Ta đã nói nhiều về lòng bi mẫn, sự an định và ý nghĩa của việc nuôi dưỡng những phẩm chất này trong cuộc sống hằng ngày. Khi ta phát huy lòng bi mẫn đến mức độ tự mình cảm thấy có trách nhiệm với tất cả chúng sinh, ta sẽ thấy thôi thúc muốn hoàn thiện khả năng của mình để phụng sự chúng sinh. Đạo Phật gọi tâm nguyện muốn đạt đến trạng thái hoàn thiện như vậy là tâm Bồ đề, và người đã phát tâm như vậy là một vị Bồ Tát.
Có hai phương pháp để phát khởi tâm Bồ đề. Phương pháp thứ nhất được gọi là Bảy suy niệm theo nhân quả, xoay quanh cách nhìn nhận rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ ta trong quá khứ. Phương pháp thứ hai là Hoán chuyển vị trí của chính mình với người khác, trong đó ta nhìn tất cả những chúng sinh khác như chính bản thân mình. Cả hai phương pháp này đều được xem là những thực hành phương tiện, hay thuộc về khía cạnh “rộng lớn” của con đường tu tập.
BẢY SUY NIỆM THEO NHÂN QUẢ LÀM SINH KHỞI TÂM BỒ ĐỀ
Nếu ta đã từng tái sinh nhiều lần nối tiếp nhau, thì rõ ràng là phải có nhiều người mẹ để sinh ra ta. Cũng nên lưu ý rằng, sự sinh ra của chúng ta không chỉ giới hạn ở Trái đất. Theo quan điểm của đạo Phật, chúng ta đã trôi lăn trong vòng sanh tử từ rất lâu trước khi Trái đất này hiện hữu. Vì vậy, những kiếp sống quá khứ của ta nhiều đến mức không thể xác định, và những chúng sinh đã từng làm mẹ ta cũng nhiều không thể xác định. Như thế, suy niệm đầu tiên làm sinh khởi tâm Bồ đề chính là nhận biết rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ ta.
Lòng yêu thương và từ ái của mẹ ta dành cho ta trong kiếp này thật khó đền đáp. Người đã phải trải qua nhiều đêm không ngủ để chăm sóc khi ta còn là đứa trẻ sơ sinh non nớt. Người nuôi nấng ta và sẵn lòng hy sinh mọi thứ, kể cả sự sống của chính mình, để đổi lấy sự sống cho ta. Khi ta suy ngẫm về điển hình thương yêu tận tụy của mẹ ta trong đời này, ta nên suy xét rằng mỗi một chúng sinh trong quá trình tồn tại từ vô thủy đến nay cũng đều đã từng có lần thương yêu chăm sóc ta giống như thế. Mỗi một sinh vật như con chó, con mèo, con cá, con ruồi… cho đến tất cả loài người đều đã từng là mẹ ta vào một thời điểm nào đó trong quá khứ từ vô thủy, và đã từng dành cho ta sự thương yêu chăm sóc vô bờ bến. Suy nghĩ như thế sẽ khiến ta khởi lên lòng cảm kích biết ơn đối với hết thảy chúng sinh. Đây là suy niệm thứ hai làm sinh khởi tâm Bồ đề.
Khi ta hình dung điều kiện hiện tại của tất cả chúng sinh đã từng là mẹ ta, ta bắt đầu khởi lên mong muốn giúp đỡ họ thay đổi số phận. Đây là suy niệm thứ ba làm sinh khởi tâm Bồ đề, và từ đó dẫn đến suy niệm thứ tư làm sinh khởi tâm Bồ đề, chính là lòng yêu thương trìu mến đối với tất cả chúng sinh. Tình cảm này lôi cuốn ta hướng về tất cả chúng sinh, tương tự như cảm xúc của một đứa trẻ khi được gặp mẹ. Điều này đưa đến lòng bi mẫn khởi sinh trong ta, và đây là suy niệm thứ năm làm sinh khởi tâm Bồ đề.
