Bảy điểm nhân quả |

Bảy điểm nhân quả

Bồ Đề Tâm Thực hành

Thuở xưa có lần Geshe Chekawa, một vị đại hành giả Tây tạng, nghe một câu tụng trong “Tám bài kệ chuyển hóa tâm” của Geshe Langri Tangpa. Câu tụng ấy nói: “Con nguyện nhận phần thua thiệt, nhường đi tất cả phần thắng”. Nghe xong câu này Geshe Chekawa cực kỳ xúc động, cố gắng truy tìm nguồn gốc của bài tụng. Vì Geshe Langri Tangpa vừa mới qua đời, nên Geshe Chekawa thọ nhận từ Geshe Sharawa giáo pháp Bảy điểm nhân quả, và Hoán chuyển mình và người.

Vào thời ấy hai giáo pháp nói trên được giữ gìn kín mật, mỗi lần chỉ truyền cho một hoặc hai đệ tử, không bao giờ truyền cho đại chúng. Geshe Chekawa nghĩ nếu tiếp tục như vậy sớm muộn gì giáo pháp này cũng sẽ thất truyền. Vì vậy Geshe ghi chép hai giáo pháp này lại, bắt đầu truyền cho nhiều người hơn. Từ đó về sau hai giáo pháp này được quảng bá rộng rãi.

Vài thế kỷ sau, Lạt ma Tông Khách ba xuất hiện ở Tây tạng, làm được nhiều điều phi thường. Lạt ma kết hợp hai pháp tu này lại thành một pháp tu duy nhất, bao gồm mười một giai đoạn phát tâm bồ đề. Cho đến nay, phương pháp phát bồ đề tâm này vẫn là đặc điểm của dòng truyền thừa của Lạt ma Tông Khách ba.

Lạt ma Dorje Chang có viết một lời nguyện, gọi là lời nguyện không lìa xa giáo pháp của Lạt ma Tông Khách ba, trong đó có câu “Thầy là người dạy phương pháp phát bồ đề tâm, kết hợp Bảy điểm nhân quả và Hoán chuyển mình và người, thành mười một giai đoạn phát tâm bồ đề. Nguyện thầy luôn hộ trì cho phương pháp chuyển hóa tâm này, nguyện con không bao giờ lìa xa lời dạy của thầy”. Câu tụng này nêu rõ đặc điểm của giáo pháp Lạt ma Tông Khách ba dạy, khác với mọi phương pháp tu khác.

 Khi tu phát tâm bồ đề, các con bước theo mười một giai đoạn như Lạt ma Tông Khách ba dạy, tuy vậy khi thọ nhận giáo pháp, vẫn phải nhận thành hai giáo pháp riêng lẻ. Ðầu tiên là Bảy điểm nhân quả, sau đó là Hoán chuyển mình và người.

Bây giờ chúng ta bắt đầu với phương pháp Bảy điểm nhân quả. Phương pháp này phải dựa trên nền tảng của tâm đại xả. Ðại xả không thuộc về Bảy điểm nhân quả, nhưng lại là nền tảng, nếu đếm chung vào thì thành tám điểm. Trước hết các con phải khởi được tâm đại xả, rồi biết rằng tất cả chúng sinh đều là mẹ của mình, nhớ lại tình thương yêu mình đã nhận được từ mẹ, cảm thấy muốn đền đáp ơn lớn này. Nhờ quán như vậy mà có được lòng đại từ thấy cái đẹp của chúng sinh, lòng đại bi muốn mọi người thoát khổ, và khởi đại nguyện muốn gánh vác chúng sinh, từ đó phát khởi tâm bồ đề.

Mối liên hệ nhân quả của bảy điểm này như sau: Tâm bồ đề là nguyện đạt quả vị Phật để phát triển tối đa khả năng của mình, mang lại lợi lạc tối đa cho chúng sinh. Tâm bồ đề như vậy, muốn phát thì phải có tâm nguyện phi thường muốn gánh vác chúng sinh, giải thoát khổ đau và mang hạnh phúc đến cho tất cả. Ðây là một tâm nguyện cực kỳ dũng mãnh.

Muốn có được tâm nguyện dũng mãnh này, nhất thiết phải có được lòng đại bi đối với chúng sinh. Vì đại bi nên thấy chúng sinh gặp nỗi khổ nhỏ nào mình cũng xót xa không chịu nổi. Ðại bi là quả, nhân là đại từ, thấy cái đẹp của chúng sinh, thương yêu tha thiết tất cả chúng sinh không sót một ai. Hiện giờ chúng ta tuy biết thương yêu người thân, nhưng lại không biết quan tâm đến những người xa lạ. Vì vậy tình thương giới hạn này cần được mở rộng ra, bình đẳng với tất cả. Cần quan tâm đến sự an nguy của tất cả chúng sinh không sót một ai.

