Đạo Sư Padmakara sau đó nói với Vua Trisong Deutsen rằng:
“Để duy trì luật lệ hoàng gia, Ta, Padmakara, Vairochana, Namkhai Nyingpo, Atsara Yeshe cùng nhiều vị khác đã chuyển dịch các Mật chú phẫn nộ. Chúng ta đã dịch các Mật chú phẫn nộ và điều phục từ những ngôn ngữ gồm Uddiyana, Ấn Độ, Singala, Merutsey, Nê-pan, Sahor, Hashang, Sangling, Serling, Bhaita, Kashmir, ngôn ngữ biểu tượng của chư Dakini, ngôn ngữ ma quỷ của loài Dạ Xoa và La Sát và từ âm thanh diệu kỳ.
Ta đã thỉnh mời Hộ Pháp Pekar từ xứ Bhata Mông Cổ và bổ nhiệm ngài là bảo hộ kho tàng Samye.
Vì ngài, Đức Vua tôn quý, chúng tôi đã dịch nhiều giáo lý để thành tựu Phật quả trong một đời. Nhưng, bởi ngài thường bị lay động bởi sự xao lãng, ngài sẽ không thực hành giáo lý mà chỉ duy trì chúng như định nghiệp còn lại. Vào đời cuối cùng trong chuỗi 17 lần tái sinh, ngài sẽ gặp lại chúng. Vì thế, Ta cất giấu chúng như những kho tàng terma. Một vài người may mắn sẽ phát lộ kho tàng các Mật chú phẫn nộ này để bảo vệ Phật Pháp. Những người sinh ra vào bốn “năm mạnh mẽ” là: Sửu, Mùi, Tuất và Thìn, hay các “năm oai nghiêm” gồm Dậu hay Thân sẽ sở hữu tiềm năng nghiệp và không chết nếu họ khai mở những giáo lý này. Những người sinh ra vào sáu năm khác (1) (Sáu năm còn lại là Tý, Dần, Mão, Tỵ, Ngọ và Hợi.) thiếu khả năng phát lộ kho tàng và thậm chí nếu họ làm vậy, họ sẽ sớm qua đời. Bởi luật lệ bây giờ rất mạnh mẽ, không cần phải sử dụng phương pháp dữ dội như “bánh xe vòng đời, mưa đá và lời nguyền”, nhưng chúng sẽ cần thiết vào những thời đại đen tối, bởi thế Ta sẽ chôn giấu chúng trong các kho tàng terma.
Cách thức mà những kho tàng được chôn giấu như vậy. Trong mỗi kho tàng của Chùa Trung Tâm Ba Tầng, Ta chôn giấu một kho tàng trọng yếu cho Đức Vua. Đây là những kho tàng Pháp. Ta chôn giấu những kho tàng trọng yếu trong ba ngôi chùa đặc biệt, được xây dựng bởi ba Hoàng phi: Chùa Putsab Serkhang, Chùa Khamsum Đồng Đỏ (2) (Terma chứa đựng Tiểu sử Sanglingma được tìm thấy trong ngôi chùa này, Chùa Khamsum Đồng Đỏ, nơi hiện vẫn được duy trì tốt) và Chùa Gegye Jema. Trong hai Chùa Yaksha, Ta chôn một kho tàng terma. Tại mỗi nơi thuộc bốn chùa chính và tám chùa phụ, Ta chôn giấu một kho tàng. Cuối cùng, ở Chùa Pekar, và trong bốn chùa Hộ Pháp, Ta cất giấu một kho tàng pháp thuật. Trong các bảo tháp ở bốn phương, Ta chôn giấu một kho tàng Pháp màu trắng, một kho tàng pháp thuật màu đen, một kho tàng nghệ thuật, thủ công màu đỏ và kho tàng y dược màu vàng.
Tại ẩn thất Chimphu, Ta chôn dấu một kho tàng lớn lao về tâm đạo sư. Ở Chùa Kyerchu về phía Nam, Ta chôn giấu Mật Điển Đáp Ứng Mọi Nhu Cầu và Hiện Thân Của Tam Tạng. Ở Tsilung, Bumthang, Ta chôn giấu Minh Phi Tập Hội và mọi Mật Điển Mẹ khác. Ở Chùa Changtra Duntsey, Ta chôn giấu Yamantaka Đỏ Sậm và Mật chú phẫn nộ khác. Ở Tra Duntsey về phía Bắc và Kyor Duntsey, Ta chôn dấu 108 Mật chú phẫn nộ. Ở bên phải Changdram, Ta chôn giấu các bản văn về y dược, chiêm tinh và đá quý. Ở Chùa Tsi, Ta chôn giấu Mật Điển, Kinh Văn cùng nhiều chỉ dẫn.
Ở Longthang Dronma xứ Kham, Ta chôn dấu Không Hành Mẫu Thập Tam Mật Điển và Phổ Ba Súy Mật Điển. Trong chùa ở Gampo Lha Chukhar, Ta chôn dấu các giáo lý về thần thông và Mật chú phẫn nộ. Ở Yuru Tramdrug, Ta chôn dấu 13 Mật chú phẫn nộ. Ở Lhodrak Po-ting, Ta chôn dấu Tập Hội Chư Thiện Thệ cùng nhiều nghi quỹ Mamo và sợi chỉ giao chéo. Trong Động Sư Tử Taktsang, Ta chôn dấu những giáo lý để thành tựu Phật quả chân chính. Ở Đồng Cỏ Monkha, Ta chôn dấu các giáo lý Chiti Yoga và Tứ Phần Nhuệ Đao Đốn Ngộ. Ở Drag Yangdzong, Ta chôn giấu mọi nghi quỹ về Kilaya và Yamantaka. Ở Thành Vinh Quang xứ Lhodrak và Động Sư Tử Taktsang, Ta chôn dấu 100 Mật chú điều phục và 30 Mật chú phẫn nộ. Ở Động Thành Trì Phula, Ta chôn giấu các Mật chú phẫn nộ của bốn chị em Semo, Mật chú phẫn nộ bí mật, và một pháp Kilaya bí mật. Ở núi đá Dấu Ấn Móng Vuốt La Sát, Ta chôn giấu một kho tàng của chư Dakini. Trong Động Thang Trời Dài, Ta chôn giấu kho tàng Tâm Đạo Sư. Ở Núi Đá Trời Tuyết Phủ, Ta chôn giấu các pho nghi quỹ và chỉ dẫn về y học. Ở Động Trường Thượng, Ta chôn giấu các giáo lý về Phổ Ba Hàng Phục Chư Độc Long. Trong Động Vĩ Đại xứ Tsang, Ta chôn giấu các giáo lý về Pháp Chủ Trường Thọ Yamantaka và 21 Chogdung. Ở hẻm núi hẹp Shula Dragmo, Ta chôn giấu ba giáo lý liên quan tới Ging, ma vương và tinh linh Tsen.
Hơn thế nữa, trong tất cả những ngọn núi và đá thiêng, Ta chôn giấu 108 loại kho tàng nhỏ. Ta giấu chúng sau khi phát một lời nguyện vì lợi lạc cho những đệ tử tiền định. Khi những điều sau đây xảy ra, các terma này sẽ được phát lộ:
Khi người ta nguyền rủa và đeo trang sức đen không tốt lành, khi những trung tâm nghiên cứu pháp bị phá hủy và các ẩn thất bị thiêu cháy, khi những lời dạy linh thiêng bị đổi chác như hàng hóa và kẻ sát nhân có thể được miễn tội nhờ tiền bạc, khi người ta gây chiến và mặc giáp sắt, khi những vị thầy tâm linh trở thành thủ lĩnh của trận chiến và các tu sĩ bị giết bởi dao, khi xung đột bùng nổ ở những vùng đất thiêng và người ta xây dựng ẩn thất ở trung tâm thị trấn, khi những hành giả Mật thừa đánh nhau và bỏ thuốc độc vào đồ ăn, khi kẻ cai trị từ bỏ lời thề và chiến binh bị giết bởi đao kiếm, khi xứ Tây Tạng tan rã như áo giáp rời ra từng mảnh, khi cha – con đánh nhau và các thành viên trong gia đình đánh lộn với nhau, khi ma vương và quỷ Tsen được triệu hồi như các tinh linh chiến binh và kẻ cướp trông giữ những con đường, khi tinh linh Gongpo sở hữu tim người nam, tinh linh Senmo sở hữu tim người nữ, tinh linh Theu-rang xâm chiếm trẻ nhỏ và mọi người chịu ảnh hưởng bởi những thế lực tà ma, khi tám bộ trời và quỷ ma bị khuấy động, rồi bệnh tật, nạn đói xảy đến – đó là thời điểm khi ba dấu hiệu của việc không thể kiềm chế sẽ xảy ra: Trái Đất không thể giữ những kho tàng, bởi thế kho tàng Pháp, kho tàng của cải, vàng, bạc và nhiều đá quý được tìm thấy. Các Hộ Pháp không thể giữ được những ngôi đền được giao phó, vì vậy di sản giá trị của Tam Bảo sẽ bị cướp và đánh cắp. Các hành giả Phật Pháp sẽ không thể duy trì việc thực hành sadhana, do vậy họ sẽ buôn bán, làm giàu các giáo lý mà chính họ cũng không thực hành và từ sự ham muốn danh vọng, họ sẽ rao giảng chi tiết giáo lý cho kẻ khác trong khi bản thân mình lại không áp dụng được. Khi các biến cố này xảy ra, ngài sẽ gặp lại giáo lý và huấn thị của Ta.
