Lòng sùng mộ là tâm yếu của thực hành Đạo sư Du già; nó thực sự chính là thực hành. Các phẩm tính của lòng sùng mộ là kính trọng, khao khát và niềm tin chân thành. Không có lòng sùng mộ, hạt giống giải thoát sẽ khô héo và chết, trong khi với lòng sùng mộ, mọi phẩm tính cao quý của con đường giác ngộ sẽ ngày càng phát triển.
Là những người mới bắt đầu, chúng ta có thể thấy niềm tin và lòng sùng mộ không tự phát, và bởi vậy trước hết, điều quan trọng là phát khởi cảm xúc đó một cách tích cực, lặp lại nhiều lần. Để làm như vậy, chúng ta gợi nhớ trong tâm những phẩm tính của Đạo sư, đặc biệt là lòng tốt của ngài trong việc dẫn dắt chúng ta thoát khỏi luân hồi, và ban cho những chỉ dẫn thâm sâu. Để giúp chúng ta nhớ về lòng tốt đó, chúng ta quán tưởng ngài trên đỉnh đầu và cầu nguyện đến ngài với lòng sùng mộ lớn lao. Kết quả là, lòng sùng mộ được sắp đặt của bạn sẽ dần trở nên tự nhiên và liên tục. Lòng sùng mộ sẽ trở thành một phần trong dòng tâm thức của bạn đến mức chỉ đề cập hay gợi nhớ đến tên của vị thầy, mọi nhận thức thông thường sẽ dừng lại, các cảm xúc phiền não sẽ không còn khởi lên, và những ý nghĩ của bạn sẽ hướng về đạo sư. Điều này nghĩa là tâm của bạn sẽ nhớ không điều gì khác ngoài vị thầy; nó hoàn toàn bị cuốn đi bởi vị thầy. Sau đó bất cứ điều gì tốt lành xảy đến, như là tài sản, danh tiếng hay các điều kiện thuận lợi tăng lên, chúng ta sẽ nhận ra rằng điều này là bởi lòng tốt của đạo sư. Tuy nhiên cũng ta cũng biết rằng những thành tựu này chỉ như giấc mộng, không hề có thực tính, và bởi vậy, chúng ta thoát khỏi sự tự hào hay bám chấp. Ví dụ, chúng ta sẽ vui vẻ khi thấy những tài sản như mơ này được sử dụng để cúng dường lên Đạo sư.
Mặt khác, nếu tất thảy những điều kiện đối nghịch và khó khăn khởi lên, hay mọi người chỉ trích chúng ta, chúng ta sẽ hiểu đây là kết quả của việc đã làm hại người khác trong các đời quá khứ. Nghĩ đến việc chúng ta có thể tịnh hóa nghiệp nhờ khổ đau này, chúng ta cầu nguyện lên vị thầy: “Nguyện cầu ngài ban cho con sự gia trì để con có thể tịnh hóa các hành động trong quá khứ, và khổ đau của con làm cạn kiệt hoàn toàn khổ đau của người khác.” Và bởi vậy chúng ta sẽ thấy những nghịch cảnh này là sự hiển bày của hành động của vị thầy, để giúp chúng ta tịnh hóa những che chướng.
Bằng cách chỉ nghĩ về vị thầy, lòng sùng mộ chí thành sẽ khởi lên, và con mắt của bạn sẽ tràn đầy những giọt nước mắt. Như Guru Rinpoche từng dạy:
Lòng sùng mộ trọn vẹn sẽ mang đến lực gia trì trọn vẹn;
Không hoài nghi sẽ mang đến thành công trọn vẹn.
Chính nhờ lòng sùng mộ như vậy mà sự chứng ngộ trí tuệ sẽ sinh khởi trong chúng ta. Mọi phẩm tính quý giá của Chín thừa, từ Thanh Văn thừa đến Đại Viên mãn vô song, đều sinh ra từ sự gia trì của đạo sư. Bởi vậy, lòng sùng mộ cần được nhận ra là hạt giống cơ bản, nguồn gốc để tiến bộ dọc theo con đường, để xua tan chướng ngại và một cách tuyệt đối đạt giác ngộ.
Phần này của Đạo sư Du già bắt đầu với một lời cầu nguyện đến Đức Liên Hoa Sinh, bắt đầu với những từ: “Jetsun Guru Rinpoche …,” nghĩa là “Ôi Guru Rinpoche, Bậc Cao quý …”
Nếu chúng ta cầu nguyện với sự nhiệt thành và với một lời cầu nguyện chí thành và xúc động như vậy, thì lực gia trì sẽ nhanh chóng đến. Khi chúng ta nói rằng, “Jetsun,” nó ám chỉ rằng Guru Rinpoche là sự hiện diện cơ bản giữa tất thảy chư Phật và Bổn tôn, và rằng ngài là Pháp chủ của mọi mạn đà la. Từ “guru” nghĩa là bậc “quan trọng,” điều này ám chỉ rằng vị thầy là người tràn đầy những phẩm tính của Phật quả. “Rinpoche” nghĩa là “viên ngọc vĩ đại.” Viên ngọc như vậy có sáu phẩm tính: hiếm có, hoàn hảo, oai hùng, tối thắng, bất biến và là sức trang hoàng của vũ trụ. Hãy thấy rằng, bên ngoài, vị thầy là hợp nhất của Tam Bảo: thân của ngài là Tăng, khẩu của ngài là Pháp, và tâm của ngài là Phật. Bên trong, ngài là hiện thân của ba gốc: thân của ngài là Lạt ma (hay Guru), khẩu của ngài là Yidam (Bổn tôn thiền định), và ý của ngài là Khandro (Dakini, Không hành nữ). Một cách bí mật, ngài là sự hợp nhất của ba thân: thân của ngài là Hóa thân, khẩu của ngài là Báo thân, và ý của ngài là Pháp thân. Vị thầy cũng là hợp nhất của mọi Bổn tôn, bởi không có một Bổn tôn nào không là sự hiển bày của Đức Liên Hoa Sinh. Trong cõi Tịnh độ vô song Akanishtha, ngài là vị Phật nguyên thủy Phổ Hiền. Ngài cũng là Kim Cương Trì hay Dorje Chang. Trong cõi Báo thân, ngài là Kim Cương Tát Đỏa và chư Phật trong năm bộ.
