Theo quan điểm của thế giới tâm linh, đời sống của ta hiện nay là một bước ngoặt, ta có sự lựa chọn hoặc đi lên hoặc đi xuống. Ngay lúc này, chúng ta đang có lựa chọn hướng đi nào cho cuộc đời mình. Nhưng ta không có cả ngàn lựa chọn. Về cơ bản chúng ta có sự sự lựa chọn giữa một bên là con đường dẫn đến sự thả buông mọi vướng mắc và con đường khác là theo đuổi sự lợi thân. Mặc dù dòng chảy của nghiệp (đọc thêm phần nghiệp) tạo ra nhiều giới hạn, nhưng mang được thân người ta vẫn còn có tự do để chọn lựa đi tới sự tỉnh thức hay tiếp tục ở lại với mê lầm và khổ. Nếu ta chọn con đường tỉnh thức ta nên có một quyết định rõ ràng và không thoái lui. Quyết định này mang tính cá nhân và không ai khác có thể làm thay ta. Một khi đã có sự lựa chọn rõ ràng, ta sẽ dễ dàng vượt qua hết các trở ngại và có sự tiến bộ.
Để tâm nguyện trở nên mạnh mẽ và quyết định của mình không xoay chuyển, ta nên tạo duyên để bản thân mình gần gũi với lời dạy của Đức Phật. Ta nên hiểu tỉnh thức vượt thoát khổ có nghĩa là gì? và giác ngộ có lợi ích như thế nào đối với bản thân và người khác? Hiểu thấu về giác ngộ đem đến hướng đi rõ ràng trong đầu và trái tim ta tràn đầy niềm tin tưởng và lòng thành kính. Khi đó con đường đến sự tỉnh thức trở nên dễ dàng.
Khó khăn sẽ nảy sinh khi chúng ta không có một cam kết chắc chắn. Mặc dù chúng ta có thể hiểu là mình đang ở giai đoạn bước ngoặc, và bước một vài bước thăm dò đi về phía Pháp, sau một thời gian ta lại có thể nói với bản thân: “Ngày trước cũng không đến nỗi tệ” và quay trở lại những theo đuổi ở thế gian, chỉ không lâu sau đó ta thấy: “thế này thì thật khổ, cuối cùng thì Pháp vẫn tốt hơn cả”. Nếu ta bị giằng co bởi đời sống thế gian và con đường tỉnh thức, khó khăn chắc chắn sẽ nảy sinh. Tuy nhiên, ngay khi ta bắt đầu trân quý những giá trị và phẩm chất của giác ngộ và hướng tâm hoàn toàn về đó, chúng ta bắt đầu tự tiến bộ.
Để tìm thấy con đường tỉnh thức từ những nền tảng mù mờ, nhầm lẫn, chúng ta không những cần có một quyết định rõ ràng, ta cũng cần một vị thầy tâm linh, cũng như các phương pháp tu tập và những bạn đồng hành trên con đường tu tập.
Ta sẽ gặp được những điều kiện trên khi ta dấn thân vào pháp tu được gọi là “Quy Y”. Quy y là một hành động tự trong tâm hướng về cốt tủy của Pháp. Mỗi pháp tu đều bắt đầu từ đây. Ta quy y nơi tâm giác ngộ, quy y nơi giáo pháp và quy y nơi cộng đồng bạn tu chỉ dẫn ta trên con đường giải thoát. Chúng ta tìm kiếm nơi họ phước lành, giúp đỡ và bảo hộ, đồng thời ta cũng mong ước tất cả chúng sinh cùng nhận được sự giúp đỡ tương tự. Trong nội tâm, ta quy y cho tất cả chúng sanh và cùng với tất cả chúng sanh. Khi quy y, ý nguyện vị tha trở thành cốt tuỷ của sự tu tập. Nhưng nếu chỉ tụng niệm, lễ nghi thì không đủ, mục đích của ta là xây dựng được ước nguyện sâu xa hướng tới giải thoát và Phật Quả vì tất cả chúng sanh.
Để quy y, ta cần một niềm ước ao tin tưởng nơi Tam Bảo: nơi Đức Phật, đích đến, vv… Nơi phẩm chất phi thường của giác ngộ, nơi giáo pháp cũng là con đường của ta, và nơi tăng thân, cộng đồng của những người cùng tu tập sẽ giúp đỡ và hướng dẫn ta trên hành trình của mình.
Về mặt thực tại, quy y bảo vệ ta khỏi những vấn đề ta có thể gặp phải trong cuộc sống. Về mặt tự tánh, quy y giúp ta giải thoát bản thân hoàn toàn khỏi thế giới điều kiện nhờ thực hành pháp. Bước vào pháp tu quy y, ta từng chút từng chút một tích luỹ tự do và sử dụng sự tự do ấy để làm lợi ích cho người khác.