Bình thường người thân yêu nhất trong đời là ai? Là mẹ. Vì vậy mà có ba điểm nhân quả là biết chúng sinh là mẹ của mình, nhớ lại tình thương của mẹ, và muốn đền đáp tình thương này. Nhờ ba điểm này mà phát được tâm đại từ.

Ðại từ sinh ra đại bi, không thể chịu được nỗi khổ của chúng sinh. Ðại bi sinh ra đại nguyện, muốn gánh lấy trách nhiệm mang lợi lạc lại cho chúng sinh. Ðại nguyện sinh tâm bồ đề. Ðó là quá trình luân chuyển tự nhiên của nhân quả.

Trước tiên cần phải giữ tâm địa cho thật bình đẳng, lấy đó làm nền tảng để vận chuyển từng bước nhân quả cho đến khi phát được tâm bồ đề. Cũng tương tự như khi vẽ một bức tranh, trước tiên cần xét xem mặt vải có bằng phẳng sạch sẽ hay không, ở đây tâm địa phải thật bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Cho dù không tu theo phương pháp phát tâm bồ đề vừa nói, đại xả cũng vẫn là điều rất cần thiết. Nếu có được tâm đại xả, sẽ được nhiều lợi lạc, dù là lợi lạc nhất thời hay lợi lạc rốt ráo, vì đây là yếu tố căn bản của tâm an lạc. Nếu các con thấy tâm mình thiếu an lạc, đó chỉ vì đang thiếu đại xả, vì không có được tinh thần bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Ðối với người này các con thấy lưu luyến thương yêu, đối với người kia, thấy oán ghét hận thù, đối với người nọ, lại cảm thấy dửng dưng.

Khi quán tâm đại xả, các con nghĩ tới người nào các con cảm thấy thương yêu nhất, không muốn rời xa dù chỉ trong phút giây. Rồi các con nghĩ tới người các con oán ghét, đến nỗi chỉ nhìn thôi đã thấy khó chịu cực kỳ. Ở giữa là một người hoàn toàn xa lạ, các con chẳng màng đoái hoài đến. Rồi các con bắt đầu suy nghĩ thử xem tại sao mình lại quyến luyến người mình thương đến như vậy. Có đáng cho mình quyến luyến ràng buộc đến nỗi một giây cũng không muốn xa? Ở đây phải nhớ đến tâm cầu giải thoát, nhớ đến khuyết điểm của đời sống luân hồi. Bạn hay thù là việc khó biết, vì bất cứ lúc nào bạn cũng có thể thành thù, thù biến thành bạn. Nhớ lại điều này, tư duy quán niệm như sau:

“Người này tốt với tôi vì vậy tôi cảm thấy quyến luyến thương yêu, nhưng bạn không phải lúc nào cũng là bạn, sự đời thay đổi luôn luôn, thay đổi liền liền, thay đổi rất nhiều lần, vì vậy quyến luyến thương yêu vì họ đã tốt, đang tốt, hay sẽ tốt với mình là điều vô nghĩa, vì điều ngược lại cũng đã từng xảy ra rất nhiều lần”.

Quán chiếu như vậy sẽ làm giảm bớt mức độ quyến luyến đối với người mình yêu. Tiếp theo, hãy nghĩ tới người mình oán ghét, vì họ đã, đang, hay sẽ hại mình. Thử nghĩ xem oán ghét như vậy có đáng không. Không đáng. Không hợp lý chút nào. Trong quá khứ kẻ thù cũng đã từng là bạn, đã từng giúp đỡ mình rất nhiều, và trong tương lai cũng sẽ nhiều lần như vậy. Vì vậy không lý do gì lại đi oán ghét người ấy.

Tiếp theo, hãy nghĩ đến người xa lạ. Suy nghĩ về cảm giác dửng dưng của mình đối với người ấy. “Người này chẳng liên quan gì đến tôi, trong quá khứ không quen, trong hiện tại không quen, trong tương lai cũng không quen, vậy việc gì tôi phải quan tâm đến người ấy?” Nghĩ như vậy là lầm. Trong quá khứ đã từng quen nhau rất thân thiết, rất nhiều lần. Ðã từng có rất nhiều liên hệ với nhau, qua nghiệp oán hận, nghiệp thương yêu, nghiệp xa cách, nghiệp gần gũi, v.v… Không lý do gì lại dửng dưng với người này, chỉ vì mình tưởng họ là xa lạ.

