Lời người dịch:
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh. Thật khó để bất kỳ một ai có thể thông tuệ được tất cả các Pháp của ngài. Bởi vậy một điều tôi luôn tâm niệm là trước hết phải tôn trọng mọi giáo pháp, phương pháp thực hành của mọi tông phái Phật giáo. Bởi đó chính là giáo pháp của đức Phật. Nếu chưa thấu hiểu, những người con Phật nên gặp gỡ, trao đổi, tránh vội vàng quy kết nhau bởi tất cả chúng ta đều đang thực hành giáo pháp của đức Thế Tôn. Ngày nay Kim Cương thừa đang phát triển ở cả phương diện Nội điển và sự thực hành. Do đó luận giải một số lý nghĩa, phương pháp căn bản của Kim cương thừa, tôi cho là rất quan trọng.
Mỗi năm Lama Zopa Rinpoche nhận được hàng ngàn lá thư từ những Phật tử mong có được những khai thị thâm sâu về Phật pháp. Rinpoche đã ban rất nhiều lời dạy về nhiều chủ đề khác nhau ứng với những thỉnh cầu của những Phật tử. Chủ đề bậc Thầy trong truyền thống Kim cương thừa được ngài đề cập tới rất nhiều, từ vấn đề vai trò, phẩm hạnh của các ngài, tới tâm chí thành lên bậc Thầy, những luận giải sâu sắc về quan kiến, phương pháp tu tập với bậc Thầy v.v… Trong bức thư này, Lama Zopa Rinpoche đã ban lời dạy cho một người đệ tử khi được thỉnh cầu về những phẩm hạnh của một bậc Thầy trong Kim cương thừa.
Xin được thành tâm cầu nguyện những người con Phật hòa hợp cùng thực hành theo chính Pháp!
“Simon thân,
Cảm ơn con rất nhiều vì đã gửi thư tới thầy, thầy xin lỗi vì đã phản hồi chậm,
Liên quan tới vấn đề 10 phẩm hạnh của một bậc Kim cương thượng sư, có mười phẩm hạnh bên ngoài trong tantra bên ngoài và mười phẩm hạnh bên trong ở tantra tối thượng. Con có thể tìm học trong Guru Puja và trong bài luận Lam-rim (Giải thoát trong lòng bàn tay, Lam-rim Chen-mo, v.v…). Sẽ rất lợi lạc nếu con đọc, tư duy và thực hành những giáo huấn này. Ngoài ra, con có thể tìm học chủ để này trong bộ luận 50 câu kệ về Tâm chí thành tới Kim cương Thượng sư.
Có những phẩm hạnh mà bậc Thượng sư cần phải có và những phẩm chất mà người đệ tử cần có. Những phẩm hạnh tối thiểu một bậc Thượng sư cần có là thuộc một dòng truyền thừa quán đỉnh mà ngài đang truyền trao và thực hành hợp giới nguyện samaya, giới nguyện Kim cương thừa, và các Bản tôn không ngăn ngài truyền trao quán đỉnh thông qua nhiều phương tiện, ví như thị hiện các dấu hiệu bất tường, v.v…
Con có thể đọc và tư duy mục Guru Puja bao gồm những phẩm hạnh của các Thượng sư (Mục này bắt đầu bằng câu “Ngài là Kim cương thượng của con, là Bản tôn của con …”.
Trước hết, nói đến mười phẩm hạnh của một bậc thầy Đại Thừa, đó là:
– Tinh nghiêm giới luật là kết quả của sự rèn luyện thuần thục và làm chủ kỷ luật nội tâm;
– Tâm tĩnh tại do rèn luyện thiền định sâu sắc; an bình tất cả các phiền não và những trở ngại do rèn luyện tuệ giác;
– Thông tuệ hơn những đệ tử trong các chủ đề mình truyền trao; nhẫn nại, tinh tiến và hoan hỷ khi truyền trao giáo pháp;
– Là một kho tàng tri thức nội điển; Có sự nội quán sâu sắc và trí tuệ tính không; Thiện xảo khi truyền trao giáo pháp;
– Có tâm từ bi rộng lớn;
– Và khi gặp đệ tử có căn cơ hạn chế, Thầy không miễn cưỡng truyền pháp hay làm việc lợi lạc cho họ.