Lòng bi mẫn chính là tâm nguyện muốn cứu giúp những chúng sinh đau khổ, những người từng là mẹ ta, thoát khỏi tình trạng khổ đau của họ. Vào lúc này, ta cũng khởi sinh lòng từ ái, là tâm nguyện mong muốn cho tất cả chúng sinh đều đạt được hạnh phúc. Khi trải qua những giai đoạn nhận lãnh trách nhiệm đối với tất cả chúng sinh, ta phát triển từ tâm nguyện muốn cho tất cả chúng sinh đạt được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau, dần dần tiến lên đến mức chính bản thân ta nhận lãnh trách nhiệm giúp đỡ chúng sinh đạt đến trạng thái vượt thoát khổ đau. Đó là suy niệm thứ sáu làm sinh khởi tâm Bồ đề.
Và đây là suy niệm cuối cùng làm sinh khởi tâm Bồ đề. Khi ta khảo sát mọi điều nhằm tìm ra cách tốt nhất để giúp đỡ người khác, ta sẽ hướng đến việc phải đạt được sự giác ngộ viên mãn và trạng thái Nhất thiết trí của quả vị Phật.
Câu hỏi tiềm ẩn trong phương pháp suy niệm này chính là trọng tâm của Phật giáo Đại thừa: Nếu tất cả những chúng sinh khác, những người từng đối xử tốt với ta từ vô thủy đến nay, hiện đang đau khổ, làm sao ta có thể nỗ lực tự thân chỉ để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình? Đi tìm hạnh phúc cho riêng ta, bất chấp những khổ đau mà người khác đang trải qua, thì thật là một bi kịch bất hạnh. Vì vậy, rõ ràng là ta phải cố gắng giải thoát tất cả chúng sinh khỏi mọi khổ đau. Phương pháp này giúp ta nuôi dưỡng tâm nguyện thực hiện điều đó.
HOÁN CHUYỂN VỊ TRÍ CỦA CHÍNH MÌNH VỚI NGƯỜI KHÁC
Phương pháp thứ hai để phát khởi tâm Bồ đề tức là tâm nguyện đạt đến sự giác ngộ tối thượng vì lợi ích cho tất cả chúng sinh – là hoán chuyển vị trí của chính mình với người khác. Trong phương pháp này, ta nỗ lực nhận ra mình phụ thuộc vào người khác như thế nào để có được mọi thứ. Ta suy ngẫm về ngôi nhà ta đang ở, quần áo ta mặc, con đường ta đi, tất cả đều có được nhờ vào sự làm việc cực nhọc của người khác. Để có được chiếc áo ta đang mặc, đã có quá nhiều công việc phải được thực hiện, từ việc trồng cây bông vải đến dệt vải và may thành áo… Miếng bánh mì ta ăn phải được nướng chín bởi một người nào đó. Cây lúa mì phải được trồng bởi một người khác nữa, và sau khi tưới nước bón phân, phải được thu hoạch để rồi xay ra thành bột. Bột này còn phải được nhào nặn và nướng chín trong lò theo đúng cách. Thật không thể kể hết tất cả những người đã liên quan đến việc cung cấp cho ta chỉ một miếng bánh mì đơn giản. Trong nhiều trường hợp, máy móc làm được rất nhiều công việc; tuy nhiên, máy móc cũng phải được ai đó phát minh và chế tạo, rồi cũng phải có người vận hành.
Ngay cả những phẩm tính cá nhân của chúng ta như sự kiên nhẫn và ý thức đạo đức, cũng đều được phát triển phụ thuộc vào người khác. Thậm chí ta có thể đạt đến sự cảm kích rằng những ai gây khó khăn cho ta chính là đang cho ta cơ hội để phát triển sự nhẫn nhục. Thông qua sự rèn luyện tư tưởng như trên, ta nhận biết được rằng ta phụ thuộc vào người khác như thế nào để tận hưởng được mọi thứ trong cuộc sống. Ta phải nỗ lực phát triển nhận thức này trong mọi sinh hoạt đời thường sau mỗi buổi sáng thực hành thiền. Có quá nhiều những ví dụ về sự phụ thuộc của ta vào người khác. Khi ta nhận biết được những điều đó, ý thức trách nhiệm của ta đối với người khác sẽ phát triển, và tâm nguyện đền đáp lòng tốt của những người ấy cũng phát triển theo.