Cứ như vậy, dần dần cảm giác bén nhọn đối với kẻ thù, với bằng hữu, hay với người xa lạ sẽ mòn bớt, cho đến khi tâm đối trước cả ba đều hoàn toàn bình đẳng. Các con phải an trú trong tâm bình đẳng, tâm đại xả, đây là điều rất quan trọng. Chúng ta tu theo Phật pháp, thường vẫn đọc tụng câu này: “nguyện tất cả chúng sinh cùng thoát khỏi khổ đau và mầm khổ đau, nguyện tất cả chúng sinh cùng được hạnh phúc và mầm hạnh phúc”. Nếu không có tâm bình đẳng đại xả, đọc như vậy thật không có ý nghĩa gì cả, chỉ như con vẹt không phải là lời chân thành phát tự đáy lòng. Nói nguyện chúng sinh thoát khổ đau, được hạnh phúc, những người mình không thích thì loại bỏ không lý tới. Thiếu tâm đại xả, câu tụng này mất hết ý nghĩa. Nếu các con có thể san bằng được lòng lưu luyến hay oán ghét đối với người thân kẻ thù, thì như vậy tâm sẽ được an trú thanh tịnh.

Nói bạn hay thù thật ra không thể biết chắc, đó là điều chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm bản thân mà thấy được. Chúng ta có khi có những người bạn, thân đến nỗi không thể nghĩ đến chuyện xa cách. Rồi vì một lý do nào đó phải xa nhau, khổ đau triền miên không thể nói. Thầy đã từng gặp rất nhiều người, rất có khả năng, nhưng lại không từng nghĩ qua mình sẽ phải rời xa người bạn đời của mình, tưởng hai người đã là một, xa nhau là điều vô lý không thể xảy ra. Ðến khi phải chia cách, họ khổ đau năm này tháng nọ không thể nguôi. Thầy xin các con nên giảm bớt độ quyến luyến, hiểu rằng đời sống này không có gì là chắc chắn cả, không cần phải đăm đắm tình cảm nơi một người. Ðược như vậy, sẽ không phải rơi vào cảnh đớn đau tuyệt vọng. Khổ đau này, thực trạng này, là điều chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm bản thân mà hiểu được.

Hôm qua vì không đủ giờ, thầy không thể nói hết về những nỗi khổ trong cảnh luân hồi, ví dụ như khổ vì không thể biết bạn hay thù, và khổ vì muốn mà không thỏa mãn, khổ vì không được sự bền vững, lên đến đỉnh rồi lại rơi trở xuống, rơi chạm đáy rồi lại phải trồi lên v.v… Ðó là những loại khổ não lớn lao trong cuộc sống, chúng ta đều đã trải qua, đều có thể hiểu được. Phần lớn những khổ như vậy chỉ đến từ lòng thiếu tự chủ, không chế ngự được lòng quyến luyến đối với người này, hay oán ghét đối với người kia.

Ðây là điều cực kỳ quan trọng, phát sinh ra biết bao nhiêu trạng thái phiền não hỗn loạn. Chúng ta ai cũng muốn tâm mình được an vui, nhưng chưa chế ngự được hai nguồn năng lực cuốn vào và đẩy ra của sự quyến luyến hay oán ghét, nói cách khác năng lực của tâm tham ái và sân hận, thì tâm sẽ không bao giờ có thể an lạc. Các con thấy đó, dù giàu hay nghèo, dù có địa vị hay không địa vị, dù nam hay nữ, trẻ hay già, ai cũng muốn tâm mình an lạc. Không cần nói chi đến tâm bồ đề, chỉ riêng tâm đại xả này thôi nếu có được thì cũng đã thành tựu được chút bình yên hạnh phúc trong đời sống hàng ngày.

Không điều phục được tâm mình thì một chút bình yên cũng không thể có. Nói chung, nguồn gốc của tâm phiền não thật ra phát sinh từ sự cách biệt giữa tướng hiện và chân tánh. Ngày mai thầy sẽ giải thích về điều này, khi giảng đến phần tuệ giác tánh Không. Ngay bây giờ, điều quan trọng nhất là phải biết mở rộng tâm bình đẳng, giảm bớt năng lực của tham ái và sân hận. Là người tu theo Phật Pháp, chúng ta không nên hành xử như mọi người ở mọi nơi. Chúng ta đã có được chút hiểu biết, vì vậy cần cố gắng kiểm soát điều phục tâm mình.