Trong cõi Tịnh độ Hóa thân, ngài là Phật Thích Ca Mâu Ni và Đạo sư Liên Hoa Sinh. Tóm lại, không có sự hiển bày của Đức Phật nào là tách biệt khỏi Guru Rinpoche, và bởi vậy cầu nguyện đến ngài tức là cầu nguyện đến tất thảy chư Phật.
Nếu chúng ta có thể cầu nguyện nhiệt thành đến Guru Rinpoche, ngài chắc chắn sẽ xua tan mọi chướng ngại và giúp chúng ta tiến bộ trên con đường. Mọi vị Phật đều có cùng một lòng từ bi và tình yêu thương dành cho hữu tình chúng sinh, nhưng trong vô số kalpa , ngài đã thực hiện nhiều lời cầu nguyện oai hùng để làm lợi lạc chúng sinh trong thời đại khó khăn, suy đồi này, những nạn nhân của dày vò. Nếu chúng ta chí thành cầu nguyện đến ngài, ngài sẽ nhìn chúng ta như đứa con nhỏ, và ngài sẽ xuất hiện ngay trước chúng ta từ cõi raksasa ở phía Tây Bắc.
Bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện đến Guru Rinpoche, chúng ta không nên chỉ nói suông những lời nguyện, mà hãy cầu nguyện thực sự từ trong tâm, từ trong máu thịt và với lòng sùng mộ chiếm trọn tâm mình. Để đạt được trạng thái Phật quả toàn tri, điều cần thiết là phải chứng ngộ bản tính trống rỗng của mọi hiện tượng, thông qua đó trí tuệ tự nhiên của Phật tính cơ bản sẽ được phát lộ. Trong thừa cơ bản của những đặc tính, cần ba đại kiếp tích lũy công đức để đạt được chứng ngộ như vậy. Nhưng nhờ con đường của lòng sùng mộ với vị thầy, thậm chí một cá nhân bình phàm cũng sẽ chứng ngộ trong một đời, nhờ sức mạnh của lòng sùng mộ và sự gia trì của đạo sư. Mặt khác, trông chờ chứng ngộ mà không có niềm tin và lòng sùng mộ giống như hy vọng mặt trời sẽ mọc lên từ một hang động hướng về phương bắc.
Chúng ta nên liên tục duy trì trong tâm rằng Guru Rinpoche là nơi quy y duy nhất, dù hạnh phúc hay khổ đau, dù trong cõi cao hơn hay thấp hơn. Không có mảy may ý nghĩ nào khác, chúng ta nên toàn tâm với ngài, như ném viên đá xuống hồ nước. Thời đại mà chúng ta đang sống, được gọi là “thời đại của năm suy đồi.” Tuổi thọ chúng ta ngắn hơn so với trong thời đại hoàng kim; đây là sự suy đồi về cuộc đời. Cũng hiếm khi thấy ai đó thực hành Pháp và hành vi của họ thực sự hòa hợp với Pháp; đây là sự suy đồi về nghiệp hay hành động. Thế giới của chúng ta liên tục bị tấn công bởi chiến tranh, nạn đói và bệnh tật, và chẳng có mấy hy vọng về hòa bình hay hạnh phúc; đây là sự suy đồi về thời đại. Tất cả, mọi nguyên nhân chính của suy đồi nói chung và những cảm xúc phiền não lớn lao quấy nhiễu chúng sinh: hận thù, tham luyến, ngu dốt, kiêu mạn và ích kỷ; đây là sự suy đồi liên quan đến các cảm xúc. Cuối cùng, chúng sinh thậm chí quay lưng lại với Pháp; đây là sự suy đồi về tri kiến. Chúng ta cần tỉnh dậy từ những điều kiện đau khổ và tuyệt vọng này; thay vì thấy nó là nguồn gốc của thích thú và hài lòng, chúng ta nên cảm thấy như con cá mắc vào tấm lưới. Chúng ta cần quay về với Guru Rinpoche, vị Phật hoàn hảo, người đã thề sẽ giúp đỡ chúng sinh trong thời đại suy đồi này, và khẩn cầu ngài với sự chí thành và mong mỏi: “Không còn hy vọng nào khác cho con ngoài ngài! Nếu ngài không bảo vệ con, con sẽ chìm sâu hơn vào đại dương khổ đau của luân hồi.” Đây là cách mặt trời từ ái của Guru Rinpoche, được tập trung lại nhờ lăng kính của lòng sùng mộ, sẽ làm cháy lên đống cỏ khô của sự ngu dốt và các cảm xúc phiền não của chúng ta.
Tác giả: Đức Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche