Tác phẩm này của Đạo sư quá khứ Đức Drikung Bhande Dharmaradza và với phần bình giảng của Đạo sư Khenchen Konchog Gyaltshen.
Hành vi du già không thích hợp giống như một con bướm đối chọi với đại bàng kim xí điểu.
Bằng cách này, ta tự sát và rơi vào địa ngục kim cương.
Vì thế, hãy tránh hoạt động thiếu chánh niệm, khùng điên.
Đây là lời khuyên tâm huyết của tôi.
“Hành vi du già không thích hợp” là hành vi của một hành giả không hoàn toàn thể nhập ý nghĩa của kiến, thiền, và hành nhưng hành động như thể họ đã thể nhập. Điều cần thiết là phải trở nên quen thuộc với tính chất bất khả phân của chúng. Đức Jigten Sumgön nói:
Ta, một yogin (hành giả), đã chứng ngộ sự hợp nhất
Của kiến, thiền, và hành.
Không có các thời khóa thực hành.
Ta, một yogin, hạnh phúc trong sự không nỗ lực (không dụng công).
Kinh nghiệm hỉ lạc này là thiện tâm của Đạo sư.
Đôi khi, hoạt động tính dục, uống rượu, và những hoạt động khác được nhắc đến trong bối cảnh Mật điển. Chỉ đơn thuần thọ nhận các giáo huấn thực hành, một vài hành giả suy nghĩ sai lầm là họ đủ tư cách để dấn mình vào những hoạt động này. Không có chút kinh nghiệm hay chứng ngộ nào, họ nói: “Tôi đã nhận tất cả những quán đảnh và giáo huấn này. Bây giờ tôi có thể thực hiện thực hành Mật điển này.” Đây là hành vi không thích hợp bởi họ không có kinh nghiệm hay chứng ngộ nào về những phẩm tính giác ngộ. Cho đến khi bản thân ta đã chứng ngộ ý nghĩa của Giáo pháp, những hành vi ấy có thể tạo nên một sự lầm lạc to lớn khi toan tính dẫn dắt người khác.
Bởi ta đã thực hành một vài Mật điển, điều này không có nghĩa là ta đã thành tựu chứng ngộ cao cấp và có khả năng để thực hiện những công hạnh du già vĩ đại. Người hành động như thể họ đã thành tựu cao cấp trước khi sẵn sàng thì giống như một con bướm đối chọi với một đại bàng kim xí điểu (garuda). Ta không cần phải bàn đến việc ai sẽ là người chiến thắng.
Hãy tránh những nguy hiểm không cần thiết này. Hãy bảo vệ bản thân bạn như thể bạn là một cây thuốc nhỏ bé. Bạn trồng một cây thuốc nhỏ trên mặt đất và bảo vệ nó bằng hàng rào v.v.. để nó phát triển thành một cây khổng lồ. Sau đó, khi nó hoàn toàn phát triển, nó có thể sinh ra trái quả, hoa, và lá làm lợi ích cho nhiều người. Nhưng nếu ta thu hoạch khi cây còn nhỏ thì nó sẽ không mang lại nhiều lợi lạc.
Không một nơi đặc biệt nào được gọi là địa ngục kim cương. Địa ngục này không khác biệt với các cõi địa ngục được mô tả trước đây. Đây chỉ là một thuật ngữ được sử dụng trong Kim Cương thừa với mục đích nhấn mạnh.
Vì thế, hãy luôn luôn là một hành giả đơn sơ, chân thành, khiêm tốn. Hãy thực hành ngày nào biết ngày đấy và chắc bước. Bắt đầu từ vị trí của bạn thay vì cố gắng thay đổi các điều to lớn ngay tức thì. Khi bạn lầm lạc, bạn có thể tạo nên nghiệp tiêu cực và trở thành nạn nhân của việc bị người khác sỉ nhục. Thay vào đó, tốt nhất là trở thành người chiến thắng bằng cách dần dần xua tan mê lầm, khai sáng tâm thức, và phát triển trí tuệ và lòng bi mẫn. Đây là những điều cần thiết.
Trong Tăng đoàn, đôi khi những tước vị cao quý được ban tặng một cách vội vã cho những cá nhân hành giả. Sau đó họ lạm dụng những tước vị này và tạo nên lầm lẫn to lớn cho người khác. Điều này thật vô cùng bất hạnh. Như tôi đã đề cập ở trên, các nghiên cứu và thực hành Pháp của chúng ta nhắm vào việc giải thoát bản thân ta khỏi luân hồi sinh tử, không phải để làm giàu thêm sinh tử. Ta có thể nhớ lại chi tiết nổi tiếng này trong tiểu sử của Đức Milarepa:
Một hôm Milarepa đi tới một nơi, những người dân làng ở đó đề nghị: “Bởi Thầy Marpa của ngài có vợ, chúng con sẽ sắp xếp một nơi đặc biệt để ngài ở đây với một người vợ.” Milarepa trả lời: “Ta không thể sánh được với Thầy ta. Ngài là một con hổ và ta như một con cáo. Nếu một con cáo cố gắng nhảy ở nơi hổ đã nhảy, cáo sẽ chỉ gãy lưng.”
Trong ví dụ này, Milarepa chỉ dạy cho các hành giả tương lai về cách cư xử. Thay vì nhận một tước vị cao sang, tốt hơn hết là có “danh hiệu” trí tuệ, bi mẫn, và thiện xảo, và chỉ khi ấy hãy thực hiện những hoạt động của một Bồ Tát.
Đức Khenchen Konchog Gyaltshen
Trích dịch từ nguyên tác Anh ngữ “A Complete Guide to the Buddhist Path” .
Thanh Liên dịch sang Việt ngữ