Ta cũng phải suy ngẫm về việc những hành vi thúc đẩy bởi tâm vị kỷ, tuân theo luật nhân quả, đã dẫn đến những khó khăn mà ta phải đối mặt hằng ngày như thế nào. Khi ta xem xét trường hợp của chính mình, ta thấy rõ những khuynh hướng ích kỷ của ta là vô nghĩa như thế nào và vì sao chỉ có những hành động vị tha, dấn thân giúp đỡ người khác mới là cách cư xử hợp lý nhất. Một lần nữa, suy xét này hướng ta đến điều cao cả nhất trong tất cả các hành động: dấn thân vào con đường đạt đến quả Phật để cứu giúp tất cả chúng sinh.
Khi vận dụng phương pháp hoán chuyển vị trí của chính mình với người khác, điều quan trọng là ta cũng phải tu tập phát triển sự kiên nhẫn, vì một trong những trở ngại chính đối với sự phát triển và hoàn thiện lòng bi mẫn cũng như tâm Bồđề chính là thiếu sự kiên trì và nhẫn nhục.
Dù chọn phương pháp nào để phát triển tâm Bồ đề, ta cũng phải luôn giữ vững niềm tin và nuôi dưỡng tâm nguyện cao cả nhất này mỗi ngày, trong các buổi thiền tập chính thức cũng như sau đó. Ta phải nỗ lực chuyên cần để giảm trừ những khuynh hướng ích kỷ và thay vào đó là những khuynh hướng cao thượng bao gồm trong lý tưởng Bồ Tát. Điều quan trọng là trước tiên ta phải phát triển được một cảm thức mạnh mẽ của sự an định, khuynh hướng cảm thông vô phân biệt đối với tất cả chúng sinh. Những hạnh nguyện cao cả của chúng ta sẽ rất khó phát huy hiệu quả nếu ta tiếp tục nuôi dưỡng những định kiến thiên lệch, vì những hạnh nguyện ấy sẽ chỉ hướng về những ai mà ta cảm thấy thân thiết.
Trong khi ta nỗ lực phát triển hạnh nguyện cao cả của tâm Bồđề, nhiều chướng ngại sẽ tự chúng bộc lộ. Những cảm xúc nội tại của sự tham luyến và thù nghịch sẽ sinh khởi để hủy hoại dần những thành tựu của ta. Ta thấy mình bị cuốn theo những thói quen cũ làm mất thời gian vô ích, như xem ti vi hoặc thường xuyên giao tiếp với những bạn xấu, là những người lôi kéo ta rời xa mục tiêu cao cả mà ta đã thệ nguyện đạt đến. Ta phải nỗ lực để vượt qua những khuynh hướng và cảm xúc như thế, nhờ vào các phương pháp thiền định Dưới đây là những bước nhất thiết phải được thực hiện.
Trước hết, ta phải nhận ra rằng những cảm xúc phiền não và thói quen xấu chính là biểu hiện của tâm tham ái vẫn còn đang tiếp diễn, và một lần nữa suy xét về bản chất tai hại của chúng. Tiếp đến, ta phải vận dụng những phương pháp đối trị thích hợp và củng cố quyết tâm không buông thả theo những cảm xúc như thế nữa. Ta phải duy trì sự chú tâm vào thệ nguyện của mình đối với tất cả chúng sinh hữu tình.
Chúng ta đã tìm hiểu qua phương pháp để rộng mở tâm hồn mình. Lòng bi mẫn là yếu tố hết sức thiết yếu của một tâm hồn rộng mở và nhất thiết phải được nuôi dưỡng xuyên suốt trong hành trình tu tập của ta. Sự điềm tĩnh an định sẽ loại bỏ mọi thành kiến và vun đắp lòng vị tha của chúng ta đến hết thảy chúng sinh hữu tình. Tâm Bồ-đề là thệ nguyện thật sự bắt tay vào việc giúp đỡ chúng sinh. Bây giờ, chúng ta sẽ học hỏi về các phương pháp để phát triển sự tập trung cần thiết nhằm nuôi dưỡng khía cạnh còn lại trong sự tu tập, đó là trí tuệ.
~ Đức Dalai Lama thứ XIV
Trích trong Rộng mở tâm hồn