Ðiểm tiếp theo là nhìn nhận tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình. Ðây là điểm khó nhất trong phương pháp tu bảy điểm nhân quả. Tuy khó, nhưng không phải là không thể làm được. Dù mới nhìn thấy khó, nhưng với sức kiên trì, không có việc gì là tâm không thể thực hiện được. Tâm là một pháp hữu vi, là một hiện tượng do yếu tố kết hợp mà có. Vì mọi yếu tố kết hợp đều thay đổi trong từng sát na, nên không có pháp hữu vi nào là cố định, không có gì là không thể thay đổi. Tâm có thể huân tập hun đúc tùy theo ý mình muốn. Các con có thể luyện tâm, chuyển hóa tâm, dù khó đến đâu vẫn có thể làm được nếu đủ kiên trì. Không có điều gì là không thể thành tựu được.

Nói cho thật đơn giản, muốn thấy tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình, các con cần phải vận dụng trí thông minh để quán chiếu hoạt động của tâm thức. Trước hết cần hiểu tâm không có khởi điểm. Ðây là luận lý được giải thích trong Nhân Minh Luận (Treatises of Valid Cognition). Các con cần quán chiếu sự liên tục của tâm thức. Tâm thức trong thời điểm “hiện tại” là quả, sinh ra từ nhân là tâm thức của thời điểm đi trước, cứ như vậy thành một chuỗi liên tục. Các con có thể theo đó truy lần về quá khứ, khi còn trẻ, truy ngược xa hơn nữa, đến thời điểm lúc chào đời.

Tâm thức của đứa trẻ sơ sinh cũng phải có một thời điểm tâm thức đi trước. Ðó là tính chất liên tục của tâm thức. Cứ như vậy truy lần đến khi mới nhập thai mẹ. Ðiểm tâm thức này cũng vậy, cũng cần một thời điểm đi trước làm nhân, do đó đi ngược về thời điểm ngay trước khi nhập thai mẹ. Nhìn vào dòng liên tục của tâm thức, sẽ không thể tìm ra điểm tâm thức đầu tiên, vì chính điểm đó cũng cần có một điểm tâm thức đi trước mới có thể hiện hữu. Vì vậy mà nói tâm thức không có khởi điểm.

Các con phải cố gắng hiểu cho rõ phương pháp suy luận này. Có thể hơi khó chấp nhận, khó nghe cho lọt lỗ tai. Khó như vậy là chỉ vì thói quen đến từ văn hóa giáo dục. Các con sống ở phương Tây, trí tuệ phát triển theo một nền tảng luận lý và quan sát khác, lúc ban đầu có thể không quen với loại luận lý nói ở đây. Có lẽ phần lớn các con ngồi đây đều hiểu, có người tin có kiếp trước kiếp sau. Nếu tin có kiếp trước kiếp sau thì sẽ thấy sự liên tục của tâm thức không có gì khó hiểu lắm.

Các con quán chiếu như vậy để thấy tâm thức, hay ý thức hay tỉnh thức, hoàn toàn không có khởi điểm hay chung điểm. Vì sao? Không có một thời điểm tâm thức nào có thể vạch ra, nói đó là điểm khởi đầu, là thời điểm đầu tiên. Thấy tâm thức vốn không có khởi đầu, sẽ thấy tái sinh cũng không có khởi đầu. Chúng ta đã tái sinh quanh quẩn trong luân hồi này từ vô lượng thời gian, không có khởi thủy, không thể đếm biết, nhiều hơn cả số lượng chúng sinh. Có rất nhiều đường tái sinh, sinh bằng hơi nóng, bằng khí ẩm, bằng thai… Sinh bằng thai là giống như loài người, loài thú, mỗi khi sinh ra phải có một người mẹ. Nói vậy cũng có nghĩa là các con đã vô lượng lần sinh ra bằng thai, mỗi lần như vậy lại có một người mẹ, là một chúng sinh trong cõi luân hồi. Nhìn vào số lượng chúng sinh không thể đếm biết, mỗi chúng sinh đều đã từng là mẹ của các con rất nhiều lần, nhiều không thể đếm biết. Vậy dù các con có đi đâu chăng nữa, hướng đông tây bắc hay nam, tất cả chúng sinh chắc chắn đều đã từng là mẹ của các con, vô lượng lần. Các con không thể tìm ra được ai chưa từng là mẹ của các con. Các con đã từng có quan hệ mẹ con với tất cả chúng sinh, hàng vô lượng lần rồi.