Ý nguyện chân thật, tận tâm mong muốn tiến bộ nhanh chóng để ta có khả năng giúp đỡ người khác tốt hơn, là những điều kiện tiền đề để thâm nhập được vào con đường tỉnh thức và cuối cùng ngộ ra Phật Tánh. Tận sâu trong tâm, ta mong ước giải thoát tất cả chúng sanh khỏi khổ đau của họ, chúng ta biến ý nguyện này thành hành động bằng cách nghiên cứu pháp, quán chiếu và thực hành pháp bằng cả thân, khẩu, ý. Đây là điều đem lại cho cuộc đời ta ý nghĩa thực sự: thực hành pháp để giải thoát tất cả chúng sanh khỏi khổ đau. Chỉ với mục đích như vậy, ta bước tới con đường tâm linh.
Nếu chúng ta thực sự muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh, ta phải đạt tới giác ngộ. Chỉ khi đó ta mới ở vị trí có thể dẫn dắt chúng sanh trên con đướng hướng tới giác ngộ. Một bậc giác ngộ toàn hảo đã ngộ ra sự tự do tuyệt đối của Phật – họ đã phá bỏ mọi che chướng và phát triển tất cả các phẩm chất giác ngộ, Các vị Phật thì đã hoàn toàn thoát khổ bởi vị họ không còn nhìn thực tại theo cái nhìn nhị nguyên và không còn chìm trong sự xô đẩy của phiền não. Đó chính là ý nghĩa của từ “thoát khỏi mọi che chướng”. Khi tất cả những che chướng bị phá bỏ hoàn toàn, phẩm chất của Phật Tánh sẽ biểu hiện sáng rõ.
Những phẩm chất của Phật là sự biểu hiện của tâm tỉnh thức, các bậc giác ngộ sẽ cùng lúc thành tựu ý nguyện lợi lạc chúng sanh và hoá hiện vô vàn các hoá thân khác nhau để giúp đỡ chúng sanh. Do đó, giác ngộ mang lại ích lợi nhất cho bản thân, bởi vì ta đạt tới tự do hoàn toàn, và cùng với đó, mang tới ta khả năng tốt nhất để giúp ích người khác, tâm tỉnh thức cùng lúc hoá hiện tất cả các phẩm chất của từ bi.
Để đạt tới giác ngộ, ta cần con đường dẫn lối. Đức Phật đã chỉ ra con đường này. Thúc đẩy bằng lòng từ bi, Ngài đã dạy rất nhiều các phương pháp khác nhau để đạt tới mục tiêucao quý nhất, bắt đầu từ đời sống hiện tại mà ta đang có. Sau đó, phương pháp và những lời giảng của ngài được viết lại và biên soạn thành các bộ kinh, luận bao gồm cả lời dạy trực tiếp từ Đức Phật và các bài bình giảng của các học trò của ngài sau này. Những Kinh Luận trên là nền tảng của truyền thừa qua chữ viết, đi cùng với đó là dòng truyền thừa khẩu truyền xác thực.
Trong truyền thừa khẩu truyền, bắt nguồn từ Đức Phật, pháp tu và hướng dẫn được truyền từ thầy sang trò. Người trò quán chiếu áp dụng vào thiền tập cho tới khi họ đạt tới chứng ngộ như thầy của mình. Bằng cách này, không chỉ từ ngữ mà ngay cả ý nghĩa thực sự của lời Đức Phật được tiếp nối, duy trì cho tới tận ngày nay, và đó là Phật Pháp ta hiện có.
Tăng là nơi trì giữ Phật Pháp được truyền lại, là đoàn thể những người được nhận pháp, hiểu Pháp và hành trì Pháp. Họ có thể là thiền sư, bậc thầy hoặc bạn tu- những người thực tâm tu hành, tuỳ vào mức độ giác ngộ về Pháp và năng lực, họ là những đồng hành vô cùng quý giá và mang đến sự giúp đỡ lớn lao.
Mục đích của ta là giác ngộ thành Phật, những chỉ dẫn và pháp tu trên đường thành Phật là Pháp, đoàn thể những ai nguyện giúp đỡ người khác trên con đường tâm linh là Tăng, họ cũng là những người trì giữ Pháp và truyền đạt lại. Ba yếu tố trên là điều thiết yếu nếu ta muốn đạt tới giác ngộ. Mục tiêu tối thượng của ta là Thành Phật, và ta có thể nghĩ rằng vậy ta chỉ Quy Y Phật là đủ, tuy nhiên, Pháp và Tăng là chốn nương tựa không thể thiếu để thành Phật Quả. Vì vậy, ta quy y cả ba nơi, gọi là Quy Y Tam Bảo. Phật Pháp Tăng thì quý báu như những viên Ngọc Như Ý, nơi xứng đáng nhận được sự tôn kính và biết ơn.