Bệ Hạ, trong kiếp cuối cùng từ 16 hóa thân tái sinh sau này của ngài, ngài sẽ được sinh ra ở một nơi có hình dạng một con ngựa bị phanh xác còn tươi, được gọi là Tamshul, về phía Tây Nam từ đây. Sinh ra trong năm Thìn, ngài sẽ thuộc về một gia đình quý tộc và được tôn trọng bởi tất cả mọi người. Sở hữu sự thông tuệ và lòng từ bi trỗi vượt, ngài sẽ cực kỳ tinh tấn và có sự nỗ lực lớn lao trong thực hành, ngài sẽ có thể trì giữ các thệ nguyện samaya của mình một cách chính xác và chỉ có một mức độ nhỏ của tham ái. Ngài sẽ có lòng can đảm và ít dấn thân vào các cuộc nói chuyện phiếm vô bổ nhàn rỗi. Ngài sẽ có sự nhẫn nại và kìm chế trước sự vu khống từ người khác. Ngài sẽ sở hữu một tâm thức sắc bén và đáng tin cậy, công bằng và kiên nhẫn. Được sinh ra như một nhân vật như vậy, Bệ Hạ, ngài sẽ sở hữu tất cả những giáo lý mà Ta đã ban cho ngài lúc này và đạt giác ngộ ngay trong đời đó.
Vì ngài đã có một rạn nứt nhiễm ô từ một lần bị hư hoại cam kết thiêng liêng của mình bằng cách cho phép trục xuất Vairochana, Namkhai Nyingpo xứ Nub và các dịch giả khác, nên mọi người sẽ không tin những lời dạy của ngài. Thậm chí ngay cả những người có liên kết mạnh mẽ với các giáo lý cũng sẽ cùng loạt mất niềm tin. Vì lý do đó, ngài phải thực hiện nhiều sự sám hối và tịnh hóa trước những bậc thầy của ngài, những bậc tôn quý và bậc đạo sư”.
Khi thời điểm đó đến, nếu ngài làm theo lời khuyên của Ta như sau:
“Hãy chấp nhận pháp giới như là xứ sở thiết yếu của ngài và từ bỏ quê hương của mình.
Hãy đi tới những nơi nhập thất cô tịch trong rừng và những chốn xa xôi hẻo lánh như chốn cư ngụ thiết yếu của ngài và để ngôi nhà của ngài lại phía sau.
Hãy thực hành pháp tánh trống rỗng và chói sáng như thiền định thiết yếu của ngài và giữ mình trong sự ẩn cư.
Như ngôi nhà thiết yếu của ngài, hãy ở trong pháp giới vô hạn.
Như tri thức thiết yếu của ngài, hãy giữ sự chú tâm vào sự hiện diện của tâm thức và phát huy bản thân ngài trong thực hành tâm linh.
Như kho tàng thiết yếu của ngài, hãy thu thập sự giàu mạnh của ba thân trong bản tánh nền tảng tâm giác ngộ.
Như công đức thiết yếu của ngài, hãy đừng để thân, khẩu, tâm của ngài ở trong sự tầm thường dung tục, mà hãy thực hành Phật Pháp siêu diệu.