Nếu một bậc Thầy không có đủ tất cả mười phẩm hạnh như trên thì có năm, sáu hay bảy phẩm hạnh cũng là đầy đủ, quan trọng là thông tuệ hơn người đệ tử, và có tâm từ bi rộng lớn.
Một bậc Thầy trong Kim cương thừa thậm chí đòi hỏi phải có những phẩm hạnh to lớn hơn. Quan trọng nhất là bậc Thầy có dòng tâm vô cùng an định, làm chủ hoàn toàn và tự tại với thân, khẩu, ý của mình. Sự hiện diện của Thầy mang lại sự an bình, tĩnh tại và niềm hoan hỷ, thậm chí chỉ cần thoáng qua sự hiện diện đó cũng mang lại niềm hỷ lạc to lớn. Và như vậy có nghĩa tâm từ bi của ngài rộng lớn không bờ mé.
Có hai thứ lớp trong mười lĩnh vực mà một bậc Kim cương thượng sư cần có. Mười phẩm hạnh thiết yếu bên trong để truyền trao hai thứ lớp Tantra là Yoga và mahaanuttara tantra, những giáo pháp chú trọng tịnh hóa dòng tâm thức. Các năng lực này bao gồm:
– Quán tưởng pháp luân hộ trì và tiêu trừ những chướng ngại;
– Chuẩn bị và thánh hóa pháp khí hộ trì; trao truyền quán đỉnh bình và bí mật, khơi dậy những hạt giống nơi người thọ nhận giúp chứng đạt sắc thân của những vị Phật; trao truyền quán đỉnh khẩu và trí tuệ, khơi dậy những hạt giống nơi người thọ nhận, giúp chứng đạt tuệ thân của một vị Phật;
– Ngăn tách các kẻ thù gây hại Pháp ra khỏi các hộ pháp; cúng dường, ví như các torma;
– Trì tụng chân ngôn bằng khẩu và tâm, quán tưởng các chủng tử tự xoay quanh luân xa tim;
– Cử hành các nghi thức phẫn nộ, để một cách đầy uy lực làm an định dòng tâm của các Bản tôn thiền định và Hộ pháp;
– Khai quang tôn tượng và những hình ảnh; cúng dường mạn-đà-la, cử hành các nghi quỹ (sadhana) và quán đỉnh tự thân.
Mười năng lực bên ngoài thiết yếu để truyền trao hai thứ lớp tantra là kriya và charya tantra, giáo pháp đặt trọng tâm tịnh hóa các pháp bên ngoài ứng hợp với các tiến trình của dòng tâm. Các năng lực này bao gồm:
– Vẽ, kiến lập và quán tưởng Mạn-đà-la, cảnh giới tịnh độ của các Bản tôn;
– Duy trì các giai đoạn thiền định; cử hành các mật ấn (mudras); phô diễn các nghi thức vũ điệu; an tọa trong tư thế thiền định Vairochana;
– Trì tụng chân ngôn, giáo pháp phù hợp hai thứ lớp tantra;
– Cúng dường hỏa tịnh;
– Cử hành các nghi thức:
a) Tức tai, các tranh chấp, nạn đói và dịch,
b) Tăng ích, giúp tăng tuổi thọ, tri thức và tài bảo,
c) Kính ái, năng lực cảm hóa tha nhân; và
d) Hàng phục, năng lực phẫn nộ hàng phục các thế lực hắc ám gây nhiễu hại; và triệu thỉnh các Bản tôn thiền định và hòa nhập, hướng dẫn trở lại đúng trụ xứ của mình.
