Tranh luận đôi khi nảy sinh giữa giáo lý Phật giáo và thái độ của phương Tây về sự tức giận. Khi chúng ta nói về sự tức giận, mô tả cách đối phó với nó, làm thế nào để không bị nó khống chế, và làm thế nào để buông bỏ nó, chắc chắn ai đó sẽ cho rằng “Tôi không nghĩ rằng tức giận là xấu hay chúng ta cần để thoát khỏi nó; nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.”
Một trong những vấn đề giữa cách hiểu về sự tức giận của Phật giáo và văn hóa phương Tây là giả định rằng từ “giận dữ” trong tiếng Anh cũng giống như cách sử dụng của Phật giáo. Thông thường, họ đang đề cập đến những trải nghiệm có phần khác biệt.
Thuật ngữ Phật giáo dosa thường được dịch là giận dữ. Nhưng có lẽ sẽ chính xác hơn nếu dịch nó là “sự thù địch”, với điều kiện là chúng ta nhận thức rằng sự thù địch có thể hiện diện trong những cảm xúc khác nhau, từ sự khó chịu nhỏ đến cơn thịnh nộ dữ dội. Mặc dù từ tức giận trong tiếng Anh có thể bao gồm sự thù địch, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Phương Tây có truyền thống lâu đời chấp nhận một số hình thức tức giận như là những phản ứng thích hợp, chẳng hạn như một sự phản kháng mạnh mẽ chống lại sự bất công.
Dosa thiêu cháy người đang tức giận. Giáo lý cổ điển của Phật giáo ví sự tức giận giống như việc cầm một cục than nóng đỏ. Đối với các Phật tử, hành động trên dosa không bao giờ là chính đáng; dosa là một hình thức đau khổ mà thực hành Phật giáo để chế ngự.
Một văn bản Phật giáo cổ đại ví dosa với “nước tiểu trộn với chất độc”. Ở Ấn Độ cổ đại, nước tiểu được coi là có dược tính; nó là khó chịu nhưng có lợi. Tuy nhiên, khi nước tiểu bị trộn lẫn với chất độc, vị thuốc khó chịu sẽ trở thành tác hại.
Dosa khiến mọi người bỏ quên lòng trắc ẩn, tránh xa lòng tốt và sự quan tâm. Chúng ta không nhất thiết phải tránh tức giận, nhưng chúng ta cần đề phòng bản thân không khóa chặt trái tim đối với người khác.
Làm thế nào chúng ta có thể làm việc với cảm xúc khó khăn này?
Thiền có thể rất hữu ích. Trong đó, chúng ta có thể trải nghiệm sự tức giận của mình mà không bị ức chế, phán xét hoặc giải thích. Có thể nhẹ nhõm khi khám phá ra khả năng chứng kiến sự tức giận mà không cần khiêng cưỡng đẩy nó đi hoặc bị cuốn hút vào nó. Trên thực tế, thiền có thể là nơi an toàn nhất để nổi giận, để học cách để nó tự do chảy qua chúng ta, mà không bị lên án hoặc tán thành.
Với chánh niệm không phản ứng làm nền tảng, chúng ta có thể khảo sát sự tức giận một cách sâu sắc qua cơ thể, cảm xúc và suy nghĩ. Sự tức giận có thể mở ra cho chúng ta một thế giới khám phá bản thân.
Sự tức giận có xu hướng hướng ra bên ngoài đối với một đối tượng, đối với người khác, sự kiện hoặc thậm chí các bộ phận của chúng ta. Trong thiền chánh niệm, chúng ta hướng tâm khỏi đối tượng của sự tức giận để quán sát nguồn gốc của sự tức giận và trải nghiệm chủ quan của sự tức giận.
Chúng ta có thể quán sát sự tức giận thông qua các cảm giác của cơ thể. Trải nghiệm tức giận trực tiếp có thể dẫn đến cảm giác nóng nảy, chấp thủ, buông lung hoặc tự cô lập. Hơi thở có thể trở nên nặng nhọc hoặc nhanh chóng và tim có thể đập mạnh. Vì những cảm giác này là trực tiếp và tức thì, nên việc chú ý đến chúng sẽ giúp giảm bớt mối bận tâm về đối tượng của cơn giận và câu chuyện tại sao chúng ta tức giận. Đổi lại, điều này giúp chúng ta có mặt đầy đủ hơn đối với sự tức giận trong và của chính nó.
Việc chuyển sự chú ý của chúng ta ra khỏi đối tượng của cơn giận là điều quan trọng bởi vì mặc dù các điều kiện làm phát sinh cơn giận có thể khác nhau, nhưng nguyên nhân trực tiếp của sự tức giận thù địch lại được tìm thấy bên trong người đang tức giận. Các nguyên nhân bao gồm sự chán ghét, chấp nhặt, oán giận, sợ hãi, phòng thủ và các phản ứng khác có thể không cần thiết và thường là nguồn gốc của nỗi đau lớn nhất trong một tình huống khó khăn. Một câu nói dân gian truyền thống nói rằng, “Một kẻ thù có thể làm tổn thương bạn về thể chất; nhưng nếu kẻ thù muốn làm tổn thương trái tim bạn, chỉ bằng cách làm bạn nổi giận. ”
Sự tức giận của thù địch dường như có nguồn gốc từ việc rút lui khỏi nỗi đau của chính chúng ta. Chúng ta có thể phản ứng với nỗi buồn, sự cô đơn, sợ hãi, thất vọng hoặc tổn thương của chính mình bằng cách hướng sự tức giận ra bên ngoài thay vì trải qua những cảm giác này. Học cách khám phá nỗi đau của chúng ta một cách trung thực và không phản ứng thông qua tâm trí và cảm giác cơ thể là một bước quan trọng để giải thoát.
Trong cuộc sống của chính mình, tôi đã học được rằng sự tức giận của tôi có hai nguyên nhân chính: sợ hãi và tổn thương. Khi tức giận, nếu thấy thích hợp, tôi loại bỏ bản thân khỏi hoàn cảnh và cố gắng lưu tâm đến những gì đang diễn ra ở nội tâm. Nếu tôi có thể tìm thấy nỗi sợ hãi hoặc tổn thương ẩn chứa trong cơn tức giận, thì (nếu có thể) tôi sẽ quay lại tình huống và nói từ góc độ của người bị tổn thương hoặc sợ hãi. Các cuộc trò chuyện có xu hướng hữu ích hơn khi tôi làm điều này, một phần vì tôi không đổ lỗi cho người khác. Điều này thường làm giảm khả năng phòng thủ hoặc phản ứng của người khác; họ thậm chí có thể có khuynh hướng tự nhận thấy trách nhiệm của mình.
Giận dữ luôn là một tín hiệu. Và chánh niệm giúp tiết lộ những gì nó báo hiệu. Đôi khi nó là một tín hiệu cho thấy có điều gì đó ở ngoại cảnh cần được giải quyết. Đôi khi, đó là một tín hiệu cho thấy có điều gì đó đang diễn ra ở nội tâm. Nếu không có gì khác, tức giận là một tín hiệu cho thấy ai đó đang đau khổ. Có lẽ đó là chính bạn. Hãy Ngồi yên giữa cơn tức giận và tìm giải thoát cho chính mình.
Gil Fronsdal
Việt dịch: Tâm Nghĩa Lê Hữu Đàng