Như lời khuyên thiết yếu của ngài, hãy trông dựa vào những lời lẽ của Đấng Thiện Thệ và Đạo Sư của ngài.
Như người cha thiết yếu của ngài, hãy tỏ lòng tôn kính đến Đức Phổ Hiền Samantabhadra – lòng từ bi, và đối xử tốt lành với tất cả chúng sinh.
Như người mẹ thiết yếu của ngài, hãy tỏ lòng tôn kính đến Đức phối ngẫu Phổ Hiền Samantabhadri – lòng từ ái, và yêu mến tất cả chúng sinh như con cái của ngài.
Như người vợ thiết yếu của ngài, hãy thiền định không nhầm lẫn trên đại định samadhi của sự chói sáng và tánh không trống rỗng, đồng thời giữ sự đồng hành liên tục, không gián đoạn với người vợ này.
Như con cái thiết yếu của ngài, hãy quán tưởng năm gia đình Phật và thực hành các đại định samadhi giai đoạn phát triển và hoàn thiện.
Như sự giàu mạnh thiết yếu của ngài, hãy biên chép các kinh điển của các Đấng Thiện Thệ, và xem xét kỹ lưỡng cũng như giữ ý nghĩa của chúng trong tâm.
Như mảnh đất nông trại thiết yếu của ngài, hãy gieo trồng, trưởng dưỡng cánh đồng đức tin và dấn thân vào các hành động hòa hợp với Pháp.
Như đoàn tùy tùng thiết yếu của ngài, hãy để tâm tới các Dakini cùng chư Hộ Pháp và dâng lên các vị với những cúng dường lễ tiệc cũng như các torma.
Như thực phẩm thiết yếu của ngài, hãy nếm cam lồ mật hoa bất sinh của pháp tánh, và thực hành đại định bất biến.
Như đồ uống thiết yếu của ngài, hãy uống cam lồ những huấn thị khẩu truyền từ bậc đạo sư của ngài và hãy liên tục khẩn cầu đạo sư.
Như y phục thiết yếu của ngài, hãy nhận lãnh những quán đảnh cùng những cam kết thiêng liêng, và mang chúng tới sự hoàn thiện, viên mãn.
Như sự giải trí thiết yếu của ngài, hãy dấn thân vào đại định samadhi của phát tỏa và thu rút, đồng thời hãy tu tập trong sự phô diễn của giác tánh.
Như sự vui hưởng thiết yếu của ngài, hãy thực hành thiền định cùng nghi quỹ sadhana, và mang thân, khẩu, ý của ngài tới sự trưởng thành nhờ các giai đoạn tiến bộ của thực hành Pháp.
Như hình ảnh thiết yếu của ngài, hãy tu tập từng bước trong giai đoạn phát triển cũng như hoàn thiện và áp dụng chúng vào trong sự thực hành.
Như tinh thần chiến binh thiết yếu của ngài, hãy liên tục thực hiện những cúng dường tới vị bổn tôn trí tuệ.
Như vị giáo sĩ cung đình thiết yếu của ngài, hãy quán tưởng bậc đạo sư kim cương trên vương miện đỉnh đầu ngài và khẩn cầu tới bậc đạo sư ấy.
Như hoạt động thiết yếu của ngài, hãy sở hữu những kinh văn được sao chép và đưa chúng cho bất kỳ ai cần đến.
Như tấm gương thiết yếu của ngài, hãy nhìn vào Giáo Pháp thiêng liêng và phát huy bản thân ngài trong việc dâng lên những thỉnh cầu.
Như phòng thờ linh thiêng thiết yếu của ngài, hãy thiền định về thân ngài như là mạn đà la và quán tưởng Bổn Tôn.
Như món trang sức thiết yếu của ngài, hãy tu tập trong tứ vô lượng tâm và hành động vì lợi ích chúng sinh, không chút thiên vị hay thành kiến nào.
Như thực hành Pháp thiết yếu của ngài, hãy để tâm trí ngài ngơi nghỉ trong trạng thái bẩm sinh, không hư cấu của tánh không và sự chói sáng.
Như samaya thiết yếu của ngài, hãy liên tục nhìn vào tâm thức ngài và hiển lộ sự thuần khiết bản chất của nó.