Tất cả các vị Phật và Bồ Tát trong quá khứ đã đi theo cách này và quay về nương tựa quy y Tam Bảo. Họ đã nương tựa nơi Tăng và thực hành Pháp, cuối cùng đạt đến giác ngộ. Không có ai trong số họ tự tìm thấy con đường, mà không có sự chỉ dẫn về pháp tu và đích đến, ngay cả khi họ đã tu tập trong nhiều đời trước. Tất cả chúng sanh cần phương pháp và hướng dẫn cũng như bạn đồng hành để giải thoát bản thân khỏi những ngộ nhận, mê lầm, để ngộ ra trí tuệ tỉnh thức hoàn toàn. Do vậy, quy y nơi Tam Bảo là không thể thiếu, đây chính là quy luật tâm linh vũ trụ.
Khi quy y, ta hướng năng lượng của thân, khẩu và ý tới sự thực hành Pháp, với sự quyết tâm mạnh mẽ dấn thân vào những việc thiện làm lợi lạc cho bản thân và cho tất cả chúng sanh trong vũ trụ.
Chúng ta quy y không chỉ cho bản thân mà còn để đạt tới nhanh chóng khả năng dẫn dắt tất cả chúng sinh thoát khổ.
Quy y bao gồm cả thái độ, tinh thần cởi mở, tin tưởng nơi đích đến là sự giác ngộ và sự thực tập hàng ngày mà qua đó ta tìm thấy đường đi của mình hướng tới tinh thần cởi mở và tin tưởng trên. Chúng ta quán tưởng (tưởng tượng) tất cả chúng sanh trong không gian, loài người cũng như không phải loài người, cùng hội tụ xung quanh ta và ta đang hướng tất cả họ cùng tìm về nơi nương tựa. Không gian phía trước mặt ta, là chúng hội Chư Phật và Bồ Tát, cùng với tất cả cội nguồn quy y khác. Ta đưa tâm ý chú tâm về phía họ và phát khởi lòng tin tưởng nơi khả năng giải thoát chúng sanh khỏi khổ luân hồi của chư Phật, Bồ Tát, nơi năng lực bảo hộ chúng ta khỏi mọi sự sợ hãi khổ đau.
Với niềm tin tưởng, bao quanh ta là chúng sanh khắp pháp giới, ta đọc niệm câu quy y. Ta quán tưởng đầy khắp không gian phía trước, là ánh sáng toả ra từ cội gốc của sự nương tựa đáp lại lòng tin tưởng nơi ta. Ánh sáng đó tan hoà vào ta mang theo sự phước lành của thân, khẩu ý của chư Phật và làm thức dậy trong ta niềm kính ngưỡng sâu sắc tới họ. Tràn đầy lòng sùng mộ và tin tưởng, ta tiếp tục thực hành các pháp tu khác, những pháp tu này lại làm sâu rộng thêm sự hiểu biết và trân quý nơi ta về pháp Quy Y.
Phật, Pháp Tăng, Tam bảo là sự biểu hiện của Giác Ngộ, và biểu hiện ở những cấp độ khác nhau. Khi chúng ta trở nên ý thức được những phẩm chất của giác ngộ và bắt đầu nhìn thấy năng lực cứu khổ của Tam Bảo là vô cùng quý báu và không thể thiếu, ta bắt đầu buông bỏ tính kiêu mạn và thái độ lợi thân. Ta nhận ra rằng ta không thể tự tìm thấy con đường tỉnh thức, và ta tin tưởng nương tựa nơi năng lực gia trì của Tam Bảo.
Khi ta mở lòng với năng lực gia trì của Tam Bảo và nỗ lực đúng đắn trong thực hành, thì những che chắn như là cái nhìn nhị nguyên sẽ dần bị xua tan và phẩm chất của trí tuệ bản lai của tâm sẽ hiển lộ không chướng ngại.
Khi ta cởi mở, tâm ta tràn đầy bình an và hỷ lạc, và tâm sẽ tự biểu lộ bản tánh sáng tỏ, sống động tự nhiên của nó. Tự tin và trí tuệ sẽ thay thế những rối mờ phiền não. Ta biết chính xác những gì ta phải làm, không hề bị phá bĩnh bởi sự ráng sức của bản ngã. Nếu ngược lại, ta theo đuổi sự thực hành pháp như một một người đang trong chiến trận và nghĩ như vầy: “tôi phải thực hành, tôi phải chiến thắng, tôi phải đạt đến giác ngộ” khi ấy bám chấp bản ngã đã chiếm được lãnh địa trung tâm. Ta đánh mất “giác ngộ” cho những khái niệm xa vời đủ loại. Mắc kẹt trong nỗ lực tham, cố gắng để phù hợp với hình ảnh bậc thánh hay hình ảnh giác ngộ, ta không còn muốn nghe đến điều gì khác nữa.
Nếu như ta gặp phải khó khăn trở ngại, ta không tự chất vấn bản thân nhưng một mực khẳng định đó là do lỗi của vị thầy hoặc là do sự chỉ dẫn của Pháp có vấn đề. Nhưng nếu mọi việc đều diễn biến tốt đẹp, ta trở nên kiêu hãnh và suy nghĩ tự mãn: “tôi tu tập giỏi, tôi chắc chắn là một nhà tu hành đích thực”. Thực tế thì, ta chẳng có chút tiến bộ nào, do quá chắc chắn về ý niệm của ta về giác ngộ khiến ta đóng luôn cánh cửa hướng tới sự giác ngộ thực sự. Tâm trở nên vô cùng nhỏ hẹp, cục bộ, sự gia trì không tới được với ta, và sự tu hành của ta để mất hoàn toàn điểm then chốt.
Nếu ngược lại, ta phát triển thái độ rộng mở và đón nhận, và từ sâu thẳm trong tâm, ta hướng bản thân đến với sự an lành của tất cả chúng sanh, như vậy thì tỉnh thức không còn quá xa. Chúng ta trở nên cởi mở trong mọi tình huống, ta ứng xử với tình huống như một sự phước lành và chấp nhận chúng với tâm buông xả. May mắn cũng như khổ đau không còn khuấy dậy tâm kiêu mạn hay buồn nản- Ta đón nhận chúng như là những món quà giúp ta hoá giải những trở ngại gây ra bởi nghiệp.
Khi ta quy y, ta từ bỏ kiêu mạn; từ bỏ tâm chỉ biết bản thân và hướng tới một thứ mạnh mẽ hơn bản thân mình: Giác ngộ, Tam Bảo là biểu hiện của tâm Giác ngộ. Cùng lúc đó, ta cũng hướng bản thân đến với bậc thầy tâm linh, người hội tụ đủ 3 yếu tố trong mình: Phật, Pháp, Tăng – nền tảng của con đường Phật Pháp, niềm tin tưởng của ta nơi họ là cốt tuỷ của sự thực hành. Nếu không có niềm tin tưởng, tự ta sẽ thấy mọi khó khăn xuất hiện là khổ và chướng ngại và ta nhanh chóng đánh mất lòng can đảm. Nhưng nếu ta hướng về Tam Bảo với một niềm tin tưởng không đổi dời, thì mọi khó khăn sau đó sẽ chuyển hoá, trở thành sự giúp ích cho sự phát triển những phẩm chất tâm linh.
Bản thân thầy cũng có kinh nghiệm xúc động về năng lực của việc quy y trong lần trốn thoát của thầy khỏi Tây Tạng. Cùng với một nhóm những người đồng hành, thầy đang trên đường đi xuyên qua dãy núi. Đến cuối thung lũng, với cả hai mặt đều là những núi đá thẳng đứng, nhóm của thầy đã gặp quân lính Trung Quốc, họ cắm trại ở chân thung lũng và chắn hết đường sang bên kia núi. Sợ hãi và lo lắng bao phủ đoàn người đi, mọi người đều cho rằng không thể tiếp tục chuyến vượt biên qua Ấn độ. Mọi thứ trông như thể không có hi vọng để trốn thoát, quân lính thì rất đông và có đầy đủ vũ khí. Thầy đã cầu nguyện tới Tam Bảo và chậm chạp bước tiếp, thầy tin tưởng rằng Tam Bảo sẽ bảo hộ thầy. Đoàn người dần tới gần quân lính, và bước qua họ, gần đến nỗi thầy có thể nghe tiếng họ nói chuyện và ngửi thấy mùi thuốc lá họ đang hút. Nhưng tuyệt đối không xảy ra chuyện gì, họ có vẻ như không biết sự hiện diện của cả nhóm.
Từ lúc đó trở đi, thầy và các bạn đã không còn chút sợ hãi, thay vào đó là sự tin tưởng và chắc chắn rằng Tam Bảo thực sự luôn ở đó với thầy và đem đến sự bảo hộ khi cần thiết. Mặc dù thầy đã tới rất gần quân lính Trung Quốc, nhưng cả nhóm vẫn có thể vượt qua đèo để tới Ấn Độ mà không có thêm khó khăn nào. Đó là do niềm tin của thầy nơi pháp Quy Y.
Đức Gendun Rinpoche
Viên Lạc chuyển ngữ