Ðó là phương pháp suy luận về sự vô thủy của tâm thức để trực nhận chúng sinh là mẹ của mình, do các ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti), Nguyệt Cung (Chandragomim) và ngài Thiện Hải Tịch Hộ (Shantarakshita), giảng dạy. Những vị này không phải người bình thường, mà là những bậc đại thánh tăng Ấn độ, đạt nhiều khả năng phi thường. Ví dụ như ngài Nguyệt Xứng có khả năng vắt sữa từ con bò từ trong tranh vẽ. Nếu hiểu rằng ba vị đại sư này không phải là những ông thầy đi lòng vòng giảng pháp, tin được như vậy, đến khi tu gặp phải điều gì khó khăn không thể tự lý giải, các con có thể nhớ đến thành tựu lớn lao của ba vị này. Ngài Nguyệt Xứng chính thật là một trong tám mươi vị thánh Ấn độ, chứng ngộ cực kỳ cao. Những vị này không thể không biết chuyện tương lai. Ngài Nguyệt Cung thường trực tiếp gặp đức Quan Thế Âm (Chenrezig), hiện thân từ bi của chư Phật. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã từng gánh vác việc tạo dựng tăng đoàn ở Tây tạng (ngài là viện trưởng học viện Na lan đà ngày xưa). Họ đều không phải người tầm thường.

Thầy nhắc như vậy, vì nhớ tới điều này có thể giúp các con rất nhiều. Nếu hiểu được sự liên tục của tâm thức, hiểu tâm thức vốn không có khởi điểm, thì sẽ có thể hiểu được tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình. Vì tâm thức liên tục không khởi điểm, nên những kiếp tái sinh cũng liên tục không khởi điểm. Vì những kiếp tái sinh liên tục không khởi điểm, nên số lượng kiếp tái sinh cũng nhiều không thể đếm biết, vượt xa hơn cả số lượng chúng sinh trong luân hồi. Và vì vậy mỗi chúng sinh trong luân hồi đều đã từng nhiều lần là mẹ của mình.

Sau khi đã thấy rõ tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình, bước tiếp theo là nhớ lại tình thương của mẹ dành cho mình ngay từ khi mới nhập thai. Bất kể là đi đứng nằm ngồi, ăn uống ngủ nghỉ, lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Khi ăn cũng nghĩ đến con, khi ngủ cũng nghĩ đến con, suốt chín tháng cưu mang không kể gì khó nhọc. Ðến khi ra đời, chúng ta hoàn toàn không có khả năng tự chăm lo cho mình, nếu không có mẹ chăm sóc cho, chắc chắn đã không thể sống. Có sống được cũng là nhờ mẹ. Mẹ nuôi con lớn, nhường phần cho con ăn. Lớn lên lo cho con đi học. Có nhiều bậc cha mẹ phải chịu nhiều khó khăn để cho con có được cơ hội ăn học. Bây giờ chúng ta có được trí thông minh này, có khả năng suy nghĩ, học hỏi về Phật pháp, tất cả đều nhờ ơn của mẹ. Không có ơn lớn này, chúng ta đã không thể có mặt nơi đây.

Ðiều này đặc biệt đúng cho xã hội Tây phương. Lúc các con còn nhỏ, muốn cái gì cha mẹ mua cho cái nấy, chỉ mong con mình được vui. Nhưng con cái ở xã hội này lại ít nghĩ đến cha mẹ, không kể gì đến tình thương yêu của cha mẹ. Thầy đặc biệt nhấn mạnh ở điểm này, các con phải biết nghĩ đến tình thương yêu của cha mẹ, nhất là của mẹ. Nếu các con tu theo Phật Pháp, điều này trở thành điểm trọng yếu. Cha mẹ là ruộng phước, là nơi giúp mình tích tụ rất nhiều công đức. Cho dù cha mẹ không phải là bậc giác ngộ, chưa chứng được tánh Không, nhưng đối với con cái, cha mẹ lại có chức năng tương tự bậc giác ngộ, vì có thể giúp công tích tụ công đức, thanh tịnh nghiệp chướng. Vì vậy các con phải để ý tới cha mẹ của mình, nhất định phải trân trọng tình thương của cha mẹ.

Đức Ribur Rinpoche

Comments are closed.

MẠNH MẼ ĐỂ GIÁC NGỘ - BE POWERFUL TO ENLIGHTEN
Thông tin liên quan đến dòng Truyền Thừa Ripa Vinh Quang đã được Đức Pháp Vương - Đại Khai Mật Tạng Terchen Namkha Drimed Rabjam Rinpoche ban phước. Cầu mong kho tàng giáo lý Terma thâm diệu của dòng Truyền thừa Ripa Vinh Quang sẽ làm an dịu mọi nổi thống khổ của chúng sinh mẹ tại đất nước Việt nam thân yêu.

Om Ah Hung Maha Sengha Mani Radzaa Sarwa Siddhi Phala Hung