Chúng ta cần ghi nhớ vững chắc trong tâm.
11. Hồi hướng Công đức
Với cội nguồn các gốc rễ thiện lành này,
Nguyện mọi hữu tình chúng sinh thoát khỏi vực sâu luân hồi,
Nguyện hỷ lạc sinh khởi trong tâm trí của tất cả đệ tử truyền thừa và
Nguyện mọi hữu tình chúng sinh tái sinh về Tây Phương Cực Lạc.
Những công đức và gốc rễ tốt lành từ việc biên soạn bộ luận này được hồi hướng cho tất cả hữu tình chúng sinh, những vị đã từng là cha mẹ của chúng ta. Nguyện cầu họ vượt qua vực thẳm đáng sợ của sáu cõi luân hồi. Cùng lúc, tinh hoa của tám vạn bốn nghìn pháp môn được tóm lược trong các chỉ dẫn cốt tủy kể trên; nguyện cầu đại lạc sinh khởi trong tâm trí những kẻ có niềm tin với Kyabje Rinpoche và với Phật giáo. Nguyện cầu mọi hữu tình chúng sinh, với nhân duyên tiền định, tái sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc, đạt được an bình và hạnh phúc rốt ráo và làm lợi lạc vô số chúng sinh trong tương lai.
Trái tim chúng ta phải tràn ngập trong niềm hoan hỷ, bởi chúng ta đã có phước báu lớn lao khi được gặp chỉ dẫn này, giống như ngọc báu như ý giữa đại dương bao la bất tận của luân hồi. Liệu niềm vui này đã khởi lên trong tâm bạn chưa? Nếu nó đã khởi lên, điều đó tức là bạn có niềm tin với Phật Pháp. Tuy nhiên, nếu không có dấu vết nào của niềm vui có thể được tìm thấy trong tâm bạn và bạn chỉ nghĩ rằng, “Hai buổi giảng về Đạo Ca Chiến Thắng cuối cùng đã kết thúc. Thế là đủ, xin đừng giảng chi tiết thêm nữa. Hãy kết thúc lớp học ngay bây giờ. Tôi muốn ra ngoài và ăn thứ gì đó, rồi chợp mắt một lúc. Hừ … sau đây tôi sẽ ăn gì …”, thì điều đó nghĩa là bạn chưa thu hoạch được gì nhiều từ những giáo lý này.
12. Những hoàn cảnh để biên soạn đạo ca này
Vào chu kỳ thứ mười bảy của lịch Tây Tạng, năm Hỏa Tý, bậc thầy và các đệ tử tại tu viện này đã vượt qua mọi chướng ngại bên ngoài, bên trong và bí mật. Vào ngày cát tường này, Ngawang Lodro Tsungmed đã kỷ niệm sự chiến thắng và tự tại cất lên bài ca giữa khoảng năm nghìn Tỳ Kheo, Sadhu!
Có sáu mươi năm trong một chu kỳ theo lịch Tây Tạng. Ghi chép niên đại của lịch sử Tây Tạng bắt đầu từ năm 1027 sau Công nguyên. Năm mà Kyabje Rinpoche soạn Đạo Ca Chiến Thắng thuộc chu kỳ thứ mười bảy theo lịch Tây Tạng, vào năm Hỏa Tý (ngày 21 tháng 9 năm 1996 Dương lịch). Như chúng ta đã đề cập trước đây, đó là lúc Kyabje Rinpoche trở về tu viện sau khi vượt qua mọi chướng ngại bên ngoài, bên trong và bí mật để đoàn tụ trong niềm hoan hỷ với tất cả học trò. Tu viện thậm chí đã sắp xếp một Pháp Hội Tiệc Kim Cương nhân sự kiện đặc biệt này để trình diễn toàn bộ quá trình lâm bệnh và bình phục của Kyabje Rinpoche, bao gồm việc cất lên vài bài chứng đạo ca được Đức Dromtonpa và Mipham Rinpoche ban cho Kyabje Rinpoche của chúng ta. Năm ngoái, tôi xem lại băng ghi hình và vài cảnh đã trở nên mờ. Hơn mười năm đã trôi qua kể từ những sự kiện này. Ngawang Lodro Tsungmed là Pháp danh của Kyabje Rinpoche. Tu viện khi ấy không lớn lắm. Kyabje Rinpoche an nhiên cất lên Đạo Ca Chiến Thắng khi được vây quanh bởi khoảng năm nghìn vị Tỳ Kheo. Lành thay! Vui thay!