Lama Tsongkhapa đã luận giải rằng trong thời mạt pháp này rất khó hạnh ngộ các vị Thượng sư có tất cả những phẩm hạnh nêu trên, bởi vậy nếu một bậc Kim cương thượng sư không có đầy đủ những phẩm hạnh như trên mà chỉ cần có hai, năm, hoặc thậm chí tám cũng là đầy đủ.
Như thầy đã chia sẻ ở trên, những phẩm hạnh thiết yếu mà một kim cương thượng sư cần có là có truyền thừa quán đỉnh mà ngài đang truyền trao, sống hợp với giới nguyện samaya và giới nguyện Kim cương thừa, và các vị Bản tôn không ngăn ngài ban quán đỉnh, ví như thị hiện các dấu hiệu ngăn cản, v.v…
Bởi con đã được thọ nhận quán đỉnh tantra cao cấp nhất từ Denma Locho Rinpoche, nên ngài là Thượng sư của con. Bất cứ thời điểm nào, khi con nhận giáo pháp với sự thấu hiểu rằng mình là người đệ tử và bậc thầy là Kim cương thượng sư, khi ấy, ngay cả khi bậc thầy chỉ ban một vài huấn từ, một câu kệ, hay một chân ngôn, ngài cũng chính là thượng sư của con và điều này mãi mãi không thay đổi. Sau khi đã kết nối giáo pháp của Thượng sư và đệ tử, nếu con từ bỏ giáo pháp, thì sẽ là một ác nghiệp tồi tệ nhất, một trở ngại lớn nhất cho sự phát triển tâm linh của con. Nó mang đến những trở ngại nặng nề và một trải nghiệm, đặc biệt là vào thời điểm khi chết, có số khổ đau trong những cõi thấp và cõi địa ngục xuất hiện.
Theo các kinh văn, những lời dạy của Đức Phật, trong giáo pháp lam-rim, nếu một đệ tử đã biết nhớ nghĩ, tán tán phẩm hạnh của thượng sư, mà sau đó sân hận và phát sinh tà kiến, rồi chỉ trích Thượng sư, thì có nghĩa người đó đang phạm phải ác
Nhiều giáo pháp Kim cương thừa như tời luân Kim cương (Kalachakra)và Mật tập Kim cương (Guhyasamaja) đã dạy rằng, ngay cả nếu một người đã phạm phải năm tội ngũ nghịch, người đó vẫn có thể thành tựu được Thượng thừa cao quý trong đời này, nhất là giáo pháp maha-anuttara.
Con đường này bao chứa những phương tiện thiện xảo nhất để ban sự giác ngộ trong một đời ngắn ngủi của con người ngay ở những thời mạt pháp. Nhưng nếu người đó thực sự chỉ trích các Thượng sư thì ngay cả khi họ thực hành giáo pháp thượng thừa, họ cũng sẽ không thể đạt được mục đích này.
Lama Tsongkhapa trong giáo pháp Lam-rim đã nhắc nhỏ rất rõ ràng rằng, ngay cả một ý nghĩ khởi lên rằng bậc Kim cương thượng sư là người phàm cũng trở thành một nhân dẫn đến đánh mất sự chứng ngộ, có nghĩa là nó cũng sẽ trở thành một trở ngại cho việc trưởng dưỡng đạo tâm.
Điều quan trọng nhất là phải biết học hỏi, tư duy càng nhiều càng tốt trước khi kết nối Pháp. Khi đã chính thức thừa nhận kết nối giữa thượng sư và đệ tử, thì có nghĩa dòng Pháp được thiết lập, kể từ thời điểm đó mãi mãi không có sự thay đổi. Người đệ tử phải có một mối liên hệ mới với thượng sư của mình, đó là một thế giới khác, một quan kiến mới và thanh tịnh khi nhìn vào bậc Thượng sư của mình.