Như huấn thị thiết yếu của ngài, hãy giữ cho tâm tánh ngài tự do khỏi sự dối trá và đạo đức giả, hãy thiền định về lời khuyên khẩu truyền của dòng truyền thừa nghe.
Như mạn đà la thiết yếu của ngài, hãy không ngừng để cho tâm ngài ngơi nghỉ trong trạng thái bẩm sinh.
Như cái thấy thiết yếu của ngài, hãy nhìn vào pháp thân bất biến và nhận ra khuôn mặt tự nhiên của ngài.
Như sự thiền định thiết yếu của ngài, hãy thực hành bổn tôn yidam của sự không sinh khởi và trở nên ổn định trong trạng thái bẩm sinh.(1)
(Trong Những Biên Niên Sử Tràng Hoa Vàng Ròng, Đức Padmasambhava thay vì như trên, Ngài nói: “Như sự thiền định thiết yếu của ngài, hãy thực hành tâm tỉnh giác tối hậu và ổn định trong trạng thái bẩm sinh, tự nhiên”.)
Như đạo hạnh thiết yếu của ngài, hãy hành động mà không chấp nhận hay chối bỏ và tự do khỏi sự ràng buộc, dính mắc.
Như quả thiết yếu của ngài, hãy đừng tìm kiếm kết quả ở nơi nào khác, vì ba thân là vốn sẵn, bẩm sinh ở trong chính ngài.
Nếu ngài thực hành như vậy, ngài sẽ đạt tới Phật quả trong Cõi Cực Lạc Sukhavati ngay sau kiếp sống đó bằng cách nhận lấy sự tái sinh trong nhụy một bông hoa sen”.
Như vậy, Đức Padmakara đã ban lời tiên tri này cho Vua Trisong Deutsen.
Đạo Sư Padma đã cất giấu những lời dạy như các kho tàng terma và đã đưa ra những tiên tri xa hơn nữa cho nhà vua.(1)
(Các tiên tri dự báo thì không bao gồm trong Sanglingma, mà xuất hiện trong Những Biên Niên Sử Tràng Hoa Vàng Ròng, (trang 570-581). Những lời tiên tri bao gồm các điềm báo trước rằng sự xuất hiện của 100 vị terton, những bậc thầy phát lộ các giáo lý ẩn mật của Đức Padmasambhava vào những thời điểm định mệnh của họ. Một số vị nổi tiếng được biết đến như sau: Sangye Lama, bậc được coi là vị terton đầu tiên, Dangma Lhungyal, Drapa Ngonshey, Nyang Ral Nyima Oser, Guru Chowang, Sangye Lingpa, Rinchen Lingpa, Orgyen Lingpa, Drimey Oser (Longchen Rabjam), Ratna Lingpa, Chojey Lingpa, Terdag Lingpa, Kunkyong Lingpa, Do-Ngag Lingpa, Tennyi Lingpa, Dorje Lingpa, Pema Lingpa, Leytro Lingpa, Shikpo Lingpa, và Dechen Lingpa).
Vua Trisong Deutsen vô cùng hoan hỷ và dâng lên cúng dường cùng lễ lạy.
Đạo Sư Padma sau đó an trụ trong thiền định ở Chimphu, và Vua Trisong Deutsen đã cai trị phù hợp theo luật lệ thế tục cùng tôn giáo.
Theo cách này, Đức Vua thiết lập nền móng cho Samye vào năm Dần và hoàn thành việc xây dựng vào năm Ngọ. Vào năm Mùi, Phật Pháp được chuyển dịch. Năm Sửu, ở tuổi 56, ngài được nói là sẽ qua đời nhưng nhờ những nghi lễ chữa lành, ngài đã sống thêm 13 năm. Ngài qua đời ở tuổi 69 vào năm Dần, không mang theo nhiều kẻ hầu cận. Ngài để lại di chúc cho các thượng thư và thần dân. Sau khi qua đời, ngài tan biến vào tim Đức Văn Thù.
Đây là chương hai mươi mốt trong tiểu sử hoàn hảo của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, kể về cách Đại Sư chôn giấu giáo lý và chỉ dẫn như các kho tàng và ban những tiên tri cho Đức Vua.
Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Liên Hoa Trí
Trích: Đấng Sinh Trong Hoa Sen – Tiểu Sử Cuộc Đời Đức Liên Hoa Sinh