Để thành tựu trí tuệ mãnh liệt của Đức Văn Thù Sư Lợi và để thực hành thiện hạnh trí huệ của Đức Phổ Hiền, con nay hồi hướng mọi gốc rễ thiện lành được vun bồi để thêm vào những lý tưởng của chư vị bằng hoạt động tinh tấn không ngơi nghỉ.
Như những đại nguyện vĩ đại và thù thắng được tán dương bởi chư Phật ba đời, con hồi hướng mọi gốc rễ thiện lành được vun bồi nhằm thành tựu các hoạt động từ ái của Phổ Hiền Bồ Tát.
Đức Khenpo Sodargye Rinpoche
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Một thực hành thiền định Bồ đề tâm trong Phật giáo Tây Tạng, trong đó người ta quán tưởng nhận lấy khổ đau của người khác khi hít vào và gửi hạnh phúc và thành công đến mọi hữu tình chúng sinh khi thở ra.
[2] Đây là phép tương đồng giữa bông sen tám cánh và trái tim. Có nhiều phương pháp thực hành bên ngoài, bên trong và bí mật trong Kim Cương thừa, điều mà chúng ta sẽ không thảo luận chi tiết ở đây.
[3] Các chi tiết này có thể được tìm thấy trong Kinh Văn Thù Thần Biến (Mañjuśrīvikrīḍitasūtra).
[4] Trong Phật giáo Tây Tạng, Giáo Pháp cao nhất của truyền thống Nyingma là Đại Viên Mãn. Trong các trường phái khác, đó là Yamantaka (Đại Uy Đức Kim Cương) hay Mahamudra (Đại Thủ Ấn). Giáo Pháp cao nhất trong Kinh thừa là Đại Trung Đạo (Mahamadhyamaka).
[5] Các Tiểu Sử Vắn Tắt Về Việc Thành Tựu Thân Cầu Vồng Trong Mật Thừa cũng nằm trong Kho Tàng Giáo Pháp Tối Thắng 05 – Những Đám Mây Của Tia Sáng Trí Tuệ.
[6] Ví dụ, Pháp Sư Hong Yi ban đầu có vài thành kiến với Kim Cương thừa, nhưng sau đó trong Đại Dương Các Trường Phái Phật Giáo đã nói rằng: “Những giáo lý của trường phái này là cao cấp nhất trong mọi trường phái của Đại thừa. Họ cũng thực hành rất nghiêm túc và miên mật. Những người bình thường thường cố gắng khinh thường Kim Cương thừa một cách nhỏ mọn trước khi họ thậm chí có cơ hội để tìm hiểu trường phái này một cách kỹ lưỡng. Điều này thật đáng thương. Tôi đã có những hoài nghi và nghi vấn khoảng một thập niên sau khi tôi chỉ đọc Nghi Thức Mật Thừa. Tôi đã nhận ra tính sâu xa của những giáo lý Kim Cương thừa sau khi đọc Bình Giảng Về Mật Điển Đại Nhật Như Lai Thành Đạo (Vairocana-abhisaṃbodhi-tantra), và cảm thấy hối hận và ăn năn sâu sắc”.
[7] Những Mật chú này là một phần của Giáo Pháp Mật thừa. Vì thế, có những phương pháp Mật thừa trong các trường phái Kinh thừa. Những ẩn ý ẩn tàng trong Kinh thừa cũng có thể được giải nghĩa trong Giáo Pháp Mật thừa.
[8] Khenpo Sodargye Rinpoche được mời tham dự “Diễn Đàn Quốc Tế Về Từ Thiện” lần thứ hai ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
[9] Kyabje Rinpoche nói trong Giọt Khai Thị Chân Thành rằng, “Điều gì tạo nên tính cách thiện lành? Từ ái, chân thành và dịu dàng; luôn hào phóng và quân bình; uyên bác và thiện lành …”
[10] Mười sáu chỉ dẫn để trở thành người tốt: 1. Kính trọng và tin tưởng Phật giáo; 2. Thực hành Giáo Pháp chân chính; 3. Hiếu thảo với cha mẹ; 4. Kính trọng và thiện lành; 5. Kính trọng những bậc cao niên tôn quý; 6. Có niềm tin với bạn bè và họ hàng; 7. Làm lợi lạc đồng hương; 8. Chính trực; 9. Tôn kính những bậc thánh thông tuệ; 10. Sử dụng của cải một cách khôn ngoan; 11. Đáp lại sự giúp đỡ bằng lòng từ; 12. Thành thật trong giao dịch kinh doanh; 13. Không đố kỵ với người khác; 14. Không bị kích động bởi lời nói xấu xa của nữ nhân; 15. Nói lời từ ái một cách nhẹ nhàng và 16. Tâm trí khoáng đạt.