Pabongka Dechen Nyingpo, bậc giác ngộ vĩ đại, ngài chính là bản tôn Heruka, đã dạy rằng nếu ai có thể ngăn chặn tất cả những dòng tâm lầm sai và chỉ nhìn thấy những phẩm hạnh giải thoát của Thượng sư, coi Thương sư chính là Đức Phật, thì người đó có thể chứng đạt giác ngộ trong một đời. Với việc thành tựu quan kiến thấy hết thảy chư Phật là Thượng sư và tất thảy Thượng sư là Phật, người đó sẽ chứng đạt giác ngộ. Lời dạy này được nhắc tới trong tất cả bốn truyền thừa hệ Tạng truyền, trong cả Kinh điển và Tantra.
Phạm phải những sai lầm, phát sinh tà kiến, sân giận, chỉ trích, và từ bỏ những bậc Kim cương thượng sư sẽ nhân để người đó không thể tìm được một vị thầy tâm linh trong những đời sống tương lai. Trong Pháp Vị Cam lồ đã dạy rằng, người đó sẽ không bao giờ có thể nghe thấy âm thanh của giáo pháp nhiệm màu, chứ chưa nói gì đến tìm được một thiện tri thức, một bậc đạo sư trong tất cả các đời của mình.
Nếu một người đệ tử, trong dòng tâm còn nhiều che chướng của mình, khởi hiện cái nhìn lầm sai vào hành động của Kim cương thượng sư, thì người đó phải lập tức nhận ra đây chính là lầm sai của bản thân và từ bỏ nó giống như từ bỏ thuốc độc vậy. Với chính kiến này, hãy có quan kiến thanh tịnh nhìn bậc Thầy chính là Phật, là bậc đã hoàn toàn vô nhiễm với những bất tịnh và sở hữu những phẩm hạnh giác ngộ.
Nếu Kim cương thượng sư muốn con làm một việc, và con thấy không có khả năng thực hiện cào thời điểm đó, tâm thức của con chưa đạt tới mức độ đó, thì với một dòng tâm thanh tịnh như vậy, với một chính kiến như vậy, con hãy thỉnh cầu một cách chân thật lên Thượng sư là mình chưa có khả năng làm điều đó, và như vậy hãy cố gắng thỉnh cầu ngài cho phép mình không phải làm điều đó nữa.
Đây là những giáo huấn được dạy trong Năm mươi Câu kệ về Thượng sư và giới Luật. Nếu Thượng sư dạy một điều gì mà người đệ tử thấy dường như không hợp với Pháp, người đó có thể thỉnh cầu cho phép không phải làm. Trong kinh văn cũng chỉ rõ, không được có những tư tưởng tiêu cực hay chỉ trích, lên án Bậc thầy. Đây là cách con đối trị những rắc rối mà không biến chúng thành chướng ngại cho sự trưởng dưỡng đạo tâm. Tất nhiên, như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhắc nhở rất nhiều lần rằng, nếu mối liên hệ giữa một Thượng sư và đệ tử đặc biệt đến vậy, thì người đệ tử nên làm mọi điều mà bậc thượng sư dạy, giống như những tấm gương giữa tổ Tilopa và Naropa, Marpa và Milarepa, và v.v..
Thầy mong nguyện đây là câu trả lời phù hợp cho những thỉnh cầu của con. Con nên học hỏi những luận giảng Kim cương thừa từ những bậc thầy đầy đủ phẩm hạnh, ví như Đức Đạt Lai Lạt Ma, và trong tương lai, nếu con cầu nguyện tha thiết, con cũng sẽ có thể thọ nhận được giáo pháp Kim cương thừa trực tiếp.
Gửi tới con những lời cầu nguyện chân thành!”
Đức Lama Zopa Rinpoche
La Sơn – Phúc Cường trích dịch.
Nguồn: Lama Yeshe.com